Tại buổi làm việc giữa Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) với tỉnh Tây Ninh sáng 24/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đã báo cáo một số thành quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm GRDP của tỉnh tăng 3,1%, hơn mức trung bình cả nước. Trong đó, các ngành công nghiệp, nông lâm thuỷ sản lần lượt tăng trưởng 6.2% và 0,1% so với cùng kỳ. Tỉnh cũng cấp 317 giấy phép mới, nâng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên gần 6.000.
Tỷ lệ giải quyết hành chính công của tỉnh, chủ yếu lĩnh vực tài nguyên môi trường, đạt 93,4% số hồ sơ nộp. Lĩnh vực bưu chính và chuyển phát phát triển mạnh, đạt doanh thu 48 tỷ đồng 6 tháng đầu năm.
Ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng lao động địa phương
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng lao động tại địa phương, tạo công việc mới cho lao động chứ không sa thải nhân công.
Việc nâng cao năng lực lao động giúp giải quyết được bài toán nhân lực cho Tây Ninh, vì nhân lực trình độ cao thường tìm tới các thành phố lớn để làm việc chứ không bám trụ tại tỉnh. Tây Ninh hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao, do đó Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu chuyển đổi số phải giải được "nỗi đau" này của địa phương.
Để nâng cao chất lượng lao động địa phương, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề xuất tỉnh Tây Ninh cho phép đơn vị này tham gia thực hiện các hạng mục y tế thông minh của tỉnh. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt vấn đề liệu có thể sử dụng công nghệ để nâng cao năng lực lao động trong ngành y tế tỉnh Tây Ninh, chẳng hạn từ mức 1-2 lên 7-8 được hay không? Đại diện lãnh đạo Viettel cam kết thực hiện được mục tiêu này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Viettel thí điểm giải pháp y tế thông minh cho Tây Ninh, giải quyết bài toán nâng cao năng lực lao động trong tháng 8/2020. Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số nói chung cần nâng cao năng lực lao động, gia tăng hiệu suất, tạo công việc mới chứ không thay con người, gây mất việc làm, không tạo nỗi sợ mất việc cho người lao động.
Đề xuất tại buổi làm việc, đại diện VNPT cho biết thuê bao cáp quang hiện chiếm khoảng 30% dân số tỉnh, đảm bảo đưa đến phần lớn các phường xã. Ngoài ra đơn vị này đã vừa khai trương trung tâm giám sát điều hành với 10 phân hệ, nên đề xuất được tham gia vào quá trình xây dựng đô thị thông minh của Tây Ninh.
Bên cạnh đó, đại diện MobiFone cho biết cũng đang triển khai nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, và đề xuất được tham gia vào các lĩnh vực này khi Tây Ninh chuyển đổi số. Doanh nghiệp này cũng hoàn toàn nhất trí với chủ trương dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các nhà mạng nhằm tiết kiệm chi phí.
Đại diện Bkav cho biết có thể tham gia chương trình phổ cập smartphone giá rẻ cho Tây Ninh, đồng thời cung cấp camera thông minh tích hợp AI, phân tích dữ liệu ngay trên camera chứ không cần phải gửi dữ liệu về máy chủ. Đại diện CMC cũng cam kết cung cấp đường truyền viễn thông tốc độ cao cho hạ tầng số của tỉnh.
Tây Ninh cần ban hành nghị quyết về chuyển đổi số
Tại buổi làm việc sáng 24/7, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu một số kiến nghị, bao gồm đề nghị tỉnh Tây Ninh ban hành nghị quyết về chuyển đổi số để tạo hành lang cho các cơ quan trong tỉnh thực hiện.
Chương trình chuyển đổi số kết tinh hầu hết những vấn đề quan trọng hiện tại của ngành TT&TT, bao gồm kinh tế số, chính phủ số, an toàn an ninh mạng, cách mạng công nghiệp 4.0… Do đó, việc ban hành một nghị quyết của tỉnh có thể bao quát được nhiều vấn đề trong vòng 10 năm nữa.
Ngoài ra, tỉnh nên triển khai ngay chính quyền số thay vì chính quyền điện tử. Theo Bộ trưởng, chính quyền số tận dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề mới, để tạo ra những dịch vụ mới cung cấp cho người dân. Trong khi đó, chính quyền điện tử có yêu cầu thấp hơn, chỉ dùng công nghệ để giải quyết những dịch vụ hiện tại. Về cơ bản, chính quyền số giải quyết các vấn đề của chính quyền điện tử nhưng chi phí rẻ hơn, hay hơn. Bộ TT&TT cam kết hỗ trợ Tây Ninh trong việc tiến lên chính quyền số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định phát triển kinh tế số cần có hạ tầng số, tức hạ tầng viễn thông. Do đó, tỉnh cần xem phát triển hạ tầng viễn thông như nhiệm vụ của tỉnh, trong đó có phát triển hạ tầng 5G trong thời gian tới.
Đồng thời, Tây Ninh cần kiên quyết phát triển chuyển đổi số cho mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Chẳng hạn, mỗi hộ gia đình cần có địa chỉ số để phục vụ giao hàng thương mại điện tử. Tỉnh cũng cần đưa các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4, hoàn thành trong năm 2021. Bên cạnh đó, cần tăng cường an toàn an ninh mạng, chi khoảng 10% chi phí CNTT cho an ninh mạng.
"Việc chi ngân sách của tỉnh cho CNTT cũng nên tăng lên mức trung bình 1% của thế giới, thay vì mức 0,2-0,3% hiện nay là còn thấp. Song song đó, cần giao Sở TT-TT làm hạt nhân, điều phối các hoạt động chuyển đổi số trong tỉnh", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.
Phát biểu đáp lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Phạm Viết Thanh khẳng định sẽ chuyển lên chính quyền số theo đề xuất của Bộ trưởng. Đồng thời, giao ban cán sự uỷ ban trình chương trình chuyển đổi số trong tháng 8 để đưa vào nghị quyết.
Ngoài ra, Bí thư Phạm Viết Thanh khẳng định nếu nhận được sự cam kết hỗ trợ của Bộ TT&TT thì Tây Ninh sẽ hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến ngay trong năm nay.
Trong sự kiện này, Bộ TT-TT cũng thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ với tỉnh Tây Ninh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trong giai đoạn 2020-2021. Đồng thời, Bộ cũng trao tặng tỉnh Tây Ninh 200 cụm đài phát thanh thông minh trị giá 4 tỷ đồng.