Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam là chuyển đổi để xây dựng và thực hiện được hiệu quả chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ba mục tiêu này tương hỗ nhau.
Nền tảng của chuyển đổi số là quá trình số hoá đang diễn ra khắp nơi, tạo ra phiên bản số của vạn vật (đối tượng, thực thể) trong thế giới vật lý ta sống, tức tạo ra dữ liệu mang thông tin của chúng. Vạn vật trên đời lại có thể kết nối được với nhau qua phiên bản số của chúng trên Internet (Internet vạn vật), tạo nên không gian số (hay không gian mạng). Sự kết nối này cũng là kết nối giữa không gian vật lý và không gian số (physical-cyber connection), dẫn đến khả năng các hoạt động trên thế giới vật lý đều có thể tính toán và điều khiển từ không gian số.
Bản chất của chuyển đổi số là việc chuyển đổi từ cách sống, cách làm việc truyền thống sang cách sống và làm việc với cả các phiên bản số của các thực thể và sự kết nối của chúng trong không gian số. l Các cấp độ của chuyển đổi số: Chuyển đổi số được diễn giải với ba cấp độ: (1) Số hoá (digitization): Số hoá là việc chuyển đổi các thực thể (đối tượng, vạn vật) từ dạng vật lý (analog) sang dạng số, tức tạo ra phiên bản số của các thực thể, như số hoá các văn bản in trên giấy để tạo file chữ trên máy tính; (2) Xác định mô hình hoạt động số (digitalization) là cấp độ xác định cách sống và làm việc sẽ như thế nào dựa vào các công nghệ số và dữ liệu được số hoá. Đối với các tổ chức hay doanh nghiệp, đó là việc xác định mô hình hoạt động hoặc mô hình kinh doanh; (3) Thực hiện chuyển đổi (transformation) là cấp độ các cá nhân, các tổ chức thực hiện việc thay đổi theo mô hình đã xác định. Đây là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của tổ chức, từ xây dựng năng lực số đến văn hoá số, xây dựng lộ trình và kế hoạch, từng bước thay đổi theo lộ trình...
Cần chú ý rằng chuyển sổi số là một quá trình lâu dài trong nhiều năm. Bài học kinh nghiệm ở nhiều nơi là cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện.
Công nghệ số là các công nghệ thực hiện trên các đối tượng được số hoá. Trong thập kỷ vừa qua các lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây, Internet vạn vật, Chuỗi khối (blockchain), mạng không dây thế hệ mới (5G)… tạo ra những công nghệ số quan trọng có nhiều đột phá, đang và sẽ đóng vai trò công nghệ quyết định của chuyển đổi số.
Các công nghệ số thường không dùng độc lập. Việc liên kết các công nghệ số cần thiết sẽ tạo nên sức mạnh công nghệ tổng hợp cho chuyển đổi số. Các công nghệ Internet vạn vật, Điện toán đám mây, Chuỗi khối là công cụ xây dựng hạ tầng dữ liệu khi kết nối, lưu trữ, và tạo bất biến của những lượng dữ liệu khổng lồ; các Mạng thế hệ không dây cho phép chuyển những lượng dữ liệu này với tốc độ cao trong không gian mạng; và Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò khai thác, sử dụng dữ liệu được tạo và truyền trong không gian số.
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay được chú trọng do mọi lĩnh vực đều được số hoá, có rất nhiều dữ liệu và nhu cầu phân tích, khai thác và sử dụng chúng. Về đại thể, AI được chia thành hai nhánh chính, một là AI "bắt chước con người", nhằm tạo ra máy móc có năng lực của trí tuệ con người ở mức cao (còn chặng đường còn rất dài kể từ lúc bắt đầu bảy mươi năm trước), và hai là AI "tăng cường trí tuệ của con người", vốn dựa trên các phương pháp của toán học (thống kê, đại số, tối ưu…) và tin học (học máy, tính toán hiệu năng cao…) để giải quyết các bài toán cụ thể trong hoạt động của con người, được đặc trưng bởi "AI dựa vào dữ liệu" (data-driven AI). Nhánh thứ hai này phát triển rực rỡ trong vòng hai thập kỷ vừa qua, đã khẳng định sự cần thiết của AI ở mọi chỗ mọi nơi, và do đó là công nghệ then chốt của chuyển đổi số. Khi số hoá tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ ở mọi lĩnh vực, khả năng phân tích dữ liệu để giải quyết vấn đề của AI giải thích vai trò của AI trong thời đại số. Vì tầm quan trọng này, hầu hết các quốc gia phát triển đều xây dựng chiến lược AI của mình. Có hai lĩnh vực (thuật ngữ) liên quan đến AI cần quan tâm là "khoa học dữ liệu" (data science) và "dữ liệu lớn" (big data). Khoa học dữ liệu là lĩnh vực gần với "AI dựa vào dữ liệu", nhằm vào phân tích và dùng dữ liệu trong các lĩnh vực cụ thể. Các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn cũng chính là các kỹ thuật của "AI dựa vào dữ liệu" khi đối đầu với các tập dữ liệu rất lớn và phức tạp, và gần đây thường được xem là một phần của AI.
Hạ tầng số (digital infrastructure) gồm những thành phần cơ bản và thiết yếu nhất cần để thực hiện các hoạt động trong kỷ nguyên số1
1 Ở đây Hạ tầng số được hiểu theo quan niệm của Nhóm Think Tank VINASA (sách "Việt Nam thời Chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thế giới, 5.2019). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia quan niệm Hạ tầng số là "hạ tầng thiết bị số"...
Những thành phần cơ bản của hạ tầng số gồm: (1) Hạ tầng thiết bị số (còn gọi hạ tầng kỹ thuật số), gồm các hệ thống máy tính (chú ý máy cần an toàn và đủ mạnh cho nhưng tính toán với dữ liệu lớn) và hệ thống kết nối mạng (đảm bảo cho kết nối và tốc độ truyền thông cao); (2) Hạ tầng dữ liệu, gồm các cơ sở dữ liệu then chốt của quốc gia (dân số, đất đai, tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, sức khoẻ, giáo dục…), cơ sở dữ liệu của các tỉnh thành, ngành nghề, các tập đoàn, công ty… được xây dựng với các công nghệ thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu; (3) Hạ tầng ứng dụng, gồm các công nghệ số dùng để khai thác các nguồn tài nguyên số, giúp con người thay đổi cách sống và cách làm việc. Các công nghệ này thường được phát triển thành các công cụ gắn với các lĩnh vực hoặc vấn đề ứng dụng cụ thể để người dùng dễ dàng xây dựng giải pháp của mình, gọi là các nền tảng số; (4) Hạ tầng pháp lý, gồm các quy định pháp lý phù hợp với thời đại số, cần cho chuyển đổi số; (5) Hạ tầng nhân lực, là lực lượng có nhận thức, quyết tâm, và kiến thức công nghệ để thực hiện chuyển đổi số.
Nền tảng số: Hiện vẫn có sự mơ hồ về khái niệm nền tảng, vốn có nghĩa chung nhất là "cái trên đó bạn có thể có thể xây dựng giải pháp của mình" như đã nói ở trên. Nói "nền tảng" như thường nghe gần đây trong câu chuyện chuyển đổi số là nói tắt của "nền tảng số". Dưới đây là một định nghĩa nêu trong cuốn sách nổi tiếng "Rethinking and Transforming Your Business for the Digital Age" của David L. Rogers
"Nền tảng (số) là một mô hình kinh doanh tạo ra giá trị bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các tương tác trực tiếp giữa hai hay nhiều kiểu khách hàng khác nhau." (A platform is a business that creates value by facilitating direct interactions between two or more distinct types of customers). Lưu ý rằng "khách hàng" ở đây cũng có thể là nhà sản xuất, người lái xe (nhóm cung cấp sản phẩm, dịch vụ) hay khách mua hàng, người đi đường…
Có hai loại nền tảng số phổ biến:
Nền tảng giao dịch (transaction platform), có bản chất là công cụ mai mối kỹ thuật số (digital matchmakers) giữa các nhóm người như khách hàng hay người dùng với nhà sản xuất hay người cung cấp dịch vụ. Vài thí dụ tiêu biểu là các nền tảng của Amazon, Airbnb, Uber và Yahoo.
Nền tảng đổi mới (innovation platform) là các khung công nghệ, các công cụ chung mà người khác có thể dùng để nhanh chóng xây dựng ứng dụng của mình, chẳng hạn nền tảng của Microsoft, hay các thư viện chương trình của phân tích kinh doanh, của học máy, của thống kê.
Các nền tảng số chính là công cụ xây dựng từ các công nghệ số trong hạ tầng ứng dụng, và cũng thường kết hợp với các hạ tầng dữ liệu hay hạ tầng thiết bị. Một chủ trương trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia là cùng với các nền tảng quan trọng của quốc gia, sẽ xác định danh sách các nền tảng cần thiết để các doanh nghiệp phát triển cho người dùng. Liên hệ với cấp độ "Xác định mô hình hoạt động số" nêu ở phần trên, định rõ hoặc xây dựng các nền tảng số phù hợp cho mỗi tổ chức, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề có giá trị thực tiễn lớn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Các yếu tố cơ bản của chuyển đổi số
Có ba yếu tố cơ bản của chuyển đổi số.
Yếu tố con người
Chuyển đổi số là việc chuyển đổi của con người, nên đây là yếu tố quan trọng và quyết định nhất. Hai vấn đề chính của con người trong chuyển đổi số là nhận thức và nguồn nhân lực. Nhận thức của lãnh đạo là quan trọng hàng đầu, để có quyết tâm và lãnh đạo tổ chức của mình chuyển đổi số , rồi đến nhận thức của mọi thành viên trong tổ chức. Nguồn nhân lực liên quan đến đào tạo, cả đào tạo lực lượng tinh hoa và toàn bộ lực lượng tham gia sản xuất.
Yếu tố thể chế
Chuyển đổi số là những thay đổi diễn ra trong khuôn khổ của thể chế. Thể chế đã được xây trước câu chuyện chuyển đổi số, và do vậy một hệ thống thể chế phù hợp và hỗ trợ cho chuyển đổi số có vai trò nền tảng và cần được xây dựng, bổ sung. Các sandbox về pháp lý cần được thực hiện.
Yếu tố công nghệ
Là điều kiện cần và quyết định chất lượng của chuyển đổi số. Yếu tố công nghệ ở đây bao gồm hạ tầng số, các nền tảng số, các công nghệ số chuyên dụng cho từng lĩnh vực (thí dụ các công nghệ Fintech trong tài chính, BIM trong xây dựng...).
Vai trò của chuyển đổi số
Việc số hoá đã bắt đầu khi con người có máy tính điện tử và bắt đầu phổ biến rộng rãi từ gần 40 năm trước khi các máy tính cá nhân được phát triển. Con người được kết nối với nhau nhiều hơn từ khi Internet xuất hiện gần 30 năm trước. Các sản phẩm số như tivi số, máy ảnh số, nhạc số… từ khoảng 20 năm qua, và hơn 10 năm qua các thiết bị số di động, tiêu biểu là điện thoại thông minh, đã dần thay đổi cách sống của con người. Cũng từ khoảng hai thập kỷ qua, các tập đoàn công nghiệp và kinh doanh lớn trên thế giới đã từng bước dùng các công nghệ số để thay đổi cách hoạt động của mình. Đây là những bước đi dần đến nền kinh tế số. Rất nhiều thí dụ và bài học của chuyển đổi số đã được phổ biến.
Việc xây dựng chính phủ điện tử ở các quốc gia trong gần hai thập kỷ qua là bước đi ban đầu trên con đường đến chính phủ số. Trào lưu phát triển các thành phố thông minh trong những năm vừa qua trên thế giới về thực chất cũng là những bước để xây dựng xã hội số.
"Cách mạng Công nghiệp" là một cách đặc trưng quá trình phát triển của xã hội loài người, kể từ giữa thế kỷ 18, thành các giai đoạn kế tiếp nhau gắn với sự xuất hiện của các đột phá lớn về khoa học và công nghệ và từ đó dẫn đến các thay đổi to lớn trong sản xuất và xã hội. Giai đoạn cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được cho là bắt đầu từ thập kỷ này khi có nhiều đột phá và cộng hưởng của các công nghệ số.
"Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư" được nói đến nhiều ở châu Âu, châu Á… hơn ở Bắc Mỹ, nơi nói nhiều về "chuyển đổi số". Nội dung của cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được quan niệm rộng hơn chuyển đổi số, nhưng nếu nhìn về các đặc trưng của kỷ nguyên số, có thể nói Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và Chuyển đổi số có chung bản chất. Khi nói đến cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, ta không dễ hình dung xem phải làm gì và làm thế nào, trong khi đó những điều này rõ ràng trong chuyển đổi số. Có thể nói chuyển đổi số là cách phát triển, cách đi trong cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và là nội dung chính của giai đoạn phát triển này.
(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 1 tháng 4/2020)