Theo đó, mục tiêu Kế hoạch đặt ra là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển bền vững. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng quy định đảm bảo ATTP (xếp loại A/B) đạt 98% trở lên; 90% số cơ sở xếp loại C được tăng lên hạng A/B.
Năm 2021, toàn tỉnh duy trì và phát triển ổn định 194 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, phấn đấu tăng 30% số chuỗi so với năm 2020 trở lên; diện tích, sản lượng nông sản, thủy sản thực phẩm an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tăng 20% so với năm 2020 trở lên; Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2020; Tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu năm 2021, 100% văn bản, kế hoạch, đề án về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh được xây dựng, ban hành theo đúng kế hoạch; 100% nhiệm vụ, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản được thực hiện.
Sơn La đang đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của ngành nông nghiệp tại các hội chợ. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Để đạt được những kết quả đề ra, UBND đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn tiếp diễn; Tiếp tục nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.
Đồng thời, tích cực triển khai các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; Duy trì triển khai các chương trình giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản; Kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử phạt các hành vi vi phạm ATTP theo quy định. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn…
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông tin quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP và truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy, lực lượng quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao năng lực kiểm soát ATTP trong các chuỗi giá trị nông sản.
Thời gian vừa qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, các ngành cũng đã đồng bộ vào cuộc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP. Trong đó, tích cực tuyên truyền, quảng bá nông sản an toàn thông qua các hội nghị, hội thảo, phiên chợ, hội chợ. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia các gian hàng, phiên chợ, tuần lễ nông sản an toàn tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể cũng đã vận động hội viên, đoàn viên không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông thủy sản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng"; thực hiện "sản xuất rau sạch, rau an toàn", "không giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không an toàn"; xây dựng mô hình nhóm liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn, VietGAP; tổ chức hội thi "Phụ nữ Sơn La với công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm"; gắn thực hiện công tác ATTP với cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"...