Nhân lực ngành logistics tại Việt Nam vừa thiếu vừa yếu
Tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Cơ sở hạ tầng, công nghệ quản lý và môi trường chính sách mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn cần được đẩy mạnh để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Hiện nay, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để trở thành một trung tâm vận chuyển hàng hóa đường biển xuyên quốc tế. Các cảng của Việt Nam đã được đầu tư về quy mô với khả năng tiếp nhận tàu trên 100.000 tấn. Việt Nam có tới hơn 70 tuyến đường quốc tế, rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics, nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy 53,3% doanh nghiệp thiếu nhân viên có trình độ và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp có đào tạo lại nhân viên và chỉ 6,7% doanh nghiệp hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên.
Lao động sẵn có cho các dịch vụ logistics hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tại Việt Nam. Hầu hết các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. Hầu hết lao động trong lĩnh vực này chưa được đào tạo bài bản. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo lại đội ngũ nhân viên, chưa kể đến vấn đề "chảy máu chất xám" nhân lực vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo dự báo, trong 3 năm tới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Các nhà quản lý thường là những người chủ chốt, được đào tạo và đào tạo lại; tuy nhiên, họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, ít khi cập nhật kiến thức và phong cách lãnh đạo của họ chưa theo kịp nhu cầu.
Các số liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, điều này rất không hợp lý với một ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức cao trong khu vực. Nguồn nhân lực chính đang trở thành vấn đề nan giải nhất của ngành logistic hiện nay. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nếu tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực của nước ta giữ ở mức 7,5%/năm trong giai đoạn 2016-2030, thì có khoảng 117.532 người sẽ cần được đào tạo. Nếu chúng ta tính lực lượng lao động tại các công ty vận chuyển, đường bộ, đường biển, đường hàng không, cảng và nhà ga vận chuyển hàng hóa thì có khoảng 200 công ty. Mỗi công ty có trung bình 400 người với tỷ lệ đào tạo 50% và tốc độ tăng trưởng 5% mỗi năm. Do đó, ít nhất 100.000 người nữa sẽ cần được đào tạo trong 15 năm tới.
Cần chiến lược bài bản để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics ngày càng cần phải được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu của thời đại, đặc biệt là nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, marketing, đàm phán, triển khai,...
Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước thì nước ta cần những giải pháp phù hợp hơn nữa. Đào tạo nguồn nhân lực cho logistics không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập…
Theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ cần phải có định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nhằm thích ứng trước những biến động và rủi ro. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cấp thiết của việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, để từ đó hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Các bộ, ngành này cần phối hợp chặt chẽ với nhau để xác định rõ vai trò, chức năng, trách nhiệm của mỗi bên trong việc đề ra chiến lược phát triển logistics tổng thể và đào tạo nguồn nhân lực ngành dịch vụ logistics nói riêng. Chính phủ cần có định hướng rõ ràng hơn cho sự phát triển của dịch vụ logistics, cần xem xét để gọi dịch vụ logistics là một "ngành công nghiệp" độc lập và quyết định có nên phát triển thành một ngành công nghiệp độc lập hay không.
Việt Nam cần mở rộng chuyên ngành logistics tại các trường đại học, với các chuyên ngành hoặc chuyên ngành liên quan như: Luật, Tài chính, Ngoại thương, Kinh tế và Thương mại... Do đó, cần phải điều chỉnh lại mã ngành đào tạo logistics ở trình độ đại học và sau đại học hiện hành. Đồng thời, các cơ sở đào tạo chuyên về logistics cũng cần sớm được thành lập.
Hợp tác quốc tế về đào tạo, xây dựng chương trình giảng dạy, giáo trình và tài liệu tham khảo cho đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng là xu thế tất yếu. Điều này sẽ giúp sinh viên có cái nhìn tốt hơn về triển vọng nghề nghiệp và nắm bắt các yêu cầu của nghề nghiệp, cũng như các quy định của pháp luật, các thông lệ quốc tế liên quan đến các hoạt động logistics. Sinh viên cần được cung cấp các kiến thức chuyên sâu về logistics, quản lý nhân sự, luật giao thông vận tải, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý hệ thống phân phối, giao nhận hàng hóa, kho bãi, khai thác vận tải đa phương thức và tiếng Anh chuyên ngành.
Trên thị trường Việt Nam, không chỉ riêng các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực logitics mà còn có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn logistics của nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt phải tự có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng hoạt động, đồng thời còn tạo sự liên kết, đồng nhất và hiệu quả giữa các đơn vị liên quan thì mới có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hội nhập hóa toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.