Đi xuyên qua mùa dịch, bưu chính chuyển phát số hoá nhanh giúp người dân tăng thu nhập

Hoàng Linh| 27/12/2021 05:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Lĩnh vực bưu chính, chuyển phát đã khẳng định vượt lên chính mình khi đi xuyên qua mùa dịch từ thời điểm nhiều tỉnh thành lớn tại Việt Nam phải giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 hoành hành cho đến thời điểm "bình thường mới", đóng góp phát triển của đời sống kinh tế - xã hội trong nước.

Khẳng định vai trò trong khó khăn

Quý 2 và quý 3 của năm 2021 được xem là thời gian đỉnh dịch hoành hành tại Việt Nam, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ chuyển phát.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CPcủa Chính phủ ngày 20/7/2021, các DN bưu chính lớn tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các đại phương đang thực hiện giãn cách, các địa phương khác hoặc qua hình thức lưu động cho người dân ở các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Theo đó, 05 DN bưu chính gồm Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Viettel Post, Giao hàng Tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Netco đã tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu tại 27 tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách xã hội với 4.162 điểm cung cấp, 102.974 tấn hàng hóa thiết yếu được cung cấp, tổng giá trị 1.614 tỷ đồng và 8.390 tấn hàng hóa vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Đi xuyên qua mùa dịch, Bưu chính chuyển phát số hóa nhanh giúp người dân tăng thu nhập - Ảnh 1.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT: "Kết quả đạt được đã khẳng định bưu chính luôn là hạ tầng thiết yếu của quốc gia và bảo đảm dòng chảy vật chất của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh".

Cũng theo số liệu của Bộ TT&TT, số DN bưu chính lũy kế đến tháng 9/2021 là 650 DN, tăng 67 DN so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, doanh thu bưu chính ước tính quý 3 chỉ đạt 5.000 tỷ đồng (giảm 50% so với quý 2/2021), lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 25.000 tỷ (giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái).

Doanh thu quý 3 giảm đến 50% so với quý 2 là do ảnh hưởng của dịch vào thời điểm "căng như dây đàn" hồi tháng 7 - 8. Khi đó, các DN bưu chính gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Chẳng hạn, xe tải tại các chốt vào tỉnh bị chặn lại gây ùn tắc ảnh hưởng tới thời gian toàn trình của bưu gửi; tại một số quận/huyện, bưu tá/người giao hàng (shipper) gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát; các bưu cục/kho hàng trong khu vực cách ly, phong tỏa bị buộc phải đóng cửa; lực lượng bưu tá/shipper giảm sút do thuộc đối tượng F0, 1, 2 hoặc do sinh sống trong khu cách ly…

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng mới để bù số thiếu hụt không khả thi do không được cấp mã QR để hoạt động. Lực lượng lao động bị cắt giảm theo yêu cầu của chính quyền địa phương khiến các DN bưu chính thiếu nguồn lực để khai thác, hoạt động (đa phần các DN chỉ được bố trí khoảng 20% lao động ở TP.HCM hoặc 50% ở Hà Nội).

Mặt khác, chi phí xét nghiệm PCR cho bưu tá/shipper khi đi giao nhận, chuyển phát hàng đã phát sinh chi phí lớn và tạo gánh nặng cho các bưu chính.

Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, các DN chuyển phát đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình với nền kinh tế, đặc biệt là tình hình an sinh xã hội. Khi mọi hoạt động khác gần như phải đứng yên - trừ công tác chống dịch - thì bưu chính, chuyển phát là "mạch máu" giúp nền kinh tế vẫn "sống", tình hình an sinh xã hội vẫn ổn định. Chính vì vậy, dù doanh thu suy giảm mạnh, số lượng DN trong lĩnh vực vẫn tiếp tục tăng.

Đầu tư cho công nghệ để thích ứng, phục hồi

Để hoạt động trong "bình thường mới" và trong năm 2022 đòi hỏi các DN bưu chính, chuyển phát phải liên tục thay đổi, thích nghi nhằm tăng sức cạnh tranh và chinh phục thị trường.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) mới đây, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN nhấn mạnh bước vào năm 2022, Tổng công ty xác định phải thật sự đột phá, sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số (CĐS), tạo nền tảng phát triển bền vững.

Đi xuyên qua mùa dịch, Bưu chính chuyển phát số hóa nhanh giúp người dân tăng thu nhập - Ảnh 2.

Tổng giám đốc BĐVN Chu Quang Hào: BĐVN xác định phải thật sự đột phá, sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ CĐS, tạo nền tảng phát triển bền vững

Với các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã được xác định như tổng doanh thu phấn đấu đạt 33.396 tỷ đồng tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%, Tổng giám đốc BĐVN nhấn mạnh một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của BĐVN như triển khai phương án tái cơ cấu Tổng công ty, kiện toàn tổ chức các đơn vị từ khối tham mưu giúp việc tới các đơn vị thành viên theo định hướng chiến lược. "Điều chỉnh mô hình điều hành, kinh doanh các nhóm dịch vụ, trong đó tập trung vào thúc đẩy dịch vụ bưu chính chuyển phát, logistics, các dịch vụ số, tài chính bán lẻ".

Tổng giám đốc Chu Quang Hào cũng cho biết BĐVN tập trung mọi nguồn lực triển khai các nền tảng lớn, các nhiệm vụ trọng tâm mà BĐVN được Bộ TT&TT và các bộ, ngành, chính phủ giao như: nền tảng địa chỉ số, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, gắn với đề án "BĐVN tham gia hỗ trợ người dân phát triển kinh tế"; triển khai việc cung ứng dịch vụ hành chính công qua mạng lưới bưu điện, triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng các dịch vụ trung gian thanh toán; hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ trung gian thanh toán, giải pháp thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt; Phát triển lực lượng cộng tác viên bán hàng với quy mô 100.000 người.

Tổng giám đốc BĐVN cũng nhấn mạnh BĐVN sẽ hoàn thiện các nền tảng công nghệ, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số: Postmart, Vpostcode, PostID, PostPay, ứng dụng gọi xe bưu điện.

Không chỉ BĐVN, ngay từ đầu năm 2021, nhiều DN đã tích cực gia tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ số và tạo dấu ấn khác biệt. Tại một hội nghị của Bộ TT&TT đầu năm 2021, Giám đốc Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm Phạm Hồng Quân cho biết để kiểm soát bưu gửi, đơn vị này đã ứng dụng công nghệ mạnh mẽ để kiểm tra 3 lớp, bao gồm cấp nhân viên tiếp nhận hàng hóa đều thực hiện chụp ảnh các bưu phẩm, bưu kiện gửi đến bộ phận kiểm tra nội bộ sẽ rà soát toàn bộ hình ảnh chụp hàng hóa và triển khai máy quét hàng hóa tại các trung tâm chia chọn.

Bên cạnh đó, công ty ứng dụng phần mềm số hóa kho, di động (mobility) trong kiểm tra chéo hàng hoá, tập trung CĐS cho các công tác vận hành từ tiếp nhận đến giao hàng, tiến tới 30.000 nhân viên của công ty đều trở thành người kiểm soát hàng hóa gửi. Công ty cũng ứng dụng phân tích dữ liệu để phân loại và đánh giá sự tin cậy của các hàng hóa tiến tới công tác kiểm tra 100% các mặt hàng.

Tham gia vào thị trường chuyển phát tại Việt Nam, công ty chuyển phát nhanh (CPN) quốc tế J&T Express đang xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2022. Đây là trung tâm trung chuyển hiện đại nhất tại Việt Nam với diện tích lên đến 60.000 m2, ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống phân loại thông minh DWS, quy trình xử lý tự động theo quy chuẩn Smart logistics và hệ thống băng chuyền ma trận tự động, khả năng xử lý lên tới hơn 2 triệu kiện mỗi ngày…

Ông Phan Bình, Giám đốc thương hiệu J&T Express, chia sẻ: "Một trong những điểm mạnh của J&T Express là ứng dụng CNTT, các trang thiết bị hiện đại vào quá trình vận chuyển hàng hóa, cũng như không ngừng đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết và tích hợp dịch vụ vận chuyển với các phần mềm quản lý bán hàng, sàn TMĐT hay các sàn giao dịch vận chuyển nhằm tối ưu hóa tiện ích và hỗ trợ tốt nhất cho người kinh doanh trực tuyến".

Đi xuyên qua mùa dịch, Bưu chính chuyển phát số hóa nhanh giúp người dân tăng thu nhập - Ảnh 3.

Chẳng hạn, ngay từ đầu năm 2021, J&T hợp tác với Haravan giúp người kinh doanh trực tuyến (online) không chỉ tiết kiệm đến 50% chi phí vận chuyển mà còn gia tăng gấp đôi hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên trong cửa hàng, DN. Sự kết hợp của hai DN trong lĩnh vực chuyển phát nhanh và công nghệ mang đến những tiện ích hoàn hảo giúp DN bán lẻ, người kinh doanh trực tuyến bán hàng và quản lý việc kinh doanh của mình hiệu quả hơn trong thời đại số.

Chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số

Theo Bộ TT&TT, trong năm 2022, lĩnh vực bưu chính có nhiệm vụ trọng tâm là CĐS dịch vụ bưu chính, phát triển các dịch vụ bưu chính số, xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ bưu chính tới tất cả các hộ gia đình và người dân.

Định hướng đến năm 2025, bưu chính với sứ mệnh mới giúp người dân kinh doanh thoát nghèo, từng bước làm giàu và tiên phong trong giải quyết các vấn đề xã hội. Bưu chính thay đổi bản chất kinh doanh từ doanh thu thu từ người dân sử dụng dịch vụ sang sáng tạo công cụ giúp người dân tăng thu nhập rồi chia sẻ lợi ích cùng phát triển.

Mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bưu chính trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của TMĐT.

Đi xuyên qua mùa dịch, Bưu chính chuyển phát số hóa nhanh giúp người dân tăng thu nhập - Ảnh 4.

Đến năm 2025, xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ bưu chính tới tất cả các hộ gia đình và người dân. Khả năng tiếp cận phổ cập dịch vụ đạt tối thiểu 50 bưu gửi/đầu người; 100% điểm phục vụ có người phục vụ và có Internet để triển khai sàn giao dịch điện tử tới 100% số xã trên cả nước; 100% hộ gia đình có địa chỉ số. Tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%/năm, đạt doanh thu 6 - 8 tỷ USD vào năm 2025.

Chuyển dịch từ DN bưu chính truyền thống sang DN hạ tầng, tích hợp đa dạng các dịch vụ, phát triển dữ liệu lớn về khách hàng, hợp tác với các DN khác như ngân hàng, DN sản xuất, logistics, vận tải, kho bãi... để phá vỡ giới hạn cũ, mở ra nhiều không gian phát triển mới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đi xuyên qua mùa dịch, bưu chính chuyển phát số hoá nhanh giúp người dân tăng thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO