Chung tay làm giảm rác thải nhựa đại dương - Vì một Việt Nam xanh sạch đẹp

T.H| 17/05/2022 08:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Vấn đề rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực.

Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vấn nạn rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Những năm qua Việt Nam đã tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường đại dương.

Nỗ lực của Chính phủ vì một đại dương xanh

Đảng và Chính phủ đã đưa ra những văn bản quan trọng mang tính chiến lược như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu: "Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường"; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương; Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 7/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 bao gồm các nội dung liên quan đến điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý.

Đặc biệt, một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra là "ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương."

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường "chủ động, tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực;" "thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương."

Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương của Việt Nam đến năm 2030 đặt ra các yêu cầu: "Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương". Đồng thời,  "Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; chủ động ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế; phối hợp trong việc kiểm soát quản lý rác thải nhựa đại dương".

Thực hiện các chủ trương trên và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chủ động tham gia cùng nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc để bàn về các giải pháp, chính sách cơ chế giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương và đạt được một số kết quả tích cực.

Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" được phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 2/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm chủ Dự án.

Được Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Dự án có bốn hợp phần chính gồm: truyền thông, hỗ trợ chính sách, đô thị giảm nhựa và khu bảo tồn biển.

Dự án được triển khai trên bảy tỉnh, thành phố, huyện gồm tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Phú Yên, Long An, thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và ba khu bảo tồn biển gồm Cù Lao Chàm, Côn Đảo và Phú Quốc.

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các dự án cụ thể của địa phương để giảm thiểu việc sử dụng nhựa một lần và tăng cường tái chế. Đây chính là hiệu quả có được từ việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giám sát rác thải nhựa ven biển

Mới đây nhất, Dự án "Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng công nghệ viễn thám" do Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai xây dựng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và vùng ven bờ.

Theo đó, trong 3 năm 2022 - 2024, Cục Viễn thám quốc gia phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai xây dựng Dự án "Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng công nghệ viễn thám" trên phạm vi các khu vực ven biển và biển ven bờ Việt Nam.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và vùng ven bờ. Bên cạnh đó, với phương pháp và quy trình công nghệ tiên tiến, Dự án sẽ cho phép các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện và tiến hành giám sát trên diện rộng đối với các bãi, đám rác thải nhựa lớn cũng như ảnh hưởng của chúng tới môi trường sinh thái.

Theo Cục Viễn thám quốc gia, để thực hiện Dự án, Cục sẽ sử dụng các loại ảnh chụp từ không gian với diện tích phủ trùm lớn, tần suất chụp lặp lại cao, cung cấp được thông tin thu nhận trên nhiều kênh phổ khác nhau để quan trắc trực tiếp trên biển.

Bên cạnh đó, Cục cũng sử dụng dữ liệu viễn thám SAR nhạy cảm với độ nhám của các đám rác thải nhựa so với bề mặt xung quanh để phát hiện, khoanh vẽ và giám sát các khu vực có ô nhiễm rác thải nhựa, các thành phần vi nhựa.

Mặt khác, theo nghiên cứu, các vật chất nhựa trôi nổi trên biển sẽ tạo ra môi trường sống cho các vi sinh vật. Hoạt động của các vi sinh vật trên bề mặt vật chất nhựa sẽ tạo ra các lớp màng sinh học và các vệt (mảng tối). Những màng sinh học và các vệt này có thể quan sát được trên ảnh radar (các mảng tối trên ảnh radar đen trắng) trong khi không thể nhận biết được trên ảnh quang học.

Cùng với đó, do sự khác nhau rõ rệt về phản xạ phổ của rác thải nhựa so với môi trường xung quanh nên khi phân tích ảnh có thể sớm phát hiện, nhận dạng và phân loại rác thải nhựa trên biển.

Đặc biệt, với việc áp dụng giải pháp kỹ thuật xử lý dữ liệu viễn thám kết hợp với mô hình mô phỏng sẽ giảm rõ rệt công tác khảo sát lấy mẫu trên biển, góp phần giảm chi phí nhân công, trang thiết bị, tàu thuyền.

Nỗ lực của cộng đồng

Để thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa để làm sạch vùng biển, các đơn vị, tổ chức và các nhân đã chung tay nỗ lực vì một đại dương xanh. Cụ thể đầu năm 2022, buổi ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác dọc bãi biển của hơn 400 đoàn viên, thanh niên Lữ đoàn 170 cùng tuổi trẻ phường Hà Tu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp tích cực vào việc triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đơn vị và địa bàn đóng quân.

Để triển khai hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa, thời gian qua, Đoàn cơ sở Lữ đoàn 170 đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, nòng cốt là đoàn viên, thanh niên. Cụ thể, trong cuộc sống, công tác hàng ngày, toàn đơn vị hạn chế tối đa sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đơn vị đã triển khai các mô hình chống rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung như: "Chiến dịch tình nguyện thu gom rác thải", "Ngày Chủ nhật xanh", "Ngày thứ Bảy tình nguyện", "Hành quân xanh"… Tất cả đoàn viên, thanh niên luôn đi đầu trong việc thu gom, xử lý rác thải tại đơn vị.

Hay như vào tháng 01 năm 2022 - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổng cục biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khởi động chiến dịch "Non, biển chung tay - Dọn ngay rác nhựa" và vinh danh các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi ảnh "Câu chuyện rác nhựa." Chiến dịch "Non, biển chung tay - Dọn ngay rác nhựa" nhằm kêu gọi hành động tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.

Chiến dịch "Non, biển chung tay - Dọn ngay rác nhựa" sẽ được triển khai trong 6 tháng gồm các hoạt động được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại các tỉnh gồm Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Chiến dịch đưa ra lời nhắc nhở mỗi người dù sinh sống tại miền núi, đồng bằng hay ven biển cần đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, trả lại màu xanh cho biển cả. Chiến dịch đưa ra các thông điệp chính: Hãy lựa chọn nhìn vào sự thật và có trách nhiệm với xã hội; Đừng ngại chọn con đường đúng dù đó là lối đi khác biệt và khó khăn, và Người hiện đại không ngại hành động để chọn lối sống xanh vì mình và vì mọi người…./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chung tay làm giảm rác thải nhựa đại dương - Vì một Việt Nam xanh sạch đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO