Việt Nam đột phá ứng dụng công nghệ AI, đám mây

Hoàng Linh| 20/09/2022 15:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ đang làm thay đổi mọi mặt hoạt động kinh doanh của chúng ta, từ việc các tổ chức, doanh nghiệp (DN) vận hành hoạt động tới việc tương tác với người dân, khách hàng.

Hai công nghệ mang lại sự đột phá cho Việt Nam

Nhận định về những công nghệ làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động của tổ chức, DN, bà Agnes Heftberger, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM tại khu vực ASEANZK (gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Australia, New Zealand và Hàn Quốc) cho biết theo góc nhìn của IBM, có hai công nghệ mang tính chất đột phá trong kỷ nguyên của chúng ta là: đám mây lai (hybird cloud) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Việt Nam đột phá ứng dụng công nghệ AI, đám mây - Ảnh 1.

Bà Agnes Heftberger: đám mây lai và AI cũng là hai lĩnh vực công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam

Đám mây là một nền tảng cho chúng ta hệ sinh thái mở, từ đó có thể mở rộng nhanh chóng hoạt động kinh doanh và tốc độ ứng dụng công nghệ một cách an toàn và cho chúng ta một trải nghiệm mượt mà. Trong khi đó, AI là công nghệ quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là có thể phân tích, rút ra được những thông tin và tri thức từ lượng dữ liệu khổng lồ mà chúng ta thu thập được.

Theo bà Agnes Heftberger, mỗi ngày thế giới tạo ra 2,5 tỷ tỷ dữ liệu, là lượng dữ liệu khổng lồ nhưng điều quan trọng là từ lượng dữ liệu thô đó, chúng ta phải phân tích thì mới hiểu được dữ liệu và ứng dụng nó vào hoạt động kinh doanh. Đó là lý do tại sao AI đóng vai trò quan trọng.

Ở Việt Nam, bà Agnes Heftberger nhận định đám mây lai và AI cũng là hai lĩnh vực công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng. Chính phủ đặt tham vọng là đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu, là trung tâm về AI của khu vực Đông Nam Á. "Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ ứng dụng công nghệ điện toán đám mây nhanh nhất khu vực ASEAN", bà Agnes Heftberger nhận định.

Ứng dụng công nghệ tạo lợi thế cạnh tranh

Cũng theo bà Agnes Heftberger, nhiều năm trước, các quản lý DN và DN hay cho rằng việc đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) là một chi phí, mà đã là chi phí thì tìm cách cắt giảm hoặc quản lý thật là chặt chẽ. Nhưng hiện nay, các tổng giám đốc, các giám đốc CNTT đã thay đổi quan niệm này. Họ không quan niệm công nghệ là một chi phí nữa mà là một yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt cho DN của họ với các đối thủ cạnh tranh khác và mang lại những trải nghiệm thực sự mới lạ và khác biệt, tạo ra sự hào hứng và phấn khích với khách hàng.

"Cùng với yếu tố này và với sự thay đổi quan điểm của lãnh đạo các DN đã khiến cho việc ứng dụng AI, cùng với CĐS đang được tăng tốc nhanh ở Việt Nam cũng như trên thế giới".

Cũng theo chia sẻ của bà Agnes Heftberger, theo ước tính trên thế giới, một nửa GDP có được là nhờ có nền kinh tế số, CĐS. "Như vậy, có thể thấy một sự thay đổi rất là rõ ràng từ một quan niệm cho rằng CĐS, ứng dụng công nghệ là một chi phí thì bây giờ đã trở thành một lợi thế cạnh tranh".

Việt Nam cần làm gì để khai thác tiềm năng của AI, đám mây lai

Để khai thác tối đa tiềm năng của AI, đám mây lai, trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, bà Agnes Heftberger cho biết đầu tiên là phải công nhận các tiềm năng của các công nghệ này. Tại Việt Nam, các tổ chức, DN, người dân đã nhận thức được. Đây là một tín hiệu tốt.

Tiếp theo là cần phải có đầy đủ hai thành tố rất là quan trọng trong công thức làm nên thành công trong việc ứng dụng, khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ. Theo đó, cần phải có nguồn nhân lực trình độ.

Bà Agnes Heftberger cho biết IBM đã hợp tác với một số trường đại học (ĐH) trong việc đào tạo nhân lực trình độ cao tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình IBM SkillsBuild. Trong đó, IBM hợp tác với ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH học Quản lý và Công nghệ UMT TP. HCM (UMT), cung cấp khung chương trình, tài liệu học cập nhật những công nghệ mới nhất hiện nay, theo đó, được tiếp cận công nghệ mới nhất sẽ hỗ trợ việc đào tạo, nghiên cứu. Thành tố thứ hai là cần phải có hợp tác công tư rất là chặt chẽ, đặc biệt trong xây dựng nguồn nhân lực.

Việt Nam đột phá ứng dụng công nghệ AI, đám mây - Ảnh 2.

Văn phòng mới của IBM với mục tiêu “chung tay tạo dựng một tương lai bền vững"

Ứng dụng AI, đám mây lai tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các DN Việt

Trong thời gian qua, IBM đã hợp tác với nhiều DN Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động CĐS, tạo ra lợi thế của DN Việt Nam. Đầu tiên có thể kể đến là Sacombank, một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất tại Việt Nam với các dịch vụ ngân hàng, tài chính đa dạng. Sacombank đã ứng dụng máy chủ IBM LinuxOne kết hợp với hệ thống của ngân hàng để tăng cường hiệu suất của hệ thống, cũng như giảm thời gian giao dịch đối với khách hàng, giảm chi phí và từ đó nâng cao hiệu quả làm việc của mình và cũng nhờ đó có thể đổi mới sáng tạo nhanh chóng, đồng thời cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhanh, đặc biệt là triển khai các dịch vụ mới. Đây đều là yếu tố hỗ trợ Sacombank cung cấp những sản phẩm đảm bảo được sức khỏe về tài chính của khách hàng, giúp cho ngân hàng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Theo tính toán, tổng số chi phí đầu tư trong 6 năm khi triển khai IBM LinuxONE đã giúp Sacombank tiết kiệm hơn 500.000 USD so với các phương án triển khai khác.

Một ngân hàng khác của Việt Nam là ngân hàng Tiên phong (TPBank) đã sử dụng hệ thống IBM Cloud Pak for Business Automation, kết hợp với hệ thống lõi ngân hàng để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh ngân hàng, làm thay đổi trải nghiệm không chỉ của khách hàng mà còn của cả các cán bộ nhân viên của TPBank, mang lại trải nghiệm công việc dễ dàng, thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian giao dịch, giảm thời gian chờ đợi.

Theo TPBank, giải pháp chạy trên Red Hat OpenShift cho phép ngân hàng làm hài lòng khách hàng tốt hơn thông qua các dịch vụ đầu cuối (end-to-end) nhanh chóng và liền mạch mà không cần mất thời gian xếp hàng và giao hàng.

Trong khi đó, Tập đoàn VNPT tin tưởng lựa chọn giải pháp IBM Data Lake để chia sẻ dữ liệu hiệu quả hơn giữa những người dùng dữ liệu và đặc biệt là chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới một cách an toàn, đồng bộ và tuân thủ các quy định về pháp luật, từ đó khai thác dữ liệu hiệu quả hơn. Điều này cũng tương tự như việc làm thế nào để xử lý khối lượng dữ liệu thô khổng lồ, thì chúng ta áp dụng AI, phân tích để trích xuất những thông tin hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh.

Việt Nam đột phá ứng dụng công nghệ AI, đám mây - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Thu Diệp: Khi các hoạt động kinh doanh ngày càng dựa vào dữ liệu, DN phải tìm ra các giải pháp phù hợp để đạt được kết quả kinh doanh

Chia sẻ về việc triển khai giải pháp này với VNPT, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM Việt Nam Phạm Thị Thu Diệp cho biết: "Khi các hoạt động kinh doanh ngày càng dựa vào dữ liệu, DN phải tìm ra các giải pháp phù hợp để đạt được kết quả kinh doanh mong muốn, đồng thời tối đa hóa tính sẵn sàng của dữ liệu mà vẫn đảm bảo an ninh bảo mật và tính tuân thủ. Trong dự án hợp tác này, chúng tôi đã hỗ trợ VNPT xây dựng một hồ dữ liệu, phục vụ cho việc phân tích và ứng dụng AI, nơi mà DN có thể thu thập, lưu trữ, quản trị và bảo vệ dữ liệu thô ở bất kỳ đâu, tại chỗ hoặc trên môi trường đám mây"./.

Bài liên quan
  • Cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về AI
    Theo Ủy ban KHCN&MT, tại thời điểm này, Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về AI để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đột phá ứng dụng công nghệ AI, đám mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO