e-krona: Hành trình phát triển tiền kỹ thuật số của Thụy Điển

Ngọc Diệp| 31/01/2022 05:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng cường thử nghiệm tiền số pháp định (CBDC) như một phần để làm cho các hệ thống thanh toán hiện tại hiệu quả hơn và để chống lại thách thức từ tiền điện tử. Và Thuỵ Điển là một trường hợp điển hình.

Hơn 150 năm sau khi hệ thống chuyển tiền điện tử đầu tiên trên thế giới được Western Union ra mắt, các đổi mới công nghệ kỹ thuật số tiếp tục cách mạng hóa thế giới thanh toán. Trong khi nhiều quốc gia đã chứng kiến sự sụt giảm trong việc sử dụng tiền mặt, trường hợp của Thụy Điển trong thập kỷ qua đã gây chú ý hơn cả. 

Ngân hàng trung ương của nước này, Riksbank, đã bắt đầu nghiên cứu cách thức phát hành đồng tiền số e-krona. Là một trong những xã hội không dùng tiền mặt lớn nhất trên thế giới, quốc gia này được xem như một trong các ứng cử viên đầu tiên xem xét phát hành tiền số pháp định.

Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Thuỵ Điển Riksbank, bà Cecilia Skingskley trong bài phát biểu khai mạc hội nghị DC3 do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức từ ngày 25 - 27/1 cho biết: "Vào năm 2020, tiền mặt chiếm 40% các khoản thanh toán tại điểm bán hàng. Tuy nhiên, năm 2021 chúng ta chứng kiến tiền mặt chỉ chiếm chưa đến 10% các khoản thanh toán đó". Theo bà, con số thực tế có lẽ thấp hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Một xu hướng khác đang thu hút sự chú ý của các ngân hàng trung ương là sự gia tăng thanh toán số tức thời. Cho đến gần đây, các ngân hàng đều coi đây là một dịch vụ thích hợp khi hạn chế việc tiếp xúc. Và điều này đã trở thành thực tế - đặc biệt là ở Thụy Điển, nơi thanh toán số tức thì và xuyên biên giới đã trở thành "bình thường mới".

Sự ra đời của e-krona

Mặc dù những cải tiến công nghệ có thể là động lực chính, nhưng kỳ vọng cao hơn từ người dùng cuối cũng đóng một vai trò nhất định, Skingsley nói. Các yếu tố khác bao gồm sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) và lượng kiều hối tăng lên.

Những xu hướng này có ý nghĩa gì, cho dù đối với các ngân hàng trung ương hay nền kinh tế nói chung? Theo Skringsley, trong tương lai mọi người và doanh nghiệp sẽ không thể thanh toán cho nhau bằng tùy chọn mặc định là tiền mặt.

Trong khi đó, hệ sinh thái các dịch vụ tài chính ngày càng mở rộng với nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới, họ đang cố gắng phát hành các phiên bản tiền và dịch vụ thanh toán mới.

Skringsley chỉ ra làn sóng tài sản tiền điện tử hiện tại đã "mọc lên như nấm về số lượng và vốn hóa thị trường". Tuy nhiên, các loại tiền điện tử đang nổi lên trong thời gian gần đây như đồng bitcoin (BTC), Ethereum (ETH),... thường có đặc điểm là không đảm bảo, kém hiệu quả, dễ bay hơi. Theo quan điểm của Skringsley với tư cách là người điều hành một ngân hàng trung ương, những tài sản này không đạt được các yêu cầu chung của tiền tệ.

Bà giải thích: "Một phiên bản tiền giá trị mang lại cho người dùng một giá trị ổn định và phương tiện trao đổi hiệu quả".

Mặt khác, các đồng tiền ảo có giá trị hay còn được gọi là đồng stablecoin được neo với các đồng tiền pháp định như đô la Mỹ, hiện được sử dụng hầu hết trong các cặp giao dịch tiền ảo, là nguồn thanh khoản chính cho thị trường tiền số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận về sự tăng trưởng nhanh chóng của các stablecoin và việc sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán tiềm năng, cũng như những rủi ro tiềm ẩn đối với người tiêu dùng, hệ thống tài chính và an ninh quốc gia.

Xu hướng giảm sử dụng tiền mặt cùng với sự cạnh tranh từ các đồng tiền khác, như Libra của Facebook, đã khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới cân nhắc ban hành loại tiền điện tử riêng. Việc ban hành CBDC sẽ dẫn đến sự đổi mới hoàn toàn trong phương thức thanh toán, đem lại nhiều lợi thế trong quản lý tiền tệ của nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. 

CBDC là tiền truyền thống, nhưng ở dưới dạng kỹ thuật số, do một ngân hàng trung ương ban hành và quản lý. Trong khi đó, những đồng tiền số khác như bitcoin được tạo ra thông qua việc giải các thuật toán phức tạp và do nhiều cộng đồng trực tuyến kiểm soát thay vì một cơ quan trung ương.

Theo, Riksbank cho biết nếu như đồng tiền e-krona được đưa vào lưu thông, nó sẽ được dùng để thúc đẩy các nghiệp vụ ngân hàng như thanh toán, gửi tiền, rút tiền từ ví điện tử. Mục đích của dự án này là phản ánh cách đồng e-krona được người dân sử dụng. Riksbank khẳng định việc thanh toán bằng e-krona sẽ dễ dàng như việc gửi đi tin nhắn.

Hành trình phát triển e-krona

Riksbank bắt tay vào dự án e-krona vào năm 2017. Skingsley cho biết: "Việc phát hành e-krona có thể được coi là ngân hàng Riksbank thực hiện nghĩa vụ cung cấp tiền giấy và tiền xu với công nghệ mới và khi nhà nước duy trì vai trò của mình trong hệ thống thanh toán và tiền tệ".

Sau các cuộc đối thoại với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế về việc hiện đại hóa tiền xu và tiền krona Thụy Điển, nhóm dự án đã xem xét các đề xuất khác nhau về công nghệ phù hợp.

Mặc dù chưa có quyết định chắc chắn và chính xác về công nghệ nào sẽ được sử dụng, nhưng dự án e-krona được lấy cảm hứng từ các công nghệ sổ cái phân tán như blockchain. Ngân hàng hiện đang tập trung vào việc đảm bảo các giải pháp mới có khả năng mở rộng, không chỉ hiện đại hóa tiền tệ mà còn mang lại mức độ tiện lợi và bảo mật tương tự như các ngân hàng cung cấp hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị DC3, nhà nghiên cứu Jean-Marc Seigneur cho biết: "Ở một mức độ nào đó, tiền CBDC có thể được coi là stablecoin", bởi chúng mang lại sự ổn định và giúp người dùng tin tưởng rằng tiền của họ là an toàn.

Mô hình phân phối CBDC của Thụy Điển cũng đang được thảo luận. Skringsley cho biết Riksbank sẽ là cơ quan chủ trì điều hành, nhưng sẽ không cung cấp các dịch vụ thanh toán. Các nhà cung cấp dịch vụ khu vực tư nhân sẽ được trao quyền để đổi mới các dịch vụ mới dựa trên cơ sở hạ tầng của ngân hàng trung ương, nhờ vậy thúc đẩy cạnh tranh và tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Sau khi bắt đầu giai đoạn thử nghiệm vào tháng 2/2020, hiện dự án đã bước sang giai đoạn 2. Mục tiêu của giai đoạn này là nhằm kiểm tra xem e-krona hoạt động ngoại tuyến như thế nào, liệu có thể mở rộng quy mô hay không và cách tích hợp các thực thể bên ngoài vào hệ thống như thiết bị đầu cuối của điểm bán hàng.

Hiện tại, Riksbank vẫn chưa quyết định chính thức về việc có phát hành e-krona hay không. Skringsley cho biết các luật sẽ cần được điều chỉnh khi nhu cầu phát triển, và e-krona có thể sẽ phải tuân theo các quy định về chống rửa tiền (AML) và KYC (know-your-customer).

Bà cho biết: "Một số người coi e-krona là sự tiếp nối của các phương tiện thanh toán cơ bản", dù là một sự cải tiến hay thay thế cho tiền giấy kiểu cũ. Tuy nhiên, khả năng loại bỏ tiền mặt vẫn là một câu hỏi mở./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
e-krona: Hành trình phát triển tiền kỹ thuật số của Thụy Điển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO