Tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam

PV| 25/06/2020 11:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 24/6. Đến nay, liên tiếp 69 ngày Viêt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng.

Bảo đảm thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, có các ý kiến đặt vấn đề về mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng không để dịch bệnh lây lan, "vậy giải pháp nào đặt ra". Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quản lý tốt, giám sát tốt, kể cả giám sát trong khu cách ly để không lây lan dịch bệnh.

Tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Trước nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam lớn thì quy trình, thông tin về vấn đề này như thông tin chuyến bay cần minh bạch, rõ ràng đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN), đối tượng được vào. Điều này rất quan trọng. Chưa mở cửa hoàn toàn nhưng các đối tượng được phép vào thì phải có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Thủ tướng đánh giá cao việc ngành Y tế vẫn tiếp tục "trực chiến", lực lượng quân đội sẵn sàng tiếp tục dành cơ sở vật chất cần thiết cho công tác cách ly.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 (tính đến 16h ngày 22/6), thế giới ghi nhận hơn 9 triệu trường hợp mắc tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; 470.939 trường hợp tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 130.931 trường hợp mắc và 3.848 trường hợp tử vong, trong đó Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (42.313), Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (2.465); 4 quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch COVID-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào).

Châu Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới. Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, với trên 2,2 triệu ca mắc và trên 120.000 ca tử vong.

Nguy cơ diễn ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, dịch đang có xu hướng lan rộng ra các địa phương khác ngoài Seoul, đồng thời số ca nhiễm mới hằng ngày có xu hướng tăng nhẹ. Tại Trung Quốc, thành phố Bắc Kinh đã ghi nhận 236 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến ổ dịch tại chợ đầu mối Tân Phát Địa từ 11/6/2020 đến nay.

Tính đến tháng 6/2020, dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát tốt, không ghi nhận các trường hợp mắc tại cộng đồng kể từ ngày 16/4/2020. Ban Chỉ đạo quốc gia nhận định chúng ta đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn.

Từ nhận định trên, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất tinh thần bảo đảm thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn thông qua triển khai các biện pháp cụ thể như ngăn chặn dịch xâm nhập thông qua kiểm soát nhập cảnh đường hàng không và kiểm soát đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở; tổ chức cách ly hiệu quả tại các cơ sở cách ly, tăng cường nghiên cứu khoa học, tiếp tục truyền thông phòng chống COVID-19...

Ban Chỉ đạo cho biết, từ đầu tháng 4/2020 đến ngày 22/6/2020, chúng ta đã tiếp nhận 42 chuyến máy bay, cách ly 9.760 công dân nhập cảnh, trong đó có 9.109 công dân Việt Nam và 651 người nước ngoài.

Không để làn sóng thứ 2 của COVID-19 ở Việt Nam

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, "không có câu chuyện mở cửa ào ạt", không thể vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta thực hiện mục tiêu kép và việc bảo vệ sức khỏe nhân dân là rất cần thiết, do đó, việc mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả quan trọng mà chúng ta phấn đấu được trong thời gian qua. "Không có câu chuyện mở cửa ào ạt".

Trong chỉ đạo, phải nâng cao tinh thần cảnh giác để không vấp phải sai lầm trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Không thể vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu, cần quan tâm hơn nữa đến các biện pháp phòng bệnh chủ động. Khi xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng thì phải tập trung khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời.

Tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP

Tăng tần suất chuyến bay để đưa người Việt Nam, các nhà đầu tư, chuyên gia, công nhân lành nghề vào Việt Nam cũng như đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập nếu nước đó chấp thuận. Quy định rõ hơn quy trình, thủ tục giải quyết cho chuyên gia, các nhà đầu tư, lao động kỹ thuật vào Việt Nam; công khai hóa, tạo thuận lợi hơn nữa việc đưa người Việt Nam có nhu cầu về nước. Không để trình trạng lấy lý do phòng dịch mà gây khó khăn cho các đối tượng khi nhập cảnh.

"Chúng ta không loại bỏ tình hình quốc tế và khu vực để xem xét mở các chuyến bay thương mại quốc tế nhưng thời điểm thì chúng tôi đề nghị các đồng chí tính toán cụ thể", Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia và nhấn mạnh tinh thần đề cao cảnh giác.

Nhấn mạnh chưa mở cửa đón khách du lịch, Thủ tướng nêu rõ, mọi chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư đều được vào Việt Nam với phương thức cách ly phù hợp. Bộ Y tế chủ trì xử lý vấn đề này cùng Bộ Ngoại giao.

Ngành Y tế, các ban chỉ đạo theo dõi, bám sát mọi diễn biến, kiên trì thực hiện 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng và dập dịch trong quá trình chỉ đạo giai đoạn tới. Bộ Y tế bảo đảm duy trì năng lực, sự sẵn sàng đáp ứng của hệ thống đối với các tình huống dịch bệnh.

Các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh để người dân yên tâm.

UBND TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như các tỉnh có cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường thủy quốc tế lựa chọn khu vực an toàn cho các thương nhân thực hiện việc trao đổi, ký kết với các đối tác khi vào Việt Nam.

Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung, đặc biệt đối với bà con về nước. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tại biên giới đường bộ, nhất là các đường mòn, lối mở, phòng dịch chặt chẽ tại các cơ sở cách ly.

Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành chủ động triển khai các giải pháp kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa với thị trường quốc tế, nếu cần thiết, cử các đoàn công tác đến các vùng, địa bàn cơ bản an toàn để thúc đẩy giao thương.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Y tế triển khai giám sát xét nghiệm COVID-19 đối với thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 84 và các biện pháp khác để xử lý, tháo gỡ những khó khăn cũng như an sinh xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành và các địa phương phải chủ động thúc đẩy phát triển kinh tế. Bộ Tài chính đề xuất thu phí cách ly và đề xuất hỗ trợ cho các lực lượng quân đội, nhân viên y tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam, đây là tinh thần chỉ đạo bao trùm nhất để bảo vệ kết quả thực hiện mục tiêu kép.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO