Xu thế phát triển và cạnh tranh của báo điện tử và mạng xã hội trong quá trình CĐS ở nước ta hiện nay

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp| 04/08/2022 07:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) vốn là xu hướng nổi bật của thế giới trong thời gian qua, nay lại càng được thúc đẩy dưới tác động của đại dịch COVID-19. Trong tương lai gần, các quốc gia ASEAN được dự báo sẽ dẫn đầu cộng đồng kỹ thuật số và các nền kinh tế của khu vực sẽ phát triển trong một hệ sinh thái công nghệ tiên tiến nhờ CĐS và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Xu hướng chuyển đổi kinh tế số trên thế giới và khu vực ASEAN

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng vẫn là xu thế tất yếu của thế giới cho dù nơi này, nơi khác đang có các cuộc chiến tranh thương mại và một số quốc gia thực thi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Đại dịch COVID-19 cũng là điều tồi tệ với đối với cả thế giới, nhưng ở khía cạnh nào đó, nó lại là thời điểm để thúc đẩy các tòa soạn thực hiện CĐS. Đó là kết luận được Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA) đưa ra tại Hội nghị Báo điện tử châu Á tổ chức cuối năm ngoái, theo hình thức trực tuyến. 

Cùng với đó, các tập đoàn lớn cũng lựa chọn các giải pháp ứng dụng dưới dạng dịch vụ (SaaS - Software as a Services) nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư vào hạ tầng CNTT phức tạp nhưng đạt được mục tiêu tận dụng tối đa nguồn tài nguyên trong quá trình CĐS trong lĩnh vực báo chí.

Xu thế phát triển và cạnh tranh của báo điện tử và mạng xã hội trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay - Ảnh 1.

Xu hướng mới của Báo chí - Truyền thông (Nguồn: we are social).

Tầm nhìn của các tập đoàn báo chí, truyền thông lớn trên thế giới đang dần hoàn thiện hơn theo phương châm "Độc giả ở đâu báo chí đi đến đó" và cũng chính với chiến lược này, xu hướng báo chí trên thế giới đã không ngừng thay đổi dẫn đến một cuộc di cư hết sức mạnh mẽ và đầu tư vào kỹ thuật số (digital) nhằm xây dựng một xu hướng báo chí truyền thông mới, đa nền tảng và đặc biệt là xu hướng tiếp cận qua các nền tảng thông tin. Các xu hướng chính của báo chí - truyền thông trong tương lai đã định hướng khá rõ ràng như đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, bức tường phí, các thiết bị đeo trên người và kinh tế báo chí.

Các giải pháp ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và chuyển đổi mô hình số cũng đã mang lại cho các tập đoàn báo chí - truyền thông doanh thu khổng lồ đồng thời kinh tế báo chí cũng đang là xu thế của các ông lớn truyền thông trên thế giới.

Xu thế phát triển và cạnh tranh của báo điện tử và mạng xã hội trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay - Ảnh 2.

Doanh thu hiện nay của các tập đoàn lớn trên thế giới. (Nguồn: google report).

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng vẫn là xu thế tất yếu của thế giới cho dù nơi này, nơi khác đang có các cuộc chiến tranh thương mại và một số quốc gia thực thi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. ASEAN cũng không nằm ngoài xu hướng đó, nhất là khi các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ được trao quyền nhiều hơn, có nhiều cơ hội hơn để trở thành những DN nòng cốt xây dựng nền tảng kỹ thuật số tương lai của ASEAN.

Với sự sôi động của một nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, trong 5 năm tới chúng ta có thể sẽ được chứng kiến ASEAN trở thành trung tâm phát triển kỹ thuật số, nền kinh tế và xã hội số ở châu Á. Đại dịch COVID-19, bên cạnh sự chết chóc và suy thoái kinh tế, đã tác động mạnh mẽ tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, quản lý DN, cho thấy mức độ quan trọng của việc ứng dụng và chuyển đổi sang nền kinh tế số trong đó có chuyển đổi số lĩnh vực báo chí là như thế nào.

Mỗi quốc gia thành viên ASEAN đều đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép tích hợp kỹ thuật số ứng dụng trong nhiều ngành nghề trong đó sử dụng mạng xã hội (MXH) trong báo chí truyền thông là xu hướng phát triển trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị theo cách có lợi cho cả cá nhân và DN địa phương với khu vực. Do vậy, nếu không hoàn thành vai trò này, tiến độ sẽ chậm và không đồng đều, rủi ro mở rộng khoảng cách kỹ thuật số với nhiều cấp độ khác nhau giữa các quốc gia trong ASEAN. Điều quan trọng là ASEAN phải đẩy nhanh tiến độ hội nhập để bảo đảm tất cả các quốc gia thành viên cùng hành động và phối hợp xây dựng một nền kinh tế số với tối đa thành viên tham gia.

Sự ra đời của các công ty, tập đoàn phần mềm hiện nay là tập trung giải quyết các vấn đề trong công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe… Các công ty, tập đoàn phần mềm trong ASEAN đang tích cực cung cấp các giải pháp trong các lĩnh vực giúp các quốc gia trong khối có thể tạo thành xương sống của nền kinh tế toàn cầu và mang lại tiềm năng hết sức to lớn cho CĐS và nâng cao năng suất, hiệu quả, linh hoạt và bền vững.

Các tập đoàn lớn mạnh về công nghệ phát triển mạng xã hội (MXH) như Facebook, Twitter, Instagram, Tiktok… đều có những ưu thế trong việc kết hợp thế giới thực và kỹ thuật số dựa trên ba yếu tố: sử dụng kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực của các chuyên gia để phát triển các ứng dụng kỹ thuật số cho các ngành cụ thể; tập hợp kiến thức chuyên môn để thúc đẩy các công nghệ lõi; đồng thời xây dựng hệ sinh thái mạnh mẽ gồm khách hàng, đối tác giúp cho họ có thể vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong việc đổi mới sản phẩm, dịch vụ để hướng đến khách hàng trên thị trường. 

Để đạt điều này, họ đang nhanh chóng thúc đẩy các ứng dụng công nghệ phần mềm, các giải pháp tự động hóa và nền tảng IIoT (Industrial Internet of Things) hàng đầu, các công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ thuật số 5G và hệ thống an ninh mạng nhằm củng cố hoạt động trong tương lai.

Triển vọng CĐS ở Việt Nam trong xu thế ứng dụng kỹ thuật số trong báo chí, truyền thông

Ngày 20/05/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về "Chương trình hành động của Chính phủ" thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết 50/NQ-CP đề cập nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, CĐS, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển các loại thị trường và các yếu tố thị trường, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ, kinh tế số và thị trường số.

Xu hướng sử dụng Internet và hành vi của người Việt trên Internet

Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), báo chí Việt Nam cùng với mọi ngành nghề trong xã hội đều có những bước chuyển mình để phù hợp với thời đại. Đó là thời đại của công nghệ số, của những khái niệm mới như Internet vạn vật (IoT), AI, thực tế ảo (VR), tương tác thực tế ảo (AR), MXH, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mở ra vô vàn thời cơ cũng như thách thức với báo chí thế giới nói chung, và báo chí Việt Nam nói riêng và trong bối cảnh ngày càng cho rằng dữ liệu mới là tài nguyên lớn nhất của thế kỷ 21 thì báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Tuy nhiên, thu thập dữ liệu để làm gì cũng không phải là câu hỏi dễ trả lời đối với những người làm báo thuần túy và báo chí Việt Nam. 

Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí đa phương tiện ra đời với các kiểu bài như infographics, mega story, e-magazine, long-form… đã không còn lạ với độc giả, tạo nên món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần. Đó là những tác phẩm báo chí bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin của độc giả buộc báo chí phải đứng trước thay đổi sâu rộng.

Những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới tác phẩm của mình. Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông mới vừa làm khó nhưng cũng là động lực để các nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh MXH có sức ảnh hưởng sâu rộng, tin giả (fake news) lan tràn khắp nơi, thì báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình với công chúng.

Xu thế phát triển và cạnh tranh của báo điện tử và mạng xã hội trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay - Ảnh 3.

Số liệu sử dụng Internet tại Việt Nam (Nguồn: Hotsuite).

Sự phát triển mạnh mẽ của nhiều trang thông tin điện tử cũng khiến nhiều đọc giả nhầm lẫn với báo chí. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho báo chí hiện nay khá đa dạng, có một số người không qua các trường lớp đào tạo bài bản, tùy tiện viết lách, đánh mất đạo đức nghề nghiệp, trục lợi cá nhân, làm cho độc giả đánh đồng báo chí với trang điện tử, hay MXH khiến niềm tin với báo chí chính thống có phần bị giảm sút.

Đứng trước áp lực "phải thay đổi" để khẳng định mình, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã sẵn sàng đón nhận thách thức của thời đại công nghệ số và thể hiện quyết tâm trở thành một tòa soạn đa phương tiện. Thay đổi để lớn mạnh và trưởng thành, phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ lửa của báo chí cách mạng, đó chính là mục tiêu bền vững mà các tòa soạn báo hiện nay đang hướng tới.

Xu thế phát triển và cạnh tranh của báo điện tử và mạng xã hội trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay - Ảnh 4.

Số liệu sử dụng Mobile apps tại Việt Nam (Nguồn: Hootsuite).

Thời điểm này, ở Việt Nam, báo in bắt đầu suy giảm số lượng. Nhưng khi nhắc đến báo điện tử, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí vẫn coi đấy chỉ là phiên bản online của bản in, hạn chế cập nhật, mà nói tóm lại là không cho báo điện tử có một đời sống riêng. Đến giờ, có lẽ không còn ai bàn cãi về vai trò của báo điện tử, cho dù doanh thu từ nó cũng không như kỳ vọng. Lý do không phải là báo chí thế giới đi sai đường, mà là vì công nghệ đã phát triển quá nhanh, dẫn đến nhiều "cuộc di dân" khác trong lĩnh vực truyền thông.

Những cuộc "di dân" đó cũng đã sinh ra khái niệm mới trong ngành truyền thông là "du mục trong thời đại số", theo nghĩa độc giả ở đâu thì báo chí theo đến đó. Lý do là độc giả không còn thụ động ngồi chờ chúng ta cung cấp tin tức. Muốn phát triển độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các tòa soạn phải lao đến các nền tảng mà người đọc (và cả người xem) đang tập trung đông đảo ở đó. Đương nhiên, đấy đều là những nền tảng số, gắn liền với những sản phẩm báo chí mới.

Xu hướng sử dụng MXH trong thời đại 4.0

CMCN 4.0 đã thay đổi và nâng cao vị thế của của các MXH trên toàn cầu vì tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ lan tỏa rộng, hiệu quả tác động lớn, MXH ngày nay đang trở thành xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới và cũng là nơi cung cấp tất cả thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ nhất, thông tin có tốc độ lưu chuyển nhanh. Thực tế cho thấy, bất kỳ sự phản ánh về các sự kiện được chuyển tải trên MXH ngay lập tức đến được đối tượng tiếp nhận thông tin mà không (hoặc ít) gặp rào cản về cả không gian và thời gian. Gần như ngay lập tức, trạng thái xã hội, tình trạng quan hệ xã hội... đã được phản ánh trực tiếp, ngay lập tức hay đồng thời khi sự kiện diễn ra. Thông tin trên MXH, do đó luôn mang tính thời sự, tính cập nhật, đáp ứng được nhu cầu của người tiếp nhận. Trong khi với các loại hình truyền thông khác, điều này khó đáp ứng. 

Thông tin trên MXH là thông tin nhanh nhất về các sự kiện chính trị xã hội đang diễn ra. Hơn nữa, mỗi người sử dụng MXH vừa là đối tượng tiếp nhận thông tin, vừa là chủ thể truyền tin. MXH với khả năng chia sẻ thông tin dễ dàng, lan truyền thông tin thuận lợi. Sau khi thông tin được đưa vào hệ thống lưu chuyển của MXH, nó có thể đạt tốc độ lan truyền theo cấp số nhân.

Thứ hai, hình thức thông tin đa dạng. Thông tin được thể hiện qua các chất liệu, các phương thức phong phú, gồm văn bản, ảnh, video và các vật thể khác. Mỗi thông tin có thể được chuyển tải linh hoạt kết hợp làm cho hiệu quả truyền tin cao. Đối tượng tiếp nhận có thể sử dụng nhiều giác quan trong quá trình nhận thức, đem lại dấu ấn cảm xúc mạnh mẽ, lưu giữ biểu tượng lâu dài.

Thứ ba, MXH đáp ứng ở mức độ cao nhu cầu thiết yếu của con người: nhu cầu thể hiện bản thân và tương tác xã hội. Trên MXH, chủ thể và đối tượng thông tin đều dễ dàng thể hiện quan điểm, biểu đạt cảm xúc, thái độ của họ. Nhu cầu thể hiện, khẳng định bản thân là một nhu cầu tự thân của con người trong xã hội. MXH là công cụ hữu hiệu đáp ứng nhu cầu này. Do trình độ nhận thức và năng lực thông tin khác nhau mà người dùng MXH có những thái độ, quan điểm khác nhau trước mỗi vấn đề xã hội. Và dù đó là quan điểm đúng hay sai, giả hay thật, xấu hay tốt thì việc phát tán nó cũng là cách mà người dùng MXH muốn thể hiện bản thân trong cộng đồng, theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực.

Hơn nữa không gian mạng hiện nay không còn là không gian xã hội ảo mà diễn ra quá trình giao tiếp, tương tác mạnh mẽ giữa chủ thể với đối tượng, giữa các đối tượng tiếp nhận thông tin. Thực tế cho thấy các cuộc tranh luận, thảo luận trên mạng về các vấn đề xã hội nói chung, các vấn đề chính trị nói riêng sôi nổi, có sức ảnh hưởng và tạo nên các khuynh hướng tư tưởng rõ nét.

Với những đặc điểm thông tin nêu trên, MXH là nhu cầu thông tin tất yếu của con người trong bối cảnh hiện nay.

Tuyên truyền là hoạt động có mục đích của chủ thể nhằm truyền bá tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng, xác lập nhận thức, niềm tin, tình cảm, thái độ, định hướng hành động của đối tượng theo mục đích mà chủ thể hướng tới. Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của MXH, các thế lực thù địch đã sử dụng như một phương tiện hữu hiệu để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Với đặc điểm MXH: đa dạng, phổ biến, tiện lợi, dễ tiếp cận, dễ chia sẻ... MXH đã trở thành công cụ của các thế lực thù địch. Bên cạnh các chủ thể chống phá là thế lực thù địch, chúng ta cũng thấy gia nhập vào đội ngũ chuyển tải thông tin sai trái, chống phá còn có sự hiện diện của chính một bộ phận cán bộ, Đảng viên, người dân (do nhận thức hạn chế, do bị lợi dụng, lôi kéo...) cũng tự phát trở thành chủ thể lan truyền thông tin sai trái. Chính thực tiễn này làm cho thông tin xã hội trở nên phức tạp, lẫn lộn đúng/sai và khiến cho nhận thức, thái độ và hành động của người tiếp nhận thông tin xã hội, thông tin chính trị trở nên khó đạt được yêu cầu về tính khách quan, trung thực và đúng định hướng.

Sử dụng MXH trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời coi MXH là phương tiện hiệu quả trong truyền truyền chính trị, góp phần củng cố niềm tin, giáo dục chính trị tư tưởng là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.

Bên cạnh đó, khi sử dụng MXH trong tuyên truyền chính trị, đồng thời với việc xác lập nhận thức đúng đắn cho người dùng MXH, cho nhân dân, chúng ta điều chỉnh những nhận thức sai lệch, đấu tranh với những quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch. Quá trình sử dụng MXH trong tuyên truyền chính trị còn tạo lập môi trường thông tin trong sạch, là cơ sở xây dựng một xã hội lành mạnh với những giá trị chân, thiện, mỹ.

Xu hướng cạnh tranh giữa báo điện tử và MXH trong thời đại 4.0

Tham gia vào công cuộc CĐS toàn cầu và CĐS trong nhiều ngành kinh tế trong đó có báo chí đã tạo ra nhiều sự cạnh tranh giữa báo chí, đặc biệt là báo chí điện tử với các MXH. Ngày nay vì sức hút của báo chí đối với các bài viết của tác giả đã không còn sức hấp dẫn vì nhiều yếu tố, như trước đây nhuận bút của một bài báo hay phóng sự là rất cao, nhưng giờ đây do sự phát triển chóng mặt của công nghệ đã làm suy giảm rất nhiều. Song song đó, việc phát triển báo điện tử và đầu tư cho các trang trực tuyến chi phí không hề nhỏ nhưng doanh số thu về chẳng đáng kể. Dẫn đến, nhiều tòa soạn cũng rơi vào tình trạng khó khăn vì tình hình thu hút quảng cáo và các bài viết đạt chất lượng view cao không hề dễ dàng.

Trong khi đó các trang MXH trong các mục quảng cáo ngày càng tăng lên do quy mô kinh tế tăng cao, nhu cầu quảng cáo ngày càng nở rộ, nhưng quan trọng nhất là chi phí dành cho quảng cáo trên Facebook hoặc Google lại rất thấp chỉ khoảng 5% dành cho các quảng cáo trong nước. Một số chuyên gia công nghệ đánh giá các DN có thể bỏ ra đến 80% chi phí dành cho quảng cáo marketing sản phẩm trên MXH Facebook, Google trong khi đó lại bỏ chi phí rất nhỏ để làm thương hiệu trên báo chí chính thống.

Theo tính toán của tổ chức ANTS, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong khi đó thị phần cho Google còn rất nhỏ và Facebook gần như không có gì nhưng đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến chúng ta đạt tới 550 triệu USD trong đó Facebook và Google đạt khoảng 387 triệu USD trong khi đó, tỷ lệ các cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% vào năm 2018 và 29% vào năm 2019.

Làm kinh tế báo chí là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế, song thực tế câu chuyện này còn nhiều tâm tư, cần có sự thay đổi từ nhiều bên liên quan, đặc biệt là thay đổi tư duy quản lý để giúp cho nền kinh tế báo chí giảm thiểu khó khăn và vướng mắc trong quá trình hoạt động của báo chí vì thực tế hiện nay chủ yếu dựa vào quảng cáo để tồn tại, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh truyền hình. Như trước đây doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây đã giảm nghiêm trọng, nhất là báo in.

Nhiều kỳ vọng vào báo điện tử và nguồn thu có tăng nhưng vẫn cần phải cải thiện vì không thể chỉ trông chờ vào quảng cáo, vì hiện nay các cơ quan báo chí luôn đối mặt với nguy cơ sụt giảm nhất là hiện nay các DN tìm đến quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Facebook hay Google ngày càng phổ biến. Do vậy về chiến lược ngắn hạn, các cơ quan báo chí cần phải có giải pháp về doanh thu như tham gia tổ chức sự kiện, tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, bán nội dung độc quyền, bán sản phẩm qua kênh digital hoặc tìm các giải pháp để thu tiền từ các sản phẩm của báo điện tử.

Một số gợi ý chính sách trong vai trò giám sát báo chí điện tử và MXH trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế số ở Việt Nam

Trước hết là phía Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về kinh tế số, CĐS bởi vì theo Chương trình "CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Chính phủ đã yêu cầu thể chế cần đi trước một bước. Để có cơ sở sửa đổi thể chế, chúng ta cần chấp nhận và thử nghiệm cái mới (sandbox) để từ đó đánh giá bài học thất bại và thành công, thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực báo chí truyền thông. 

Ví dụ, một trong những bất cập đầu tiên là pháp luật về sở hữu trí tuệ, về an ninh mạng, Luật dân sự, hình sự… đối với một số vấn đề như bí mật kinh doanh, mất cắp số liệu, dữ liệu thông tin cá nhân, xâm nhập trái phép vào thiết bị kỹ thuật số cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư, tài sản số, tài sản hình thành trong tương lai… chưa được làm rõ gây nhiều khó khăn trong thực tiễn triển khai.

Đó còn là việc cân bằng giữa quyền riêng tư và yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm mạng, hay như những quy định của Luật Báo chí về kiểm soát các thông tin đăng tải trên MXH hiện hành, cơ chế quản lý, giám sát đối với các hiệp hội báo chí, công ty truyền thông, bảo đảm an toàn, bảo mật trước xu hướng gia tăng của các loại tội phạm trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Ngoài những quy định của Luật Báo chí còn một số các quy định của Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng (2018)… cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung hay hướng dẫn, cụ thể hóa việc thi hành để đáp ứng những yêu cầu mới trong phát triển báo điện tử trong cạnh tranh với MXH, góp phần thực hiện vai trò phản biện xã hội của báo chí.

Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của giám sát, phản biện xã hội của báo chí trong việc thực hiện chức năng của mình. Cần xây dựng hoàn thiện các khung pháp lý cho các hoạt động phản biện xã hội theo hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng nền hành chính trong sạch, hiệu quả phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính trong sạch, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Nâng cao nhận thức tạo ra sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị để báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, xây dựng các quy định về công khai, minh bạch để tránh tình trạng lạm dụng quy định về bí mật Nhà nước để không công khai những nội dung có thể và cần phải công khai, minh bạch trong các việc như định giá, đấu giá tài sản DN nhà nước khi cổ phần hóa, công khai các báo cáo tài chính, công khai việc giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất, công khai công tác cán bộ, hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ấn định mức thuế… để nhà báo dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin để thực hiện phản biện xã hội.

Trong bối cảnh phức tạp của thế giới và những biến động tình hình tư tưởng chính trị, chúng ta cần đặt công tác tư tưởng nói chung và tuyên truyền chính trị nói riêng vào vị trí then chốt, quyết định sự tồn vong của chế độ, của đất nước. 

Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, sử dụng MXH là sử dụng phương tiện và công cụ hiện đại, nhiều ưu thế cho tuyên truyền chính trị. Chúng ta cần nhận thức rõ và có những biện pháp triển khai cụ thể, thường xuyên tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục pháp luật cho đội ngũ nhà báo để tăng cường bản lĩnh chính trị và nâng cao ý thức nghề nghiệp cho nhà báo, giám sát cơ quan báo chí nơi nhà báo trực tiếp công tác, nhắc nhở, răn đe, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đạo đức của nhà báo khi tương tác với các đối tượng trên MXH để có thể kiểm soát thông điệp truyền thông, đem lại sự thay đổi nhận thức, tạo niềm tin chính trị và lôi cuốn hành động của mọi người trong xã hội vì sự phát triển Việt Nam trong bối cảnh hiện nay./.

Tài liệu tham khảo:

1. "Advancing toward Asean digital integration" 2021 của Bain & Company, Inc

2. Nghị định 50/NQ-CP, 20/05/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ

3. https://vusta.vn/

4. https://www.hootsuite.com/

5. https://wan-ifra.org/

6.https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-Bao-chi-2016-280645.aspx

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7 năm 2022)

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số cần tầm nhìn xa để thực hiện
    Chuyển đổi số chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một quá trình cần thiết để hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ công dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • AI 2024: Bước nhảy vọt công nghệ và dự báo xu hướng định hình tương lai năm 2025
    Trong thập kỷ qua, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trải qua sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong những công nghệ then chốt định hình tương lai kinh tế, xã hội và công nghệ toàn cầu. Từ những ứng dụng ban đầu trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nhận dạng hình ảnh, AI đã mở rộng ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến tài chính và giải trí.
  • Lãnh đạo Bộ TT&TT chúc mừng năm mới Xuân Ất Tỵ 2025
    Nhân dịp mừng Xuân Ất Tỵ 2025, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Bộ TT&TT trân trọng gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành TT&TT lời chúc mừng năm mới.
  • 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực TT&TT do Tạp chí TT&TT bình chọn
    Năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực TT&TT đã được chú trọng đẩy mạnh. Đảng, Nhà nước và Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển Ngành.
  • Mùa xuân "mang sách cho em"
    Nhằm xây dựng thói quen đọc sách và phát triển phong trào học tập trong cộng đồng, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, mang tính xã hội sâu sắc.
  • Kỷ nguyên công nghệ xuất bản số và đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới
    Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là Internet, đã tạo ra thế giới số với sự kết nối mạnh mẽ và truyền thông lan tỏa nhanh chóng. Công nghệ số đang dần thay đổi bản chất của ngành xuất bản, đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thời đại.
  • Ngân hàng mở và trí tuệ nhân tạo
    Ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình trong có các ngân hàng chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba thông qua các giao diện lập trình ứng dụng (API), nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính sáng tạo, cá nhân hóa và hiệu quả hơn. Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của mô hình này.
  • Báo cáo xu hướng truyền thông 2025: Sự nổi lên của Tổ chức sự kiện và GenAI
    Tổ chức sự kiện trở thành mối quan tâm lớn của các cơ quan báo chí thế giới để đa dạng hóa nguồn thu, trong khi mối quan hệ với nền tảng AI tạo sinh trở thành xu hướng chính trong mối quan hệ media-tech.
  • Lan tỏa văn hóa đọc dịp đầu xuân từ không gian sách Hồ Văn - Văn Miếu Quốc Tử Giám
    Những ngày này, đến thăm không gian vừa nên thơ, vừa cổ kính của Hồ Văn thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), công chúng và du khách không chỉ được tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa của Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025, mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa đọc, nơi mỗi người có thể tìm kiếm những phút giây sâu lắng, thư thái khi làm bạn cùng sách.
  • Làm thế nào “tái cấu trúc” chính phủ, sử dụng AI trong thời đại trí tuệ nhân tạo?
    Trong một thế giới ngày càng số hóa, các chính phủ phải theo kịp những đổi mới công nghệ mới nhất cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ công dân về các dịch vụ chính phủ nhanh chóng, hiệu quả và trực quan hơn.
  • Tổng thư ký Liên hợp quốc chúc mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
    Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres ngày 25/1 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đã gửi thông điệp chúc mừng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Xu thế phát triển và cạnh tranh của báo điện tử và mạng xã hội trong quá trình CĐS ở nước ta hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO