Thúc đẩy kinh tế số: khi viễn thông là hạ tầng, mobile-money là giải pháp

31/12/2021 07:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự phát triển mạnh mẽ, đổi mới không ngừng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT - Information and Communication Technology) trong thế kỷ XXI đã tạo ra sự bùng nổ về viễn thông, Internet và thông tin di động trên toàn thế giới. Điện thoại di động - một sản phẩm được coi là xa xỉ nay đã trở thành một sản phẩm bình dân, không hiếm để có thể bắt gặp hình ảnh người dân ở khắp nơi với chiếc điện thoại di động trên tay.

Thế kỷ XXI cũng chứng kiến sự bùng nổ về thương mại điện tử (TMĐT), đây là bước phát triển tất yếu phù hợp với xu thế khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hòa và chuyển dịch sang nền kinh tế số. 

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các phương thức thanh toán trực tuyến cũng phát triển tương ứng để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán của người dân. Mobile-Money (hay Tiền di động), nền tảng thanh toán trên thiết bị di động, hiện đã có mặt và phát triển tại 95 quốc gia trên thế giới với hơn 1 tỷ tài khoản được đăng ký, với lượng giao dịch trung bình 1,9 tỷ đô la Mỹ mỗi ngày, không những cho phép khách hàng nạp tiền, lưu trữ, thanh toán, rút tiền và chuyển khoản nhanh chóng dưới dạng tiền điện tử thông qua mạng thông tin di động, mà còn cung cấp các dịch vụ khác như tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm… tới mọi người dân.

Mobile-Money đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng toàn cầu về TMĐT, đồng thời là cơ sở vững chắc góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị - nông thôn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới.

Việt Nam đang trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới hình thành kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Trong công cuộc chuyển đổi số, chúng ta nói nhiều về thương mại điện tử, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,.. tuy nhiên, một trong những nền tảng trụ cột, và đóng vai trò quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Một dịch vụ muốn phổ biến đến 100% người dân thì nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Mobile Money chính là phương tiện có thể thực hiện việc này khi tỷ lệ người dùng có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam còn thấp chỉ 64% , nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay.

Từ đề xuất của Bộ TT&TT, sau một thời gian phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Bộ Công an để nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy định cho việc thí điểm Mobile-Money tại Việt Nam, trong tháng 11/2021, 03 nhà mạng viễn thông di động lớn nhất Việt Nam (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone) đã chính thức được NHNN Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm Mobile-Money để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Thúc đẩy kinh tế số: khi viễn thông là hạ tầng, mobile-money là giải pháp - Ảnh 1.

NHNN, Bộ TT&TT và Bộ Công an ký kết Quy chế phối hợp quản lý thí điểm dịch vụ Mobile-Money.

Khi Viễn thông là hạ tầng cho nền kinh tế số

Viễn thông từ lâu được coi là một hạ tầng quan trọng của nền kinh tế quốc dân, được Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư, phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để vươn lên tiếp cận với trình độ phát triển của thế giới. Giai đoạn 2011 - 2020, hạ tầng viễn thông (bao gồm thiết bị viễn thông, đường truyền dẫn, mạng viễn thông và công trình viễn thông) không ngừng được xây dựng, nâng cấp, cập nhật các công nghệ tiên tiến, xếp hạng chung về mức độ sẵn sàng của hạ tầng viễn thông của Việt Nam liên tục tăng qua các năm dựa trên đánh giá của các tổ chức quốc tế. Đứng trước xu hướng CĐS, hạ tầng viễn thông đang chuyển dịch thành hạ tầng số đáp ứng nhu cầu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Nhận thấy tầm quan trọng của hạ tầng và CĐS, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội, trong đó có “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng CĐS quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu bao gồm cả “Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia”.

Có thể nói hạ tầng số là nền tảng căn bản để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số quốc gia, hạ tầng số là một hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò tạo lập và duy trì các kết nối, đảm bảo dòng chảy dữ liệu giữa các thực thể trong một nền kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng viễn thông số bao gồm hạ tầng liên quan đến viễn thông băng rộng và IoT, trong đó hạ tầng viễn thông băng rộng tại Việt Nam được thể hiện qua các con số sau:

a) Băng rộng cố định

Hạ tầng băng rộng cố định tính đến cuối năm 2020 đã phủ rộng khắp toàn quốc, hơn 1,1 triệu km cáp quang, phủ rộng đến 100% xã, tốc độ truy nhập cao đạt trung bình trên 70Mbps, nằm trong số 60 nước đứng đầu thế giới. Thuê bao băng rộng cố định có sự tăng trưởng nhanh, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 20,9%/năm. Số thuê bao băng rộng cố định năm 2020 đạt 16,7 triệu (trong đó hơn 15,76 triệu thuê bao cáp quang FTTH).

Tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định của Việt Nam/100 dân năm 2020 đạt 18,75%, cao hơn mức trung bình thế giới (15,2%).

b) Băng rộng di động

Mạng băng rộng di động phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,8%, tốc độ truy nhập cao 44,49 Mbps, đưa Việt Nam thuộc top 56 thế giới. Tổng số trạm BTS đạt 319.653 trạm, trong đó số trạm 4G chiếm trên 35%.

Số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó băng rộng di động (3G, 4G) đạt 69,72 triệu thuê bao chiếm 56,39% tổng số thuê bao điện thoại di động, xếp hạng 91 thế giới, tăng trưởng trung bình 14,7%/năm.

Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động Việt Nam/100 dân năm 2020 đạt 71,45%. Mạng di động 5G cũng đã được cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông tại 07 tỉnh/thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng).

Với các lợi thế và sự phát triển của viễn thông nói chung và hạ tầng viễn thông nói riêng tại Việt Nam nói trên, Bộ TT&TT đã phối hợp với NHNN Việt Nam xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) nhằm tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.

Mobile-Money - Giải pháp thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Mobile- Money đều được đưa vào là giải pháp để thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

Với thế mạnh là lượng khách hàng lớn, điểm giao dịch phủ khắp đất nước của các DN viễn thông, Mobile-Money sẽ cung cấp tiện ích cho các khách hàng của mình phương tiện để thanh toán cho các giao dịch hàng ngày và thanh toán các dịch vụ viễn thông, giáo dục, y tế và các dịch vụ nhỏ lẻ khác. Người dân giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại có chức năng cơ bản (nghe, gọi, nhắn tin) sẽ có thể chuyển tiền, thanh toán dễ dàng, nhanh chóng. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để phát triển dịch vụ công, thu hẹp khoảng cách số về tài chính, tạo cơ hội cho tất cả mọi người được tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại và đơn giản, góp phần thúc đẩy xã hội số.

Thúc đẩy kinh tế số: khi viễn thông là hạ tầng, mobile-money là giải pháp - Ảnh 2.

Mobile-Money cung cấp phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân vùng sâu, vùng xa

Mobile-Money sẽ là giải pháp để những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người dân bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội. Mobile-Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số họ nhận tiền mặt, hình thức thanh toán rủi ro, không hiệu quả và bất tiện khi thu tiền. Họ cũng không thể bán nông sản cho một người ở xa. Với sự phát triển của TMĐT, Mobile-Money giúp người ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc. Người nông dân có thể bán hàng trực tiếp đến người dùng mà không qua thương lái, qua đó bán được hàng với giá cao.

Thúc đẩy kinh tế số: khi viễn thông là hạ tầng, mobile-money là giải pháp - Ảnh 3.

Mobile-Money cung cấp phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân vùng sâu, vùng xa

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Mobile-Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực số, những startup công nghệ. Mobile-Money sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các startup. Mobile-Money được kỳ vọng sẽ góp phần bùng nổ các start-up Việt Nam.

Mobile-Money còn đẩy mạnh việc tiếp cận, phổ cập các dịch vụ tài chính. Nhờ sự phát triển của dịch vụ Mobile- Money, sau 3 năm triển khai thì tỷ lệ sử dụng ngân hàng tại Kenya đã tăng 19%. Mobile-Money đào tạo người dân tiếp cận với các giao dịch nhỏ để trở thành khách hàng của ngân hàng.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của NHNN, đến cuối năm 2020, hệ thống Tổ chức tín dụng trên toàn quốc có 12.445 chi nhánh, phòng giao dịch; tính riêng  hệ thống Ngân hàng thương mại (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Phát triển) có 11.151 chi nhánh, phòng giao dịch. Nếu bổ sung số lượng Điểm kinh doanh dịch vụ Mobile-Money của các nhà mạng khi triển khai Mobile-Money (là Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do DN viễn thông tự thiết lập - khoảng 2.800 điểm và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông là pháp nhân do DN viễn thông ủy quyền - khoảng 29.000 điểm), Mobile-Money với ưu điểm là các giao dịch nhỏ sẽ chính là cánh tay nối dài cho các ngân hàng, phổ cập, đào tạo người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trở thành các khách hàng tiềm năng của ngân hàng khi có nhu cầu thanh toán cao hơn, qua đó thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra, hiện nay số lượng người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đến cuối năm 2019 đạt 64%; tốc độ tăng trưởng tài khoản thanh toán của cá nhân tăng trung bình 10,9%/năm. Chỉ tiêu này phản ánh số lượng người trưởng thành mở và sử dụng các tài khoản tại các tổ chức tài chính phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đánh giá mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng cũng như tiếp cận các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các tổ chức tài chính cung cấp. Nếu bổ sung số người trưởng thành có thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh và sử dụng tài khoản Mobile-Money, dịch vụ chuyển tiền không qua tài khoản, tỷ lệ này trong 4 năm tới có thể được mục tiêu đề ra tại Chiến lược và Đề án của Chính phủ là ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch mở tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Đối với Kênh thanh toán qua Internet, điện thoại di động: theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã có trên 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet; 47 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Các kênh thanh toán này tiếp tục tăng trưởng và đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong năm 2020, dịch vụ thanh toán qua Internet với số lượng giao dịch đạt 475,5 triệu giao dịch (tăng 13,3% so với năm 2019) và giá trị giao dịch đạt khoảng 27,7 triệu tỷ đồng (tăng 24,8% so với năm 2019); dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng giao dịch năm 2020 đạt 1.183,3 triệu giao dịch (tăng 114,2% so với năm 2019) và giá trị giao dịch đạt khoảng 12,6 triệu tỷ đồng (tăng 118,4% so với năm 2019). 

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng qua kênh Internet đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây do khách hàng có xu hướng chuyển qua kênh điện thoại di động bởi các tiện ích của việc thanh toán qua điện thoại di động mang lại. 

Bàn luận và kiến nghị

Hiện nay, với việc chưa có quy định về hoạt động đại lý ngân hàng (hiện NHNN đang nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quy định về hoạt động đại lý thanh toán - một trong các hoạt động của đại lý ngân hàng) thì việc tận dụng hạ tầng, mạng lưới điểm giao dịch của các nhà mạng viễn thông trong việc triển khai Mobile-Money sẽ đem lại kết quả tích cực trong việc phổ cập dịch vụ tài chính đến người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu thanh toán, chuyển tiền nhanh của người dân vùng nông thôn.

Đại dịch COVID-19 đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả chúng ta, nhưng thách thức luôn đi cùng cơ hội. Mobile- Money cung cấp đến khách hàng các giao dịch không tiếp xúc, từ những giao dịch rất nhỏ hàng ngày hay thanh toán không dùng tiền mặt cho các hóa đơn điện, nước, mua hàng trên mạng Internet chính là giải pháp thúc đẩy TMĐT trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mobile-Money sẽ kết nối giữa nông thôn - thành thị, phổ cập dịch vụ cho người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa nông sản từ người nông dân trực tiếp đến tay người mua, hỗ trợ an sinh xã hội đến từng người dân thuộc nhóm yếu thế, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh để mang lại những cơ hội mới cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.

Mobile-Money là một thí dụ thuyết phục về việc nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, không chỉ là hạ tầng viễn thông như hàng trăm năm nay. Trong tương lai, chúng ta cũng sẽ kỳ vọng nhiều hơn nữa vào việc các nhà mạng sẽ là hạt nhân trong tiến trình CĐS, tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của Computing, của nội dung số, của xác thực, của dịch vụ IT, của IoT v.v... mang lại nguồn doanh thu mới cho các DN viễn thông và góp phần không nhỏ vào công cuộc CĐS, thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.

Cơ hội từ Mobile-Money là rất nhiều, tuy nhiên triển khai Mobile-Money tại Việt Nam cũng đặt ra các thách thức không nhỏ cho các nhà mạng khi tình trạng SIM rác (SIM có thông tin thuê bao không chính xác) vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để triển khai được dịch vụ được thành công, mang lại các giá trị to lớn cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, từ các quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 316/QĐ- TTg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp giữa 3 Bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money tại Việt Nam. Các DN triển khai thí điểm phải thực hiện chính xác quy trình định danh khách hàng, áp dụng giải pháp xác thực định danh điện tử eKYC trên nền tảng công nghệ AI và Blockchain giúp bóc tách thông tin trên giấy tờ, chống giả mạo người dùng, lưu thông tin người dùng và các dữ liệu giao dịch, đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ; nghiên cứu, đầu tư và cập nhật những giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao, đảm bảo mức độ bảo mật tốt nhất cho người dùng và cả hệ thống... 

Bên cạnh đó, đảm bảo năng lực tài chính thông qua tài khoản đảm bảo nhằm sẵn sàng chi trả cho các thiệt hại phát sinh là điều các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với tinh thần luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, khách hàng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng dịch vụ Mobile-Money tại Việt Nam. 

---

1 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)

Tài liệu tham khảo

1. Simon K. Andersson-Manjan, Nika Naghav, "State of the Industry Report on Mobile Money 2021", GSMA, 2021

2. Bộ Thông tin và Truyền thông, "Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt nam

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Các dự đoán về AI năm 2025
    Năm 2024, chúng ta thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đã chuyển từ giai đoạn thí điểm sang ứng dụng thương mại. Sang năm 2025, AI sẽ mở rộng triển khai toàn diện tại các doanh nghiệp.
  • 5 năm chuyển đổi số quốc gia
    Việt Nam là một quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số, song hành cùng các quốc gia tiên tiến.
  • Chuyển đổi ngành công nghiệp viễn thông bằng trí tuệ nhân tạo
    Việc triển khai AI trên quy mô lớn và chuyển đổi sang các tổ chức gốc AI có thể là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới cho các công ty viễn thông
  • Khẳng định vị thế Việt Nam trong dòng chảy thời đại
    Năm 2024 ghi nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là năm có những chuyển động mạnh mẽ, tích cực, tạo ra luồng gió mới trong hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, tạo tiền đề quan trọng để cả nước bứt phá, tăng tốc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới ngay sau Đại hội XIV của Đảng. Nhân dịp đón năm mới 2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam.
  • Hy Lạp triển khai ứng dụng giúp bảo vệ trẻ em trên mạng
    Ngày 30/12, Hy Lạp đã công bố kế hoạch tăng cường quyền giám sát của phụ huynh đối với việc sử dụng thiết bị di động của trẻ em vào năm 2025 thông qua một ứng dụng do chính phủ điều hành.
  • Các xu hướng khai thác zero-day hàng đầu trong năm 2024
    Các lỗ hổng chưa được vá luôn là những điểm yếu để tin tặc xâm nhập vào hệ thống CNTT của doanh nghiệp. Hoạt động của tội phạm mạng xung quanh lỗ hổng zero-day cho thấy các xu hướng chính mà bộ phận an ninh mạng cần lưu ý.
  • VNPT 2024: Những dấu ấn nổi bật
    Không chỉ giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, đạt mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ, năm 2024, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) còn ghi dấu ấn với nhiều hoạt động ý nghĩa, khẳng định trách nhiệm với cộng đồng.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá
    Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TTXVN.
  • Các thảm họa CNTT lớn năm 2024
    Sự cố lớn của CrowdStrike đã làm lu mờ hầu hết các thảm họa CNTT khác, nhưng năm nay chúng ta còn chứng kiến việc ​​các hệ thống CNTT cáo buộc nhân viên trộm cắp, và các nhà sản xuất PC bán thiết bị có chứa phần mềm độc hại.
  • Hợp tác để quảng bá các sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam"
    Bộ TT&TT và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2024 - 2026, tầm nhìn 2030.
Thúc đẩy kinh tế số: khi viễn thông là hạ tầng, mobile-money là giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO