Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã và đang lập kế hoạch chuyển đổi số. Sự chuyển đổi thể hiện linh hoạt trong hoàn cảnh dịch COVID-19 như thay đổi hình thức làm việc từ trực tiếp tại cơ quan sang trực tuyến - họp trực tuyến, tư vấn y tế từ xa và học trực tuyến…
Chuyển đổi số đã thay đổi thói quen và cách làm việc trước đây. Các dịch vụ mới ra đời như "Quán ăn trên mây" – đặt món ăn nấu tại nhà qua Internet hay hộp khử trùng Corona virus… Cổng dịch vụ công quốc gia một cửa cũng đã chính thức được khai trương vào tháng 12/2019.
Từ kế hoạch đến triển khai là quãng đường dài...
Tuy vậy, từ kế hoạch đến triển khai là quãng đường dài và không phải như đào mương thủy lợi chỉ cần khuyến khích động viên là đủ, vì chuyển đổi số là môn khoa học, cần có những con người có trình độ chuyên môn cao. Chuyển đổi số không chỉ cần những người nắm vững kiến thức Công nghệ Thông tin (CNTT), kinh doanh và tổ chức, mà còn cần có kinh nghiệm thực tiễn.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều sinh viên được đào tạo tại các trường đại học đẳng cấp của thế giới, kiến thức các em được cập nhật; nhưng khi học xong, vì lý do này hay lý do khác lại phải về nước, không kiếm được việc làm ở nước ngoài cho nên kinh nghiệm làm việc rất hạn chế. Còn những người học trong nước thì rất ít có cơ hội làm việc ở những công ty CNTT lớn như chuyên phát triển sản phẩm hay triển khai hệ thống.
Một vài công ty đã phát triển được một số sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thiết yếu trong nước, ví dụ như phần mềm hoá đơn điện tử của Misa, quản lý tài liệu văn bản của NSS hay CMC, phần mềm về COVID-19 như vừa rồi của Viettel, Bkav... hay sản phẩm gia công nước ngoài của FPT; nhưng vẫn thiếu những sản phẩm mang tầm quốc tế ở mức ứng dụng sâu, có thể xuất khẩu được... nên không có nhiều chỗ làm cho những tài năng trẻ.
Có một thực tế nữa là nhiều công ty CNTT lớn ở Việt Nam chỉ triển khai các sản phẩm của nước ngoài vì các doanh nghiệp nhà nước chỉ thích mua sản phẩm ngoại. Những yêu cầu trong các dự án CNTT của các doanh nghiệp lớn của nhà nước, ví dụ, phải có doanh thu đạt trên 15 triệu USD trong 3 năm, có 10 người có bằng giáo sư tiến sĩ... đã loại gần như 95% các doanh nghiệp CNTT trong nước ra khỏi cuộc chơi.
Cho nên, cơ hội phát triển và tồn tại của doanh nghiệp CNTT là rất khó khăn và các em sinh viên ra trường gần như không có cơ hội làm việc để cập nhật và phát triển tay nghề. Vì cuộc sống, các em bỏ nghề hay chuyển sang bán hàng cho các công ty nước ngoài. Còn những em sinh viên với bằng tốt nghiệp đỏ ở nước ngoài về hay từ trường lớn ở trong nước, may mắn được làm trong các doanh nghiệp lớn như VNPT, Mobifone, EVN… nhưng do cách làm dự án là giao khoán các phát triển CNTT cho các Công ty nước ngoài như Nokia, Ericsson, IBM, Oracle… và họ đưa những đối tác của họ sang triển khai, phần lớn từ Ấn Độ, cho nên, sau một thời gian thì chữ thầy lại trả thầy, trong khi CNTT thì thay đổi từng ngày, từng giờ.
Tất nhiên, chúng ta có thể thuê chuyên gia nước ngoài, nhưng kinh phí có hạn. Khó khăn nữa là họ nói tiếng nước ngoài, ta không dễ dàng để hiểu họ nói và giải thích như nghe tiếng mẹ đẻ.
Chuyển đổi số là áp dụng công nghệ số mới vào các quy trình kinh doanh mới hay thay đổi quy trình cũ để tạo những sản phẩm hay dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao doanh thu, giảm chi phí vận hành…, nhưng chúng ta thiếu con người vừa có kiến thức công nghệ số mới, vừa có kinh nghiệm làm việc vì những lý do nói trên.
… Để rút ngắn quãng đường
Về mặt nhà nước, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn của nhà nước tạo sân chơi công bằng, giảm thuế cho các công ty tư nhân có giải pháp tốt, tham gia phát triển các dự án CNTT trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ví dụ cho phép làm Pilot và đánh giá đúng theo tiêu chí kỹ thuật, không cho phép gài các tiêu chí tài chính haybằng cấp không cần thiết… như đã nói trên. Tiếp theo là cải cách giáo dục để tạo ra những con người có kiến thức CNTT mới như đã bàn trong bài viết "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo". Tất nhiên, đợi được những kết quả tốt thì chắc chắn sẽ rất lâu vì "Thành Rome không xây trong một ngày" - khó có phép màu để có thể rút ngắn thời gian và thực hiện chuyển đổi số quốc gia như kế hoạch được.
Tuy vậy, chúng ta may mắn có 5,3 triệu kiều bào sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trong số đó, có khoảng 500 ngàn người có trình độ đại học trở lên, làm việc trong những công ty lớn nhất thế giới, có kiến thức rất cập nhật và kinh nghiệm làm việc lâu năm, có thể giúp thực thi Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Như bản thân tôi có thể giúp thiết kế kiến trúc hệ thống Chính phủ điện tử hiện tại thành Chính phủ số thông minh, hay làm chiến lược chuyển đổi số hoặc kiến trúc giải pháp cho bất cứ doanh nghiệp nào.
Nhà nước cũng đã kêu gọi và khuyến khích kiều bào về nước làm việc, không phân biệt quá khứ, nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn. Phần lớn là những người về lập công ty sản xuất và buôn bán, nhưng thực sự số người có kinh nghiệm đang làm kiến trúc CNTT, IoT… hay lãnh đạo ở những tổng công ty lớn thì không về, mặc dù trong thâm tâm họ cũng đau đáu muốn giúp đất nước phát triển.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã tổ chức thành công một số hội nghị mời kiều bào đóng góp ý kiến, như"Nâng tầm Thương hiệu Việt Nam" ở Paris năm 2019 hay" Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam" ở TPHCM, tháng 10 vừa qua... Tôi cũng may mắn được một số lãnh đạo Bộ Chính trị lắng nghe; thậm chí ông Nguyễn Thiện Nhân còn nhớ khi tôi giải thích "một số điểm tiếp xúc số với khách hàng" trong bài tham vấn "Chuyển đổi số-hướng đi tất yếu của doanh nghiệp". Tuyvậy, sau những hộinghị thành công tốt đẹp, dường như vẫn chưa cókết nối thực sự giữa những người có chuyên môn sâu thành những nhóm tư vấn về lĩnh vực mình amhiểu.
Bản thân tôi đã về làm chuyên gia tư vấn CNTT và viễn thông một thời gian trong nước, công việc rất tốt vì doanh nghiệp thực sự cần người nhiều kinh nghiệm kiến trúc CNTT và nói tiếng Việt như tôi.Nhưng sau một thời gian, tôi lại phải ra đi vì chuyện không may xảy ra với doanh nghiệp… Nhà nước cũng không có chính sách gì cụ thể khuyến khích ở lại và tôi thì không thể bỏ gia đình, con cái ở nước ngoài một thời gian dài mà không có thu nhập.
Tôi nghĩ, Nhà nước cần có một chiến lược ổn định và lâu dài khuyến khích, huy động và sử dụng trí thức kiều bào tham gia phát triển đất nước. Về chính sách đãi ngộ cụ thể, chúng ta có thể học cách làm của một số nước thành công trong mời gọi kiều bào. Ví như ở HàLan – nơi tôi đang sinh sống và làm việc, Chính phủ đã có những chính sách rất cụ thể, khuyến khích những người có chuyên môn cao đến làm việc và sống ở đây. Tôi nhớ khi Siemens nhận tôi làm việc thì tôi được cơ quan thuế vụ cho phép giảm 30% trước thuế thu nhập cá nhân trong vòng 10 năm; tôi được đổi bằng lái xe của Hungary ra bằng Hà Lan và vợ tôi cũng được ăn theo; các con tôi được học không mất tiền và được nhận trợ cấp như con cái người Hà Lan.
Rồi việc xin giấy phép làm việc và giấy cư trú cũng rất đơngiản cho cảgia đình. Mặc dù, lúc đó Hungary vẫn không phải là thành viên của Cộng đồng chung châu Âu, còn những người Việt Nam khác sang Hà Lan bằng con đường tỵ nạn thì phải vào trại và không thể đổi bằng lái xe được. Phải nói thêm, bằng lái xe ở Hà Lan rất khó lấy, có người bạn kể phải thi 10 lần mới qua được và tốn một đống tiền. Tôi hỏi họ cách đánh giá như thế nào thì họ nói trình độ của anh là mức lương doanh nghiệp trả; mức lương đó làchuyên gia và ngành của anh chúng tôi cần.
Tại buổi gặp mặt với kiều bào của Chủtịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm Hà Lan (tháng 3/2018), tôi đã đại diện cho giới kiều bào trí thức tại Hà Lan bày tỏ nguyện vọng được Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa về chính sách để các trí thức kiều bào có thể được cống hiến tại quê nhà. Ý kiến của tôi đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất quan tâm. Hy vọng rằng, tới đây Nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể, thiết thực, khả thi để mời gọi và tạo điều kiện tốt hơn cho kiều bào về đóng góp cho cội nguồn.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 17+18 tháng 12/2020)