Ứng dụng chuyển đổi số vào việc cứu trợ người dân trong dịch Covid-19

Thế Phương| 09/09/2021 08:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ra đời các ứng dụng cứu trợ người dân như SOSmap, Zalo Connect... đã chứng minh được hiệu quả trong việc kết nối những mạnh thường quân lại gần hơn với người đang cần giúp đỡ, cũng như dễ dàng "đi chợ online" mua đồ cho bản thân và các hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều ứng dụng cứu trợ dùng bản đồ để hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP. HCM, hàng trăm con hẻm, khu phố bị phong tỏa, cách ly, đã khiến cuộc sống của người dân xáo trộn, thiếu thốn lương thực, thực phẩm.

Trước những khó khăn đó, hàng chục tổ chức, cá nhân đã đứng ra làm công tác thiện nguyện. Các tổ chức, cá nhân thiện nguyện này chủ yếu hoạt động theo hướng lên Facebook hoặc các hội, nhóm kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp rồi mua lương thực, thực phẩm, sau đó tìm đến các khu phong tỏa, cách ly trao tặng cho người dân. Tuy nhiên, cách làm này đã bộc lộ những nhược điểm nhất định với những khó khăn do phải di chuyển liên quận. Để rồi, những ứng dụng sử dụng công nghệ bản đồ trong việc cứu trợ người dân như SOSmap.net hay Zalo Connect đã lần lượt ra đời để các cá nhân, tổ chức có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.

Theo ông Phạm Thanh Vi, người sáng lập (founder) ứng dụng SOSMap, ý tưởng này ra đời trong trận lũ lụt ở miền Trung năm 2020. Lúc đó, ông Vi đã tới tận nơi để trao quà, nhu yếu phẩm cho bà con. Khi trực tiếp ra tới nơi, chứng kiến cảnh nước lũ mênh mông, người dân không thể ra khỏi nhà mua thực phẩm còn các đoàn cứu trợ không biết ai cần giúp đỡ, khi đó ông Vi đã đặt ra câu hỏi, tại sao không ứng dụng công nghệ vào việc cứu trợ người dân? Đồng thời, các nhóm thiện nguyện cũng giúp đỡ người dân mà không  bị chồng chéo lẫn nhau. Ngay sau đó, ông và các cộng sự đã nhanh chóng phát triển Sosmap.net, giúp định vị vị trí những nơi đang cần giúp đỡ khẩn cấp.

Ứng dụng chuyển đổi số vào việc cứu trợ người dân trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Theo ông Phạm Thanh Vi: SOSMap ra đời khi trong trận lũ lụt ở miền Trung năm 2020. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhóm phát triển đã cho tái khởi động lại bản đồ định vị này

Khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Phạm Thanh Vi đã cho tái khởi động lại bản đồ định vị này. Với chương trình "Yêu thương mùa Covid". Chỉ sau hơn 1 tuần hoạt động, nhóm đã hỗ trợ gần 1.000 hộ dân ở TP. HCM với hàng chục tấn thực phẩm.

Trong quá trình phát triển sản phẩm, do đang làm chủ XTEK, một công ty chuyên về công nghệ nên việc xây dựng nền tảng không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do phát triển SOSmap trong thời gian khá gấp nên nhóm đã phải cố gắng làm rất nhiều để đáp ứng nhu cầu thực tế. 

"May mắn là sản phẩm đã nhận được sự quan tâm và lan toả của mọi người. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là làm thế nào để có thể giúp đỡ được nhiều người dân gặp hoàn cảnh khó khăn hơn nữa", ông Vi chia sẻ thêm.

Ứng dụng chuyển đổi số vào việc cứu trợ người dân trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ trên ứng dụng Zalo Connect và đến nay đã có 94.000 lượt giúp đỡ.

Còn theo ông Đoàn Quốc Anh, Giám đốc sản phẩm Zalo, phụ trách Zalo Connect cho biết, tháng 11/2020, Zalo đã triển khai tính năng "SOS" hỗ trợ người dân vùng lũ, sau khi đi vào hoạt động tính năng đã nhận hơn 10.000 yêu cầu hỗ trợ của bà con vùng lũ chỉ trong một thời gian ngắn và được đánh giá cao. Đây cũng là bước đệm cho các tính năng kết nối cộng đồng của Zalo sau này.

Trên cơ sở đó, tháng 7/2021, khi tình hình dịch bệnh Covid tại TP. HCM ngày càng phức tạp, thành phố phải giãn cách xã hội trong thời gian dài, một số nơi phải phong tỏa khiến vấn đề về kết nối nguồn lực xã hội, giúp đỡ người yếu thế gặp nhiều khó khăn. Zalo dựa trên 2 giá trị lõi của sản phẩm là "nhắn tin" và "nhật ký" đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng tính năng Zalo Connect để cộng đồng gần nhau có thể kết nối và hỗ trợ nhau nhanh chóng. 

"Thách thức lớn nhất của chúng tôi khi phát triển Zalo Connect là cần phải cho ra mắt một tính năng đủ tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể để có thể giúp giải quyết vấn đề bức thiết. Hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục nhận phản hồi từ người dùng để cải thiện tính năng tốt hơn", ông Quốc Anh chia sẻ thêm.

Theo thống kê trên Zalo Connect, thời gian qua, có khoảng 92% yêu cầu trợ giúp về lương thực (gạo, trứng, thịt, cá, rau củ, sữa, bánh mì,...), 24% nhu yếu phẩm (bột giặt, kem đánh răng, nồi cơm điện,...), 8% cần vật dụng y tế, thuốc men (cồn, nhiệt kế, nước rửa tay,...) và 7% cần tư vấn về sức khỏe.

Ứng dụng chuyển đổi số vào việc cứu trợ người dân trong dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Không chỉ tạo thành cầu nối giữa người dân và các mạnh thường quân, cả Zalo Connect và SOSMap đều đã phát triển thêm tính năng "đi chợ online" để đặt mua các loại thực phẩm thiết yếu, thuốc men trong khu vực sinh sống.

Đây không phải là lần đầu tiên chuyển đổi số (CĐS) đã được ứng dụng vào công tác cứu trợ, cứu nạn những người gặp khó khăn. Trong đợt bão lũ miền Trung, Zalo cũng đã giới thiệu tính năng SOS vào cuối tháng 10/2020, cho phép người dùng hỗ trợ nhau thông qua thông báo "Tôi cần giúp đỡ". Sau 4 ngày kể từ khi ra mắt, đã có hơn 10.000 thông báo "Tôi cần được giúp đỡ" được tạo và chia sẻ trên Zalo. Hay hệ thống Cứu hộ miền trung cũng được ra đời để tổng hợp, cập nhật dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực về các thông tin kêu cứu tại miền Trung và các đơn vị cứu hộ.

Thậm chí, ứng dụng công nghệ còn được sử dụng trong Bản đồ dịch tễ Covidmap, ông Lê Yên Thanh, CEO Phenikaa MaaS, đơn vị vận hành Covidmap cho rằng, với các công nghệ về bản đồ, IoT và AI của Phenikaa MaaS, vốn đã được kiểm chứng qua các sản phẩm đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng chống dịch, công ty có thể đồng hành cùng các doanh nghiệp và tổ chức để triển khai các giải pháp thông minh và đột phá, trong công tác cứu trợ, giúp đỡ người dân tại các địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo Huyên, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phường IV (thành phố Tây Ninh), MTTQ cùng UBND phường, các hội, đoàn thể đã hỗ trợ cho 50 trường hợp trên địa bàn thông qua tính năng Zalo Connect. Sau khi cán bộ công chức phường, các đoàn thể tiếp nhận thông tin, địa phương xác minh và nhanh chóng đến hỗ trợ cho người dân.

Giải pháp hữu hiệu trong thời gian giãn cách xã hội

Theo đại diện Zalo, Zalo Connect được xây dựng với mục tiêu chính là để cộng đồng gần nhau có thể hỗ trợ nhau trong dịch bệnh, phù hợp với bối cảnh giãn cách hạn chế di chuyển, nhu cầu trợ giúp đơn giản là lương thực, nhu yếu phẩm trang trải cuộc sống hàng ngày. Việc xác minh và hỗ trợ đều dễ dàng và nhanh chóng nhờ khoảng cách địa lý gần nhau trong một khu vực sinh sống, thông qua tính năng bản đồ.

Ông Quốc Anh cho rằng, hiện Zalo Connect đã có hơn 94.000 lượt giúp đỡ. Trong thời gian tới, đội ngũ phát triển sẽ tăng tính xác thực cũng như khả năng kết nối những người cần được giúp đỡ đến những người muốn giúp đỡ nhiều hơn. Đồng thời cũng sẽ truyền thông nhiều hơn để các bác sĩ và những người có thể giúp đỡ biết đến tính năng này và sử dụng nhiều hơn. Ngoài ra, thời gian tới, đội ngũ phát triển sẽ mở rộng tính năng này cho nhiều tỉnh/thành phố khác để người dân có thể sử dụng.

Ứng dụng chuyển đổi số vào việc cứu trợ người dân trong dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Đảng ủy xã Trường Hòa (thị xã Hoà Thành - tỉnh Tây Ninh) phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh xã tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn qua hệ thống Zalo Connect. (Ảnh: Báo Tây Ninh)

Chia sẻ về những kỷ niệm trong quá trình xây dựng Zalo Connect, theo ông Quốc Anh, áp lực lớn nhất của đội ngũ phát triển Zalo Connect luôn là thời gian. Ví dụ như phần bản đồ hiển thị và danh sách những người cần giúp đỡ quanh tôi theo dự kiến cần 5-6 ngày để hoàn thành nhưng trên thực tế nhóm đã hoàn thành trước một nửa thời gian dự kiến. 

"Cả đội đã làm việc ‘điên cuồng’ không kể ngày nghỉ, cuối tuần, thậm chí 11, 12 giờ đêm các bạn trong team vẫn miệt mài thảo luận", ông Quốc Anh nói.

Còn theo ông Vi, tình từ ngày 15/7 đến nay, SOSmap đã có hơn 43.000 lượt giúp đỡ và cần được trợ giúp, trong đó số lượt đăng ký đã được hỗ trợ tương đương 30.000 hộ gia đình. SOSmap hiện mới hoàn thành 50% so với dự định ban đầu của đội ngũ thực hiện. Trong thời gian tới, sản phẩm sẽ phát triển thêm các tính năng hỗ trợ các nhóm thiện nghiện làm việc.

Kỷ niệm lớn nhất trong quá trình phát triển SOSmap, ông Vi cho rằng, đó là những khó khăn ban đầu khi nhóm phát triển chỉ có một vài người, cố gắng nhắn tin tới từng người bạn để nhờ chia sẻ. Cuối cùng, nhờ những nỗ lực mà sản phẩm đã phổ biến và được nhiều người biết đến hơn. 

"Câu chuyện cảm động nhất đó là có bạn sinh viên ở Hà Nội, do không có tiền trong thời gian giãn cách xã hội nên đã phải uống nước cầm hơi cả tuần trời, nhưng thông qua ứng dụng SOSmap mà bạn đó đã được người dân gần đó giúp đỡ", ông Vi nói.

Cũng theo ông Vi, nếu như cách cứu trợ truyền thống có ưu điểm là quen thuộc, dễ làm cho người đi làm từ thiện, thì việc ứng dụng bản đồ, GPS sẽ giúp cho việc định vị người cần giúp đỡ nên giúp các mạnh thường quân thuận tiện di chuyển hơn. Đồng thời, SOSmap còn có hệ thống chia điểm cần giúp cho từng nhóm, từng người làm thiện nguyện nên sẽ giải quyết được bài toàn chồng lấn, làm lãng phí nguồn lực, trong khi còn rất nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ khác. 

"Thậm chí, khi ứng dụng công nghệ, các nhóm, cá nhân còn có thể kiểm tra số điện thoại xem người đó đã nhận được sự giúp đỡ trước đó hay chưa, trước khi đến hỗ trợ", ông Vi nói.

Ứng dụng chuyển đổi số vào việc cứu trợ người dân trong dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Thông tin về một trường hợp cần giúp đỡ trên nền tảng cứu trợ SOSmap tại Hà Nội, nếu không thể giúp đỡ trực tiếp, các mạnh thường quân có thể sử dụng tính năng "Mua hàng" trên nền tảng.

Dùng bản đồ trong công tác cứu trợ sẽ làm việc giúp đỡ nhanh và hiệu quả hơn

Theo ông Lê Yên Thanh, ứng dụng liên quan bản đồ đã xuất hiện rất rộng rãi trên nhiều ứng dụng từ trước thời gian diễn ra dịch bệnh. Một trong những ưu điểm lớn nhất mà bản đồ mang lại là tính trực quan về thông tin cũng như giúp người dùng dễ dàng định vị các dữ liệu hơn, thường người dùng sẽ chỉ quan tâm đến các địa điểm xung quanh họ hơn là các địa điểm ở xa. Bằng việc kết hợp các dữ liệu GPS của người dùng trên thiết bị thông minh vốn đã trở nên phổ biến trong thời đại công nghệ hiện nay và các dữ liệu bản đồ, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm được các địa điểm mà họ quan tâm trên bản đồ một cách nhanh nhất.

Ưu điểm thứ 2 mà bản đồ mang lại chính là việc trực quan hóa dữ liệu trên bản đồ giúp nhà quản lý dễ dàng nắm bắt thông tin cũng như đưa ra những quyết định phù hợp hơn, tránh việc bỏ sót thông tin. Thông thường, mắt của người dùng chỉ có thể thấy được tối đa khoảng 50 thông tin về địa điểm trên một danh sách truyền thống thì với việc đưa lên bản đồ có thể giúp nhìn được hàng ngàn địa điểm một lúc.

Ứng dụng chuyển đổi số vào việc cứu trợ người dân trong dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Anh Vũ Hồng Thái, tình nguyện viên SOSmap chuẩn bị vận chuyển đồ cứu trợ từ kho 178 Tân Quý (TP HCM) đến người dân gặp hoàn cảnh khó khăn.

"Tuy nhiên việc ứng dụng bản đồ và GPS cũng có những nhược điểm đó là sẽ cần sử dụng nhiều hơn về công nghệ và chất xám để trực quan hóa được các địa điểm lên bản đồ, quy trình số hóa các dữ liệu địa điểm truyền thống từ địa chỉ sang vị trí chính xác trên bản đồ sẽ cần có một nguồn dữ liệu và hệ thống bản đồ đủ tốt", ông Thanh chia sẻ thêm.

Đánh giá về vai trò của công nghệ trong việc phòng chống dịch Covid-19, ông Vi cho rằng, việc áp dụng công nghệ nói chung để chống dịch, hỗ trợ người dân giúp hiệu quả được nâng cao lên đáng kể.

Còn theo ông Thanh, vệc ứng dụng công nghệ là hết sức cần thiết để phòng chóng dịch và hỗ trợ người dân, hiện nay ở Việt Nam mỗi ngày có hơn 10.000 ca bệnh mới, các dữ liệu liên quan đến dịch tễ ngày một nhiều, nếu chúng ta không kịp thời ứng dụng các công nghệ để chuyển đổi số các quy trình thủ công thì chúng ta sẽ sớm kiệt sức và không thể chóng dịch lâu dài và bền vững được.

"Với lợi thế là một nước có tiềm lực về CNTT, gần đây chúng ta có rất nhiều ứng dụng CNTT được tạo ra để giúp ích cho cộng đồng và phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng ồ ạt các sản phẩm CNTT vào phòng chống dịch cũng sẽ không phải là một phương án tối ưu, khi mà có quá nhiều ứng dụng được tạo ra để làm cùng một mục đích. Điều này rất cần các cấp lãnh đạo, những người đứng đầu đưa ra những chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn về công nghệ để có thể ứng dụng được một cách đồng bộ và liền mạch", ông Thanh chia sẻ thêm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng chuyển đổi số vào việc cứu trợ người dân trong dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO