Chuyển đổi số ở làng, xã xậy dựng nông thôn mới bền vững

Dương Khánh Dương, Đồng Hoàng Vũ| 18/11/2020 08:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong Phần 1 của bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT tháng 9 đã thảo luận trường hợp của Hàn Quốc về những kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) với Dự án INVIL.

Trong Phần 2, sẽ tiếp tục nghiên cứu về kinh nghiệm của Trung Quốc với những ngôi Làng Taobao. Nếu kinh nghiệm của Hàn Quốc là quá trình đầu tư dài hạn có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ cùng với sự vào cuộc, gắn kết của hệ thống chính quyền địa phương, thì kinh nghiệm của Trung Quốc là ở một góc độ khác - đó là vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân.

Chuyển đổi số ở làng, xã xậy dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 1.

Nhân viên bán hàng phát trực tiếp qua điện thoại di động để bán cây ở Công viên trình diễn nông nghiệp, thành phố Tô Quyền, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Cũng như Hàn Quốc, thương mại điện tử đã và đang nắm giữ một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Trung Quốc, nhưng để đưa thương mại điện tử phát triển thành công tại các vùng nông thôn, trở thành sinh kế của người dân và là một giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện thì cần phải có sự hợp tác rất hiệu quả giữa các bên liên quan. Nghiên cứu về trường hợp thành công của Làng Taobao sẽ có thể cung cấp một góc nhìn khác tới các nhà hoạch định chính sách, bên cạnh trường hợp của Làng thông tin INVIL.

PHẦN 2: TAOBAO VILLAGES - NHỮNG NGÔI LÀNG THÚC ĐẨY "TĂNG TRƯỞNG TOÀN DIỆN" Ở NÔNG THÔN TRUNG QUỐC

Giới thiệu bối cảnh

Taobao, theo nghĩa tiếng Việt là "đi tìm kho báu", là một nền tảng thương mại điện tử được xây dựng bởi tập đoàn Alibaba, nhằm cung cấp dịch vụ bán buôn, bán lẻ tới cả doanh nghiệp và cá nhân, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Năm 2019, với số lượng người dùng hàng ngày đã vượt qua 60 triệu lượt và hơn 800 triệu sản phẩm đã giúp Taobao lọt vào top 10 website được truy cập nhiều nhất trên thế giới.1

Chuyển đổi số ở làng, xã xậy dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 2.

Làng Taobao, là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ Trung Quốc và Tập đoàn Alibaba (cụ thể là nền tảng thương mại điện tử Taobao) được kỳ vọng là một trong những giải pháp đưa những công nghệ mới nhất về nông thôn, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (KTXH), xóa nhòa dần khoảng cách nông thôn và thành thị.

Vào năm 2009, ngôi làng nông nghiệp đầu tiên tham gia thị trường thương mại điện tử trên quy mô lớn là làng Dongfeng ở thị trấn Shaji, tỉnh Giang Tô, nơi có hơn 1.000 hộ gia đình sản ngôi Làng Taobao khác cũng lần lượt xuất hiện ở tỉnh Hà Bắc và tỉnh Chiết Giang trong cùng năm. Kể từ đó, số lượng các ngôi Làng Taobao đã tăng lên và những ngôi làng đó đã trở thành một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử nông thôn ở Trung Quốc. 

Tính đến năm 2017, đã có khoảng 2.118 Làng Taobao trên toàn Trung Quốc, với 490.000 nhà xưởng - cửa hàng trực tuyến. Trong số các Làng Taobao, thì có đến 33 ngôi làng thuộc diện nghèo theo chuẩn quốc gia, và 400 làng nghèo theo chuẩn của tỉnh. Các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tô là những tỉnh có nhiều Làng Taobao nhất, với trung bình 100 Làng mỗi tỉnh, tiếp theo là các tỉnh Phúc Kiến, Sơn Đông và Hà Bắc, với trung bình 55 Làng mỗi tỉnh. Sản phẩm của Làng Taobao cũng rất phong phú, từ các sản phẩm thủ công cho đến công nghệ cao.

Chuyển đổi số ở làng, xã xậy dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 3.

Một phụ nữ bán bưởi qua cửa hàng trực tuyến trên Taobao ở thị trấn Gia Lâm, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.

Mô hình Làng Taobao

Làng Taobao có thể được coi là hệ thống mạng lưới (theo mô hình cluster hay còn được gọi là cụm ngành) rộng lớn các cửa hàng, nhà xưởng ở vùng nông thôn hoạt động sản xuất – kinh doanh qua trang Taobao.com. Thông qua Taobao, vốn là một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất không chỉ của Trung Quốc, mà còn trên thế giới, hệ thống Làng Taobao có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp và đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Ngoài ra, Taobao cũng hỗ trợ các doanh nghiệp hay thương nhân của hệ thống về vận chuyển, hậu cần, dữ liệu và thậm chí cả tài chính. Với điểm mạnh là mô hình kinh doanh từ cơ sở, đảm bảo chi phí đầu vào thấp nhất có thể, cùng với các chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước đã làm nên lợi thế cạnh tranh rất lớn của Làng Taobao.

Theo Báo cáo của tập đoàn Alibaba năm 2014 (Ali Research, 2014), để được công nhận là Làng Taobao, các ngôi Làng cần phải thỏa mãn các tiêu chí sau:

(1) Các hộ kinh doanh, sản xuất của Làng tham gia thương mại điện tử thông qua việc sử dụng ứng dụng Taobao Marketplace;

(2) Có tổng doanh thu thương mại điện tử từ 10 triệu Nhân dân tệ trở lên;

(3) Ít nhất 10% hộ gia đình trong thôn tích cực tham gia vào thương mại điện tử hoặc ít nhất 100 cửa hàng trực tuyến đang hoạt động do người dân trong thôn mở.

Còn theo Zeng và các đồng tác giả (2015), để thiết lập nên một Làng Taobao nói chung được tiến hành qua quy trình 5 bước – 2 giai đoạn. - 5 bước bao gồm: (1) Tạo lập môi trường sản xuất – kinh doanh trực tuyến tại Làng; (2) Tạo điều kiện để người dân tham gia; (3) Tăng tốc phát triển mô hình; (4) Tạo lập môi trường để các doanh nghiệp – thương nhân hợp tác với nhau; (5) Hình thành nên chuỗi giá trị.

- 2 giai đoạn bao gồm: (1) Doanh nghiệp – thương nhân tin tưởng để phát triển; (2) Sau khi có được niềm tin, mô hình đạt được quy mô đủ lớn, có được một tài nguyên nhất định để tiếp tục phát triển thì đó là điều kiện để có được sự vào cuộc của các cấp chính quyền, hình thành nên các hiệp hội ngành nghề và tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nhân khác có thể tiếp tục tham gia.

Chuyển đổi số ở làng, xã xậy dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 4.

Sản phẩm làng nghề phát triển mạnh nhờ ứng dụng bán hàng qua mạng Taobao

Vai trò của tập đoàn Alibaba là rất lớn trong việc phát triển hệ thống Làng Taobao. Thông qua sự phát triển lớp mạnh của trang thương mại điện tử Taobao trên thế giới đã tạo ra hàng loạt cơ hội phát triển cho các Làng Taobao không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế, cụ thể:

- Mở ra cơ hội tham gia vào thương mại xuyên biên giới. Khi một số Làng Taobao phát triển tạo ra các sản phẩm cao cấp hơn và các nền tảng bán lẻ của Tập đoàn Alibaba trở nên toàn cầu hóa hơn, số lượng Làng Taobao tham gia vào thương mại xuyên biên giới ngày càng tăng, ví dụ: Làng Tao bao ở huyện Cao, tỉnh Sơn Đông, bắt đầu kinh doanh trực tuyến với trang phục sân khấu dành cho trẻ em và sau đó mở rộng phạm vi sản phẩm của họ sang trang phục sân khấu dành cho người lớn, giày khiêu vũ, đồng phục công ty… gần đây đã vượt ra ngoài thị trường trong nước để sản xuất Halloween và trang phục Giáng sinh cho khách hàng nước ngoài.

- Thương mại điện tử B2B. Làng Taobao không còn chỉ tham gia vào bán lẻ trực tuyến. Dữ liệu của AliResearch cho thấy các Làng thương mại điện tử B2B bắt đầu phát triển trên quy mô lớn vào năm 2015, nhờ các yếu tố như mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, mở rộng các nền tảng khác trong cộng đồng nông thôn. Ví dụ, Zhuji ở tỉnh Chiết Kinh là cơ sở sản xuất tất lớn nhất thế giới, chiếm 70% tổng lượng tất được sản xuất tại Trung Quốc và 30% tổng lượng tất trên thế giới vào năm 2014. Trong những năm gần đây, các cửa hàng bán lẻ ở Zhuji bắt đầu tham gia vào cả bán buôn và bán lẻ, cung cấp tất cho người bán trên Taobao ở các khu vực khác, đồng thời bán sản phẩm của họ cho người tiêu dùng thông qua các cửa hàng trực tuyến của họ.

- Tăng mức độ tiếp cận thương mại điện tử ở các khu vực nghèo. Nếu năm 2014, chỉ có 4 Làng Taobao thuộc các khu vực nghèo khó nhất của Trung Quốc, thì đến năm 2015 con số này đã lên đến 10 Làng Taobao. Số lượng Làng Taobao ở các khu vực nghèo cấp tỉnh thậm chí đã lên tới 166 vào cuối năm 2015.

Để đạt được thành công này, Làng Taobao đã nhận được sự hỗ trợ có thể nói là khổng lồ từ cả Taobao và các cấp chính quyền. Năm 2014, tại Hội nghị về Thương mại điện tử đầu tiên ở tỉnh Chiết Giang, Tập đoàn Alibaba đã đầu tư khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ để xây dựng khoảng 1.000 trung tâm điều hành cấp tỉnh, 100.000 trung tâm cấp Làng. Alibaba cũng xác định các lĩnh vực ưu tiên khi đầu tư vào Làng Taobao:

(1) Cơ sở hạ tầng cho các hoạt động điều hành và hậu cần;

(2) Phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực;

(3) Hệ thống tài chính cho nông thôn, bao gồm cả tài chính vi mô;

(4) Tạo ra các giá trị, bao gồm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người nông dân.

Đến năm 2017, Tập đoàn Alibaba đã hỗ trợ hệ thống Làng Taobao với hơn 100.000 tuyến giao vận hàng hóa và khoản tín dụng lên đến hơn 58 tỷ Nhân dân tệ (xấp xỉ 8,4 tỷ USD). Song hành với doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi của chính quyền về cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lấy ví dụ chính quyền tỉnh Chiết Giang đã đầu tư hàng chục triệu USD để hỗ trợ Làng Taobao. Các huyện Shuyang, Suining của tỉnh Giang Tô, Yucheng tỉnh Sơn Đông và Xifeng tỉnh Quý Châu đã tổ chức các cơ sở đào tạo về Thương mại điện tử cho các doanh nghiệp và thương nhân.

Kết quả đạt được

Trong giai đoạn chưa đầy 10 năm triển khai dự án, từ năm 2009 đến 2017, Làng Taobao đã đạt được các kết quả to lớn về kinh tế - xã hội. Theo Ali Research (2017), thu nhập của người dân Làng Taobao cao hơn rất nhiều so với trung bình ở vùng nông thôn Trung Quốc, môi trường sống ở các ngôi Làng này cũng tốt hơn. Năm 2016, thu nhập trung bình của người dân Làng Taobao ở huyện Suining (tỉnh Giang Tô) đã đạt 16.200 Nhân dân tệ, cao hơn 17% trung bình của huyện. Ở Làng Dinglou, huyện Caoxian (tỉnh Sơn Đông) với dân số 1.100 người, số lượng xe máy đã tăng thêm 240, đạt trung bình 21,8 xe máy trên 100 người dân, cao hơn 1,23 lần so với trung bình toàn tỉnh.

Trường hợp thị trấn Daxi (huyện Caoxian, tỉnh Sơn Đông), nếu trong năm 2009, không có Làng Taobao, do chỉ có trẻ em và người già ở lại vùng, đa số người trong độ tuổi lao động đã di cư lên các thành phố. Đến năm 2013, mới có doanh nhân đầu tiên tham gia Taobao. Nhưng đến năm 2015, đã có 16 Làng Taobao, và đến năm 2016, đã có 24.000 thương nhân tham gia với doanh thu hơn 2 tỷ Nhân dân tệ, và gần 20 nhà cung cấp dịch vụ hậu cần.

Chuyển đổi số ở làng, xã xậy dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, tại các Làng Taobao, tình hình xã hội cũng được thay đổi đáng kể, tỷ lệ phạm tội đã giảm đáng kể, thậm chí có nơi thấp hơn 50% so với trung bình của cả tỉnh, quan hệ giữa người với người trong gia đình và xã hội tích cực hơn, lực lượng lao động di cư trở về từ các thành phố đã tăng lên rất đáng kể.

Kinh nghiệm thành công

Bản thân tên của dự án Làng Taobao đã cho thấy vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp, mà ở đây là một tập đoàn hàng đầu về thương mại điện tử của Trung Quốc, trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở các vùng nông thôn. Có thể thấy, việc nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp (CSR) là một giải pháp đầu tiên mà Việt Nam cần chú ý. Mặc dù hiện nay, các doanh nghiệp CNTT&TT của Việt Nam như VNPT, Viettel… cũng đã và đang góp phần không nhỏ đưa công nghệ số về nông thôn, tuy nhiên, có thể thấy, để công nghệ số, trong đó có thương mại điện tử trở thành một phương cách thoát nghèo và làm giàu ở các vùng nông thôn Việt Nam thì cần có các chính sách căn cơ hơn nữa, mà ở đó, cần có sự vào cuộc của đông đảo hơn nữa các doanh nghiệp số.

Trường hợp của Làng Taobao cũng là một điển hình trong phát triển nền kinh tế nền tảng. Trong đó, doanh nghiệp số có trách nhiệm cung cấp nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả mạng lưới hậu cần, giao vận tới các doanh nghiệp - thương nhân ở vùng nông thôn, các cấp chính quyền có trách nhiệm cung cấp các nền tảng hạ tầng khác, như đường xá, nguồn nhân lực…

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thực sự đóng một vai trò rất quan trọng. Đó là hướng dẫn, đào tạo, nâng cao nhận thức, điều tiết và cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Đồng thời, cũng như trong đổi mới - sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ, đối với Làng Taobao, chính quyền có một vai trò như một bà đỡ (có thể dùng thuật ngữ khác theo thông lệ quốc tế là: Lò ấp – incubator), bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp – thương nhân, phát huy tối đa tiềm năng – thế mạnh truyền thống của địa phương, và khuyến khích thanh niên, lực lượng lao động được đào tạo quay trở về quê hương lập nghiệp.

Kết luận

Có thể nói, dự án INVIL và Taobao là một mô hình đã chứng tỏ được CNTT&TT có thể là một công cụ hữu hiệu trong phát triển toàn diện KTXH, và ngược lại, để có thể rút ngắn khoảng cách số giữa nông thôn với thành thị, các vấn đề hiện hữu của KTXH cần phải được đặt ở vị trí trung tâm trong các giải pháp CNTT&TT. Mặc dù, các dự án trên không mang tên gọi là một dự án chuyển đổi số, nhưng những tác động đến việc xây dựng một mô hình Làng nông thôn mới thông qua CNTT&TT, làm thay đổi căn bản cách thức người dân sinh sống, sản xuất, kinh doanh đã được nêu ra, thì có thể coi INVIL và Taobao là mô hình tiền thân của chuyển đổi số nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Do đó, bài học kinh nghiệm của dự án INVIL và Taobao sẽ có tác dụng ít nhiều đến chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Ali Research (2014); Research Report of Taobao Villages in China,阿里研究院,中国淘宝村研究报告 (2014), http://www.199it.com/archives/316574.html

2. Ali Research (2016); The Emergence of the New Economy: Business Logic behind Alibaba's Three Trillion. Beijing: China Machine Press.

3. Ali Research (2017); Research Report of Taobao Villages in China,阿里研究院,中国淘宝村研究报告(2017), http://i.aliresearch.com/img/20171211/20171211101359.pdf

4. Ali Research (2018); Research Report of Taobao Villages in China,阿里研究院,中国淘宝村研究报告(2018), http://i.aliresearch.com/img/20181031/20181031144508.pdf

5. Zeng, Yiwu, Qiu, Dongmao, Shen, Yiting và Guo, Hongdong. (2015). A Study of the Formation of Taobao Villages: The Case of Dongfeng Village and Junpu Village. Economic Geography, (12): 90-97

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 13+14 tháng 10/2020)

Bài liên quan
  • Từ Telco đến Techco: Mở ra kỷ nguyên đổi mới chuyển đổi số ngành Viễn thông
    Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khai thác viễn thông Telco chủ yếu tập trung vào kết nối, với các thiết bị của người dùng cuối sử dụng tài nguyên mạng. Tuy nhiên, bối cảnh đã thay đổi kể từ đó, với một lượng lớn nội dung hiện được tạo ra bởi các ứng dụng như dịch vụ truyền thông qua mạng (OTT), nền tảng trực tiếp đến người tiêu dùng và các dịch vụ truyền thông khác.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ở làng, xã xậy dựng nông thôn mới bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO