Startup Loship của Việt Nam muốn mở rộng hoạt động sang Lào, Campuchia

Hoàng Linh| 26/02/2021 17:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Loship, startup giao hàng theo yêu cầu của Việt Nam, đang thúc đẩy các kế hoạch mở rộng với vòng đầu tư Series C.

Loship, công ty vận hành nền tảng giao hàng theo yêu cầu cũng như cổng thương mại điện tử (TMĐT) giữa khách hàng với khách hàng (C2C), cho biết đã huy động được số tiền tài trợ không được tiết lộ trong vòng Series C do người đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn dẫn đầu, người đã tham gia thông qua kênh đầu tư MetaPlanet Holdings của mình.

Công ty dự kiến sẽ tận dụng các khoản tiền mới để mở rộng dịch vụ giao hàng trong một giờ đến các thành phố cấp thấp hơn ở Việt Nam.

Startup Loship của Việt Nam muốn mở rộng hoạt động sang Lào, Campuchia - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Trung - nhà sáng lập & CEO Loship (Ảnh: theleader.vn)

Chia sẻ với KrASIA,  CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung, người đã lọt danh sách top 30 Under 30 châu Á của Forbes cho biết: "Một phần lớn đầu tư sẽ được sử dụng để nâng cấp ứng dụng của chúng tôi và tăng năng lực công nghệ của chúng tôi lên 3 lần. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường các chiến lược tiếp thị để củng cố chỗ đứng của mình tại các thị trường hiện tại".

Loship bắt nguồn từ Lozi, một ứng dụng đánh giá và hướng dẫn nhà hàng nhắm mục tiêu đến người dùng thế hệ Z (những bạn trẻ sinh năm 1996 trở đi) và thế hệ trẻ. Lozi đã chuyển hướng thành nền tảng TMĐT C2C xã hội vào năm 2015 và mở rộng dịch vụ giao hàng nội thành bằng cách thành lập Loship vào năm 2017.

Hiện tại, Loship kiểm soát đội xe gồm hơn 70.000 tài xế và 200.000 thương nhân, phục vụ 2 triệu khách hàng tại 5 thành phố lớn ở Việt Nam, bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Biên Hòa. Nguồn doanh thu chính của Loship đến từ tiền hoa hồng, phí giao hàng, quảng cáo, cung cấp nguyên liệu cho các thương gia, theo CEO Nguyễn Hoàng Trung.

Tuy không tiết lộ thị phần nhưng CEO Nguyễn Hoàng Trung cho biết thêm rằng Grab hiện đang dẫn đầu tại các thành phố cấp 1 như TP. HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, Loship lại là người "thống trị" ở các thành phố cấp thấp hơn.

Là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh trong khu vực, lĩnh vực TMĐT của Việt Nam dự kiến sẽ đạt giá trị 23 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo e-Conomy Đông Nam Á 2019 của Google, Temasek Holdings và Bain.

Mong muốn mở rộng hoạt động sang Lào và Campuchia

Cả lĩnh vực TMĐT và giao hàng theo yêu cầu đều đang cạnh tranh khốc liệt, với những cái tên đáng chú ý như Grab và Gojek đang giữ vị trí dẫn đầu. Một số công ty khởi nghiệp đã mọc lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, trong đó có công ty giao đồ ăn do Sea Group hậu thuẫn Now.vn và nền tảng giao hàng tức thời HeyU.

"Chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa ví điện tử của riêng mình và hợp tác với các nhà cung cấp cổng thanh toán để hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt và hoàn thiện hệ sinh thái của chúng tôi", CEO Loship chia sẻ.

Startup Loship của Việt Nam muốn mở rộng hoạt động sang Lào, Campuchia - Ảnh 2.

CEO Loship cũng cho biết thêm: "Mở rộng hoạt động trong khu vực là một phần trong kế hoạch chiến lược của chúng tôi về lâu dài, với Lào và Campuchia là những thị trường phải thắng. Chúng tôi đặt mục tiêu chinh phục thị trường tổng cộng 400 triệu dân và một khi chúng tôi đã nghiên cứu đầy đủ và có đủ nguồn lực, chúng tôi sẽ sẵn sàng bắt đầu hoạt động ở các thị trường này".

Sau khi công ty nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ Vietnam Silicon Valley vào năm 2015, công ty cũng đã nhận được vòng đầu tư 7 chữ số từ Golden Gate Ventures và DesignOne Japan trong cùng năm. Loship cũng đã kết thúc vòng Series B với 8 chữ số do Smilegate Investment của Hàn Quốc dẫn đầu vào tháng 10/2019.

Chỉ 4 tháng trước, công ty đã hoàn thành một vòng đầu tư do công ty quản lý quỹ Vulpes Investment Management có trụ sở tại Singapore dẫn đầu, tuy nhiên, không có chi tiết tài chính nào về thương vụ này được tiết lộ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup Loship của Việt Nam muốn mở rộng hoạt động sang Lào, Campuchia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO