Để thành công trong kỷ nguyên AI: Người trẻ Việt cần đầu tư vào kỹ năng gì?
Theo ông Ian Crichton, CEO Tập đoàn giáo dục Study Group, người trẻ ở Việt Nam cần đầu tư nghiêm túc cả về thời gian và tiền bạc, trang bị kỹ năng và kiến thức ngay từ sớm, nếu muốn tham gia và hưởng lợi từ các cơ hội mà thời đại mới mang lại.
Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy giáo dục STEM: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn giáo dục Study Group (Vương quốc Anh) tổ chức sáng 9/4, phóng viên ICTVietnam đã có cuộc trò chuyện với ông Ian Crichton, Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn giáo dục Study Group.
Trong bối cảnh công nghệ AI phát triển mạnh mẽ và thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng, theo ông, người lao động (NLĐ) cần làm gì để bắt kịp xu hướng và trở nên có giá trị với nhà tuyển dụng?
Theo tôi, điều quan trọng nhất lúc này là phải có "năng lực học hỏi" - hay nói cách khác, là phải có khả năng học tập một cách chủ động và liên tục. Hồi 30 - 40 năm trước, khi Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, việc học thường đến từ gia đình hoặc lao động chân tay - bằng cách quan sát người khác làm việc, như làm mộc, làm nông... rồi bắt chước và dần trở nên thành thạo. Nhưng với các công việc hiện đại ngày nay, cách học như vậy không còn phù hợp.

Bây giờ, việc biết đọc, biết viết và sử dụng tốt các công cụ thông tin - tức là "có kỹ năng đọc - viết và công nghệ" - là cực kỳ quan trọng. Bạn cần giỏi ngôn ngữ mẹ đẻ để có thể giao tiếp hiệu quả với những người xung quanh. Bên cạnh đó, nên học thêm một ngoại ngữ - lý tưởng nhất là tiếng Anh - để có thể giao tiếp toàn cầu và tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội quốc tế.
Bạn cũng cần thành thạo sử dụng các thiết bị công nghệ - hiểu cách vận hành của chúng, và biết khai thác chúng để phục vụ cho công việc. Và cuối cùng, bạn phải sẵn sàng và tự tin trong việc tương tác với con người, vì ngày nay rất ít công việc có thể làm mà không cần giao tiếp hay làm việc nhóm với người khác.
Điều này đặt ra một yêu cầu rõ ràng cho người trẻ ở Việt Nam: phải đầu tư nghiêm túc cả về thời gian và, nếu có thể, là cả tiền bạc, để trang bị kỹ năng và kiến thức ngay từ sớm, nếu muốn thực sự tham gia và hưởng lợi từ các cơ hội mà thời đại mới mang lại.
Việc "kết nối" và "giao thoa" giữa các lĩnh vực, giữa con người với nhau đang trở nên cực kỳ quan trọng. Ví dụ, trong ngành phần mềm, bạn có thể có một người rất giỏi về lập trình, hiểu rõ cách viết mã. Đồng thời, bạn có một người khác rất giỏi trong việc nắm bắt nhu cầu kinh doanh. Nhưng nếu hai người này không hiểu nhau, thì sản phẩm cuối cùng cũng khó thành công. Vì thế, người làm lập trình cần hiểu được phần nào nhu cầu và bối cảnh kinh doanh, còn người làm kinh doanh cũng cần hiểu sơ bộ về khả năng và giới hạn của công nghệ. Khả năng tạo ra sự kết nối giữa hai bên đó - chính là kỹ năng cầu nối đang trở thành một kỹ năng thiết yếu.
Tương tự, trong bối cảnh kinh doanh quốc tế, nếu bạn sống ở Việt Nam, bạn cần hiểu rõ cách Việt Nam vận hành - về văn hóa, pháp lý, thói quen, cách làm việc... Nhưng đồng thời, bạn cũng cần biết thế giới bên ngoài đang hoạt động như thế nào để có thể tương tác hiệu quả với họ.
Theo ông, AI có thể thay thế người lao động không và AI đang tác động như thế nào đến thị trường lao động?
Tôi cho rằng AI sẽ đẩy NLĐ ra khỏi vị trí cũ chứ không hoàn toàn thay thế họ. Nghĩa là AI không thay thế con người theo cách tuyệt đối, mà nó thay đổi bản chất của công việc - khiến NLĐ phải dịch chuyển sang một lĩnh vực khác, hoặc đảm nhận vai trò khác.
AI vừa mang đến cơ hội, vừa ẩn chứa rủi ro. Lấy ví dụ trong ngành y tế, đặc biệt là chẩn đoán những bệnh hiếm gặp. Nếu một bệnh nhân mắc một căn bệnh rất hiếm, và phải chụp chiếu hình ảnh (như X-quang hoặc MRI) để phát hiện bệnh, thì một bác sĩ bình thường có thể chỉ gặp từ 7 đến 8 trường hợp như vậy mỗi năm. Điều này khiến kinh nghiệm chẩn đoán của họ bị giới hạn.
Nhưng nếu thu thập tất cả dữ liệu từ hàng ngàn bác sĩ trên toàn thế giới, tập hợp hàng trăm ngàn hình ảnh bệnh đó và huấn luyện một hệ thống AI để phân tích, thì AI có thể chẩn đoán chính xác hơn con người rất nhiều trong trường hợp cụ thể đó.
Khi đó, công việc của bác sĩ trong việc đọc ảnh chụp sẽ bị thay thế bởi AI, nhưng thực chất, AI chỉ thay thế một phần công việc - phần chuyên biệt mà nó được huấn luyện để làm. AI không thể xử lý những vấn đề tổng quát hơn, hoặc những bệnh khác nằm ngoài phạm vi được đào tạo.
Do đó, công việc không biến mất hoàn toàn, mà được tái cấu trúc, tái phân bổ. AI sẽ lo phần chuyên môn hóa cao, còn con người cần đóng vai trò kiểm soát tổng thể, liên kết các vấn đề khác nhau, hoặc xử lý các tình huống phức tạp hơn mà AI chưa thể làm được.
Vậy, với vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ và sự phát triển mạnh mẽ của các ngành liên quan đến STEM, Study Group hiện đang có những bước hỗ trợ cụ thể nào dành cho sinh viên Việt Nam? Đặc biệt, Study Group đang kết nối ra sao với các trường đại học (ĐH) tại Mỹ để giúp sinh viên Việt Nam nâng cao hiệu quả học tập và chuẩn bị tốt hơn cho xu hướng nghề nghiệp trong tương lai?
Về cơ bản, Study Group đã hợp tác với một số trường ĐH hàng đầu tại Mỹ trong các lĩnh vực như phần mềm, công nghệ và kinh doanh. Chúng tôi lựa chọn các trường không chỉ đạt tiêu chuẩn học thuật cao mà còn có vị trí địa lý đa dạng. Điều này có nghĩa là, dù sinh viên Việt Nam muốn học ở bất kỳ vùng nào của nước Mỹ, chúng tôi đều có thể giới thiệu một trường phù hợp trong hệ thống đối tác của mình.
Tất cả các trường ĐH này đều có khuôn viên hiện đại, sôi động, và mang đến cho sinh viên cơ sở vật chất rất tốt - từ chỗ ở, tiện ích học tập, đến các hoạt động thể thao và ngoại khóa. Cuộc sống sinh viên cũng là một phần quan trọng trong hành trình học tập, và chúng tôi tin rằng sinh viên không chỉ nên học để lấy bằng hay việc làm, mà còn nên tận hưởng tuổi trẻ và có những trải nghiệm đáng nhớ tại trường đại học.
Về chất lượng giảng dạy, tất cả các trường mà chúng tôi hợp tác đều áp dụng mô hình học tập chủ động - một phương pháp giúp sinh viên tham gia sâu vào các dự án, tiếp xúc thực tế với doanh nghiệp (DN), rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện - những kỹ năng rất cần thiết cho công việc sau này.

Liên quan đến AI, các trường hiện cũng đang tích cực cập nhật chương trình giảng dạy để bắt kịp xu hướng công nghệ mới. Sinh viên sẽ có cơ hội quan sát và học hỏi những chuyển đổi này trong thời gian thực - đây là một trải nghiệm học tập rất giá trị.
Tất cả các trường ĐH mà chúng tôi liên kết đều có mối quan hệ rất chặt chẽ với các công ty hàng đầu tại Mỹ - từ những tập đoàn lớn như Google, Nvidia, Microsoft, Amazon cho đến các DN nhỏ hơn nhưng rất sáng tạo và đang làm việc với công nghệ tiên tiến. Việc tiếp cận các công ty này từ các trường ĐH là vô cùng thuận lợi.
Về học bổng, Study Group hợp tác cùng các trường để mang đến cơ hội học bổng cho sinh viên. Chúng tôi cũng tổ chức các chuyến đi của đại diện trường đến Việt Nam để kết nối trực tiếp với sinh viên. Study Group đang hoạt động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, với mạng lưới hàng nghìn đại lý tuyển sinh giúp chúng tôi tìm ra những sinh viên xuất sắc và kết nối họ với các trường phù hợp.
Theo ông, sinh viên Việt Nam khi đi du học, chẳng hạn như ở Anh hoặc ở Mỹ, thường đối mặt với những khó khăn lớn nào?
Tôi nghĩ rằng thách thức lớn nhất vẫn luôn là ngôn ngữ. Bởi vì nếu bạn có thể giao tiếp, thì gần như vấn đề gì bạn cũng có thể giải quyết được. Nhưng nếu không thể giao tiếp, thì rất khó làm được điều gì cả. Vì thế, tôi cho rằng ngôn ngữ là yếu tố then chốt.
Điều quan trọng nhất mà bất kỳ ai muốn du học nên làm là trang bị thật tốt về ngôn ngữ. Nếu tôi muốn học ở Việt Nam, tôi cũng phải học tiếng Việt, vì nếu không tôi không thể học được gì cả.
Cho nên, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất và cũng là thứ xứng đáng để đầu tư nghiêm túc. Tốt nhất là nên dành thêm thời gian chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ trước khi bắt đầu du học, vì một khi bước vào chương trình học, bạn cần phải hiểu bài, xử lý thông tin, và học tập hiệu quả - tất cả đều đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ tốt.
Ngoài ra, du học không hề rẻ. Vì vậy, tài chính cũng là một yếu tố quan trọng. Gia đình cần phải có kế hoạch từ sớm vì đây là một khoản đầu tư lớn. Nhưng giống như mọi khoản đầu tư khác, nếu đầu tư đúng, bạn sẽ nhận được lợi ích xứng đáng.
Hiện nay, có rất nhiều cách để tiếp cận học bổng. Và càng là học sinh giỏi, thì càng dễ có cơ hội nhận học bổng.
Vậy nếu một học sinh rất giỏi về học thuật nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp thì liệu có cơ hội nhận học bổng không?
Câu trả lời là có. Vì các trường ĐH luôn muốn tìm kiếm những học sinh thực sự xuất sắc. Dù kỹ năng giao tiếp còn hạn chế, bạn vẫn có thể nhận học bổng. Tuy nhiên, thách thức sẽ đến sau này, khi bạn đi học, khi bạn đi làm - nếu khả năng giao tiếp yếu, bạn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm việc làm hoặc hòa nhập vào môi trường làm việc quốc tế.
Xin hỏi ông câu cuối cùng, ông có đánh giá như thế nào về sinh viên Việt Nam cũng như NLĐ Việt Nam và ông có nhắn gửi gì với những bạn trẻ đang có ý định du học?
Tôi nghĩ có một điều mà nhiều sinh viên có thể chưa nhận ra, đó là ngay khi hoàn thành chương trình du học, họ đã trở thành một nhóm tinh hoa trong xã hội. Bởi vì, thực tế, phần lớn người dân ở quê hương của họ không có cơ hội được ra nước ngoài học tập, và sẽ không được tiếp cận với những tư duy, góc nhìn, nền văn hóa đa dạng như họ đã trải qua.
Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất và cũng là thứ xứng đáng để đầu tư nghiêm túc. Tốt nhất là nên dành thêm thời gian chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ trước khi bắt đầu du học.
Ông Ian Crichton, CEO Tập đoàn giáo dục Study Group.
Vì thế, nếu họ quyết định quay trở về Việt Nam, họ sẽ có lợi thế lớn hơn rất nhiều so với trước khi đi. Họ có thể mang những điều đã học được về và áp dụng để cải thiện chính quê hương của mình - đó là một lựa chọn rất đáng cân nhắc.
Một điều khác mà tôi nghĩ nhiều sinh viên cũng không để ý là: sinh viên Việt Nam thực sự đạt được một tấm bằng giá trị hơn cả người Mỹ hay người Anh. Bởi vì các bạn không chỉ học ĐH, mà còn học bằng một ngôn ngữ thứ hai, trong khi phải rời xa gia đình, sống trong môi trường không thoải mái như quê nhà. Đó là một thành tựu lớn hơn rất nhiều.
Vì thế, khi đi xin việc, chỉ cần tiếng Anh đủ tốt, thì họ hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng - thậm chí vượt trội. Cá nhân tôi khi tuyển dụng, tôi không quan tâm nhiều người đó đến từ đâu, mà tôi sẽ nhìn vào họ làm được gì, họ thể hiện như thế nào và những kỹ năng họ mang theo bên mình.
Ngoài ra, nếu họ muốn làm việc ở nước ngoài cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ngày nay lực lượng lao động ở hầu hết các quốc gia đều rất đa dạng, và điều quan trọng không còn là bạn đến từ đâu, mà là bạn biết gì và bạn làm được gì.
Còn khi nói đến STEM, đặc biệt là AI, theo tôi những sinh viên được học STEM trong các trường ĐH tại Mỹ, sẽ được tiếp cận với tư duy và kiến thức cập nhật nhất về lĩnh vực này, họ sẽ là những người có lợi thế lớn nhất để khai thác cách ứng dụng AI vào thực tế.
Chẳng hạn khi Internet lần đầu xuất hiện, chưa ai thật sự biết nên làm gì với nó - ban đầu nó chỉ dùng cho việc trao đổi thông tin rất cơ bản. Nhưng hôm nay, bạn thấy rồi đấy, Internet đã thay đổi mọi thứ.
AI hiện nay còn chưa thật sự bắt đầu, nên cơ hội khám phá và định hình cách AI được dùng trong tương lai vẫn còn rộng mở. Chính vì vậy, lợi thế lớn nhất của việc theo học các ngành này và có được trải nghiệm quốc tế, là bạn sẽ thuộc nhóm những người có thể tạo ra các ứng dụng thực sự đột phá với AI trong những năm tới.
Xin cảm ơn ông!
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong các tập đoàn toàn cầu, ông Ian Crichton đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao trong các lĩnh vực vi mạch, điện tử, tin học y tế, dịch vụ kinh doanh và công nghệ phần mềm.
Trong sự nghiệp nổi bật của mình, ông Ian Crichton từng lãnh đạo Cơ quan Y tế Quốc gia Scotland, hỗ trợ các đại học hàng đầu Anh quốc trong nghiên cứu đổi mới và cải thiện hệ thống truy cập dữ liệu y tế. Ông cũng là thành viên của nhiều hội đồng cố vấn cấp bộ.
Là một chuyên gia về giáo dục toàn cầu, ông đã viết nhiều bài báo nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong việc phát triển sự nghiệp, khi nền kinh tế - xã hội đa cực đòi hỏi không chỉ bằng cấp xuất sắc mà còn tư duy linh hoạt và toàn diện. Ông tốt nghiệp ĐH Aberdeen (Scotland) và đã tham gia các chương trình đào tạo điều hành tại CEDEP (INSEAD), Harvard và Saïd Business School (Oxford)./.