Kinh tế nền tảng - Xu hướng bắt buộc của kinh tế tương lai

Đỗ Minh| 24/07/2021 08:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Không chỉ riêng Việt Nam mà đa phần các nước trên thế giới hiện nay đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và bản chất của cuộc cách mạng này chính là dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, công nghệ số - là chìa khóa thúc đẩy mọi sự phát triển.

Trong xu thế phát triển đó, Việt Nam cần thúc đẩy nền kinh tế nền tảng (platform economy) - một thuật ngữ nhằm mục đích nắm bắt các tập hợp con của toàn bộ nền kinh tế đang được trung gian bởi công nghệ kỹ thuật số - đang được coi là một cơ hội đầy tiềm năng. Khi chúng ta làm tốt điều này, chắc chắn kết quả tạo ra giúp góp phần thúc đẩy, tăng trưởng nền kinh tế đất nước - kinh tế số ngày một vững mạnh, hùng cường, thịnh vượng.

Chuyển đổi số (CĐS) để trở thành công dân số

Nhân nói về nội dung này, mới đây, Liên minh CĐS cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (DTS) đã phối hợp với tổ chức mạng lưới đại sứ phát triển cộng đồng (DxSpace) tổ chức tập huấn mô hình kinh tế nền tảng cho công đồng DxAmbassador. Đây được coi là hoạt động có ý nghĩa to lớn nhằm nâng cao, bổ sung, trang bị những kiến thức, công cụ hữu ích cho những người yêu thích công nghệ số; những người đã cókỹ năng cơ bản ứng dụng trong kinh doanh và đời sống, chủ động CĐS để trở thành những công dân số.

Đồng thời, thông qua chương trình, mọi người có thêm cơ hội được cập nhật các xu hướng công nghệ mới và phát triển kỹ năng số trên cơ sở 06 lĩnh vực: Di động - định vị; định dạng; trí tuệ nhân tạo - dữ liệu lớn; mạng xã hội cân bằng; nơi làm việc thông minh; công nghệ lõi blockchain - IoT. Đặc biệt, tập trung các kiến thức về các ứng dụng công nghệ blockchain trong không gian số - một trong những lĩnh vực thu hút các DN hiện nay.

Chỉ ra vai trò quan trọng này, DTS và DxSpce cho rằng công nghệ blockchain giờ đây như là một công cụ quan trọng giúp thông báo mã điện tử (token) để các tổ chức kinh tế, DN vận hành phát triển phù hợp trong các mô hình: Kinh tế nền tảng, nền tảng kinh doanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế số...

Kinh tế nền tảng – Xu hướng bắt buộc của kinh tế tương lai - Ảnh 1.

Công nghệ chính là một trong những thành phần cơ bản của nền kinh tế nền tảng - Ảnh minh họa Internet

Tuy nhiên, giờ đây các tổ chức kinh tế, DN cần mở rộng khái niệm, hiểu sâu sắc hơn về mô hình kinh tế nền tảng và mô hình kinh doanh nền tảng (platform business), vì khi hiểu rõ sẽ giúp các nhà đầu tư, DN khi tham gia vào thị trường số, nền kinh tế số sớm phát huy những hiệu quả kỳ vọng, mong đợi.

Cũng theo DTS và DxSpce, hiện nay, thị trường Việt Nam đang ghi nhận mức độ quan tâm ngày càng cao tới blockchain nói chung và tiền điện tử nói riêng, do đó đang có xu hướng lớn dịch chuyển từ mô hình kinh doanh tuyến tính (linear business) sang mô hình kinh doanh nền tảng (platform business). Sự dịch chuyển này đang được xây dựng và phổ biến trong thời đại Internet và được phát triển trên nền tảng công nghệ số, giúp quy tụ và phát triển các nền tảng kinh doanh con.

"Đặc điểm cơ bản, mô hình kinh doanh nền tảng là tạo ra cơ sở hạ tầng, công cụ hỗ trợ cho mối quan hệ giao dịch cốt lõi xảy ra giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhờ có mô hình này, chúng ta có thêm cơ hội xây dựng những quy tắc mới, thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan tham gia hỗ trợ giao dịch cốt lõi, từ các đơn vị vận chuyển, thanh toán đến tất cả các dịch vụ hỗ trợ khác...", theo mục tiêu chương trình đạt được.

Đồng thời qua qua chương trình, bức tranh lợi ích từ mô hình kinh tế nền tảng thêm được sáng tỏ, quan trọng hơn chính là những giá trị thực tiễn về những thông tin, kiến thức hữu ích, cơ bản giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn về mô hình này trước khi đưa ra quyết định tham gia trở thành người dùng hay nhà đầu tư trong thị trường kinh tế số hiệu quả; đảm bảo trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, tôn trọng quyền cá nhân và chia sẻ vì lợi ích chung trong sự phát triển bền vững, tạo lực đẩy thúc đẩy nền kinh tế số.

Kinh tế số đóng góp tạo "quả ngọt"

Những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, chú trọng đến việc phát triển kinh tế đất nước thông qua các ứng dụng, nền tảng công nghệ số. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra phương hướng phát triển mới cho nền kinh tế thông qua đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đặc biệt, điểm nhấn trong các chính sách cải cách của Chính phủ về ưu tiên phát triển CNTT là đẩy mạnh tiếp nhận những công nghệ thông minh trong tất cả các ngành và lĩnh vực, nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo thông qua cơ sở hạ tầng, tổ chức nghiên cứu khoa học mạnh để thúc đẩy các DN khởi nghiệp công nghệ. Cùng với những tác động này, xây dưng kỹ năng công nghệ thông qua giáo dục đào tạo đã được quan tâm nhằm nâng cao nhận thức trong tất cả các ngành về cơ hội và thách thức, đảm bảo để xã hội và ngành có sự chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai.

Cách đây hơn 1 năm (tháng 6/2020), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với một số mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 30% dân số…

Để hiện thực hóa những định hướng và mục tiêu trên, Chính phủ luôn tích cực, chủ động, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, hoạch định, ban hành các thể chế chính sách; đầu tư tài chính phát triển cơ sở hạ tầng CNTT; khuyến khích chia sẻ Internet; các công cụ viễn thông, CNTT khác cho những khu vực kém phát triển...

Cũng nhờ việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tích cực này, chúng ta luôn có cơ sở niềm tin để kỳ vọng trong hiện tại và tương lai, kinh tế số Việt Nam sẽ ngày đạt được nhiều thành tựu, "quả ngọt".

Kinh tế nền tảng – Xu hướng bắt buộc của kinh tế tương lai - Ảnh 2.

Người sử dụng chính là những người cung cấp dữ liệu trên các nền tảng, để tạo nên những mô hình kinh tế có thể đem lại doanh thu trong nền kinh tế nền tảng (Ảnh: Internet)

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực TT&TT, đồng thời là đơn vị hỗ trợ, dẫn dắt các đơn vị cơ quan nhà nước, tổ chức, DN thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia toàn diện, đặc biệt được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội  số dự  kiến hoàn thành trong tháng 8/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT  Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh để trở thành nước công nghiệp phát triển hùng cường, thịnh vượng, có thu nhập cao trong 25 năm tới thì mỗi năm GDP phải tăng trưởng 6,5-7% và 1/3 số trong đó là đóng góp của kinh tế số; nghĩa là kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 lần tăng trưởng của GDP hàng năm. 

"Trách nhiệm này đặt lên vai Bộ, ngành TT&TT. Vì điều này, Bộ TT&TT sẽ khởi tạo một Vụ mới đảm nhận nhiệm vụ phát triển KTS", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ TT&TT để Việt Nam thực hiện tốt, hiệu quả việc thực hiện phát triển kinh tế số năm 2021 và các năm tiếp theo, Bộ TT&TT  sẽ cùng các đơn vịbộ, ngành phối hợp chặt chẽ, chủ động nhằm sớm xây dựng, hoàn thiện, vận hành hiệu quả mục tiêu các nội dung như: Chiến lược phát triển kinh tế số - xã  hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; sửa đổi, bổ sung Luật giao dịch điện tử 2025 (theo hướng dẫn tạo hành lang pháp lý cho CĐS và xã hội số); Trình ban hành Nghị định về định danh, xác thực điện tử - triển khai hệ thống danh tính số quốc gia; Bộ tiêu chỉ tiêu thống kê, đo lường về kinh tế số và tính toán tỷ trọng kinh tế số trong GDP/GRDP; Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS của DN; đẩy mạnh triển khai việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS (theo Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2021); phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn CĐS và kinh  tế số; hoàn thiện thể chế và môi trường pháp lý cho kinh tế số và xã hội số; phát triển công dân số, văn hóa số, phương tiện số...

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã hỗ trợ, thúc đẩy nhiều tập đoàn, DN công nghệ cho ra đời nhiều sản phẩm Make in Viet Nam. Qua các sản phẩm này, các tổ chức, đơn vị DN, cơ quan... đã thuận lợi trong việc thực hiện CĐS, phát triển mô hình tài chính, kinh doanh và quản trị như: Hệ sinh thái CĐS Next360; CMC Telecom; Anvui;ITS; Fintech Tima; Voso ...

Đây, là các sản phẩm công nghệ trí tuệ, chất lượng cao do Việt Nam sản xuất đảm bảo tính ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế cao. Đồng thời, các sản phẩm này chính là công cụ, giải pháp số tiên tiến giúp người dân, tổ chức tài chính tăng trưởng toàn diện, đặc biệt giúp cho các DN Việt Nam trụ vững trong bối cảnh khó khăn khi phải giảm mật độ nhân sự, giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19.

Mạnh dạn khơi thông "điểm nghẽn"

Được xem là cá ý kiến giải pháp nhằm tăng tăng cường hiệu quả hơn nữa cho việc phát triển mô hình kinh tế nền tảng, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Việt Nam có "điểm nghẽn" trong hành lang pháp lý thì cần phải mạnh dạn khơi thông, có thể điều chỉnh theo hướng mở "làm trước, bổ sung, hoàn thiện sau".

Đặc biệt, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ các quy định về thể chế nhằm thu hút sự đông đảo các tập đoàn, công ty có thế mạnh công nghệ số; ưu tiên, tạo cơ chế chính sách mở cho các hoạt động phát triển DN công nghệ số. Cần thiết có thể tiếp thu các kinh nghiệm, tri thức, dữ liệu từ các nước phát triển trong việc thực thi, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế số trên các nền tảng công nghệ.

Trên quan điểm đại diện cơ quan quản lý, cách đây không lâu, tại cuộc tọa đàm "Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với kinh tế nền tảng số", khi nói về vấn đề pháp lý, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc quản lý, cần có cơ chế phù hợp để linh hoạt, thuận lợi trong quá trình điều chỉnh vì hiện nay Hệ thống luật pháp điều hành các hoạt động kinh tế truyền thống đã không phù hợp để quản lý các nền tảng kinh tế số.

"Hiện nay những phản ứng chính sách và hành lang pháp lý mà Việt Nam đưa ra vẫn chưa thực sự rõ ràng, theo lối mòn tư duy cũ, có thể tạo ra nhiều rủi ro về kinh tế. Điều này cho thấy ý nghĩa của việc xây dựng một hành lang pháp lý cho DN thực hiện hiệu quả, phát triển trên mô hình kinh tế nền tảng là cấp thiết, quan trọng, được làm thường xuyên", ông Tuấn nhấn mạnh .

Trên quan điểm nhìn nhận ở một góc độ khác, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển từ sản xuất công nghiệp sang dịch vụ số. Việt Nam có tiếp tục đứng ngoài hay đương đầu để bước vào giữa sân chơi toàn cầu, tùy theo lựa chọn của Chính phủ, của DN và người dân.

"Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta ươm mầm cho các startup về: AI, công nghệ, thương mại điện tử... Đặc điểm của Việt Nam chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, nhân sự trẻ, đó cũng là một lợi thế, bởi các DN này sẽ có mức độ thích nghi với công nghệ khá tốt, hạ tầng CNTT đảm bảo – đây là nhân tố đảm bảo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế số ", ông Thành nhấn mạnh.

Còn tại một buổi tọa đàm với chủ đề "Ứng dụng kinh tế nền tảng số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam", ông Đỗ Hoài Nam, người có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực nền tảng số nhận định, kinh tế nền tảng đang diễn ra, không thể thay đổi được.

"Việt Nam dù muốn hay không cũng đều phải tham gia vào các nền tảng số khác nhau. Nếu không tham gia vào cuộc chơi, chúng ta sẽ không có một vai trò gì trong nền kinh tế tương lai ngoài việc sử dụng, hưởng lợi từ các nhà cung cấp nước ngoài", ông Nam nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế nền tảng - Xu hướng bắt buộc của kinh tế tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO