Chuyển đổi số

Hầu hết các mục tiêu về chính quyền số của tỉnh Quảng Bình đều đạt và vượt kế hoạch

Anh Minh 09:12 12/11/2024

UBND tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thiện chính quyền số qua dịch vụ công trực tuyến tiện lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ và xác thực người dùng qua VNeID. Tỉnh cũng sẽ tăng cường quản trị số, ứng dụng AI và trợ lý ảo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Kết quả thực hiện chính quyền số của Quảng Bình trong năm 2024

Theo Kế hoạch số 2087/KH-UBND vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký ban hành ngày 11/11, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện chiến lược phát triển chính phủ điện tử và số hóa đến năm 2025, định hướng 2030, cùng các kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh.

Các hoạt động này thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, gắn với cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả điều hành và chất lượng dịch vụ công (DVC) cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Theo đó, các nền tảng và hệ thống thông tin (HTTT) số dùng chung quan trọng của tỉnh đã tiếp tục được xây dựng, nâng cấp và vận hành hiệu quả. Hiện nay, hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh được mở rộng và hoạt động ổn định. Tỷ lệ trang TTĐT cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên của các các cơ quan cấp sở, cấp huyện là 100%; cấp xã là 74,1%.

z5060515935280_e7e579739d18d1828.jpg
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Internet)

HTTT giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được khai thác, sử dụng thống nhất tại 21/21 cơ quan thuộc UBND tỉnh, 8/8 UBND cấp huyện và 151/151 UBND cấp xã; Hệ thống này duy trì kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cung cấp trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ và người dân.

Cổng DVC của tỉnh đã công khai 964 DVC trực tuyến (DVCTT). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVC tỉnh đạt 76,2% (cấp tỉnh 68,2%, cấp huyện 82%, cấp xã 91,4%). 100% các TTHC có yêu cầu tài chính đều cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Số lượng hồ sơ TTHC được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xã là 40.925. Tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC được số hóa đạt 81,89%.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tiếp tục duy trì và mở rộng sử dụng tại UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và mở rộng ra một số đoàn thể, DN thuộc tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ văn bản xử lý qua môi trường mạng đạt 99% ở cấp tỉnh, 98% ở cấp huyện và 88% ở cấp xã. Văn bản được ký số đúng quy định đạt 99,1% tại UBND tỉnh, 98% tại UBND cấp huyện và 96% tại UBND cấp xã.

Các sở, ban, ngành và địa phương đã tiếp nhận tốt và phát triển các HTTT, cơ sở dữ liệu từ Trung ương như dân cư, hộ tịch, đất đai, DN, dân số, tài chính, bảo hiểm. Tỉnh cũng tích cực cập nhật, làm phong phú dữ liệu phục vụ quản lý, giải quyết DVC và từng bước cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng xã hội.

Hạ tầng viễn thông, trạm thu phát sóng di động, và cáp quang Internet băng rộng tại tỉnh tiếp tục phát triển, đặc biệt hướng đến phủ sóng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn của Quảng Bình đã có kết nối cáp quang băng thông rộng.

Mạng 3G, 4G phủ sóng tới 97,7% khu vực dân cư, và mạng 5G đã được Viettel triển khai tại 15 điểm ở thành phố Đồng Hới. Tỷ lệ điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định đạt 78,1%. Tỷ lệ người trưởng thành sở hữu điện thoại thông minh là 74,3%, trong khi 87,2% hộ gia đình có ít nhất một người sử dụng điện thoại thông minh và 72,2% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang.

Cơ sở hạ tầng số phát triển sẽ tạo điều kiện người dân và DN của Quảng Bình tiếp cận công nghệ, nắm bắt thông tin nhanh chóng, nâng cao năng lực để thực hiện thành công các DVCTT và các hoạt động CĐS khác. Trong khi đó, tại các cơ quan nhà nước, hạ tầng công nghệ thông tin cũng được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc và cung cấp DVC.

Tất cả các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến xã đều có mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng rộng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã triển khai đến 180 cơ quan hành chính, gồm 21 sở, ngành cấp tỉnh, 8 UBND cấp huyện và 151 UBND cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dùng duy trì kết nối ổn định từ Trung ương đến cấp xã, giúp cấp huyện có thể chủ động họp với cấp xã.

Năm 2025, Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Hầu hết các mục tiêu về chính quyền số của tỉnh Quảng Bình đều đạt và vượt kế hoạch, như các chỉ tiêu về: TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp bằng hình thức DVCTT; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh của DVCTT (toàn trình và một phần); Tỷ lệ thanh toán trực tuyến so với hồ sơ TTHC có phí, lệ phí tối thiểu; Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại các cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đạt…. Chỉ có duy nhất chỉ tiêu về tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là “chưa đạt”. Cụ thể, kết quả thực hiện của chỉ tiêu này mới đạt 90,17%, chưa được như mục tiêu đề ra là 100%.

Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện chính quyền số tại Quảng Bình cho thấy một số tồn tại, hạn chế như toàn tỉnh vẫn còn 21 thôn/bản thuộc 5 xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 4 huyện chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại di động và dịch vụ Internet băng rộng. Một bộ phận người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điều kiện sở hữu, sử dụng thiết bị máy tính, điện thoại thông minh và kết nối Internet băng rộng để tiếp cận công nghệ, dịch vụ số, nâng cao kiến thức, kỹ năng số.

Bên cạnh đó, HTTT giải quyết TTHC tỉnh đang trong giai đoạn nâng cấp, hoàn thiện theo yêu cầu, hướng dẫn của Trung ương nên đôi lúc có ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của cán bộ và dịch vụ cung cấp cho người dân. Tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý quá hạn vẫn cao hơn so với trung bình cả nước.

Trong năm 2025, Quảng Bình đã đặt ra nhiều mục tiêu về phát triển chính quyền số, như cung cấp DVCTT toàn trình đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 95% TTHC có đủ điều kiện. Tỷ lệ người dân và DN sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp DVCTT, HTTT giải quyết TTHC thông qua định danh điện tử VNeID đạt 100%; Tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 100%; Tỷ lệ thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100%; Tỷ lệ người dân, DN hài lòng trong giải quyết TTHC đạt 90%; Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) tại cấp tỉnh đạt 100%; cấp huyện đạt 99%; cấp xã đạt 90%.

image00120240806190831.jpg
Trong năm 2025, tỉnh Quảng Bình sẽ đẩy mạnh cung cấp DVCTT. (Ảnh: Internet)

UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm đạt mục tiêu về chính quyền số trong năm 2025. Trong đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cung cấp DVCTT bằng cách tập trung rà soát thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, bảo đảm cung cấp DVCTT thuận lợi, đơn giản hơn; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng dữ liệu số hóa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT.

Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các tính năng, tiện ích và tổ chức ứng dụng hiệu quả HTTT giải quyết TTHC tỉnh; Triển khai các giải pháp để định danh và xác thực người dùng DVCTT thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp DVCTT, HTTT giải quyết TTHC thông qua định danh điện tử VNeID.

Một giải pháp nữa được đưa ra là nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp người dân và DN tiếp cận, sử dụng DVCTT, thanh toán trực tuyến; tiếp tục triển khai hướng dẫn và cấp chữ ký số cho người dân để cung cấp DVCTT toàn trình, đảm bảo giá trị pháp lý của các tài liệu, giấy tờ đã được số hóa.

Quảng Bình cũng sẽ triển khai quản trị số, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, giải quyết công việc thông qua sử dụng các nền tảng số, dữ liệu số, trợ lý ảo. Theo đó, Quảng Bình sẽ nghiên cứu xây dựng, triển khai các nền tảng, hệ thống, phần mềm theo dõi, quản lý giám sát, đo lường việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án trong các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ AI, trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Đừng bỏ lỡ
Hầu hết các mục tiêu về chính quyền số của tỉnh Quảng Bình đều đạt và vượt kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO