Để đạt được kết quả ấn tượng này, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công (DVC). Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử (CQĐT) hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh.
Quảng Ninh liên tục "thăng hạng"
Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Tiếp đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về CPĐT (EGDI).
Thực hiện chương trình này, Quảng Ninh có nhiều lợi thế khi đã xây dựng được một nền tảng vững chắc. Ngay từ năm 2012, tỉnh đã chính thức phê duyệt Đề án xây dựng CQĐT với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng CNTT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh. Tại thời điểm đó, việc xây dựng CQĐT được coi là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính.
Theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, CQĐT bộ, ngành, địa phương ngày 26/8/2020, đến thời điểm đó, Quảng Ninh đã hoàn thành 19/21 chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 17/NQ-CP. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong toàn quốc gửi nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp (từ xã lên Văn phòng Chính phủ; từ xã của tỉnh Quảng Ninh đến một xã bất kỳ của một địa phương khác nếu xã đã kết nối lên trục liên thông quốc gia).
Quảng Ninh cũng là 1 trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng Dịch vụ công (DVC) của tỉnh lên Cổng DVC quốc gia. Cổng Thông tin điện tử cung cấp DVC trực tuyến hoạt động tại địa chỉ http://dichvucong.quangninh.gov.vn đang cung cấp 1552 DVC trực tuyến mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ hơn 85% của cả 3 cấp, trong đó dịch vụ công mức độ 4 là 621, đạt tỷ lệ 33,5%.
Tổng số hồ sơ nộp trực tuyến đến ngày 22/4/2021 là 566.483 hồ sơ trực tuyến, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận là 549.662. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết TTHC của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp (DN), cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu 1 lần/giao dịch của người dân và các tổ chức, DN.
Báo cáo PAPI 2020 được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố ngày 14/4/2021 cho thấy, Quảng Ninh thăng hạng 2 bậc, trở thành tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng với tổng điểm 48,811. Trong 8 chỉ số thành phần, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (6,499 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,286 điểm) và cung ứng dịch vụ công (7,713 điểm).
Quảng Ninh cũng nằm trong top đầu cả nước ở tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,805 điểm), TTHC công (7,611 điểm), Quản trị môi trường (4,964 điểm) và Quản trị điện tử (3,14 điểm). Tỉnh này xếp ở nhóm trung bình cao ở tiêu chí còn lại - Trách nhiệm giải trình với người dân (4,793 điểm).
Trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 công bố sau đó 1 ngày, với số điểm PCI tổng hợp năm 2020 đạt 75,09 điểm, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu Chỉ số PCI năm 2020. Tăng 1,69 điểm PCI tổng hợp so với năm trước đó, Quảng Ninh đã vượt qua chính mình để xác lập vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp. Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Điểm nổi bật trong PCI của Quảng Ninh năm 2020 là các chỉ số thành phần có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019. Trong đó, Chi phí gia nhập thị trường tăng 0,56 điểm; Tiếp cận đất đai tăng 0,12 điểm (tăng 16 hạng so với 2019); Chi phí thời gian tăng 0,64 điểm; Đào tạo lao động tăng 0,46 điểm; Dịch vụ hỗ trợ DN tăng 0,9 điểm (tăng 17 hạng so với 2019); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 0,18 điểm. Ngoài ra, nhiều chỉ số của Quảng Ninh năm nay tiếp tục giữ vững điểm số xếp hạng và vượt xa các địa phương xếp hạng phía sau.
Năm thứ 4 liên tiếp giữ ngôi đầu trong Bảng xếp hạng PCI và giành vị trí quán quân Chỉ số PAPI năm 2020, Quảng Ninh thực sự là "hiện tượng" đáng chú ý. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập và vận hành các Trung tâm hành chính công tập trung với phương châm "1 cửa, 5 tại chỗ", đưa chính quyền đến gần với người dân. Không chỉ vậy, Quảng Ninh cũng đi đầu trong việc xây dựng và công bố chỉ số đánh giá cấp sở, ngành, huyện thị (DDCI) rất bài bản và chuyên nghiệp. Thậm chí, tỉnh còn chủ động khai thác mạng xã hội để tương tác, cung cấp thông tin và xử lý phản hồi của DN và người dân…
Chính quyền tỉnh đã rất năng động, sáng tạo trong các chủ trương và cách làm theo hướng có lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư. Quảng Ninh còn là địa phương đầu tiên có sân bay quốc tế - Cảng hàng không Vân Đồn - do tư nhân đầu tư xây dựng.
Nỗ lực và bài bản
Nhìn xa hơn, đích đến trong mục tiêu chiến lược của Quảng Ninh là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nâu" sang "xanh" đã được tỉnh định hình từ rất sớm và xây dựng một cách bài bản. Nhờ vậy, kinh tế Quảng Ninh giờ không còn phụ thuộc vào khai thác khoáng sản mà phát triển bền vững với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ và du lịch chất lượng cao, góp phần "xanh" hóa kinh tế của tỉnh.
Trao đổi với báo điện tử Chính phủ, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chia sẻ Quảng Ninh cố gắng phấn đấu đưa nhiều chỉ số lên "top" đầu nhưng phải thực chất. Phấn đấu đạt thứ hạng là cần thiết, nhưng quan trọng là phải tạo cho được nền tảng vững chắc để phát triển một nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, công dân thông minh, phát triển hạ tầng đồng bộ với chính quyền thực thi chính sách mang lại hiệu quả làm việc cao nhất phục vụ tốt cho người dân và DN.
Xây dựng CQĐT, thành phố thông minh, tiến tới chính quyền số là mục tiêu lớn của Quảng Ninh. Tỉnh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.
"Chính sách luôn xoay quanh "lòng dân", kinh tế tăng trưởng phải thực chất, phải lan toả thành quả trong dân, giảm chênh lệch trong toàn tỉnh, làm đời sống người dân tốt lên, môi trường sống tự nhiên, xã hội hài hoà, phên dậu ổn định thì mới có thể phát triển bền vững", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh bày tỏ quan điểm.
Mục tiêu gần của Quảng Ninh là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội; là một trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Điều hành thông minh cấp tỉnh và cấp sở, ngành, địa phương.
Những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, cộng với định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, lấy CNTT làm ngành kinh tế mũi nhọn đã tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh và giúp Quảng Ninh bước đầu gặt hái được nhiều thành công.