Xây dựng Học viện công nghệ BCVT thành "đại học số" hình mẫu

Lan Phương| 21/09/2020 08:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Học viện công nghệ BCVT (PTIT) tập trung chuyển đổi số (CĐS) toàn diện trong tất cả các hoạt động, xây dựng Học viện trở thành hình mẫu của đại học số.

Ngày 19/9/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với Học viện công nghệ BCVT về tình hình hoạt động, kế hoạch phát triển của Học viện giai đoạn 2021 -2025 và đề xuất một số định hướng chiến lược.

Đột phá bằng thí điểm dạy học trên nền tảng số

Để Học viện phát triển mạnh mẽ, đi đầu về CĐS Đại học (ĐH) trong giai đoạn quan trọng tới, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lần đầu tiên Bộ TT&TT đã thành lập nhóm nghiên cứu về xu hướng ĐH số do Viện Chiến lược TT&TT làm thường trực. Nhóm đã thực hiện nghiên cứu các xu hướng ĐH số, phân tích các lợi thế và tham vấn cụ thể cho Học viện.

Xây dựng Học viện công nghệ BCVT trở thành

Ông Trần Minh Tuấn: Học viện thuộc Bộ TT&TT phải bứt phá lần 2 là ĐH đa ngành quốc tế hướng tới đào tạo cho cộng đồng về các công nghệ 4.0, công nghệ CĐS của Việt Nam

Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT, Học viện là ĐH của ngành TT&TT gắn với sự nghiệp CĐS, phục vụ cộng đồng gắn với mô hình công dân học tập và xây dựng xã hội học tập - đào tạo 100 triệu người dân có nhu cầu nâng cao năng lực cốt lõi thế kỷ 21.

Theo đó, Học viện cần phải có những đột phá chiến lược. Trước đây, Học viện thuộc DN VNPT có bước bứt phá lần 1 thu hút các sinh viên giỏi nhất cả nước vào ngành Bưu điện. Với Chương trình CĐS quốc gia 2020 - 2030, Học viện thuộc Bộ TT&TT phải bứt phá lần 2 là ĐH đa ngành quốc tế hướng tới đào tạo cho cộng đồng về các công nghệ 4.0, công nghệ CĐS của Việt Nam (Make in Viet Nam). Học viện phải thu hút sinh viên, đặc biệt từ khối ASEAN đến học tập. Học viện cũng đào tạo cho cộng đồng (reskill/upskill) theo mô hình công dân học tập và xây dựng xã hội học tập.

Học viện cũng cần đột phá bằng nghiên cứu phương pháp dạy học mới: Đổi mới tỷ lệ giữa truyền thống và trên nền tảng (platform) (tỷ lệ 70% platform). Theo đó, Học viện cần đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm về hoạt động giáo dục trên nền tảng số (học, thi, cấp chứng chỉ, học phần...). Sinh viên thực tập chuyên sâu tại DN công nghệ số (tỷ lệ tối thiểu 40%), thực hành trước, lý thuyết sau theo mô hình học tập của trường ĐH Olin, http://www.olin.edu). Trong khi đó, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phải tỷ lệ 50% đầu tư từ Quỹ R&D của các DN Viettel, VNPT, CMC...

Học viện cần đột phá về chính sách/mô hình hoạt động; Trở thành một nền tảng mẫu giáo dục ĐH số; Tham gia hiệu quả các nền tảng giáo dục số của thế giới và Trực tiếp trở thành nhà đầu tư cho công nghệ, sở hữu công nghệ.

Học viện trong tương lai sẽ là mô hình "một quốc gia số" thu nhỏ với nhà trường là chính phủ số, cán bộ giảng dạy là doanh nghiệp (DN) số và sinh viên là công dân số. Đây là hình mẫu của một ĐH của riêng Việt Nam.

Học viện sẽ là "DN công nghệ số" đầu tiên trong giáo dục-đào tạo ĐH của Việt Nam. Bài toán DN công nghệ số sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong vấn đề tự chủ ĐH hiện nay. Mô hình nhiều DN trong trường ĐH sẽ tận dụng được nguồn lực xã hội hóa để sớm đưa Học viện nâng tầm quốc tế.

Thí điểm CĐS trong mọi hoạt động của Học viện

Với định hướng cho Học viện trở thành ĐH số hình mẫu, bứt phá đi đầu, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá cho biết: Chương trình CĐS quốc gia được Thủ tướng phê duyệt vào 3/6/2020. Theo đó, Học viện có thể coi là một quốc gia số thu nhỏ với hơn 14.000 sinh viên, khoảng 1.000 giảng viên và cán bộ quản lý. Học viện hãy làm tất cả những gì mà quốc gia làm, trong phạm vi 15.000 người của mình. Quốc gia số có ba trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Xây dựng Học viện công nghệ BCVT trở thành

Ông Nguyễn Huy Dũng: Học viện hãy thí điểm làm tất cả những gì mà quốc gia làm CĐS

Theo đó, Học viện số cũng có ba trụ cột: Chính phủ số là hoạt động quản lý đào tạo, Kinh tế số là hoạt động của sinh viên và Xã hội số là tổng hòa các mối quan hệ diễn ra trong phạm vi của Học viện.

Chính phủ số là Chính phủ "bốn không, một có". Xử lý văn bản không giấy, họp không gặp trực tiếp, xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt và có khả năng cung cấp dịch vụ mới kịp thời. Hãy áp dụng "bốn không, một có" này vào hoạt động quản lý đào tạo.

Kinh tế số là DN CNTT, DN viễn thông, DN TMĐT (bán hàng hóa) và DN kinh doanh điện tử (bán dịch vụ). Mỗi sinh viên của Học viện hãy trở thành doanh nhân trong chính lĩnh vực mình học, tại "quốc gia" có tên là Học viện Công nghệ BCVT.

Xã hội số là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang, người dân có kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, hình thành văn hóa số. Học viện đã sẵn sàng để trở thành một xã hội số thu nhỏ. Hãy hình thành văn hóa số ngay chính trong Học viện. Quốc gia số lấy người dân là trung tâm. Học viện số lấy sinh viên là trung tâm.

Học viện có thể trở thành một vườn ươm,  một "công xưởng" công nghệ, là nơi nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới nhất của thế giới và giải quyết những vấn đề của học viện.

"Khi đã trở thành công xưởng công nghệ, Học viện sẽ trở thành một môi trường gần như hoàn hảo cho khởi nghiệp. Nghiên cứu cho thấy, không một môi trường nào thuận lợi hơn trường ĐH để nuôi dưỡng phong trào khởi nghiệp. Các vườn ươm trong trường ĐH tạo ra nhiều việc làm nhất so với vườn ươm ở những nơi khác", ông Dũng cho hay.

Khác biệt để dẫn đầu

Trước các báo cáo và đề xuất định hướng phát triển chiến lược sâu sắc này cho Học viện trong giai đoạn tới, tại buổi làm việc và toạ đàm ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh các cơ hội mà Học viện phải nắm bắt để bứt phá.

Xây dựng Học viện công nghệ BCVT trở thành

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Học viện phải nắm bắt cơ hội để bứt phá dẫn đầu

Theo Bộ trưởng, cuộc CMCN lần thứ 4 mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, ĐH mới thay thế ĐH cũ. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, tạo ra cơ hội cho một số ĐH bứt phá vươn lên thành ĐH hàng đầu. Số ít đó là các nước, các ĐH dám đi đầu.

Nếu nói đến đột phá trong việc học ĐH, theo Bộ trưởng, hãy chung qui về một chữ là làm ngược. Cuộc CMCN lần thứ 4 mở ra một cơ hội về sự làm ngược nhưng mang lại kết quả bất ngờ, mở ra cơ hội của các đột phá. "Cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải những người đi sau mong muốn giống người đi trước. Vì đi theo cách này thì sẽ mãi mãi là người đi sau. Các công nghệ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược, và bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các ĐH đi trước".

Cũng theo Bộ trưởng, trước đây, Học viện phấn đấu để trở thành ĐH MIT, là trường ĐH công nghệ hàng đầu của Mỹ, là việc rất khó. Thì bây giờ, phấn đấu để không trở thành MIT. Sử dụng các công nghệ mới để làm khác, dạy khác, học khác MIT và vì vậy, hơn MIT. Sẽ vẫn còn những DN cần sinh viên MIT, họ sẽ tuyển MIT.

"Sẽ có những DN cần tuyển sinh viên khác MIT, họ sẽ tìm đến Học viện. Nhưng dù có làm khác MIT thì Học viện phải làm việc đó một cách xuất sắc".

Về nghiên cứu trong ĐH, Bộ trưởng nhận định: Lợi thế rất lớn của Học viện là trực thuộc một bộ công nghệ số, một bộ có tới 50.000 DN công nghệ số, trong số đó có nhiều DN mạnh, với hàng triệu lao động, với doanh thu hàng năm trên 100 tỷ USD. Nhưng Học viện chưa tận dụng tiềm năng này. Học viện có cơ hội lớn nhất để trở thành ĐH đi đầu về hoạt động nghiên cứu.

"Gắn ĐH với nghiên cứu phải là khác biệt căn bản nhất của Học viện. Nhưng nghiên cứu ở đây phải là thầy cô tham gia nghiên cứu, sinh viên tham gia nghiên cứu, chứ không phải chỉ những người trong viện nghiên cứu".

"Học viện phải phấn đấu để ít nhất 30% nguồn thu của Học viện là đến từ nghiên cứu. Đã là giáo sư, phó giáo sư của Học viện thì phải có hoạt động nghiên cứu, ít nhất 30% thời gian là dành cho nghiên cứu".

Học viện cùng với 3 DN đang tham gia Hội đồng trường, Viettel, VNPT và CMC - là các DN công nghệ hàng đầu Việt Nam, rất nên thành lập một DN nghiên cứu trong Học viện, vừa là huy động các nguồn lực nghiên cứu của Học viện, vừa là gắn kết với nhu cầu nghiên cứu của DN, vừa kết hợp được tư duy ĐH và tư duy DN. "Đây sẽ là một mô hình tốt", Bộ trưởng cho biết.

Toàn bộ Học viện sống và học trong môi trường số

Để thực hiện chiến lược CĐS quốc gia, giáo dục và đào tạo là một ưu tiên, theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: Mục tiêu của CĐS ĐH là nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên.

CĐS ĐH là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Học viện thuộc Bộ công nghệ số phải đi đầu về CĐS ĐH. Học viện cần đầu tư xây dựng các nền tảng số để ít nhất 70% nội dung giảng dạy được để trên nền tảng, giáo viên sẽ tập trung vào tạo giá trị tăng thêm trên nền tảng này, giáo viên đứng trên nền tảng này để giảng dạy.

Tinh hoa nhân loại, tinh hoa Việt Nam, tinh hoa ĐH, tinh hoa Học viện, tinh hoa công nghệ sẽ được đưa vào nền tảng. Và đây là nền tảng mở để liên tục được cập nhật, tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn cả cách thức giảng dạy, cách thức thi kiểm tra. Học viện làm xong nền tảng này thì mặt bằng Học viện ngay lập tức được nâng lên một mức đáng kể, theo nhận định của Bộ trưởng.

"Trọng tâm của Học viện trong năm 2020 - 2021 là tập trung làm nền tảng. Các DN công nghệ trong ngành có thể hỗ trợ", Bộ trưởng nói.

CĐS Học viện thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành một "quốc gia số" thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của Học viện, của giáo viên, của sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong Học viện sẽ có một định danh số. Học viện là một xã hội thu nhỏ, mà lại là người trẻ, năng động và công nghệ, rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số ở đây, không chỉ việc học mà cả việc quản lý và sinh hoạt.

"Muốn đào tạo nhân lực CĐS thì Học viện sống, học tập và làm việc trong môi trường số, đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất. Quí 3/2020 và Quí 1/2021 sẽ là thời gian để Học viện hợp tác với một công ty công nghệ số để xây lên một ĐH số. Hãy là người đi đầu!", Bộ trưởng yêu cầu.

Về mối quan hệ giữa phát triển, ổn định và đổi mới, Bộ trưởng khẳng định: Phát triển là mục tiêu, ổn định là tiền đề và đổi mới là động lực. "Học viện có cái nền, cái gốc của mình. Là cái bất biến. Nắm chắc cái này thì mới ứng vạn biến thành công. Cái mới, một số chương trình đào tạo mới phải được xây trên cái gốc, cái thân của Học viện thì mới sống được, và mới có bản sắc. Cái cũ đang ổn vẫn tiếp tục tồn tại và nên cho tách ra hoạt động độc lập". 

Trong Học viện nên có nhiều trường như xu hướng "siêu trường" hiện nay trên thế giới và nhiều trường Việt Nam đã triển khai. Học viện sẽ khởi động từ khoa CNTT, Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng cũng mong muốn, ngay trong năm 2020 này, Học viện phải xây dựng cơ sở dữ liệu về sinh viên/học viên của mình, theo dõi họ suốt cả chặng đường sau khi ra trường. Và vì thế mà tài sản của Học viện sẽ ngày một gia tăng.

Theo nhận định của Bộ trưởng, Học viện đang hội đủ các yếu tố "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà". Thiên thời là sự xuất hiện của các công nghệ đào tạo mới, của các mô hình đào tạo mới mang tính đột phá. Địa lợi là công nghệ số đã trở thành kỹ năng thiết yếu, nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội. Nhân hoà là Học viện đang có được sự thống nhất, đoàn kết cao, nhất là trong lãnh đạo.

Bộ trưởng chúc Học viện có đủ niềm tin, quyết tâm để thực hiện ước mơ, làm được thì sẽ giúp cho Việt Nam phát triển.

Xây dựng Học viện công nghệ BCVT trở thành

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm gặp gỡ các giáo viên, sinh viên của Học viện

Trước những trọng trách mới giao cho Học viện, Giám đốc Học viện Vũ Văn San đã ghi nhận và cho biết hiện Học viện là trường ĐH hàng đầu Việt Nam về ICT. Học viện phấn đấu nằm trong nhóm 500 trường ĐH hàng đầu châu Á. Đến năm 2030 nằm trong nhóm 300 trường ĐH hàng đầu châu Á. Học viện sẽ nhanh chóng chuyển đổi thành trường ĐH số.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Học viện công nghệ BCVT thành "đại học số" hình mẫu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO