“Báo chí chậm” trở thành gợi ý phát triển cho báo chí tương lai
Trong sự thay đổi chóng mặt của thị trường và công nghệ truyền thông, “báo chí chậm” trở thành một gợi ý phát triển cho báo chí tương lai.
Hãy đối mặt với thách thức một cách sáng tạo và linh hoạt
Theo các chuyên gia, mô hình đăng ký thuê bao (SaaS subscription) đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc cách mạng số hóa, tạo cơ hội cho cả doanh nghiệp (DN) cung cấp phần mềm và người dùng sử dụng dịch vụ, sản phẩm một cách linh hoạt và hiệu quả. Là mô hình kinh doanh mà người dùng trả một khoản phí định kỳ để có quyền truy cập vào dịch vụ hoặc sản phẩm nào đó. Thay vì mua sản phẩm hoặc dịch vụ một lần duy nhất, khách hàng sẽ trả một khoản phí hàng tháng hoặc hàng năm để tiếp tục sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ.
Đối với báo chí, trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền hình và báo điện tử truyền thống sang mô hình đăng ký tại Việt Nam thường phải đối diện với một loạt thách thức đa dạng mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trường Đại học Vinh có một số thách thức cơ bản.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số" do Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Báo điện tử Vietnamnet - Bộ TT&TT phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trường Đại học Vinh nêu rõ:
Thứ nhất, thay đổi trong hành vi tiêu dùng: Công chúng vẫn đang ưa chuộng tiêu thụ nội dung trực tuyến miễn phí hơn là trả phí cho nội dung truyền hình và báo điện tử. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng chuyển đổi độc giả thành thuê bao trả phí và xây dựng một cơ sở độc giả đủ lớn để hỗ trợ mô hình đăng ký.
Thứ hai, cạnh tranh từ các nền tảng trực tuyến: Các DN truyền thông phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng trực tuyến khác như YouTube, Facebook, Tiktok và các dịch vụ phát trực tiếp video. Các nền tảng này thường cung cấp nội dung miễn phí hoặc với chi phí rất thấp, làm giảm khả năng thu hút độc giả chuyển sang mô hình đăng ký của truyền hình và báo điện tử truyền thống.
Thứ ba, thách thức về nội dung và giá trị độc đáo: Để thu hút độc giả trả phí, các DN truyền thông cần cung cấp nội dung chất lượng và giá trị độc đáo mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nguồn miễn phí nào khác. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn vào nội dung sáng tạo, chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu của khán giả.
Thứ tư, thách thức về khả năng thanh toán của người tiêu dùng: Trong một số trường hợp, người tiêu dùng tại Việt Nam có khả năng thanh toán trực tuyến hạn chế hoặc không tin tưởng vào việc cung cấp thông tin cá nhân trực tuyến. Điều này có thể gây rào cản trong việc thu hút và giữ chân độc giả cho mô hình đăng ký.
Thứ năm, thách thức về kỹ thuật và hạ tầng: Việc triển khai mô hình đăng ký yêu cầu sự đầu tư vào kỹ thuật và hạ tầng để hỗ trợ giao dịch trực tuyến, quản lý thuê bao và cung cấp nội dung cho độc giả. Đối với một số DN, đặc biệt là những DN nhỏ, việc này có thể gây ra áp lực tài chính và kỹ thuật.
Trong bối cảnh này, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, các đơn vị truyền thông cần đối mặt với những thách thức một cách sáng tạo và linh hoạt, đồng thời phát triển các giải pháp phù hợp để vượt qua các rào cản và thành công trong việc triển khai mô hình đăng ký trên thị trường truyền thông tại Việt Nam.
Đề xuất một số giải pháp để chuyển đổi thành công sang mô hình đăng ký
Để đối mặt và chuyển đổi thành công sang mô hình đăng ký trong ngành truyền thông, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan báo chí có thể áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, những phân tích của nhà nghiên cứu Trường Đại học Vinh chỉ ra rằng, để thu hút và giữ chân độc giả và cạnh tranh với các nền tảng xã hội, báo chí chỉ có thể tồn tại bằng cách tạo ra những nội dung cao cấp. Thay vì chạy theo các xu hướng bình dân của mạng xã hội, việc tuyên bố giá trị, tạo ra giá trị và nắm bắt giá trị sẽ tạo ra thương hiệu cho các sản phẩm báo chí.
Trong sự thay đổi chóng mặt của thị trường và công nghệ truyền thông, “báo chí chậm” trở thành một gợi ý phát triển cho báo chí tương lai tập trung vào sáng tạo và chiều sâu, đồng thời đảm bảo rằng nội dung đó mang lại giá trị thực sự cho người dùng, vừa có thể thu hút và giữ chân công chúng, vừa thực hiện được những sứ mệnh xã hội vốn có của báo chí.
Về xây dựng mối quan hệ với công chúng, cần xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ và tương tác với độc giả, khán giả là rất quan trọng trong mô hình đăng ký. Các cơ quan báo chí cần tạo ra các cơ hội để tương tác với độc giả thông qua việc phản hồi, khảo sát, sự kiện, và các hình thức tương tác khác để tạo ra sự cam kết và lòng trung thành từ phía độc giả.
Tiếp đó, Nhà nước là “khách hàng lớn", nghĩa là cần xem Nhà nước là một khách hàng lớn trong việc gia tăng đặt hàng đưa tin để các cơ quan báo chí tăng cường khả năng tự chủ và quản lý.
Giải pháp không kém phần quan trọng đó là đa dạng hóa nguồn thu nhập. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào doanh thu từ quảng cáo, các cơ quan báo chí cần đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách tận dụng các mô hình kinh doanh phụ trợ như sự kiện, bán lẻ, dịch vụ đặc biệt cho độc giả trả phí, các hình thức thu nhập từ dữ liệu . . .
Cơ quan báo chí cũng cần tính đến việc chạy chiến dịch tiếp thị hiệu quả: Chiến dịch tiếp thị đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và "giữ chân" độc giả trả phí. Các cơ quan báo chí cần phát triển chiến lược tiếp thị kỹ thuật số toàn diện, tập trung vào việc tạo ra nhận thức thương hiệu, tăng cường hiệu suất quảng cáo, và tối ưu hóa chi phí tiếp thị.
Song song đó, việc cải thiện trải nghiệm người dùng trên các nền tảng kỹ thuật số là rất quan trọng để thu hút và "giữ chân" độc giả. Các cơ quan báo chí cần tập trung vào việc cải thiện giao diện người dùng, tối ưu hóa trải nghiệm di động, và cung cấp các tính năng và dịch vụ tiện ích để tạo ra một môi trường thuận tiện và hấp dẫn cho người dùng.
Hợp tác và đối tác chiến lược có thể là một cách hiệu quả để mở rộng phạm vi và tăng cường giá trị cho độc giả. Cùng với đó, tăng cường sự hợp tác với các "ông lớn" như Google News, Apple News+... để bán những gói liên kết là xu hướng của các nhà xuất bản tin tức trên thế giới.
Về nội dung gốc cộng đồng (User-generated Content - UGC), xu hướng sử dụng nội dung gốc cộng đồng đang ngày càng trở nên phổ biến. Các cơ quan báo chí có thể tận dụng sức mạnh của cộng đồng để tạo ra tương tác với khán giả một cách tích cực.
"Để cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng kỹ thuật và cạnh tranh, các DN truyền thông cần đầu tư vào công nghệ và sáng tạo. Việc áp dụng công nghệ mới như AI, học máy và thực tế ảo có thể giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và tạo ra nội dung độc đáo và hấp dẫn. Cùng với đó, đặt trong hệ sinh thái truyền thông xã hội, báo chí hiện nay không thể tách khỏi hệ sinh thái của truyền thông xã hội. Bởi vậy, thay vì coi mạng xã hội là đối thủ cạnh tranh, hãy biến nó trở thành nền tảng cộng sinh với khả năng hợp tác và mang lại lợi nhuận thức thời. Từ đó, phương thức sản xuất, đóng gói và phân phối tin tức cũng phải phù hợp với hệ sinh thái đó", bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga nhấn mạnh.
Như vậy, để chuyển đổi thành công sang mô hình đăng ký, gợi ý của nhà nghiên cứu cho rằng, các cơ quan báo chí cần phải áp dụng một kết hợp các giải pháp chiến lược và linh hoạt, tập trung vào việc tạo ra nội dung giá trị, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với độc giả, và da dùng hóa nguồn thu nhập. Trong đó, chuyển đổi tư duy của công chúng từ việc tiêu thụ nội dung miễn thì sang việc trả tiền là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi sang mô hình đăng ký trong ngành truyền thông./.