Các nhà khoa học quốc tế bàn thảo chuyên sâu về 5G, IoT và ứng dụng cho Việt Nam

Lan Phương| 21/03/2019 20:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nhà khoa học từ hơn 22 quốc gia đã bàn thảo chuyên sâu về công nghệ 5G và Internet vạn vật (IoT) đáp ứng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Ngày 21/3/2019, tại Hà Nội, trường Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn đã khai mạc Hội nghị quốc tế về những tiến bộ trong Xử lý tín hiệu, Viễn thông và Tính toán lần thứ ba (The 3rd International Conference on Recent Advances in Signal Processing, Telecommunications and Computing - IEEE SigTelCom 2019).

Với chủ đề chính là “Công nghệ 5G và Internet vạn vật đáp ứng CMCN 4.0”, hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 21 - 22/3/2019. Đây là hội nghị quốc tế thường niên được Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử (IEEE) bảo trợ, là diễn đàn để các nhà khoa học trên thế giới công bố các kết quả nghiên cứu chuyên sâu mới nhất và thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và tính toán.

PGS. TS. Lê Kỳ Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. Lê Kỳ Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn đã chào mừng tất cả các nhà khoa học tham dự Hội nghị năm nay và cho biết Hội nghị này không chỉ là một diễn đàn nghiên cứu cho các nhà khoa học, chuyên gia để giới thiệu các công nghệ và các thành tựu nghiên cứu mới mà còn là một cơ hội quý báu để thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và các công ty.

Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia và là một trong những trường đại học quốc gia hàng đầu về khoa học - công nghệ ở Việt Nam. Trường có nhiều chương trình đào tạo đại học và sau đại học về kỹ thuật và quản lý cho cả khối quân sự và dân sự. Trường cũng hợp tác quốc tế chặt chẽ với nhiều đối tác nước ngoài.

Nhằm xây dựng một trường đại học nghiên cứu, Học viện đang thực hiện nhiều đề án nghiên cứu chung khác nhau. Theo đó, Hội nghị là một cơ hội quý báu cho tất cả các nhà khoa học chia sẻ nghiên cứu chuyên sâu”, PGS. TS. Lê Kỳ Nam khẳng định.

Các nhà khoa học tham gia Hội nghị

Năm nay, các phiên khoa học của hội nghị đề cập tổng thể nghiên cứu mới trong tất cả các lĩnh vực của Xử lý tín hiệu, Viễn thông và lý thuyết tính toán, các thuật toán và các ứng dụng.

Hội nghị năm nay nhận được 61 bài nộp từ 22 quốc gia. Mỗi bài báo được ít nhất 3 nhà khoa học chuyên sâu thẩm định. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng các báo cáo thẩm định, Hội nghị đã chọn được 38 bài báo chất lượng cao để trình bày tại Hội nghị và xuất bản trong Kỷ yếu IEEE SingTelCom 2019.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị có 4 bài phát biểu chính (keynote) và 1 bài giảng tập huấn chuyên sâu (tutorial) từ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực.

Cụ thể, 4 bài phát biểu chính gồm các bài phát biểu của TS. Fumiyuki Adachi, Đại học Tohoku, Nhật Bản trình bày về “Sự phát triển của các thế hệ mạng di động hướng tới 5G và các thế hệ tiếp theo”; GS. Sangarapillai Lambotharan, Đại học Loughborough, Vương quốc Anh trao đổi chuyên sâu về “Nhúng trí tuệ nhân tạo và các hệ thống viễn thông và cảm biến không dây”; GS. Massimo Alioto, Đại học quốc gia Singapore trao đổi về “Các hệ thống tích hợp tiết kiệm năng lượng tuỳ biến - Viễn cảnh cho phép giảm năng lượng tiêu thụ trong thập kỷ tới”; GS. Kunihiro Asada, Đại học Tokyo, Nhật Bản trao đổi chuyên sâu về “Đầu đo từ trường tích hợp và ứng dụng trong kiểm tra bảo mật thiết bị”.

Bài giảng huấn luyện chuyên sâu là của GS. Ami Wiesel, Đại học Jerusalem Hebrew, Israel tập huấn chuyên sâu về “Các thuật toán lặp đến kỹ thuật học sâu trong trí tuệ nhân tạo (AI).

Các nhà khoa học trao đổi trực tiếp tại Hội nghị

Mục tiêu của Ban tổ chức Hội nghị là tăng cường chất lượng và do đó sẽ giảm tỷ lệ chấp nhận bài để đạt mức độ 50% (từ 62% trong năm nay). Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Hội nghị cũng sẽ tăng số lượng các bài bao phủ các lĩnh vực khác và giới thiệu các hội thảo đáng chú ý để đáp ứng các chủ đề của Hội nghị.

Trao đổi với PV Tạp chí TTTT, PGS. TS. Hoàng Văn Phúc, Khoa Vô tuyến điện tử, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn cho biết đối với việc phát triển công nghệ 5G tại Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Quân sự có các chức năng đào tạo nhân lực cho công ty trong và ngoài nước trong lĩnh vực viễn thông phá triển công nghệ mạng. Về nghiên cứu, Học viện cùng các công ty viễn thông phát triển công nghệ phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Với chủ đề trọng tâm của Hội nghị là 5G và IoT, bài phát biểu chính có nội dung “Sự phát triển của các thế hệ mạng di động hướng tới 5G và các thế hệ tiếp theo” của TS. Fumiyuki Adachi nêu tổng quan phát triển mạng thông tin di động từ 2G đến 5G và cả 6G. TS. Fumiyuki Adachi cũng giới thiệu các dịch vụ 5G của Nhật Bản. PGS. TS. Hoàng Văn Phúc đánh giá, Việt Nam có thể tham khảo những nội dung này để phát triển các dịch vụ cho xe máy, xe điện thông minh hoặc các dịch vụ quản lý siêu thị thông minh trên nền tảng mạng 5G.

Trong khi đó, GS. Massimo Alioto, Đại học quốc gia Singapore trình bày cách thiết kế mạch trong 5G, sử dụng năng lượng tiết kiệm để có thể giảm tiêu thụ năng lượng, tăng hiệu quả các trạm gốc từ đó có hiệu suất viễn thông an toàn, hiệu quả hơn khi các thiết bị kết nối.

Viễn thông Việt Nam phát triển nhanh trên thế giới nên có nhiều thuận lợi nhưng có khó khăn là ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch của Việt Nam phát triển sau nên Việt Nam cần tiếp cận nhanh hơn để kế thừa những thành quả của thế giới. Với cách tiếp cận phù hợp, chúng ta có thể đáp ứng phát triển 5G phù hợp với điều kiện Việt Nam, PGS. TS. Hoàng Văn Phúc cho biết thêm.

Là chủ tọa Hội nghị, GS. Dương Quang Trung, Đại học Queen, Belfast, Vương quốc Anh cho biết, mạng 5G là cuộc cách mạng rất lớn trong ngành Điện tử - Viễn thông, đặc biệt mạng 5G hỗ trợ công nghệ mới IoT để ứng dụng trong mọi mặt của cuộc sống hàng ngày từ các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng. Các nội dung 5G, IoT sẽ được bàn thảo kỹ tại Hội nghị năm nay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các nhà khoa học quốc tế bàn thảo chuyên sâu về 5G, IoT và ứng dụng cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO