Chi trả an toàn 5.800 tỷ đồng cho người có công với cách mạng qua Bưu điện

Lan Phương| 17/12/2019 20:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Cả nước có 20 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng qua hệ thống Bưu điện.

Hàng tháng, Bưu điện đã tổ chức gần 3.600 điểm chi trả, bố trí 3.242 nhân viên chi trả cho 360.000 người hưởng với số tiền lên đến 620 tỷ đồng. Tổng số tiền chi trả trợ cấp ưu đãi người có công từ năm 2016 đến nay lên đến 5.800 tỷ đồng.

Thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức trong sáng nay 17/12/2019.

Toàn cảnh Hội nghị

Từ năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) thí điểm chi trả qua hệ thống Bưu điện. Mối quan hệ hợp tác này nhằm đổi mới công tác chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng theo phương thức hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tạo sự minh bạch cũng như giảm tải áp lực cho cán bộ xã, phường trong điều kiện Chính phủ yêu cầu tinh giản biên chế “đến năm 2021 giảm thiểu 10% số biên chế so với 2015”.

Từ chỗ thí điểm tại 6 địa phương, nay đã có 20 tỉnh, thành phố triển khai công tác này.

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH tại 20 địa phương, tỉ lệ hài lòng của người hưởng theo phương thức chi trả mới đều đạt khá cao.

Cụ thể, 99% - 100% người được hưởng tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Quang Nam hài lòng về thời gian chi trả. 95% - 100% người hưởng tại các tỉnh Nghệ An, Gia Lai, Thanh Hóa đánh giá cao về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên Bưu điện khi thực hiện chi trả tại các điểm hoặc tại nhà đối tượng. Gần 100% người thụ hưởng tại các tỉnh đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện.

Ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH cho biết mô hình chi trả qua Bưu điện đã tách việc chi trả chế độ với công tác quản lý đối tượng, góp phần giảm công việc cho cán bộ chi trả xã, phường để họ có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó đẩy nhanh tiến độ xác lập hồ sơ đối tượng, đảm bảo tốt hơn công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tinh giản biên chế theo chỉ định của Chính phủ.

Đặc biệt, việc chi trả này cũng tách bạch trong việc chi trả và tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong việc thực hiện chính sách người có công, bên cạnh đó nguồn tiền chi trả được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn hơn.

Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN chia sẻ, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công được BĐVN, doanh nghiệp bưu chính công ích triển khai trên cơ sở ứng dụng CNTT trên nền tảng chi trả lương hưu, chi trả bảo trợ xã hội, nên công việc mới này không gây nhiều khó khăn cho đơn vị.

Do được giao chi trả nhiều chế độ an sinh xã hội trên địa bàn, nên đối với những trường hợp một người được nhận nhiều chế độ (lương hưu, ưu đãi người có công, trợ cấp bảo hiểm xã hội…), Bưu điện sẽ tích hợp danh sách của đối tượng hưởng để chi trả cho các đối tượng vào cùng một thời gian. Điều này giúp các đối tượng không phải mất công đi lại nhiều lần.

Cũng theo bà Hương, việc tích hợp các hệ thống này với nhau sẽ góp phần tạo ra cơ sở dữ liệu (CSDL) về an sinh xã hội, phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

Theo ông Dương Bằng Giang, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn, phương thức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống Bưu tại địa phương luôn tuân thủ theo hợp đồng nguyên tắc giữa Sở LĐ-TB&XH với Bưu điện tỉnh và hợp đồng chi trả giữa Phòng LĐ-TB&XH với Bưu điện các huyện, thành phố.

Địa điểm chi trả được thực hiện tại các điểm Bưu điện, nhà văn hóa xã, nên linh hoạt về thời gian, địa điểm nhận trợ cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người được thụ hưởng và công tác chi trả.

Nhân viên Bưu điện xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn chi trả trợ cấp ưu đãi người có công trên địa bàn xã

BĐVN đã bố trí đảm bảo về con người, cơ sở vật chất và thực hiện đúng chế độ, thời gian chi trả hàng tháng cho đối tượng cán bộ nhân viên thực hiện có phẩm chất đạo đức tốt.

Chi trả tại địa phương đạt hiệu quả cao

Chia sẻ về mô hình triển khai tại địa phương mình, ông Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóacho biết, dù mới triển khai từ tháng 5/2019, nhưng do có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bưu điện và LĐ-TB&XH tại địa phương trong công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, nhân viên Bưu điện nên không chỉ công tác chi trả được 99% người nhận hài lòng mà việc quản lý cũng đạt hiệu quả cao hơn. Qua triển khai phần mềm quản lý, giám sát, hai đơn vị đã phát hiện một số trường hợp thông tin về người nhận chưa đúng nên đã kịp thời chấn chỉnh, bổ sung.

Đồng tình với cách chi trả người có công hiện nay, ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết khi chưa thực hiện chi trả qua Bưu điện tại địa phương này đã từng xảy ra các vụ mất mát tiền chi trả, nhưng từ khi chi trả qua Bưu điện dù mỗi tháng số tiền lên tới 33 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh chưa có một ý kiến phàn nàn về việc chậm chễ trong nhận tiền. 99,8% đối tượng thụ hưởng tại Quảng Trị đánh giá độ an toàn trong công tác chi trả của Bưu điện ở mức tốt.

Bên cạnh đó, nhờ việc chuyển công tác chi trả sang Bưu điện, giờ đây những cán bộ làm công tác lao động - xã hội ở cấp xã của địa phương này cũng có nhiều thời gian để thực hiện nhiều đầu việc khác.

Theo đại diện của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, địa phương này có số lượng đối tượng hưởng chính sách người có công lên tới hơn 73.000 người, bình quân chi trả 127,1 tỷ đồng/tháng. Trước đây, đội ngũ cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH tại cơ sở chỉ có một người dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý, chi trả trợ cấp. Do đó, từ 1/7/2019, việc thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện được thí điểm tại 5 địa phương là TP. Vinh, huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghĩa Đàn và Con Cuông.

Với những thuận lợi trong việc chi trả theo phương thức mới, tại Hội nghị tổng kết công tác thí điếm chi trả người có công qua Bưu điện, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, dự kiến bắt đầu từ 1/1/2020, địa phương này sẽ triển khai trên toàn bộ địa bàn 21 huyện, thị.

Cũng tại Hội nghị, các địa phương đang triển khai thí điểm chi trả một phần như Thái Nguyên, Ninh Thuận, Quảng Ninh cũng cho biết sẽ nghiên cứu để sớm triển khai chi trả người có công với cách mạng trên toàn bộ địa bàn trong thời gian sớm nhất nhằm tạo thuận lợi cho người nhận và công tác quản lý cũng đạt hiệu quả cao hơn.

Tri ân đối với người có công với đất nước

Theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN, Tổng công ty xác định việc chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng không đơn thuần chỉ là chi đúng, chi đủ và kịp thời mà đây còn là công tác đền ơn đáp nghĩa.

BĐVN coi đây là một việc làm thể hiện sự tri ân của ngành Bưu điện với những người, gia đình có công với đất nước. BĐVN cam kết sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt sẽ sớm triển khai việc chi trả theo phương thức mới -  chi trả điện tử để đối tượng hưởng ngày càng thuận lợi hơn, việc rút tiền linh hoạt, dễ dàng hơn.

Tiếp tục ứng dụng CNTT mạnh mẽ tạo thuận lợi tối đa cho người được nhận chi trả

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn cho biết, tới đây công chức làm công tác lao động - xã hội ở cấp xã phải đảm nhận rất nhiều việc như:tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch, y tế và giáo dục trên địa bàn; xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư; thông tin, truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương; theo dõi, tổng hợp, báo cáo về số lượng và tình hình biến động các đối tượng chính sách LĐ-TB&XH; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và chi trả các chế độ đối với người hưởng chính sách xã hội và người có công; thực hiện các hoạt động bảo trợ xã hội và chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn cấp xã…

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Việc xã hội hóa công tác chi trả không chỉ tạo điều kiện để cán bộ cấp xã làm việc hiệu quả hơn mà công tác chi trả cũng được an toàn hơn, đặc biệt việc xây dựng CSDL quốc gia về an sinh xã hội cũng sớm được đẩy nhanh quá trình thực hiện.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn yêu cầu Tổng công ty BĐVN tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất, đặc biệt là ứng dụng CNTT theo hướng đi thẳng vào chi trả bằng thẻ điện tử, nhận diện đối tượng thụ hưởng bằng hình ảnh, không cần giấy tờ, tạo thuận lợi tối đa cho người hưởng.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định qua 3 năm triển khai thí điểm, phương thức chi trả qua bưu điện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tiến trình cải cách thể chế, bộ máy quản lý, tăng cường dịch vụ sự nghiệp công; giảm tải áp lực công việc cho công chức ngành LĐ-TB&XH.

Bên cạnh đó, việc chi trả đã đảm bảo an toàn về quản lý tiền chi trả trợ cấp, quy định trách nhiệm bồi hoàn của cơ quan bưu điện khi có thất thoát; tách bạch giữa công tác quản lý, xác lập đối tượng với công tác chi trả, phòng ngừa khả năng trục lợi trong quá trình chi trả; đối tượng hưởng nhiều loại trợ cấp (hưu trí, người có công) không phải đi lại nhiều lần...

Trước các đề xuất về việc mở rộng số địa phương chi trả người có công qua Bưu điện, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết Bộ sẽ trình xin ý kiến Chính phủ về mặt chủ trương để có hành lang pháp lý triển khai tại nhiều địa phương. Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành LĐ-TB&XH tại các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bưu điện đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT trong quản lý và chi trả như: hoàn thiện phần mềm quản lý đối tượng, quản lý tài chính… đảm bảo việc chi trả đúng, đủ, kịp thời, tạo thuận lợi nhất cho người được hưởng.

Bài liên quan
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chi trả an toàn 5.800 tỷ đồng cho người có công với cách mạng qua Bưu điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO