Google đưa các kỳ quan Việt Nam lên mạng

NK| 22/01/2021 10:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 21/1, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Google tổ chức sự kiện ra mắt Dự án "Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam". Dự án này được thực hiện nhằm chung tay phục hồi du lịch Việt Nam do ảnh hưởng của Covid-19.

Tổng cục du lịch hợp tác Google đưa các “kỳ quan Việt Nam” lên mạng - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại sự kiện (Ảnh: TITC)

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, dự án quảng bá "Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam" do Tổng cục Du lịch và Tập đoàn Google phối hợp thực hiện, có sự hỗ trợ của các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Công ty Oxalis Adventure và Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt - người từng đạt nhiều giải thưởng do Tạp chí danh tiếng National Geographic bình chọn.

Phát biểu tại chương trình, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Tập đoàn Google trong việc triển khai các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số phát triển du lịch ngày càng được quan tâm. Từ năm 2020 ngành Du lịch Việt Nam đã chính thức hợp tác với Google nhằm chung tay triển khai các kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tổng cục du lịch hợp tác Google đưa các “kỳ quan Việt Nam” lên mạng - Ảnh 2.

Google đã khởi động các chương trình đào tạo dành cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ công tác phân tích thị trường, xúc tiến quảng bá thông qua các nền tảng của Google và huy động các nhà sáng tạo nội dung chia sẻ video trải nghiệm du lịch trên nền tảng số YouTube.

"Dự án "Google Arts and Culture" là một sáng kiến có thể xem như một cửa sổ khoe sắc của các nền văn hóa, giúp người xem có thể tiếp cận được văn hóa nghệ thuật theo cách thức mới mẻ và thú vị. Du lịch Việt Nam vui mừng được Google lựa chọn trở thành điểm đến mới của dự án, giới thiệu 35 triển lãm trực tuyến và gần 1.400 bức ảnh về các điểm du lịch, sản phẩm văn hóa, di sản, lịch sử và ẩm thực của miền Trung", Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng bày tỏ tin tưởng với vai trò của Google trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dự án "Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam" sẽ giúp những điểm đến của Việt Nam tiếp tục tỏa sáng và được đón nhận bởi đông đảo cộng đồng quốc tế trên mạng lưới của Google.

Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng đề nghị Google tiếp tục hợp tác với các cơ quan du lịch địa phương và các bảo tàng để mở rộng phạm vi dự án, giới thiệu thêm nhiều điểm đến và sản phẩm văn hóa nghệ thuật hấp dẫn khác của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Google, ông Ted Osius cho biết, từ tháng 6/2020, Google đã hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Du lịch góp phần đẩy mạnh quá trình phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19. Theo Báo cáo Kinh tế số năm 2020 của Google và Temasek vừa công bố cho thấy có đến 76% người dân Việt Nam muốn đi du lịch ngay khi có thể, đây là số liệu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tổng cục du lịch hợp tác Google đưa các “kỳ quan Việt Nam” lên mạng - Ảnh 4.

Lễ ra mắt chính thức Dự án "Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam" (Ảnh: TITC)

Cũng theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, với dự án "Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam", giờ đây, du khách quốc tế có thể khám phá những điểm đến nổi tiếng, những kỳ quan của Việt Nam được thế giới vinh danh, từ đó khơi gợi cảm hứng đi du lịch ngay khi các hoạt động du lịch quốc tế được phục hồi.

Dự án "Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam" gồm 35 triển lãm trực tuyến với 1.369 bức ảnh tuyệt đẹp, mang đến những góc nhìn phong phú về Việt Nam, vốn được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nền văn hóa đa dạng và nhiều di sản được thế giới vinh danh.

Người dùng có thể truy cập và thưởng những bức ảnh có độ phân giải cao tại địa chỉ: https://artsandculture.google.com/project/wonders-of-vietnam.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Google đưa các kỳ quan Việt Nam lên mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO