Sớm đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng do Nhà nước định giá

Minh Tuấn| 15/05/2020 09:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa ban hành Thông báo 178/TB-VPCP, theo đó, yêu cầu sớm đưa sách giáo khoa (SGK) vào Danh mục hàng do Nhà nước định giá.

Tại Thông báo này, Thủ tướng yêu cầu VPCP sớm hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ xem xét phê duyệt, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, đưa mặt hàng SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm bảo đảm công bằng trong biên soạn, sử dụng sách giáo khoa theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014; giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của phụ huynh, học sinh. 

Sớm đưa sách giáo khoa vào Danh mục hàng do Nhà nước định giá - Ảnh 1.

Sớm đưa SGK vào Danh mục hàng do Nhà nước định giá (Ảnh minh họa)

Đối với SGK lớp 1 phục vụ năm học 2021 - 2022, trước mắt thực hiện theo quy định hiện hành. Đồng thời, theo thông báo, các NXB phải rà soát phương án giá đã kê khai, trong đó đề nghị kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Yêu cầu đổi mới phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế.

Đồng thời, Nghị quyết yêu cầu đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.

Việc đổi mới chương trình,SGK giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sớm đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng do Nhà nước định giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO