5G hỗ trợ Việt Nam đa dạng hoá chuỗi cung ứng

Lan Phương| 27/10/2020 18:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phát triển mạnh, đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng bền vững hơn.

Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng" do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức ngày 27/10, bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá cao: "Việt Nam đã thực hiện biện pháp nghiêm ngặt không chỉ ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 mà còn giảm thiểu những tác động tiêu cực đến nền kinh tế".

5G hỗ trợ Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe: Việt Nam thu hút sự chú ý của các chuyên gia, nhà lãnh đạo DN trên toàn thế giới

Điều này, theo Đại sứ, đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới và Việt Nam được coi là điểm đến an toàn cho đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã thúc đẩy con đường cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới được hình thành trong thời kỳ hậu Covid-19.

Với những điều kiện thuận lợi đó, Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh: Việt Nam có một vị trí duy nhất để củng cố khả năng trở thành một lựa chọn sản xuất thay thế hàng đầu. Tuy nhiên, Đại sứ Thụy Điển cũng cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức lớn hơn - tăng giá trị như một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì chỉ tăng khối lượng thương mại.

Do đó, để hiện thực hóa viễn cảnh này, Đại sứ cho biết điều cốt yếu đối với Việt Nam là phải phát triển một ngành công nghiệp hỗ trợ bền vững, bằng cách tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất và tự động hóa. Để duy trì tính cạnh tranh và phù hợp, Việt Nam cũng cần bắt kịp các xu hướng và công nghệ mới nhất trong sản xuất.

Về vấn đề này, Đại sứ cho biết Thụy Điển có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, để Việt Nam có vị trí thuận lợi và được trang bị tốt nhất để đón nhận công nghiệp 4.0. "Chúng tôi cũng mong muốn giúp Việt Nam nắm bắt các cơ hội mà EVFTA sẽ mang lại, cũng như giải quyết các thách thức liên quan đến tài chính", đại sứ Ann Måwe bày tỏ.

Thụy Điển được coi là một trong những quốc gia bền vững và đổi mới nhất trên thế giới. Thụy Điển xếp thứ hai trong Chỉ số đổi mới toàn cầu. Các công ty Thụy Điển có lịch sử lâu đời trong việc cung cấp các giải pháp đẳng cấp thế giới cho các ứng dụng công nghiệp.

Tại Việt Nam có thể kể đến là Ericsson, công ty đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giúp đẩy nhanh việc áp dụng công nghiệp 4.0. Một ví dụ điển hình khác là ABB, gần đây đã cung cấp 1.200 robot cho VinFast. Hai công ty này cũng đang thành lập một cơ sở trưng bày sản xuất thông minh hiện đại tại Việt Nam vào năm 2021.

Trong khi đó, Atlas Copco và Hexagon, với các giải pháp cho lĩnh vực sản xuất, cũng đang đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của một số dự án tại Việt Nam. Các công ty này hoan nghênh được trở thành một phần trong công cuộc phục hồi xanh của Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19.

Ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò lớn tăng cạnh tranh, hội nhập quốc tế

Cho biết về tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, bà Lê Huyền Nga, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đóng vai trò chính trong phát triển quốc gia, giúp tăng cường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phát triển mạnh, đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng bền vững hơn. Để thu hút đầu tư nước ngoài bền vững, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những ưu tiên của Việt Nam.

5G hỗ trợ Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng Việt Nam - Ảnh 2.

Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Mới đây nhất, tháng 6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, DN trong nước chiếm khoảng 30%.

Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Nghị quyết có các mục tiêu cụ thể đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may – da giày và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu hình thành các DN bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển DN sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này; Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

5G đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam

Tại hội thảo, các DN nổi tiếng của Thụy Điển đã hoạt động tại Việt Nam như ABB, Atlas Copco, Ericsson, Hexagon, Tổ chức tín dụng xuất khẩu (SEK), Quỹ tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển (EKN) đã chia sẻ các thực tiễn, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển kinh tế tại Việt Nam.

5G hỗ trợ Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng Việt Nam - Ảnh 3.

Tổng giám đốc Ericsson Dennis Brunetti: 5G sẽ là nền tảng cho các ngành công nghiệp, là nền tảng để DN chuyển đổi trong cách mạng công nghiệp 4.0 và CNTT

Ông Dennis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar đã đề cập đến cuộc cách mạng 5G đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo Tổng giám đốc Ericsson, 5G sẽ là nền tảng cho các ngành công nghiệp, là nền tảng để DN chuyển đổi trong cách mạng công nghiệp 4.0 và CNTT, 5G cũng là nền tảng cho đổi mới, sáng tạo nền tảng cho phát triển bền vững và bao trùm.

5G hỗ trợ Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng Việt Nam - Ảnh 4.

5G đáp ứng lưu lượng dữ liệu bùng nổ, đáp ứng tốc độ cao, kết nối nhiều thiết bị cùng lúc, giúp tăng hiệu suất, đảm bảo an toàn thông tin, quyền riêng tư… "Bên cạnh đó, 5G giúp chuyển đổi các ngành sản xuất, giao thông, vận tải, năng lượng, y tế, giáo dục, an ninh công cộng, đáp ứng các nhà máy thông minh hơn", Tổng giám đốc Dennis Brunetti nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5G hỗ trợ Việt Nam đa dạng hoá chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO