Sự sẵn sàng của thủ đô Hà Nội trong cuộc đua bán dẫn
Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới đang tăng tốc trên cuộc đua chuyển đổi số (CĐS), phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip, vi mạch bán dẫn tích hợp đã trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển. Việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ IoT đã thúc đẩy các nhà máy sản xuất linh kiện để giải quyết tình trạng thiếu hụt toàn cầu.
Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “tâm điểm” trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi sở hữu lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo, được đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành bán dẫn…
Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh này, Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức với các giải pháp phù hợp và đồng bộ.
Bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô
Phát biểu tại Hội nghị kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn TP. Hà Nội 2024 chiều ngày 29/7, Giám đốc HPA, ông Nguyễn Ánh Dương, cho biết công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư.
“Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 đã xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội”, lãnh đạo HPA cho biết.
Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Thành phố đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội đã thu về những kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 13,1%.
Xuất khẩu của Hà Nội tiếp tục lấy lại đà đi lên và tăng ấn tượng, với giá trị kim ngạch đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, Thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn 1,036 tỷ USD; bổ sung tăng vốn đầu tư 78 dự án, với 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, với giá trị 74 triệu USD.
“Với những kết quả tích cực nêu trên, Hà Nội vẫn là bến đỗ hấp dẫn đối với dòng vốn và các nhà đầu tư quốc tế”, ông Nguyễn Ánh Dương nói.
Định hướng của Hà Nội về phát triển công nghiệp bán dẫn
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, cho biết Thành phố đang đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm ĐMST, hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ xây dựng mới từ 2-3 khu công nghệ thông tin tập trung tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận đến năm 2030….
Chia sẻ một số định hướng của Thành phố về phát triển công nghiệp bán dẫn và phát triển DN công nghệ số, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết Hà Nội ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới.
Đặc biệt, Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, có sự gắn kết với hệ thống ĐMST của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; là trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và AI hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực.
Trao đổi về sự sẵn sàng của Thành phố trong cuộc đua bán dẫn, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Hà Nội đã xây dựng các văn bản pháp luật với những ưu đãi dành cho nhà đầu tư, như miễn tiền thuê đất, thuê mặt bằng 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt bằng cho thời gian còn lại.
Ngoài ra, Hà Nội cũng áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập DN, trong đó, được miễn thuế thu nhập DN trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu. TP. Hà Nội đã và đang tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái bán dẫn, thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành đầu tư do có lợi thế về vị thế logistics và cơ chế chính sách hợp lý.
Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP. Hà Nội 2024 nhằm cung cấp thông tin tình hình phát triển, định hướng và các giải pháp thúc đẩy sự phát triển, hợp tác của các DN lĩnh vực công nghệ bán dẫn trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Sự kiện cũng mang đến cơ hội và giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và TP. Hà Nội nói chung; đồng thời, kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội, Việt Nam, trong nước và quốc tế, với các sản phẩm thuộc hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ tương lai.
Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể kiến nghị các chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, hướng tới thiết lập các trung tâm nghiên cứu, sản xuất bán dẫn và cung cấp dịch vụ sản xuất cho công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước./.