Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển KTXH
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với khoảng 144.200 người, chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sinh sống tại 37 xã ở 7 huyện, thành phố, trong đó, có 15 xã khu vực III, 21 xã khu vực II, 1 xã khu vực I; 1 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Những năm qua, với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương và địa phương, kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Ninh Thuận có nhiều chuyển biến rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS vẫn còn cao.
Trước thực trạng đó, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào DTTS, giúp đồng bào nhanh chóng nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS.
Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 891/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển KTXH và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và an ninh trật tự.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2023, 100% người có uy tín, 90% đồng bào DTTS nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về an ninh, trật tự; chính sách về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai; 80% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 90% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, tỉnh phấn đấu 80% các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS trên địa bàn được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện để phổ biến, giới thiệu rộng rãi với công chúng. Đồng thời, xây dựng thư viện điện tử, dữ liệu về công tác dân tộc của tỉnh bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin kịp thời.
Đến năm 2025, Ninh Thuận sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và các ứng dụng hỗ trợ đồng bào DTTS, phấn đấu 100% đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh giao các đơn vị liên quan tập trung các giải pháp chính. Đó là: Thiết kế, nâng cấp hạ tầng trang thiết bị CNTT phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc; hướng dẫn ứng dụng CNTT trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật; cung cấp thông tin việc làm; ứng dụng CNTT trong sản xuất và sinh hoạt cho đồng bào DTTS; hỗ trợ chẩn đoán, khám, chữa bệnh từ xa đối với đồng bào DTTS.
Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ đồng bào DTTS tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) do các cơ quan Nhà nước cung cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thông tin phổ biến kiến thức về CNTT. Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đóng góp vào bộ dữ liệu DTTS; tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho người làm công tác dân tộc trên địa bàn.
Đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Long Biên, xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đất nước, quốc gia, nhằm hướng đến chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Cùng với cả nước, Ninh Thuận đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện việc xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) đạt hiệu quả để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Từ chủ trương, định hướng được xác định, những năm qua, tỉnh ta đã đầu tư nguồn lực và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Hiện Cổng DVCTT của tỉnh được kết nối, liên thông 32 thủ tục đất đai cấp huyện; kết nối đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) và tích hợp 107 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, lý lịch tư pháp, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia (PayGov)…
Chỉ riêng năm 2020, toàn tỉnh hiện có 1.748 TTHC được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (trong đó, mức độ 2: 105; mức độ 3: 1.096; mức độ 4: 547), đạt 100% TTHC đối với các cơ quan nhà nước. Tỉnh cũng đã xây dựng, cập nhật 547 DVCTT mức độ 4, đạt 31,29%, tăng 27,53% so với năm 2019.
Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng, thiết bị CNTT. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến xã đã có mạng nội bộ (LAN); 7/20 sở, ban, ngành và 6/7 huyện, thành phố kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước phục vụ truy cập Internet và các phần mềm dùng chung tại các cơ quan, đơn vị. Tuyến cáp quang kết nối Internet đã kết nối 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu của Ninh Thuận được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hỗ trợ từ năm 2014, thường xuyên được nâng cấp, hoạt động rất hiệu quả, giúp cho tỉnh triển khai đồng bộ, tập trung nhiều phần mềm dùng chung cho các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước được triển khai đồng bộ, tích cực. Hiện 100% sở, ban ngành, UBND cấp huyện, xã đã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh. Tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng so với tổng số văn bản đi/đến giữa các cơ quan, đơn vị trong nội bộ tỉnh, đạt tỷ lệ trên 97% (trừ văn bản mật).
Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của mô hình CQĐT được quan tâm thực hiện, qua đó dữ liệu được quản lý tập trung, cho phép cán bộ thuộc các lĩnh vực nghiệp vụ, các đơn vị hành chính khác nhau có thể cập nhật, khai thác dữ liệu trong phạm vi quản lý của cơ quan, cũng như chia sẻ, khai thác dùng chung giữa các cơ quan, đơn vị một cách dễ dàng.
Phần mềm ý kiến chỉ đạo điều hành đã hỗ trợ tốt cho lãnh đạo UBND tỉnh triển khai chỉ đạo kịp thời các nhiệm vụ; giúp theo dõi tiến độ xử lý công việc, tránh tình trạng bỏ sót và thực hiện chậm trễ các công việc do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Trên các lĩnh vực công tác: An toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực CNTT; hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh... được quan tâm đầu tư, triển khai thực hiện, góp phần quan trọng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xây dựng CQĐT của tỉnh.
"Mục tiêu của việc xây dựng CQĐT là nhằm xây dựng nền hành chính chính quy, hiện đại, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt nhất, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển KTXH", Phó Chủ tịch Nguyễn Long Biên nhấn mạnh.
Theo Sở TT&TT, thời gian tới tỉnh tiếp tục nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thiết bị CNTT, đảm bảo kết nối an toàn các mạng LAN với mạng internet băng thông rộng và mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước các cấp. Tập trung các giải pháp nâng cao tỷ lệ DVCTT mức 4 lên cao nhất, đạt chất lượng tốt nhất. Đặc biệt vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh…
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng bảo đảm an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực. Bố trí cán bộ hỗ trợ việc ứng dụng và phát triển CNTT có đủ năng lực và trình độ cho các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm việc tham mưu triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đồng bộ và hiệu quả.
Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu 100% hồ sơ công việc cấp huyện, cấp tỉnh, 50% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 60% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần và thanh toán số. Tích hợp tối thiểu 50% các DVCTT mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử; cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 3 và 50% dịch vụ công mức độ 4 cho người dân và doanh nghiệp.
Ứng dụng CNTT khai thác thế mạnh văn hóa Chăm để phát triển du lịch
Ninh Thuận là một tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt có văn hóa Chăm đặc sắc, rất hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Vì thế, du lịch được Ninh Thuận xác định là 1 trong 6 nhóm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành Du lịch. Trong đó, việc ứng dụng CNTT là giải pháp được ngành chức năng, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện nhằm tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của du khách trong và ngoài nước khi đến với tỉnh.
Cổng Thông tin Du lịch Ninh Thuận trên trang web http://ninhthuantourism.vn và App (ứng dụng) "Ninh Thuận Tourism" trên thiết bị di động thông minh là hệ thống sản phẩm du lịch thông minh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở TT&TT và VNPT Ninh Thuận ra mắt vào cuối tháng 5/220. Đơn giản, dễ sử dụng và tích hợp nhiều tính năng ưu việt là những gì mà người dùng có thể cảm nhận được khi sử dụng những sản phẩm này.
Tại bất cứ đâu, chỉ cần 1 chiếc laptop, thậm chí là chiếc smartphone, bằng cách truy cập Cổng Thông tin Du lịch Ninh Thuận hoặc thông qua App Ninh Thuận Tourism dễ dàng tải về từ CH Play và App Store, người dùng có thể tra cứu những thông tin mình muốn tìm kiếm liên quan đến du lịch Ninh Thuận như: Ẩm thực, địa điểm vui chơi, mua sắm, khách sạn, giá phòng và có thể tự đặt phòng qua những sản phẩm du lịch thông minh này mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành, việc đưa vào hoạt động hệ thống Cổng Thông tin Du lịch và App du lịch thông minh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cho du khách. Hiện tại, bên cạnh những thông tin về sự kiện, tour, tuyến du lịch, đã có khoảng 160 đơn vị lưu trú, nhà hàng, quán ăn được cập nhật, giới thiệu trên hệ thống, làm tăng khả năng kết nối với khách hàng, giúp du khách dễ dàng chọn lựa nơi lưu trú và trải nghiệm phù hợp nhất với nhu cầu, sở thích của mình.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hòa cho biết: Cổng Thông tin Du lịch Ninh Thuận và App Ninh Thuận Tourism có hỗ trợ tiếng Việt và tiếng Anh, được tích hợp bản đồ số du lịch giúp du khách dễ dàng định vị, tìm đường đến những địa điểm du lịch, chủ động sắp xếp lịch trình của mình.
Ngoài ra, với thiết kế có tính tương tác cao, thông qua App và Web, du khách có thể gửi phản ánh, đánh giá, góp ý về giá cả, chất lượng dịch vụ du lịch cho cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
Đây là công cụ giúp cơ quan quản lý nhà nước thống kê, báo cáo, quản lý thông tin về người dùng và doanh nghiệp, quản lý phản hồi, góp ý của du khách, từ đó phân tích và dự báo xu hướng phát triển du lịch trong tương lai để có giải pháp phát triển phù hợp, tạo được hiệu quả trong giới thiệu, quảng bá vùng đất và con người Ninh Thuận với du khách trong và ngoài nước.