Trung tâm IOC Bình Phước ứng dụng, vận hành nhiều công nghệ 4.0

Đỗ Thêu| 23/05/2022 12:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Để cung cấp dịch vụ tốt hơn phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Bình Phước đã lựa chọn ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu không gian địa lý (GIS), điện toán đám mây (cloud)...

Kết quả xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) tại Bình Phước

Ngay từ khi xây dựng đề án phát triển ĐTTM tại tỉnh Bình Phước, lãnh đạo tỉnh đã xác định đây là việc rất cần thiết, là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai xây dựng mô hình địa phương thông minh tại tỉnh, như Đề án thành lập Trung tâm IOC; Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin của IOC tỉnh; Quy chế quản lý, khai thác và vận hành của IOC; Quy chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh; Phê duyệt kiến trúc ICT phát triển địa phương thông minh; Quy chế quản lý, khai thác, vận hành IOC cấp tỉnh/huyện; Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cho nhân sự làm tại các IOC.

Ngày 09/9/2020, IOC tỉnh đã chính thức khai trương đi vào hoạt động. Hệ thống đã phục vụ chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo, đặc biệt kết hợp cùng các hệ thống thông tin khác đã góp phần quan trọng đổi mới phương pháp làm việc hành chính và cung cấp dịch vụ tốt hơn phục vụ người dân và DN.

Trung tâm IOC Bình Phước ứng dụng, vận hành nhiều công nghệ hiện đại - Ảnh 1.

Trung tâm IOC của tỉnh Bình Phước

Trung tâm IOC đặt tại trụ sở UBND tỉnh với diện tích 144m2, gồm 1 phòng kỹ thuật hạ tầng và 1 phòng điều hành với 27 màn hình ghép, 12 máy tính điều khiển, hệ thống camera giám sát.

Phần mềm vận hành IOC tỉnh với 10 chức năng thực hiện giám sát phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, gồm giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, dịch vụ công (DVC); giám sát, điều hành an toàn giao thông, điều hành an ninh, trật tự; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; (giám sát, điều hành lĩnh vực y tế; giám sát, điều hành lĩnh vực giáo dục; giám sát quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng; giám sát an ninh mạng, an toàn thông tin; (giám sát thông tin báo chí, mạng xã hội); giám sát du lịch thông minh.

Sở TT&TT và các sở, ngành khác, bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Công an tỉnh, VNPT Bình Phước đã cử nhân sự triển khai vận hành, cập nhật dữ liệu tại IOC tỉnh.

Bình Phước đã lựa chọn nhiều công nghệ hiện đại phục vụ xây dựng các ứng dụng thành phần, nền tảng IOC, như AI, phân tích dữ liệu lớn, IoT, dữ liệu không gian địa lý (GIS), điện toán đám mây, các phần mềm chuyên dụng của Microsoft để xây dựng Dashboard…

Nhằm hỗ trợ cho công tác theo dõi các số liệu trên IOC tỉnh và phục vụ công tác điều hành, IOC tỉnh đã xây dựng ứng dụng (app) IOC Bình Phước cài đặt cho lãnh đạo tỉnh, các ngành để có thể theo dõi về tình hình thu - chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; Xây dựng app Bình Phước Today để người dân có thể phản ánh về các lĩnh vực trật tự đô thị, hành chính công….

Các hoạt động kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu của IOC

IOC tỉnh đã triển khai kết nối các hệ thống kinh tế xã hội, tổng hợp thống kê số liệu của 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, kết nối tự động với Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, giúp cho thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Bình phước được cập nhật thường xuyên, số liệu được thể hiện nhanh chóng, chính xác.

Hệ thống tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua Tổng đài thông tin DVC 1022 tỉnh Bình Phước được đi vào hoạt động chính thức từ ngày 19/5/2021, hệ thống tiếp nhận thông tin 24/7, giải đáp thông tin cho người dân và DN về các lĩnh vực hành chính công; trật tự đô thị; sự cố hạ tầng kỹ thuật; các chính sách ưu đãi của tỉnh….

Trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh COVID-19, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận thông tin, hỗ trợ COVID-19 thông qua các kênh phản ánh gồm gọi đầu số 1022; nhắn tin qua các kênh fanpage 1022 Bình Phước; Zalo IOC Bình Phước; qua email (1022@binhphuoc.gov.vn), website 1022.binhphuoc.gov.vn và cả ứng dụng di động Bình Phước Today. Tính đến 12/5/2022, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 6.975 tin trong đó có 6.124 tin liên quan đến hỗ trợ dịch bệnh COVID-19; gọi ra hỗ trợ, chăm sóc F0 tại nhà 12.828 cuộc gọi, tiếp nhận 290 cuộc gọi vào hỗ trợ F0 tại nhà.

Đặc biệt, hệ thống lắng nghe mạng xã hội (social listening) chuyên theo dõi luồng thông tin trên báo chí và mạng xã hội về tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt thông tin nhanh chóng, chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vấn đề.

Trung tâm IOC tỉnh Bình Phước đã được Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT xác nhận đáp ứng các yêu cầu chức năng của hệ thống về mô hình Trung tâm điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm. Đến nay, Bình Phước đã xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả 03 IOC cấp huyện (TP. Đồng Xoài, thị xã Phước Long và thị xã Bình Long). Đây là hợp phần quan trọng để tỉnh triển khai ứng dụng mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tốt cho quá trình phát triển đô thị, địa phương và nhu cầu của DN, người dân.

Trung tâm IOC Bình Phước ứng dụng, vận hành nhiều công nghệ hiện đại - Ảnh 2.

Nút giao lộ ở trung tâm TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Một số kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của Bình Phước

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, việc chọn lựa đăng ký dịch vụ triển khai tại các Trung tâm IOC cần bám sát tình hình triển khai các ứng dụng thành phần tại địa phương dựa trên Khung kiến trúc chính quyền điện tử, Đề án địa phương thông minh của tỉnh.

Ngoài ra, trong thời gian ngắn, không cầu toàn phải có số liệu điều hành ngay, mà giai đoạn đầu chỉ đưa lên bộ khung, dựa trên cơ sở đó lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương các nhà cung cấp dịch vụ từng bước hoàn thiện ứng dụng, cập nhật dữ liệu, kết nối liên thông và chuyển dữ liệu về IOC.

Quy chế phối hợp tiếp nhận xử lý và phản hồi thông tin của Trung tâm IOC tỉnh cần thiết phải ban hành sớm để hướng tới việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tập trung, thay đổi cách thức quản lý nhà nước theo hướng điện tử hóa.

Bình Phước cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng, tương tác các ứng dụng thành phần, từ đó nâng cao được ý thức của người dân trong việc góp phần cải cách hành chính xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM.

UBND tỉnh đã thành lập 03 tổ phân tích, xử lý dữ liệu và chỉ đạo điều hành công việc do 03 đồng chí PCT UBND tỉnh làm tổ trưởng. Thông qua việc phân tích đánh giá số liệu trên IOC, đã chỉ ra các nội dung cần tiếp tục triển khai, rà soát, hoàn thiện trong thời gian tới; đồng thời lựa chọn đơn vị triển khai có đủ năng lực, có khả năng tư vấn giải pháp tổng thể, ứng dụng tốt, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin

Trong năm 2022, Bình Phước tiếp tục theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện Đề án xây dựng địa phương thông minh giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh sẽ triển khai toàn diện, đồng bộ Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số; triển khai đầu tư thành lập Trung tâm IOC tại 8 huyện còn lại; tiếp tục khảo sát đưa thêm các hệ thống thông tin của các ban, ngành lên IOC như các chỉ tiêu của khối Đảng, số liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành bảo hiểm xã hội và các ngành khác./.

Bài liên quan
  • Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong báo chí hiện đại
    Trí tuệ nhân tạo đang mở ra những cơ hội mới cho báo chí, từ việc nâng cao chất lượng nội dung đến việc tăng cường tác động xã hội. Nó giúp tăng cường hiệu suất làm việc, giảm bớt gánh nặng công việc thủ công và tạo điều kiện để nhà báo tập trung vào các nhiệm vụ sáng tạo và phân tích…
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm IOC Bình Phước ứng dụng, vận hành nhiều công nghệ 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO