Quảng Ninh tạo bước đột phá nền hành chính, ứng dụng sâu rộng CNTT trong quản lý, điều hành

Trường Thanh| 14/09/2021 07:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp 1.862 dịch vụ công, trong đó 557 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt 30%) và 1.102 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 60%). Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 555 dịch vụ, đạt tỷ lệ 35,7%.

Những kết quả quan trọng

UNBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhờ quyết liệt của UBND tỉnh, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử trong quý 2/2021 đã đạt được kết quả quan trọng và hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

Quảng Ninh tạo bước đột phá nền hành chính, ứng dụng sâu rộng CNTT trong quản lý, điều hành - Ảnh 1.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, tổng số TTHC của toàn tỉnh là 1.866 TTHC, trong đó có 1.477 TTHC cấp tỉnh, 278 TTHC cấp huyện, 111 TTHC cấp xã. 100% TTHC đã được đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cấp xã; quy trình nội bộ giải quyết TTHC, bảo đảm phân rõ trách nhiệm, rõ thời gian giải quyết.

Số lượng TTHC được thực hiện "4 tại chỗ" ở một số lĩnh vực đạt tỷ lệ cao như: thông tin và truyền thông (100% ở cả cấp tỉnh và cấp huyện); văn hóa và thể thao (97,96% cấp tỉnh và 100% cấp huyện); công thương (95,3% cấp tỉnh và 100% cấp huyện); giao thông vận tải (86,7% cấp tỉnh và 100% cấp huyện); tư pháp (80,3% cấp tỉnh và 100% cấp huyện), …

Trong quý 2/2021, Quảng Ninh đã ban hành 4 quyết định công bố danh mục TTHC, 34 văn bản QPPL. Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành là 1.477 TTHC. 100% TTHC được các cơ quan, đơn vị, địa phương niêm yết, công khai theo quy định tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, huyện, trụ sở cơ quan, đơn vị tiếp nhận giải quyết TTHC, công khai trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo mức độ thực hiện của từng TTHC.

Các cơ quan, đơn vị căn cứ kế hoạch kiểm soát TTHC của tỉnh đã rà soát, đơn giản hóa TTHC, chủ yếu tập trung rút ngắn thời gian giải quyết TTHC khi trình UBND tỉnh công bố danh mục TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Một số Sở, ngành có kết quả rà soát đạt tỷ lệ cao như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rút ngắn 50% thời gian giải quyết của 108/108 TTHC; Sở Công Thương rút giảm 55,69% thời gian giải quyết của 128/128 TTHC; Sở Văn hóa và Thể thao cắt giảm thời gian của 15/17 TTHC.

Số phản ánh, kiến nghị UBND tỉnh đã tiếp nhận trong quý 2/2021 không cao, chỉ có 02 phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính; trong đó có 01 phản ánh kiến nghị lĩnh vực y tế đã được xử lý và đăng tải và 01 phản ánh, kiến nghị lĩnh vực đất đai vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Việc giải quyết TTHC trong kỳ báo cáo cơ bản được các sở, ban, ngành quan tâm giải quyết. Có 252.260/270.990 hồ sơ đã được giải quyết (trong đó có 133.729 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn, 310 hồ sơ quá hạn) và 18.730 hồ sơ trong hạn đang giải quyết.

Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh rất quan tâm đến việc xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt trong thời gian gần đây là đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. UBND tỉnh đã ban hành danh mục các TTHC cung cấp bổ sung dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Quảng Ninh năm 2021.

Đến nay, đã cung cấp 1.862 dịch vụ công, trong đó 557 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt 30%) và 1.102 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 60%). Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 555 dịch vu, đạt tỷ lệ 35,7%.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ninh (Báo cáo số 127/BC-UBND), các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện việc kiểm soát TTHC theo đúng kế hoạch đề ra. Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần giữ vững vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính PAR Index những năm gần đây.

Tiếp tục tạo bước đột phá nền hành chính, ứng dụng sâu rộng CNTT trong quản lý, điều hành

Cuối tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức, Quảng Ninh đồng thời được vinh danh là quán quân của cả 2 chỉ số này.

Trong đó, chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh đạt 91,04 điểm trên thang điểm 100, tăng 0,95 điểm so với năm 2019, cao hơn 0.53% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng (đạt 90.51) và là một trong 2 địa phương nằm trong nhóm A (trên 90 điểm). Nếu như đối với chỉ số PAR INDEX, Quảng Ninh đã giữ vững được thành quả ngôi vị đứng đầu liên tiếp 4 năm liền thì sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tiếp tục tăng lên khi chỉ số SIPAS lần thứ 2 xướng tên Quảng Ninh ở vị trí cao nhất, với điểm số 95,76%, tăng 0,5% điểm so với năm 2019.

Quảng Ninh tạo bước đột phá nền hành chính, ứng dụng sâu rộng CNTT trong quản lý, điều hành - Ảnh 2.

Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2020. (Nguồn: baoquangninh.com.vn).

Kết quả xếp hạng chỉ số PAR INDEX và SIPAS năm 2020 tiếp tục mang đến bức tranh toàn diện về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, khẳng định niềm tin của nhân dân với chính quyền và đặc biệt là sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; phản ánh chính xác, khách quan hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước của tỉnh, nhất là trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Điểm nổi bật trong chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh năm 2020 là các chỉ số thành phần có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019. Đáng chú ý nhất là chỉ số thành phần Tác động của cải cách hành chính đến người dân, doanh nghiệp (đạt 90,98) và chỉ số thành phần Cải cách thủ tục hành chính các tỉnh, thành phố (đạt 99,98) vươn lên vị trí cao nhất toàn quốc.

Đối với chỉ số SIPAS, các nội dung đánh giá tỷ lệ hài lòng về tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả giải quyết; tiếp nhận, giải quyết góp ý, kiến nghị, đều đạt điểm số từ 92,69% đến 98,34%. Các chỉ số quan trọng phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính, như: Việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc; vấn đề bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực... của tỉnh đều ở mức thấp.

Quảng Ninh tạo bước đột phá nền hành chính, ứng dụng sâu rộng CNTT trong quản lý, điều hành - Ảnh 3.

Quảng Ninh là địa phương có mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính cao nhất cả nước năm 2020. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Phát biểu tại hội nghị công bố các chỉ số PAR-INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh: Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược; xây dựng chính quyền liêm chính, thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiện đại.

Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả cuộc CMCN lần thứ 4; tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng sâu rộng CNTT trong quản lý, điều hành; thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới các cơ quan nhà nước "không giấy tờ".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh tạo bước đột phá nền hành chính, ứng dụng sâu rộng CNTT trong quản lý, điều hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO