Thái Nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ phát huy hiệu quả chính quyền điện tử

Tâm An| 25/06/2021 08:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại số, mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, các địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chuyển động cùng xu hướng đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã sớm xây dựng Chương trình hành động và ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS.

Với quyết tâm đẩy mạnh CĐS trên toàn tỉnh, Thái Nguyên đã lựa chọn ngày 31/12 hằng năm là Ngày CĐS. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có Ngày CĐS.

Việc lựa chọn và công bố Ngày CĐS tỉnh Thái Nguyên là sự kiện quan trọng để ghi dấu ấn và là hoạt động thường niên sau này để đánh giá, nhìn nhận kết quả thực hiện CĐS của tỉnh trong năm. Sự kiện cũng là nơi để người dân, tổ chức và DN trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ phương thức, kinh nghiệm, đồng thời giới thiệu các giải pháp, kết nối cung cầu CĐS hiệu quả, nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS trong các cơ quan, tổ chức, DN, và toàn nền kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng vào chương trình CĐS Quốc gia.

Hiện thực hóa quyết tâm CĐS

Nghị quyết số 01/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã thể hiện quyết tâm chính trị về CĐS trên địa bàn tỉnh. Đây là văn bản quan trọng mở đường định hướng để cả hệ thống chính trị của tỉnh chung sức thực hiện CĐS với ba trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Nghị quyết hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số (CQS); phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các DN công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.

Kể từ khi được ban hành vào ngày 31/12/2020, các cấp, ngành của tỉnh đã tích cực vào cuộc, tập trung cao độ thực hiện mục tiêu Nghị quyết từ việc tổ chức học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cho đến việc lựa chọn, đăng ký nội dung CĐS và xây dựng kế hoạch CĐS của cơ quan, đơn vị, địa phương mình...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, Tỉnh tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh.

Đặc biệt, Tỉnh cũng đề cao việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS như hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DN CĐS toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các DN số đầu tư vào tỉnh; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 700 DN số.

Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu CĐS cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng thông tin; Tập trung nâng cấp mạng di động 4G; tích cực triển khai hạ tầng mạng di động 5G; phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh để phục vụ quá trình CĐS.

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.

Cùng với đó là thúc đẩy CĐS xã hội, Tỉnh sẽ tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, DN để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS cho người dân và DN.

Ngoài ra, về vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, tỉnh Thái Nguyên đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật để kịp thời theo dõi, chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình CĐS; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong CĐS, góp phần thúc đẩy hoạt động trên môi trường số.

Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số phát huy hiệu quả chính quyền điện tử - Ảnh 1.

(Ảnh: Đài PT-TH Thái Nguyên)

Những kết quả đạt được

Sau một thời gian triển khai, việc thực hiện CĐS tại Thái Nguyên cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả 03 trục: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trước hết, trong xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), hướng đến CQS, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 của các cơ quan nhà nước (CQNN) tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, hơn 1.200 thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện thực hiện cung cấp và thực hiện mức độ 4 trên Cổng DVCTT của tỉnh.

Trong phát triển kinh tế số cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế số bước đầu đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; công nghệ số được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.

Điển hình như việc xây dựng đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, phần mềm quản lý chương trình OCOP theo yêu cầu. Ngoài ra, nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, website cũng được xây dựng và đưa vào hoạt động đã góp phần quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương và tạo điều kiện để các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển.

Trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (bảo đảm tiêu chí trên 96% thực hiện không dùng tiền mặt).

Đối với phát triển xã hội số, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai đào tạo trực tuyến, xây dựng kho dữ liệu ngành tại địa chỉ http://csdlgiaoduc.thainguyen.gov.vn. Đến nay, đã triển khai phần mềm ứng dụng quản lý nhà trường tại 100% cơ sở giáo dục, từ mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên;...

Ngành y tế cũng đã triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh; ứng dụng CNTT, kết nối, số hóa, các dịch vụ, đặc biệt là khám chữa bệnh từ xa trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19.

Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng viễn thông - CNTT cũng đạt được những kết quả khả quan. Tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ người dân được phủ sóng 3G, 4G đạt 95%; tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 80%; số thuê bao băng rộng di dộng/100 dân đạt 70%; tỷ lệ xã có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đạt 100%.

Chia sẻ với VTV, ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng tôi tự hào là một trong những tỉnh có Nghị quyết chuyên đề về CĐS đầu tiên trong cả nước. Đây là quyết tâm chính trị lớn để người dân được hưởng thụ những giá trị tốt nhất trong công cuộc CĐS. Mong rằng trong thời gian tới, sự phối hợp giữa chính quyền, người dân và DN chặt chẽ hơn nữa vì chúng tôi đặt ra những mục tiêu đó nhưng cần sự ủng hộ, chia sẻ và đồng hành của người dân và DN".

Tuy mới chỉ là bước đầu song kết quả này đã cho thấy quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Việc CĐS cũng đang dần trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Phát huy hiệu quả CQĐT hướng tới CQS

Công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian, chi phí, phòng chống tham nhũng… là những lợi ích to lớn khi CĐS thành công và phát huy được hiệu quả CQĐT. Đặc biệt, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng một nền hành chính phục vụ.

Thời gian qua, các CQNN trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT vào các hoạt động chuyên môn, hướng tới xây dựng CQĐT các cấp. Trong đó, CQNN các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt chú trọng thực hiện số hóa các dịch vụ hành chính công để hướng tới phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành; trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh được đầu tư, xây dựng; các hệ thống dùng chung của tỉnh như: Thư điện tử, quản lý văn bản đi đến, cổng, trang thông tin điện tử, cổng DVC và một cửa điện tử, giao ban điện tử; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương.

Nghị quyết chuyên đề về CĐS trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra ưu tiên hàng đầu là phát triển CQS để giúp người dân và DN thực hiện các DVC một cách thuận lợi, nhanh gọn nhất.

Nghị quyết 01/NQ-TU đã nêu rõ mục tiêu cơ bản về phát triển CQS, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, trên 90% DVCTT mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; mở dữ liệu của các CQNN để cung cấp DVC kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; Trên 50% các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Phấn đấu đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 80% các DVC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, trên 90% người dân, DN hài lòng với DVCTT của tỉnh; 100% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 70% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

Tỉnh cũng đặt mục tiêu hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các CQNN và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các CQNN, giảm 30% TTHC; mở dữ liệu cho các tổ chức, DN, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, DN.

Nhằm đạt được mục tiêu về phát triển CQS, Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ như việc đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển CQĐT hướng tới CQS phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện CĐS trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng thời, Tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy, ký số... nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Đặc biệt, Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, DN khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số; Triển khai cung cấp 100% DVCTT mức độ 4 vào năm 2025 trên thiết bị di động thông minh để phục vụ người dân, DN trong giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng về CQS của tỉnh.

Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số phát huy hiệu quả chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại trụ sở UBND tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, phục vụ tốt cho người dân, Thái Nguyên đang thực hiện thí điểm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại trụ sở UBND tỉnh. Rất nhiều lĩnh vực quan trọng của tỉnh đã được kết nối, được số hóa từ cấp tỉnh cho đến cấp xã, phường.

Thái Nguyên xác định Trung tâm IOC là "trung tâm đầu não số" của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh trên mọi lĩnh vực, giúp thúc đẩy CĐS quốc gia, xây dựng CQĐT tại tỉnh Thái Nguyên.

Với nền tảng công nghệ hiện đại, Trung tâm IOC tỉnh Thái Nguyên cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh của mọi người dân, DN phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước, các cấp chính quyền… Trung tâm giám sát này còn cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh một cách công khai và minh bạch.

Đặc biệt là sự ra mắt mới đây của ứng dụng nền tảng công dân số Citizen Thái Nguyên "C-ThaiNguyen kết nối người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Thái Nguyên". Ứng dụng có rất nhiều tính năng. Cụ thể, với hệ thống phản ánh hiện trường, công dân được phản ánh nhanh chóng, kịp thời tại hiện trường các vấn đề về môi trường, xã hội, giao thông, trật tự đô thị… đến các cấp chính quyền nhanh chóng, kịp thời, khách quan thông qua Trung tâm IOC của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương tiếp nhận, xử lý các phản ánh tức thời của người dân, DN khách quan, kịp thời dưới sự giám sát của UBND tỉnh tại Trung tâm IOC. Từ đó nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền với người dân, chính quyền với chính quyền, từng bước xây dựng CQS thông qua các hành động cụ thể giữa chính quyền với người dân.

Tính đến ngày 30/4/2021, tỉnh Thái Nguyên đã có sự phát triển vượt bậc trong kế hoạch CĐS, đặc biệt là đột phá về cải cách và hiện đại hóa hành chính.

Trong xây dựng CQĐT, hướng đến CQS, bên cạnh hoàn thiện Trung tâm IOC, tỉnh Thái Nguyên có 985 TTHC được thực hiện DVC mức độ 4 trên Cổng DVCTT tỉnh Thái Nguyên, kết nối, đồng bộ với 100% hệ thống một cửa điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.

Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh được quan tâm vận hành và duy trì thường xuyên. Ước tính trong quý I/2021, hệ thống gửi/nhận trên 38.000 văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền gửi/nhận văn bản, tiết kiệm được khoảng 3 triệu giờ/quý).

Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình CĐS trên toàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những mặt hạn chế có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan: Nhận thức về CĐS của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và trong đời sống xã hội còn chưa đầy đủ; nguồn lực đầu tư cho CNTT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tư duy trong CĐS chậm đổi mới, sức ỳ lớn; quản lý Nhà nước về CĐS chưa theo kịp thực tiễn; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự chặt chẽ.

Trong đó, rào cản lớn nhất để phát huy hiệu quả của CQĐT là người dân chưa thực sự hiểu và mạnh dạn ứng dụng CNTT khi cần được giải quyết TTHC. Người dân vẫn còn thói quen đến trực tiếp CQNN khi có nhu cầu giải quyết TTHC, tiếp đến là vấn đề sợ mất giấy tờ gốc khi sử dụng dịch vụ bưu chính; ngại tìm hiểu và sử dụng các quy trình gửi hồ sơ trên mạng; thiếu kỹ năng thao tác nên việc gửi hồ sơ, nhận thông tin phản hồi từ cán bộ chuyên môn qua mạng còn bất cập.

Để khắc phục được những hạn chế trên phải cần sự nỗ lực, đồng lòng của cả chính quyền lẫn người dân. Rõ ràng, CĐS sẽ không thể thực hiện được nếu chính mỗi chúng ta không chuyển đổi nhận thức, thay đổi thói quen và tư duy quản lý, cách thức sản xuất kinh doanh, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải đi trước, dẫn đường. Các DN, tổ chức phải nhận thức đây là vấn đề sống còn, có như vậy CĐS mới góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ phát huy hiệu quả chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO