Mong muốn Đồng Tháp thí điểm chính sách, việc làm mới để chuyển đổi số mạnh mẽ

Lan Phương| 10/09/2020 22:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển lĩnh vực TT&TT là những nội dung được trao đổi tại buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ TT&TT và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Tháp ngày 10/9.

Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các sở Ban Ngành của tỉnh Đồng Tháp.

Bộ TT&TT đồng hành cùng Đồng Tháp chuyển đổi số mạnh mẽ - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc trực tuyến

Đồng Tháp xây dựng chính quyền theo hướng điện tử, hiện đại

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã lắng nghe tình hình phát triển, ứng dụng CNTT các lĩnh vực TT&TT trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Truyền thông - CNTT ngày càng có vai trò rất quan trọng, không chỉ đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của đất nước, từng ngành, từng địa phương mà còn bao hàm hầu hết các mặt đời sống - xã hội.

Từ đầu năm đến nay mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp vẫn duy trì đà phát triển và vẫn có những điểm sáng, ước tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 4%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giữ vị trí 2/63 tỉnh thành, ghi dấu mốc 12 năm liên tiếp nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành cao nhất cả nước. Chỉ số cải cách hành chính tiếp tục vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành. Chỉ số hiệu quả hành chính công PAPI được cải thiện rõ nét khi lần đầu vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đạt được kết quả này là do UBND tỉnh đã chủ động thực hiện chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) xây dựng chính quyền theo hướng điện tử, hiện đại bằng những hành động cụ thể, thiết thực như giảm lãi suất cho vay, gia hạn thời gian nộp thuế giúp DN tổ chức lại sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị và quy trình sản xuất tiên tiến hơn, ứng dụng TMĐT trong mua bán hàng hoá.

Đồng Tháp đã phối hợp với sàn TMĐT Tiki tổ chức Tuần hàng Đặc sản Đồng Tháp trong tháng 9/2020. Đồng Tháp đã trriển khai các mô hình nông nghiệp thông minh, mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn với TMĐT, ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp, du lịch Đồng Tháp.

Lĩnh vực bưu chính, trên địa bàn có 13 DN, doanh thu 90 tỷ đồng/năm, đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tiếp nhận và trả kết quả trên 58.000 hồ sơ. Đồng Tháp đã triển khai Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ dịch vụ hành chính công tỉnh cho Bưu điện. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục phát triển các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính có người phục vụ, phát triển các dịch vụ bưu chính mới phù hợp với xu thế phát triển TMĐT, kinh tế số.

Về Viễn thông, hiện nay 100% xã trên địa bàn có đường truyền Internet cáp quang, mạng di động 3G, 4G bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Khó khăn hiện nay là việc quản lý thông tin di động thuê bao trả trước, tin nhắn rác chưa triệt để, hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật đô thị khác.

Thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại đồng bộ, trong đó tập trung mở rộng phủ sóng mạng 4G, và đẩy mạnh triển khai mạng cáp quang đến vùng sâu, xa biên giới.

Về ứng dụng CNTT, Đồng Tháp đã triển khai nền tảng dữ liệu dùng chung và một số cơ sở dữ liệu dùng chung. Phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công (DVC) trực tuyến đã triển khai đến tất cả các cơ quan hành chính 3 cấp. Hiện hệ thống đã cung cấp được 836 DVC mức 3, 65 DVC mức độ 4. Mục tiêu là 480 DVC trực tuyến mức độ 4.

Hệ thống hội nghị truyền hình triển khai 3 cấp, phục vụ đồng thời 192 điểm cầu; bình quân mỗi tháng phục vụ 20 cuộc họp trực tuyến. Ngoài việc phục vụ họp trực tuyến, còn phục vụ cho cuộc họp tiếp công dân, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội quán, đào tạo trực tuyến.

Thời gian qua, trung tâm tích hợp dữ liệu, cổng TTĐT bị ảnh hưởng do cổng bị tấn công làm mất dữ liệu. Theo đó, Đồng Tháp kiến nghị Bộ TT&TT quan tâm, hỗ trợ xử lý.

Về Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), Đồng Tháp bám sát khung kiến trúc ICT của đô thị thông minh, bộ chỉ số KPI ĐTTM, thí điểm lắp đặt hệ thống màn hình giám sát điều hành ĐTTM. TP. Sa Đéc ký kết VNPT Đồng Tháp về xây dựng Sa Đéc trở thành ĐTTM giai đoạn 2020 - 2030.

Về công nghiệp ICT, các DN trên địa bàn chủ yếu bán thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại, ít DN cung cấp dịch vụ nội dung số. Được phê duyệt 1 khu công nghệ cao 150 ha nhưng đến nay chưa triển khai được. Mong các bộ, ngành hỗ trợ, hợp tác.

Thí điểm chính sách, việc làm mới để chuyển đổi số

Sau khi nghe tỉnh Đồng Tháp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, TT&TT của địa phương cũng như những khó khăn, kiến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Đồng Tháp những năm qua có nhiều đổi mới, cách làm mới, mô hình mới. Đồng chí Bí thư rất mạnh mẽ trong đổi mới, nhiều thành tích được cả nước đánh giá cao. Đây là điều kiện quan trọng số 1 để thực hiện chuyển đổi số.

Bộ TT&TT đồng hành cùng Đồng Tháp chuyển đổi số mạnh mẽ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đồng Tháp những năm qua có nhiều đổi mới, cách làm mới, mô hình mới.

Để Đồng Tháp thành công trong chuyển đổi số, Bộ trưởng đề xuất Tỉnh ủy có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, sau đó, UBND có chiến lược về chuyển đổi số, gồm tất cả các vấn đề liên quan đến phát triển lĩnh vực TT&TT. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú ý khuyến khích thí điểm chính sách mới, việc làm mới. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sẽ có nhiều thuận lợi.

Theo Bộ trưởng, thúc đẩy ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tưởng là rất khó nhưng nghĩ dễ thì sẽ làm được. Chẳng hạn, Bưu điện đã đầu tư xây dựng địa chỉ số. Tỉnh chỉ cần đánh giá sự chính xác của hệ thống địa chỉ rồi công bố độ chính xác để DN và Bộ TT&TT chỉ đạo DN hoàn thiện hệ thống đó. Tỉnh khuyến nghị để các DN trong tỉnh dùng, thúc đẩy chuyển phát hàng hoá trong tỉnh thuận tiện.

Cái khó nhất ở Đồng Tháp là mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang. Tỉnh Đồng Tháp có thể chia khu vực cho từng DN thì DN sẽ kéo cáp quang đến tận hộ gia đình ngay.

Thúc đẩy chuyển đổi số rất cần phổ cập smartphone. Ở Đồng Tháp 90% dân số đã có smartphone nhưng chỉ 70% người dân dùng. Có nghĩa là nhiều người dùng 2 - 3 smartphone. Tỉnh chỉ cần làm cuộc vận động người chia sẻ smartphone.

Để thúc đẩy ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tỉnh nên xem xét thuê DN. Tỉnh hãy ra bài toán, đặt vấn đề để DN làm. Trong lĩnh vực CNTT có câu "mang vấn đề của mình ra khỏi nhà mình". Những vấn đề tỉnh thấy khó lại có thể rất dễ đối với DN. Dùng CNTT, công nghệ số để giải những bài toán khó khăn nhất như truy xuất nguồn gốc hàng hóa, hỗ trợ bà con mua được đầu vào nông sản chính xác, bán được nông sản giá cao.

CNTT là lĩnh vực đã được thị trường hóa. Tỉnh cần chỉ đạo Sở TT&TT lập quy hoạch, kế hoạch, giao cho DN làm thì sẽ có hạ tầng rất tốt. Tỉnh nên chọn DN chiến lược đồng hành bởi đầu tư CNTT vất vả, thủ tục mua sắm phức tạp, lại phải khai thác, duy tu sửa chữa, sau có công nghệ mới lại phải tiếp tục đầu tư.

Tỉnh nên dành 1% ngân sách hàng năm cho CNTT. Nếu muốn đột phá, sánh vai với khu vực, thế giới về CNTT thì dành 2%. Đây chỉ là vốn mồi. Bộ TT&TT với chuyên môn của mình sẽ hỗ trợ chi cho trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

"Việc gì tỉnh gặp khó cứ đề xuất lên cho Bộ TT&TT, nhất là về hướng đi, cách làm, giới thiệu công nghệ, nền tảng, doanh nghiệp. Bộ sẽ đứng sau hỗ trợ", Bộ trưởng nói.

Bộ cũng đề nghị tỉnh giao nhiều việc cho Sở TT&TT. Từ quý 4/2020, Bộ sẽ đánh giá, xếp hạng các Sở về tất cả các lĩnh vực của Bộ, sẽ thông báo về cho tỉnh biết để điều hành. Hiện nay, có cơ chế biệt phái rất tốt để đáp ứng thiếu hụt nhân lực. "Điều kiện quan trọng nhất để có người là phải có việc. Giao việc khó thì càng xuất hiện người tài".

Làm CNTT, chuyển đổi số, theo Bộ trưởng, có một điểm hơi đặc biệt là mục tiêu càng cao, việc càng khó, thời gian càng ngắn thì làm càng dễ. Mục tiêu mà áp lực càng cao thì càng có giải pháp đột phá. Việc 1 năm làm 5 năm thì không thành công.

Bộ trưởng chia sẻ trong thời đại số hiện nay, việc 10 năm mà đặt mục tiêu làm 6 tháng thì may ra có cơ hội thành công. "Những gì liên quan đến công nghệ mới, công nghệ số, tỉnh đừng ngại đặt mục tiêu cao".

Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng Đồng Tháp trong tất cả vấn đề liên quan đến bưu chính, viễn thông, CNTT, chuyển đổi số. Bộ trưởng tin tưởng Đồng Tháp có nhiều đổi mới mạnh mẽ trong năm qua thì sẽ đi đầu toàn quốc về chuyển đổi số. Bộ TT&TT và các DN trong ngành sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ ở mức cao nhất.

Bộ TT&TT đồng hành cùng Đồng Tháp chuyển đổi số mạnh mẽ - Ảnh 3.

Bộ TT%TT với UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết hợp tác trong lĩnh vực TTTT giai đoạn 2020-2021

Quyết tâm cao để chuyển đổi số

Trước những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan đề xuất Bộ TT&TT cần chuẩn hóa một số chỉ tiêu quốc gia lĩnh vực TT&TT để từng địa phương bám theo. 

Riêng tỉnh Đồng Tháp chưa xây dựng được bộ chỉ tiêu để đánh giá các lĩnh vực TT&TT trên địa bàn, Bí thư Lê Minh Hoan yêu cầu Sở TT&TT tham mưu tỉnh tạm thời xây dựng bộ tiêu chí để để lượng hóa giá trị của công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong vận hành chính quyền, vận hành xã hội, vận hành nền kinh tế.

Trong Ban Chỉ đạo CNTT của tỉnh, Bí thư Lê Minh Hoan cho biết phải mời DN ICT cùng hoạch định chiến lược phát triển cho địa phương. Cần kết nối giữa chính quyền với các DN ICT đứng chân trên địa bàn, rồi kết nối các DN khác.

"Mong các DN có nhiều chuyến công tác về Đồng Tháp. DN biết người nông dân trục trặc ở chỗ nào để hỗ trợ. Nếu không hiểu vấn đề địa phương thì công nghệ cũng khó giải quyết".

Về nhân lực, Bí thư Lê Minh Hoan kỳ vọng trong chương trình hợp tác với tỉnh Đồng Tháp, Bộ TT&TT sẽ phối hợp nguồn nhân lực để các cán bộ được cập nhật những điều mới mẻ. "Tỉnh sẽ đề nghị chính quyền các cấp, các hợp tác xã, DN, hội quân để Bộ hỗ trợ tập huấn các nội dung liên quan. Cần phải hiểu hết giá trị thì chuyển đổi số sẽ mạnh mẽ".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mong muốn Đồng Tháp thí điểm chính sách, việc làm mới để chuyển đổi số mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO