Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia: Phạt tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân

Bình Minh| 01/09/2020 07:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Nghị định số 96/2020/NĐ-CP mới ban hành ngày 24/8/2020 quy định nhiều hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị xử phạt nghiêm.

Tổ chức vi phạm sẽ phạt gấp đôi cá nhân

Nghị định quy định đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi VPHC trong lãnh thổ Việt Nam. Người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt VPHC quy định tại Nghị định này.

Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định về hành vi VPHC, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Các hành vi VPHC xảy ra ở khu vực biên giới không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia: Phạt tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân - Ảnh 1.

Cần tuyên truyền để người dân khu vực gần đường mòn, lối mở tiếp giáp khu vực biên giới không VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Ảnh: BM

Đối với mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tổ chức, cá nhân VPHC chỉ áp dụng một trong những hình thức xử phạt chính như: Cảnh cáo; Phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức bổ sung. Cụ thể như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC. Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, hải sản, môi trường và giấy phép xây dựng, vận tải, kinh doanh từ 06 đến 12 tháng; tước quyền sử dụng lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và giấy phép hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền từ 3 đến 6 tháng.

Hình thức trục xuất cũng là một trong những hình thức phạt bổ sung. Việc áp dụng hình thức phạt trục xuất đối với người nước ngoài có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức phạt bổ sung.

Đáng chú ý, tại Điều 4, Nghị định mới nêu rõ: Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC của cá nhân trong lĩnh vực quản lý bảo vệ biên giới quốc gia là 50 triệu đồng. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm a khoản 5, điểm a khoản 7 Điều 6; điểm a khoản 5 Điều 7; điểm b khoản 8 Điều 8; điểm d khoản 2 Điều 9; Điều 11 Nghị định này. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng hai lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia: Phạt tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân - Ảnh 2.

Cần tuyên truyền để người dân khu vực gần đường mòn, lối mở tiếp giáp khu vực biên giới không VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Ảnh: BM

Trong khi đó, hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới, Điều 5, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thăm dò địa chất, khai thác tài nguyên, khoáng sản theo giấy phép làm hư hại dấu hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, cọc dấu, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, bia chủ quyền trên các đảo, điểm cơ sở; công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới; Đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới.

Mức phạt tiền tăng lên mức từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Làm hư hại mốc quốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo; Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia; Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam – Campuchia hoặc xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.

Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, giấy phép xây dựng từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1; điểm c, điểm d khoản 2 Điều này và Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại Điều này cũng như áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bắn, phóng, thả, điều khiển phương tiện bay trong khu vực biên giới phạt 50 triệu đồng

Hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới đất liền cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng...đến 10 triệu đồng tùy mức độ, tính chất, hành vi. Cá biệt, với các hành vi: Cơ quan, tổ chức hoạt động trong vành đai biên giới không thông báo cho đồn Biên phòng sở tại về danh sách người, phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động; vào vành đai biên giới không có giấy tờ theo quy định và không trình báo cho đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại, trừ cư dân biên giới hay đánh bắt thủy sản trái phép, sử dụng vật gây nổ, chất có độc, xung điện trên sông suối, trong lòng đất khu vực biên giới sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia: Phạt tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân - Ảnh 3.

Các hoạt động tại khu vực biên giới trên đường bộ cần thực hiện đúng quy định nếu không sẽ bị xử phạt. Ảnh: BM

Mức phạt tiền mức tối đa từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng sẽ áp dụng đối với một trong những hành vi: Bắn, phóng, thả, điều khiển các phương tiện bay trong khu vực biên giới hoặc qua biên giới; Khai thác khoáng sản trong phạm vi 500 mét tính từ đường biên giới trên đất liền; Lắp đặt các thiết bị lưu giữ hóa chất nguy hiểm và xây dựng nơi xử lý chất thải nguy hiểm trong phạm vi 1.000 mét tính từ đường biên giới trên đất liền.

Cùng với đó, Nghị định cũng quy định rõ các hành vi: Vi phạm quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; vi phạm về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng; vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ công trình biên giới, biển báo trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng...cùng các mức xử phạt tương ứng...

Nhiều lực lượng có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt VPHC

Khi thi hành công vụ, nhiệm vụ những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định này có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong các cơ quan được quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do người, cơ quan có thẩm quyền ban hành có quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Trong khi đó, Thuyền trưởng tàu tuần tra thuộc Hải đoàn Biên phòng, Hải đội Biên phòng, Hải đoàn Cảnh sát biển, Hải đội Cảnh sát biển, Thủy đoàn thuộc Công an nhân dân, Chi cục Kiểm ngư vùng và những người được thuyền trưởng tàu tuần tra thuộc Hải đoàn Biên phòng, Hải đội Biên phòng, Hải đoàn Cảnh sát biển, Hải đội Cảnh sát biển, Thủy đoàn thuộc Công an nhân dân, Chi cục Kiểm ngư vùng giao nhiệm vụ lập biên bản có quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Người có thẩm quyền lập biên bản VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng không có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản. Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn tiến hành lập biên bản VPHC đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý VPHC.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2020 và thay thế Nghị định số 169/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Bài liên quan
  • Hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN
    Theo Tổng cục Hải quan, hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung trong khu vực, thông qua tạo thuận lợi thương mại, hàng hoá tự do lưu thông và thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia: Phạt tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO