Ngành Hải quan và thách thức trong thời đại số

Đỗ Thêu| 11/05/2022 06:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), ở thời điểm hiện tại, nguồn nhân lực và tận dụng các dữ liệu đang là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan Hải quan ở các nước. Các vấn đề kỹ thuật, pháp lý cũng là vấn đề cần giải quyết để hướng đến việc sử dụng dữ liệu sẵn có một cách hiệu quả.

Áp dụng công nghệ mới trong cách mạng 4.0

Trong thời đại cách mạng công nghệ, hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước (CQNN) ở nước ta luôn đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp lớn trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) để thiết lập nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong sự phát triển chung đó của đất nước nói chung và sự phát triển mô hình hải quan số do WCO đưa ra nói riêng, ngành Hải quan nước ta đã và đang triển khai quyết liệt các nội dung liên quan đến chuyển đổi số (CĐS), áp dụng những công nghệ tiên tiến tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, được cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân và các CQNN ghi nhận, đánh giá cao.

Cụ thể, với nhiệm vụ CĐS, ngành Hải quan đã quán triệt quan điểm: mỗi cơ quan, tổ chức có thể CĐS ngay bằng cách sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật có sẵn để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số, trong đó, người dân là trung tâm của CĐS.

Các thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số; thể chế và công nghệ là động lực của CĐS. Ngoài ra, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Ngành Hải quan và thức thách thức trong thời đại số - Ảnh 1.

Năm 2022 là thời điểm WCO tiến hành thúc đẩy CĐS

2022 là năm mà WCO chọn làm thời điểm thúc đẩy CĐS. Theo Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), để đáp ứng yêu cầu CĐS theo mục tiêu đặt ra tại Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Chính phủ về phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", mục tiêu đầu tiên được đặt ra là hoàn thành xây dựng hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu thực hiện Hải quan số.

Theo đó, mỗi hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh được quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối sử dụng nền tảng công nghệ số; phát triển hệ thống CNTT theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành và các bên có liên quan tham gia chuỗi dây chuyền cung ứng thương mại.

Các mục tiêu còn lại cũng được ngành Hải quan đưa ra cụ thể: 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và DN cần. Các DVC trực tuyến mức độ 4 có sự phù hợp về kỹ thuật công nghệ với Cổng DVC Quốc gia được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia.

Mục tiêu 100% thủ tục qua cơ chế một cửa

Vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã ký ban hành Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về việc đẩy mạnh CCHC, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022. Theo đó, các đơn vị được yêu cầu phải tập trung triển khai các nội dung trọng tâm: xây dựng hệ thống CNTT ngành Hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa cao đáp ứng yêu cầu thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong và sau thông quan.

Điều này sẽ góp phần giúp ngành Hải quan hướng đến đạt được mục tiêu cải cách hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030; xây dựng nền tảng Hải quan số dựa trên ứng dụng dữ liệu lớn (big data); hướng tới kết nối với các bên thông qua việc chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để tạo các dịch vụ Hải quan số; ứng dụng tối đa các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 để chủ động phấn đấu là đơn vị đi đầu trong kế hoạch chung về CĐS của Chính phủ, phấn đấu trở thành cơ quan hải quan số hàng đầu trên thế giới trong giai đoạn 2026 - 2030.

Ngành Hải quan cũng hướng đến mục tiêu 100% thủ tục hành chính cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến mức độ 4; 100% DVC trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

Ngành Hải quan và thức thách thức trong thời đại số - Ảnh 2.

Việc áp dụng công nghệ hứa hẹn sẽ đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Trước đây, các DN xuất nhập khẩu vẫn phải làm thủ tục hải quan theo kiểu "thủ công": làm hồ sơ giấy gửi cho nhiều cơ quan chức năng khác nhau để xử lý, làm DN mất rất nhiều chi phí và thời gian không đáng có. Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, với Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh, các công ty sẽ có thể dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi cung ứng, thuận lợi trong việc nhập khẩu, chủ động trong kinh doanh.

Ngược lại, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin ngay từ khi hàng chưa hạ bãi, chưa đến cửa khẩu đã có thông tin để phân tích, đánh giá, quyết định kiểm tra, giám sát, xem xét điều tra, bắt giữ. Như vậy, cả cơ quan quản lý nhà nước (bao gồm cả cơ quan Hải quan) cũng như DN sẽ được tạo thuận lợi tối đa, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu quả./.

Bài liên quan
  • Cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực
    Ước tính ngành bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Tại Việt Nam, hiện có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động, trong đó có những cái tên đáng chú ý như: Intel, Amkor, Hana Micron, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo, Lam Research, Coherent.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Hải quan và thách thức trong thời đại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO