Hoàn thành dự án giao thông chiến lược sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước

PV| 12/08/2022 15:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới ở các vùng miền, địa phương và cả nước, góp phần giải quyết nút thắt về giao thông vận tải; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội…

Hơn 730 nghìn tỷ đồng cho các dự án trọng điểm

Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn cho các dự án hạ tầng giao thông là 734 nghìn tỷ, riêng các dự án cao tốc là hơn 500.000 tỷ đồng, chưa kể các dự án hợp tác công tư, nguồn vốn vay…

Hiện nay, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải được xác định gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần, gồm: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc-Nam phía Ðông, Bến Lức-Long Thành, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Ðường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cơ bản hoàn thành 4 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) trong năm 2022; hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu và các thủ tục liên quan để khởi công các dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 vào cuối năm 2022; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam trình Quốc hội khóa XV thông qua. Đồng thời, triển khai thực hiện các dự án để cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tập trung triển khai lập dự án đầu tư, phấn đấu khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 30/6/2023.

Ở quy mô địa phương, UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị theo các mốc tiến độ đã xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hoàn thành giải phóng mặt bằng khu xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (diện tích 1.810 ha) trong tháng 8/2022. Thời điểm này, dự án sân bay Long Thành đã được phê duyệt thiết kế, triển khai thi công công trình chính bảo đảm đáp ứng kế hoạch đã đề ra; khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để triển khai các công trình phục vụ, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với cảng hàng không khi đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

Hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông chiến lược sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước - Ảnh 1.

Tổng nguồn vốn cho các dự án hạ tầng giao thông là 734 nghìn tỷ, riêng các dự án cao tốc là hơn 500.000 tỷ đồng

Còn nhiều điểm "vướng" trong quá trình thực hiện các dự án

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án và cần ưu tiên thực hiện trước một bước để bảo đảm tiến độ thi công. 

Về nguồn vật liệu đắp nền đường, với số lượng các dự án giao thông có quy mô lớn đồng loạt triển khai nên nhu cầu vật liệu rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá, ép giá ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.

Thời gian qua giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động, đẩy giá nhiều mặt hàng tăng cao, chi phí vận chuyển cũng bị ảnh hưởng; thời tiết tại một số khu vực có diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ làm tiến độ thi công một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vật liệu đắp nền đường là cát với nguồn cung rất hạn chế và tập trung chủ yếu tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Chính phủ đã có các nghị quyết để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục triển khai cấp phép nhưng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các chủ đầu tư thì vấn đề vật liệu sẽ là nút thắt lớn cho các dự án.

Các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế (đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành) thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài.

Cùng với đó, năng lực của một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án, của lực lượng tư vấn (thiết kế, giám sát), nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai. Một số dự án triển khai với các nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án/dự án thành phần.

Với số lượng dự án triển khai rất lớn, các lĩnh vực khác nhau (đường bộ, đường sắt, hàng không…), đi qua nhiều địa phương từ Bắc vào Nam, khối lượng công việc cần phải thực hiện hết sức lớn, rất nhiều các thủ tục liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, thời gian triển khai gấp, nên cần có sự chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương. Do đó, hiện nay, việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải là hết sức cần thiết.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc triển khai các dự án có rất nhiều thuận lợi như nguồn vốn cho hạ tầng giao thông được bố trí gấp 4 lần nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã cho nhiều cơ chế đặc thù…; nhưng thách thức cũng rất lớn. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc, trong khi từ năm 2000 tới năm 2021, cả nước mới hoàn thành được gần 1.100 km cao tốc.

Việc triển khai hiệu quả các dự án này là hành động thiết thực để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược, các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra; tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới ở các vùng miền, địa phương và cả nước, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới; góp phần giải quyết nút thắt về giao thông vận tải …

Trước những thách thức đặt ra, vừa qua, tại hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải với 33 địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Ban Chỉ đạo thống nhất tư tưởng, hành động; thống nhất quy chế làm việc, trên tinh thần "không hình thức mà phải hiệu quả, thực chất; phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm của các thành viên; phối hợp ăn khớp, nhịp nhàng từ Trung ương tới địa phương; với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trong tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; vì dân, vì nước, vì mục tiêu mà Đảng đã đề ra". 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khoảng 95% người tiêu dùng mua hàng qua livestream
    Với dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet cao, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.
  • HONOR mở bán X8b tại Thế Giới Di Động
    Thế Giới Di Động (TGDĐ) và HONOR Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh doanh, mở bán đặc quyền HONOR X8b với mức giá 7,69 triệu đồng.
  • Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện để giải quyết "điểm nghẽn"
    Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.
  • Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức ra mắt mini app BR-VT Smart trên Zalo
    Từ dịch vụ công (DVC) trực tuyến, giải đáp thắc mắc cho đến các tiện ích như hiến kế phát triển tỉnh, lịch tiếp công dân, thông tin quy hoạch, thông tin đất đai... đều được tích hợp trong mini app “BR-VT Smart” trên Zalo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Số vốn đầu tư cho startup Việt năm 2023 giảm 17%
    Theo báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế biến động trên toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành dự án giao thông chiến lược sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO