CĐS tạo ra tư duy vận hành hiện tại và chiến lược trong tương lai

Đỗ Minh| 29/03/2022 04:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Doanh nghiệp (DN) chính là tế bào của nền kinh tế đất nước, việc DN thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) sẽ góp phần thực hiện mạnh mẽ, đạt hiệu quả khát vọng phát triển Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng.

Vậy, để DN CĐS hiệu quả, góp cho thành công mục tiêu quan trọng trên, các DN cần ưu tiên, tập trung đến các vấn đề cốt lõi nào? đâu là giải pháp, con đường ngắn để triển khai?... Để trả lời cho câu hỏi này, mới đây Công ty tư vấn tái cấu trúc, CĐS (Dr SME), Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân (KTQD), Mạng lưới Cựu học viên, sinh viên trường ĐH KTQD phối hợp tổ chức hội thảo CĐS với chủ đề "Những gì cần làm ngay".

CĐS giúp DN hiện thực hóa viễn cảnh

Nêu quan điểm tại hội thảo, PGS. TS. Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (TM&KTQT), Trường ĐH KTQD cho rằng, hiện nay xu thế CĐS đối với các DN đang là điều bắt buộc, cần làm thường xuyên và tích cực.

"Trong xu thế này, nhân tố cơ bản, quan trọng không thể thiếu đối với các DN chính là phải phân bổ hợp lý cơ cấu nhu cầu nhân lực CĐS, vì đây sẽ là "kho tàng" tạo ra nguồn nhân lực quản trị số bền vững", PGS. TS. Tạ Văn Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo PGS. TS. Tạ Văn Lợi, trong công cuộc CĐS, các DN cần nắm bắt, chủ động vận hành tích cực với "dòng chảy" phương thức thương mại điện tử (TMĐT). TMĐT đang tạo nấc thang mới cho các phương thức bán hàng sử dụng nội dung tương tác cao, giao tiếp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng phát trực tiếp (livestream), trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment).

Cùng với đó, các nội dung do người dùng sáng tạo đang gia tăng cao, bởi lẽ có nhiều nền tảng xã hội được thiết lập, hình thành các giá trị tương tác cao (tạo xu hướng để lại bài đánh giá, nhận xét thương hiệu, sản phẩm - review)… điều này đang giúp tối ưu hóa kết nối và hỗ trợ quá trình quyết định mua hàng đối với các khách hàng.

CĐS tạo ra tư duy vận hành hiện tại và chiến lược trong tương lai - Ảnh 1.

Các trường đào tạo ngành kinh tế, tài chính cần phải thường xuyên nâng cao công tác đào tạo về nhân lực CĐS và TMĐT.

Hơn nữa, nhu cầu mua sắm đa kênh để tăng "điểm chạm", thúc đẩy "đẩy doanh thu" cũng đang tăng cao. Và vì điều điều tất yếu này, DN cần phải tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống - sử dụng nó như công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn cũng như gói hỗ trợ từ nền tảng TMĐT.

Chưa dừng lại ở đó, sự đa dạng hóa trong phương thức thanh toán đã mang lại trải nghiệm mua sắm tiện lợi và an toàn. Thanh toán bằng ví điện tử đang trở thành phổ biến, có khả năng chiếm ưu thế hơn phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD) trong thời gian tới.

Đặc biệt, xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng đang được cá nhân hóa về nội dung và tăng điểm chạm. Chính sự đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ để tổng hợp và xử lý thông tin, đã giúp DN thấu hiểu khách hàng và thiết kế những trải nghiệm riêng dành cho các nhu cầu đó.

Với các quan điểm trên, PGS. TS. Tạ Văn Lợi cho rằng, xu hướng CĐS sẽ dẫn dắt các DN để hướng đến các mục tiêu trên. Tuy nhiên, trong xu hướng này, DN cần tập trung đáp ứng làm đối với 05 nhân tố về các nhu cầu: Các giao dịch thị trường trực tuyến (online) tăng cao; số hóa bắt buộc; quản trị số toàn diện; thiết kế số; thu thập số và phân tích online.

Nêu quan điểm về giải pháp thúc đẩy việc CĐS trong DN để tạo ra các tăng trưởng, lợi ích bền vững, PGS. TS. Tạ Văn Lợi cho rằng các DN cần: Tăng cường tuyển dụng nhân lực số; thuê ngoài các dịch vụ CĐS; đẩy mạnh việc đào tạo tại chỗ cho nguồn nhân lực CĐS; liên kết với các cơ sở đào tạo khả năng đào tạo nguồn nhân lực CĐS; cử cán bộ tham gia các lớp nghiệp vụ CĐS.

Ở khía cạnh quan điểm về giải pháp CĐS hiệu quả cho các cơ sở đào tạo hiện nay, PGS. TS. Tạ Văn Lợi cho rằng, đối với các trường đào tạo ngành kinh tế, tài chính cần phải thường xuyên nâng cao công tác đào tạo về nhân lực CĐS và TMĐT.

Vì các trường kinh tế, tài chính là nơi cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực tri thức kinh - hạt nhân hình thành nên các DN, do đó, các trường cần tăng cường liên kết đào tạo với các công ty trong đào tạo nguồn nhân lực và mở thêm các ngành đào tạo liên ngành về CĐS như: Fintech, maketing số, kinh doanh số, công nghệ số…

"Việc liên kết với trường quốc tế sẽ tăng khả năng đào tạo nguồn nhân lực CĐS chất lượng cao, đồng thời, việc liên kết cùng các DN sẽ tạo ra các nhân lực số mới"., PGS. TS. Tạ Văn Lợi chỉ rõ.

CĐS DN cần mô hình công nghệ nhân bản

Đồng tình với các quan điểm của PGS. TS. Tạ Văn Lợi, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Dr SME bổ sung thêm, CĐS khi được thực hiện tốt sẽ mang lại cho DN 04 giá trị lợi ích: Nắm bắt hiện trạng DN; chỉ ra những vấn đề tồn tại; các lựa chọn cải tiến ngắn hạn, dài hạn và triển khai xử lý vấn đề.

"Đặc biệt, khi DN CĐS mạnh mẽ sẽ tạo, hình thành nên hệ tư duy vận hành hiện tại và tư duy chiến lược trong tương lai", ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Vũ Tuấn Anh còn cho rằng, CĐS sẽ là con đường, cách thức giúp cho chủ DN nắm bắt thực tại, nhìn được rõ viễn cảnh và quan trọng hơn giúp DN lựa chọn hiện thực hóa viễn cảnh.

CĐS tạo ra tư duy vận hành hiện tại và chiến lược trong tương lai - Ảnh 2.

DN nào đang trong quá trình chuẩn bị CĐS cũng nên áp dụng mô hình 5 sao

Để các DN triển khai, thực hiện việc CĐS nhanh, hiệu quả thực chất, ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh đến 05 yếu tố "Lực": Định lực (chủ DN cần định vị, định hướng cho DN của mình); tài lực (nguồn lực tài chính); năng lực (trình độ nhân viên, trình độ công nghệ); thực lực (kết quả thực tế trong công việc, việc làm); công lực (công nghệ).

Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, công lực là vấn đề cuối cùng được nêu, nhưng hiện đang được nhiều DN hiểu như là vấn đề ưu tiên nhất của CĐS. "Đây là một quan điểm thiếu sót, bởi lẽ thực tế đang chứng minh kinh doanh đang dẫn dắt công nghệ…", ông Thành bổ sung luận điểm.

Để DN tránh mắc phải những thiếu sót trong quá trình thực hiện việc CĐS, DN nên áp dụng, triển khai mô hình CĐS theo mô hình "kiềng ba chân", gộp từ 03 mô hình: Vận hành (Operation Technology); công nghệ thông tin (Information Technology); công nghệ nhân bản (Human Technology).

Đặc biệt, trong mô hình này, mô hình công nghệ nhân bản rất quan trọng, không thể không áp dụng, vì giúp DN: Hoàn thiện tư duy lãnh đạo số (digital leadership); tạo giá trị số dựa trên mô hình số (digital innovation anh entrepreneurship); kiến tạo mô trường làm việc số (digital workplace); kỹ năng số cơ bản (digital skillset).

Cùng với đó, nếu DN nào đang trong quá trình chuẩn bị CĐS cũng nên áp dụng mô hình 5 sao: Thành lập ban CĐS; xác định mức độ trưởng thành số; đào tạo nhân lực; phân tích chiến lược CĐS; tìm hiểu nhà thầu giải pháp, tư vấn.

"DN hãy bắt tay vào việc thực hiện CĐS thay vì lo lắng, băn khoăn. Khi DN thực hiện tốt điều này, các giá trị mang lại nâng cao tính cạnh tranh , thu hẹp thời gian trưởng thành", ông Tuấn Anh nhận định.

Ở quan điểm khác, ông Đào Trung Thành, Đồng sáng lập Think tank DTSI, Dr SME cho biết thêm, CĐS chính là việc DN hiện đại, đổi mới các quy trình, mô hình kinh doanh. Đây là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng đến mô hình kinh doanh mới.

Để đạt hiệu quả việc thực hiên CĐS, các DN nên áp dụng 03 cấp độ: Số hóa (chuyển đổi mọi thông tin sang dạng kỹ thuật số); ứng dụng CNTT (sử dụng các dữ liệu số để đơn giản, tối ưu hóa cách làm việc); CĐS toàn diện (thay đổi mô hình, tổ chức kỹ thuật, kinh doanh trên các thông tin số).

Đặc biệt, trong quá trình CĐS, DN cần xác định, đánh các mức độ triển khai trưởng thành của mình như: Cơ bản (DN chưa hình thành mục tiêu hiện tại cho CĐS nhưng đã có thể thực hiện các giải pháp CĐS cơ bản để số hóa một số vài quy trình nội bộ hoặc một vài sản phẩm, dịch vụ); đang phát triển (số hóa một phần); nâng cao (CĐS tích hợp trong toàn bộ hoạt động của tổ chức); nâng cao (không những đổi mới và phát triển thông qua việc nghiên cứu các mô mô hình kinh doanh và quản trị mới); dẫn đầu (táo bạo, chủ động tiên phong…).

Đặc biệt, DN cần áp dụng thực hiện theo Hướng dẫn bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành CĐS do Bộ TT&TT ban hành. "DN cần áp dụng bộ chỉ số đánh giá CĐS áp dụng đối với: DN lớn (06 tiêu chí, 25 trụ cột, 139 tiêu chí); DN nhỏ và vừa (06 trụ cột, 10 thành phần, 60 tiêu chí)", ông Thành nhấn mạnh.

Đưa ra quan điểm, giải pháp mở giúp các DN phát triển, trưởng thành trong công cuộc CĐS, theo ông Thành, DN cần áp dụng mô hình nào phù hợp, mang tính phổ quát và nếu trong quá trình thực hiện thấy thành công thì nhân rộng, đồng thời, cần luôn tăng cường học hỏi (có thể chỉ là ở mức sơ khai giống với các nước đang áp dụng trên thế giới).

Ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao các quan điểm, ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó hiệu trưởng trường ĐH KTQD bày tỏ mong muốn được đồng hành tổ chức nhiều hơn nữa các hội thảo, hoạt động về nội dung, chủ đề CĐS.

"Đặc biệt, đối với các giải pháp đề xuất, nhà trường tích cực tiếp thu để ngày nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, trang bị các kiến thức cho sinh viên liên quan đến các ngành, chuyên ngành CĐS….", PGS. TS. Bùi Huy Nhượng nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS tạo ra tư duy vận hành hiện tại và chiến lược trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO