Sự phát triển và đổi mới nhanh chóng của công nghệ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lực lượng lao động ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra những nhu cầu mới cho người lao động.
Báo cáo “Công nghệ và Tương lai của việc làm ASEAN” của Tập đoàn Cisco và Oxford Economics Data về tác động của kỹ thuật số tới lực lượng lao động cho thấy 6,6 triệu lao động sẽ trở nên dư thừa vào năm 2028 tại 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan vàViệt Nam.
Nhu cầu về nông dân lành nghề và người lao động cơ bản sẽ giảm xuống, vì những công việc này có thể được phát triển bằng cách sử dụng công nghệ. Cụ thể, đến năm 2028, các quốc gia này sẽ cần ít hơn 28 triệu công nhân để sản xuất cùng mức sản lượng như hiện nay.
Tuy nhiên, các xu hướng như gia tăng tầng lớp thu nhập trung bình, tăng mức tiêu dùng cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sẽ tạo ra nhu cầu mạnh mẽ về các công việc mới để bù đắp cho sự mấtcác việc làm hiện tại.Năng suất tăng lên từ việc áp dụng công nghệ cũng sẽ làm giảm giá thành và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó sẽ tạo ra nhu cầu mới cho người lao động trong các lĩnh vực khác như bán buôn và bán lẻ, sản xuất, xây dựng và vận tải. Tăng trưởng tiêu dùng dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu việc làm trong ngành bán sỉ và bán lẻ. Tuy nhiên, nhu cầu việc làm này sẽ tập trung theo hướng các kênh công nghệ, trong khi các kênh bán hàng truyền thống, thanh toán tại quầy và nhân viên quản lý kho sẽ không còn cần thiết.
Khi thị trường lao động phát triển, yêu cầu về kỹ năng cũng sẽ thay đổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng 41% trong số 6,6 triệu lao động không có việc làm “thiếu hoàn toàn” các kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết cho các công việc mới. Gần 30% thiếu các “kỹ năng tương tác” mà các vị trí tuyển dụng trong tương lai yêu cầu, chẳng hạn như đàm phán, thuyết phục và kỹ năng dịch vụ khách hàng. Khoảng hơn 25% thiếu các “kỹ năng cơ bản”, như kỹ năng học tập tích cực, đọc và viết. Để đảm bảo các kỹ năng của mình đáp ứng được việc làm tương lai, người lao động sẽ cần phải nâng cao trình độ.
Sự thiếu hụt kỹ năng
Theo Tài liệu hướng dẫn lương châu Á (Asia Salary Guide) năm 2019 của Hays, 65% các tổ chức, doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương đang tái cơ cấu để theo kịp nhu cầu kinh doanh đang thay đổi. 64% cho biết sự thiếu hụt kỹ năng đã tác động tiêu cực đến năng suất của các tổ chức của họ trong năm 2018. Các công ty trong khu vực để từ thiếu hụt kỹ năng thành thiếu đào tạo và phát triển chuyên môn, với 62% các tổ chức giải quyết việc này bằng cách nâng cao trình độ cho lực lượng lao động hiện tại của họ.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Hays cho thấy 67% nhân viên tin rằng các kỹ năng hiện tại của họ sẽ vẫn đáp ứng nhu cầu trong 5 năm, trong khi chỉ có 37% nhân viên đang tích cực nâng cao các kỹ năng chuyên môn của họ, ít nhất 1 - 2 giờ/tuần.
“Các công ty tuyên bố rằng việc thiếu hụt kỹ năng đang cản trở hoạt động và sự thay đổi kỹ năng là lý do chính để tái cấu trúc, thay đổi tư duy nhân viên”, ông Richard Eardley, Giám đốc điều hành tuyển dụng của Hays tại châu Á cho biết.
Theo ông, người lao động cần phải được khuyến khích và dành thời gian, năng lượng, định hướng để có được các kỹ năng mới.
Khoảng cách kỹ năng
Khoảng cách kỹ năng số vẫn là một trong những rào cản hàng đầu cho việc chuyển đổi kỹ thuật số thành công. Học tập cho nền kinh tế kỹ thuật số nên là một trong những bước đầu tiên cần được thực hiện.
Theo chuyên gia về kỹ năng và việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc cải thiện chất lượng của các kỹ năng sẽ làm giảm khoảng cách giữa việc trang bị kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó, các khoảng cách kỹ năng số cần được giải quyết bao gồm các kỹ năng kỹ thuật như kỹ năng CNTT, kỹ năng nhận thức hoặc giải quyết vấn đề và nắm bắt thành thạo các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) và chuối khối (blockchain)...
Tuy nhiên, các kỹ năng kỹ thuật là một phần của phương trình kỹ năng, trong đó các kỹ năng của con người như sáng tạo, phát triển tổ chức, trí tuệ và khả năng lãnh đạo đều quan trọng như nhau. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những kỹ năng xã hội và các kỹ năng cộng tác có thể đảm bảo tăng trưởng bao trùm.
Sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cam kết sẽ trang bị cho 20 triệu người lao động ASEAN các kỹ năng số vào năm 2020. Cam kết được đưa ra vào năm ngoái cùng với sự hỗ trợ các công ty công nghệ lớn, nhằm thiết lập một phong trào khu vực giữa các doanh nghiệp cam kết trao quyền cho các cá nhân thông qua kỹ năng, đào tạo lại và nâng cao trình độ (reskill and upskill). Sáng kiến của WEF nhằm hướng đến việc tạo ra một hệ sinh thái nơi mọi người được đào tạo các kỹ năng liên quan theo nhu cầu để họ có việc làm trong tương lai.
Singapore đang tăng cường nâng cao trình độ cho lực lượng lao động thông qua các hội thảo do chính phủ tổ chức, được gọi là chương trình Tư vấn kỹ năng. Chương trình này cung cấp cho người tham dự quyền truy cập vào hơn 400 khóa học, chủ yếu được xây dựng bởi Hiệp hội các trường đại học (IHLs), tạo họ cơ hội phát triển giáo dục, đào tạo và các triển vọng việc làm.
Ronnie Tan, Giám đốc hãng phát triển game di động Gumi Asia, cho biết ông luôn nỗ lực trong việc tạo ra một môi trường nơi nhân viên cảm thấy gắn bó và được trao quyền để phát triển các kỹ năng mới. "Sau khi họ nâng cao trình độ, họ sẽ đóng góp lại cho công ty. Điều này mang lại lợi ích cho cả công ty và ngành công nghiệp của chúng tôi”, ông Ronnie Tan giải thích.
Một cuộc khảo sát do các nhà nghiên cứu thị trường Vanson Bourne thực hiện cho thấy 86% người Singapore đồng ý rằng tương lai của công việc sẽ không có gì nếu không được đào tạo, học hỏi và phát triển. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng cho thấy 9/10 người Singapore lo ngại rằng họ không thể duy trì việc làm và nâng cao kỹ năng cho tương lai từ tổ chức của mình.
Để xây dựng một hệ sinh thái bao trùm cho đào tạo lại và nâng cao trình độ trong đòi hỏi phải có sự chung tay hành động của cả khu vực công và tư nhân. Trong đó, các bước có thể được thực hiện bao gồm xác định các kỹ năng cụ thể cần có trong tương lai, xây dựng các hội thảo hợp tác hoặc các chương trình đào tạo, đồng thời thực hiện cải cách giáo dục để chuẩn bị cho lực lượng lao động hiện tại sẵn sàng với tương lai.
Các kỹ năng số có thời hạn ứng dụng ngắn, vì vậy việc học tập và đào tạo cần phải liên tục. Xây dựng một chiến lược chung cho lực lượng lao động trong khi ưu đãi phù hợp có thể thúc đẩy tư duy học tập suốt đời của người lao động. Khi một số việc làm trải qua sự gián đoạn và biến mất khỏi thị trường, người lao động cần phải nâng cao kỹ năng, đào tạo lại và đạt được các kỹ năng mới để thích ứng với những thay đổi.