Cần ngăn chặn những biến tướng mới của gọi vốn đa cấp trái pháp luật thời 4.0

Minh Thiện| 28/12/2020 17:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và môi trường mạng, một số đối tượng lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp qua Internet để lừa đảo, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội

Thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và môi trường mạng, một số đối tượng lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp qua Internet để lừa đảo, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Trịnh Anh Tuấn - Cục phó Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (CT&BVNTD) thuộc Bộ Công Thương - để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV:Xin ông cho biết, thương mại điện tử đa cấp có phải tuân thủ các quy định về kinh doanh đa cấp đã có hiệu lực ở Việt Nam không? Hay đây là mô hình kinh doanh mới, pháp luật chưa bao quát được?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

Cần ngăn chặn những biến tướng mới của gọi vốn đa cấp trái pháp luật thời 4.0 - Ảnh 1.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục phó Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng

Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam nhưng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ Công thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký rồi mới được phép hoạt động. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.

Các tổ chức cá nhân có dấu hiệu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

Thời gian vừa qua, một số đối tượng lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp qua Internet để lừa đảo, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội. Cục CT&BVNTD đã rà soát, kiểm tra và cảnh báo ngay tới người dân thông qua cổng thông tin của Cục và trên các phương tiện thông tin đại chúng về những website hoặc ứng dụng có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái pháp luật để mọi người cảnh giác.

PV: Cục đã chỉ ra, các website, ứng dụng này quảng cáo là hoàn tiền nhiều, nhưng thực tế tỉ lệ phần trăm chuyển đổi sang tiền mặt rất nhỏ, như vậy có phải các website, ứng dụng này đang quảng cáo quá thực tế, sai sự thật?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án kinh doanh theo kiểu đa cấp, mang nhiều cái tên như: "kinh doanh hệ thống", "kinh doanh mạng", "kinh doanh thời đại 4.0"… Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, YouTube, Facebook, Zalo, Viber… với lời quảng cáo có cánh: "sân chơi của các bạn trẻ khởi nghiệp", "những doanh nhân muốn kết nối toàn cầu", "chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử"…

Cần ngăn chặn những biến tướng mới của gọi vốn đa cấp trái pháp luật thời 4.0 - Ảnh 2.

Mô hình đa cấp

Các mô hình đa cấp biến tướng đội lốt dưới những dự án thương mại điện tử, công nghệ 4.0 đang vươn vòi về tận các làng quê, thôn xóm. Sự dối trá, lọc lừa khiến cuộc sống hàng nghìn người đang bị đảo lộn.Những lời lẽ quảng cáo với "giá trị hoàn tiền 80%" hay "giá trị tích lũy 80%" đều hướng những người mua, người tham gia dễ hiểu nhầm thành chỉ cần bỏ ra 20% số tiền là có thể sở hữu được sản phẩm, dịch vụ đang được bán ở đây.

Nhưng thực tế việc "hoàn tiền" với giá trị % cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo theo các tỷ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05% - 0,1%/ ngày), không có ý nghĩa về việc "hoàn tiền" như đã quảng cáo.

Đây có thể đánh giá là một thủ đoạn đưa thông tin sai lệch nằm thu hút, dụ dỗ người đăng ký sử dụng các ứng dụng này.

PV: Theo ông, người dân sẽ thiệt hại gì khi việc kinh doanh đa cấp trên môi trường mạng nhưng bỗng nhiên website hoặc ứng dụng này biến mất cùng chủ sở hữu của chúng?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Qua rà soát các nội dung được giới thiệu trên các phương tiện Internet, Cục CT&BVNTD đánh giá một số các dự án, mô hình hoạt động này có dấu hiệu lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp trái phép. Có thể kể đến các địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io … đang mời gọi người tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn.

Trong thực tế, khi tham gia vào các hệ thống này, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia lại không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiện thị trên giao diện website. Người tham gia, người đầu tư không được cấp giấy chứng nhận hay xác nhận chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Do đó, người tham gia đầu tư sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có vấn đề trục trặc kỹ thuật trên hệ thống hoặc những chủ dự án, hoặc người giới thiệu, tuyến trên cố ý thoái thác trách nhiệm.

Ví dụ rõ ràng ngay trong năm 2019, tại TP Vinh nở rộ phong trào giới thiệu đầu tư vào ứng dụng tích điểm BBI Mall của Công ty BBI Việt Nam. Thời điểm công ty này đến kế hoạch "tự sụp đổ", ngay sau khi cuốn gói nhiều tỷ đồng của nhà đầu tư, các lãnh đạo công ty như Hồ Quốc Anh, Nguyễn Văn Hưởng, Ma Văn Tráng…bỏ trốn biệt tăm, biệt tích.

Cần ngăn chặn những biến tướng mới của gọi vốn đa cấp trái pháp luật thời 4.0 - Ảnh 3.

Những "ngôi sao sáng" của BBI Việt Nam

Người đại diện của Cty BBI Việt Nam tại Nghệ An là ông Hồ Sỹ Hoàn, Giám đốc chi nhánh thì phủi bỏ trách nhiệm trắng trợn. Hàng nghìn người dân ở các tỉnh, thành trên cả nước cũng đang thấp thỏm không yên. Cuộc sống của họ bị đảo lộn vì bao nhiêu tiền của đều bị Cty BBI Việt Nam cuỗm sạch. Mô hình của công ty này còn vươn vòi về tận các làng quê, thôn xóm nghèo gây nên những hệ lụy rất lớn. Có người được bạn bè giới thiệu đầu tư vào BBI giờ không đòi được tiền, tình cảm rạn nứt, mâu thuẫn. Có người đi vay nóng lãi suất cao giờ chìm ngập trong nợ nần.

Nhiều nạn nhân của các mô hình đa cấp lừa đảo hoặc trái pháp luật thời 4.0 cho hay đã tỉnh mộng giàu sang sau khi trắng tay, vỡ nợ, rạn nứt tình thân chỉ vì những giây phút mù quáng.

PV:Nếu xác định đây là một loại hình kinh doanh đa cấp nhưng chưa đăng ký hoạt động thì có bị kiểm tra, xử phạt đến mức hình sự như lưu ý của Cục không? Cục có gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý không?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Theo quy định về pháp luật thương mại điện tử, hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác (Khoản 1, Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP);

Trong khi đó kinh doanh theo phương thức đa cấp là một phương thức kinh doanh bán lẻ, phân phối hàng hóa theo hình thức đa cấp, tức là sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP). Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

Trước bối cảnh các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, thương mại điện tử, tiền ảo, ví điện tử… lại có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Để có cơ sở ngăn chặn từ sớm, xử lý nghiêm các hoạt động này, năm 2017, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, người tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng hoặc quy mô mạng lưới tham gia từ 100 người trở lên đã có thể bị xử lý hình sự…

Do đó, khi phát hiện hoặc có bằng chứng về các hành vi có dấu hiệu lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tổ chức, cá nhân phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo thẩm quyền:

- Hoặc theo Điều 217a Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội danh Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

- Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trường hợp phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

PV:Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần ngăn chặn những biến tướng mới của gọi vốn đa cấp trái pháp luật thời 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO