6 nội dung CCHC của Bắc Ninh đến năm 2030
Theo Nghị quyết số 55-NQ/TU ngày 29/3/2022 về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Ninh sẽ tập trung vào 6 nội dung CCHC, bao gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Đối với nội dung cải cách TTHC, trong năm 2022, Bắc Ninh đặt mục tiêu kết quả giải quyết TTHC sẽ được số hóa với tỷ lệ đạt tối thiểu là 50%, 40%, 35% tương ứng với các cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Mỗi năm, tỷ lệ số hóa sẽ tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Ngoài ra, Bắc Ninh phấn đấu 100% TTHC của địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; 100% TTHC đủ điều kiện được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia.
100% TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước sẽ được công bố, công khai và cập nhật kịp thời; 80% người dân, DN khi thực hiện TTHC không cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà cơ quan nhà nước (CQNN) có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được CQNN kết nối, chia sẻ. Đến năm 2030, Bắc Ninh sẽ hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bắc Ninh sẽ phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước; Phấn đấu để mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 90%. Đến năm 2030, với những hoạt động sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn, Bắc Ninh giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức sẽ đạt trên 95%.
Để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, 100% cổng DVC, hệ thống thông tin (HTTT) một cửa điện tử của tỉnh sẽ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng quốc gia. 100% người dân, DN sử dụng DVCTT được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các HTTT của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 80% các HTTT của tỉnh có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, DN đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành, không phải cung cấp lại; 100% hệ thống báo cáo của tỉnh được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với HTTT báo cáo quốc gia.
CĐS đã góp phần tạo ra nhiều đột phá cho CCHC
Những nỗ lực CĐS tại Bắc Ninh bước đầu đã tạo nhiều đột phá trong CCHC, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, DN. Thành quả đó được phản ánh qua các kết quả, như chỉ số CĐS (DTI) của Bắc Ninh đứng thứ 4/63 tỉnh, thành; chỉ số xếp hạng năng lực quản trị điều hành cấp tỉnh trong năm 2021 đã tăng 3 hạng thứ bậc, đứng thứ 7 trên tổng số 64 tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, chỉ số SIPAS đạt tỷ lệ 90,09%, đứng thứ 7 cả nước, tăng 0,4% và tăng 02 bậc so với năm 2020). Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) được xem là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể.
Kết quả xếp hạng của những chỉ số trên cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, các cán bộ, công chức, viên chức đồng thời khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của các nhà đầu tư, cộng đồng DN và người dân trong việc phối hợp thực hiện cũng như đưa ra những đánh giá khách quan đối với các hoạt động CCHC trong tỉnh.
Tại Hội thảo cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương (PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index, DTI) tỉnh Bắc Ninh năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết tỉnh đã đưa mục tiêu CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao các chỉ số điều hành, quản trị địa phương vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Chương trình, Nghị quyết toàn khóa và Chỉ thị, kế hoạch hằng năm của Chính quyền tỉnh, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những động lực chính cho phát triển để từ đó xác định trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị cho các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện.
Nhằm đạt các mục tiêu đề ra, Bắc Ninh luôn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giám sát, phản biện xã hội đối với CCHC. Phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết di động đã được triển khai hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh. Mới đây, phần mềm này đã được chính thức khai trương.
Theo Sở TT&TT Bắc Ninh, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bắc Ninh năm 2022 đề ra mục tiêu trước ngày 01/9, tỷ lệ tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân trên thiết bị di động của các CQNN cấp huyện, cấp xã đạt 70% và tỷ lệ này sẽ đạt 80% trước ngày 01/12/2022.
Ứng dụng phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động tỉnh Bắc Ninh đã và đang nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, DN. Tính đến nay, ứng dụng đã nhận được gần 2000 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN. Trong đó, gần 1500 phản ánh đã được giải quyết, đạt tỷ lệ trên 73%.
Bắc Ninh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT), truyền thông, công nghệ số, nâng cao chỉ số ứng dụng CNTT (ICT Index) góp phần nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính. Tại Hội nghị CĐS Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, nỗ lực CĐS trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào việc CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, DN./.