“Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 - Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016”
Đây là Hội thảo quốc gia rất đáng chú ý trong lĩnh vực báo chí sẽ diễn ra vào sáng 10/6, tại Khách sạn Army - Số 1A Nguyễn Tri Phương, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì; Cục Báo chí, Đại học KHXH & NV, Đại học Luật Hà Nội, Tạp chí Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức.
Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6” do Tạp chí Thông tin và Truyền thông và Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học KHXH & NV) khơi tạo, với mục tiêu tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến ý tưởng, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của Báo chí Việt Nam, cho khát vọng phát triển quốc gia cường thịnh.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo sẽ được đồng chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Hội thảo quốc gia cũng được xây dựng, đóng góp chất lượng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và lãnh đạo các cơ quan báo chí như: : GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Đại học KHXH &NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội; Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc; Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamnet - Nhà báo Nguyễn Bá; Phó TBT phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông - Nhà báo Trần Anh Tú và Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - TS Phan Văn Kiền.
Chương trình Hội thảo sẽ được chia làm 2 phần: Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 và Đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, có nhiều nội dung đáng chú ý về: Tổng quan về vấn đề bổ sung sửa đổi Luật Báo chí 2016; Quản lý nhà nước về báo chí trong nhà nước pháp quyền XHCN; báo cáo tổng kết thi hành Luật và định hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016; một số vấn đề đặt ra trong hoạt động quản lý nhà nước về phát thanh truyền hình; tác nghiệp báo chí trong khung khổ pháp luật; công tác xử lý vi phạm và kiến nghị hoàn thiện quy định của Luật Báo chí 2016. Đồng thời là Nhóm các ý kiến về: Định hướng phát triển của báo chí cách mạng, về báo chí, mô hình cơ quan báo chí; tác động của công nghệ, kỹ thuật, mô hình và xu hướng phát triển báo chí hiện đại tác động tới Luật Báo chí; kinh tế báo chí, tài chính liên quan đến hoạt động báo chí, cũng như những vướng mắc trong quá trình quản lý nhà nước;…
“Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016” – Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 không chỉ thu hút bởi sự tham gia đóng góp ý kiến, báo cáo tham luận chất lượng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và lãnh đạo cơ quan báo chí, các Sở Thông tin và Truyền thông, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu báo chí trên toàn quốc mà còn được thể hiện dưới các hình thức hấp dẫn khác nhau như phóng sự, thảo luận sâu theo nhóm ý kiến, nhóm vấn đề. Do vậy, Hội thảo quốc gia này hứa hẹn sẽ được giới báo chí, những người làm báo và công chúng báo chí đón nhận và dành nhiều sự quan tâm.
Diễn đàn báo chí tháng 6/2022 do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học KHXH & NV), Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức thành công trước đó. Ảnh: Bình Minh
Theo nhận định của Ban tổ chức, Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Sau 5 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí; nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo; giúp các nhà báo được làm việc trong môi trường pháp luật có kỷ cương, đồng thời phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định trong Luật Báo chí năm 2016…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập như: Chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khăn trong công tác quản lý. Luật cũng chưa có quy định rõ về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí và chiến lược chuyển đổi số báo chí quốc gia đến năm 2030.
Bởi vậy, Hội thảo quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016” – Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 được tổ chức vào tháng 6 này là vô cùng cần thiết và ý nghĩa, gắn với dấu mốc kỷ niệm quan trọng của Báo chí cách mạng Việt Nam, là dấu mốc tuyệt vời với những người làm báo nhìn lại, đúc kết chặng đường đã qua, thẳng thắn nhìn rõ những thách thức trên nhiều phương diện và tạo ra động lực mạnh mẽ hơn, đạt được những thành tựu lớn lao hơn và sống xứng đáng với nghề mình đã chọn và niềm tin yêu của mọi người.
Với phạm vi rộng hơn, trong tiến trình thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí, truyền thông theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; định hướng các cơ quan báo chí chuyển đổi số, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng. Để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo toàn quốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề đó cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. |