Phát triển dữ liệu mở, nguồn tài nguyên cho quá trình đổi mới và sáng tạo

12/11/2021 14:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay ở Việt Nam, dữ liệu mở chưa thực sự phổ biến với đa số người dân. Tuy nhiên, trên thế giới, dữ liệu mở đã và đang là nguồn tài nguyên thực sự giá trị, góp phần làm phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề cấp thiết trong xã hội.

Dưới sự tác động của đại dịch COVID-19, nhiều chính phủ và doanh nghiệp (DN) buộc phải dịch chuyển các hoạt động quản lý, vận hành nội bộ lên môi trường trực tuyến. Quá trình này đã tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ, tác động và thay đổi thói quen tạo lập, lưu trữ dữ liệu của nhiều người trên thế giới. Bởi vậy, dữ liệu càng thể hiện vai trò là nguồn tài nguyên giá trị cho nhiều giải pháp công nghệ, kỹ thuật hiện nay.

Theo Báo cáo của Uỷ ban Châu Âu, quy mô thị trường dữ liệu mở giai đoạn 2016 - 2020 tại Châu Âu là 325 tỷ euro, tỷ trọng GDP tăng 36,9%, tạo ra hơn 100.000 việc làm liên quan đến dữ liệu mở, tiết kiệm khoảng 1,7 tỷ euro cho các cơ quan hành chính công. Ngoài ra, hơn 7.000 người có thể được cứu sống nhờ phản ứng nhanh hơn từ các ứng dụng, sản phẩm sử dụng dữ liệu mở, tiết kiệm khoảng 2,549 giờ cho người dân khi tìm chỗ đậu xe.

Thúc đẩy sự phát triển của dữ liệu mở,nguồn tài nguyên cho quá trình đổi mới và sáng tạo - Ảnh 1.

Giá trị của dữ liệu mở trong quá trình đổi mới và sáng tạo.

Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng được coi là nguồn tài nguyên mới có giá trị, là cốt lõi của các giải pháp công nghệ nhằm giải quyết nhiều vấn đề đã và đang tồn tại trong cuộc sống. Nhiều chính phủ trên thế giới đã triển khai các giải pháp dựa trên dữ liệu mở nhằm cải thiện hoạt động của chính phủ, nâng cao quyền lợi của người dân, tạo ra các cơ hội phát triển, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Về cải thiện hoạt động của chính phủ, trước năm 2015, tại Đan Mạch, mỗi đô thị khi cung cấp dữ liệu địa chỉ cho người dân sẽ tính một mức phí truy cập riêng, điều này khiến dữ liệu thực tế không thể truy cập được. Hơn nữa, nội dung được lưu trên các cơ sở dữ liệu (CSDL) cũng có sự khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 2005, Cơ quan đăng ký tòa nhà và nhà ở của Đan Mạch đã công khai miễn phí dữ liệu địa chỉ cho công chúng. Đến năm 2010, một nghiên cứu do chính phủ Đan Mạch ủy quyền thực hiện đã ước tính lợi ích kinh tế thông qua việc cải thiện khả năng hỗ trợ của chính phủ và cung cấp dịch vụ hiệu quả trong giai đoạn 2005-2009 là 62 triệu euro. Trong khi đó, chi phí chi trả trong cùng giai đoạn chỉ tốn 2 triệu euro.

Về nâng cao quyền của người dân, ở Uruguay, một nền tảng sử dụng dữ liệu mở có tên A Tu Servicio cho phép người dùng lựa chọn vị trí của họ và sau đó so sánh các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương dựa trên các thông số (ví dụ như phân loại cơ sở, chuyên khoa y tế, mục tiêu chăm sóc, thời gian chờ đợi và quyền của bệnh nhân). Nền tảng này được giới thiệu như một mô hình mới về sự lựa chọn của người bệnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Uruguay, cho phép người dân không chỉ đưa ra những lựa chọn chính xác hơn mà còn tạo ra các cuộc trao đổi lành mạnh và đầy đủ thông tin về cách cải thiện lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của đất nước.

Về cơ hội phát triển, từ năm 2007, Cục vận tải London (TfL) ở Vương quốc Anh đã bắt đầu sáng kiến mở dữ liệu. 05 năm sau khi phát hành các bộ dữ liệu mà cơ quan nắm giữ, nhiều ứng dụng đã được phát triển dựa trên khối dữ liệu này, hàng triệu người tham gia giao thông tại London được tiếp cận và giúp họ tiết kiệm được thời gian di chuyển. 

Thành công của sáng kiến này là có trên 5.000 nhà phát triển đăng ký sử dụng dữ liệu trên trang web TfL, 362 ứng dụng sử dụng dữ liệu của TfL, khoảng 4 triệu người tiếp cận các ứng dụng sử dụng dữ liệu của TfL. Đặc biệt, giá trị về thời gian mà người dùng các ứng dụng trên tiết kiệm được trong năm 2012 là từ 15 - 58 triệu euro.

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhiều sáng kiến về dữ liệu mở đã và đang có những tác động thiết thực trong giai đoạn phòng, chống đại dịch. Điển hình là sự nổi lên của các cộng đồng phần cứng nguồn mở, cộng đồng gồm những người chế tạo là công dân bình thường và/hoặc các DN nhỏ dưới 5 nhân công. Do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, họ đã có sáng kiến để thiết kế và chế tạo các thiết bị bảo vệ cá nhân và vật tư y tế dựa trên những dữ liệu mở, mã nguồn mở và phần cứng nguồn mở.

Về tác động giải quyết vấn đề xã hội, vào tháng 02/2011, thành phố Christchurch tại New Zealand đã hứng chịu một trận động đất nghiêm trọng khiến 185 người dân thiệt mạng, gây ra sự gián đoạn và thiệt hại đáng kể cho phần lớn thành phố. Để đối phó với hậu quả của trận động đất, các tình nguyện viên và quan chức tại các cơ quan đã sử dụng dữ liệu mở, các công cụ nguồn mở, chia sẻ dữ liệu đáng tin cậy và nguồn cung ứng cộng đồng để phát triển một loạt các sản phẩm và dịch vụ cần thiết để ứng phó thành công với các điều kiện mới xuất hiện, bao gồm cả ứng dụng Web thông tin khẩn cấp được cung cấp bởi cộng đồng.

Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của dữ liệu mở

Dựa trên các ví dụ và những điển hình của các sáng kiến dữ liệu mở nêu trên, ba yếu tố có thể coi là tiền đề cho những thành công này là chính sách thúc đẩy dữ liệu mở, sự phối hợp giữa các bên (quan hệ đối tác công - tư), và cơ sở hạ tầng.

Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của các sáng kiến dữ liệu mở là các chính sách dữ liệu mở rõ ràng, bao gồm các thước đo về hiệu suất được. Một khuôn khổ pháp lý phù hợp là cần thiết để tạo ra một môi trường pháp lý linh hoạt, khuyến khích tạo và công bố dữ liệu mở, đổi mới sáng tạo kỹ thuật.

Về quan hệ hợp tác giữa các bên, sự thành công của các sáng kiến trên không phải nỗ lực của riêng một tổ chức hay một cơ quan chính phủ, mà là từ phối hợp của nhiều bên. Trong đó, các nhóm xã hội dân sự đóng vai trò trong việc vận động và giáo dục người dân; và, các phương tiện truyền thông, đảm nhiệm vai trò thông tin, tuyên truyền. Ví dụ như sáng kiến của Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) kết hợp với khu vực tư nhân trong việc triển khai dữ liệu mở về thời tiết toàn cầu, hay sự thành công của nền tảng A Tu Servicio của Uruguay.

Nền tảng A Tu Servicio còn là một ví dụ điển hình cho việc cung cấp các lợi ích rõ ràng, hữu hình, phù hợp với nhu cầu của người dân, cho phép họ thực hiện hành động để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe của họ. Có thể thấy, sự hợp tác giữa các bên, các tổ chức sẽ giúp tăng cường sự phù hợp giữa nguồn cung và nhu cầu về dữ liệu mở, từ đó nhận diện được các mục tiêu cụ thể, góp phần tạo ra sự thành công của nhiều sáng kiến dữ liệu mở.

Về cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng thường có dạng một hệ thống "mở theo mặc định" (open-as-default) để tạo và công bố dữ liệu của chính phủ. Đề cập đến cơ sở hạ tầng dữ liệu mở không chỉ là đề cập đến yếu tố kỹ thuật mà còn là năng lực sử dụng và văn hoá kỹ thuật số của người sử dụng. Ví dụ, trong dự án Cổng thông tin ngân sách mở minh bạch của Brazil, các cơ quan triển khai sáng kiến không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng có thể tương tác để xuất bản nhiều định dạng dữ liệu, mà còn khởi động một chiến dịch xây dựng văn hóa với các hội thảo nhằm đào tạo các quan chức nhà nước, công dân và phóng viên để tạo ra giá trị từ dữ liệu mở.

Thách thức đối với việc mở dữ liệu

Để đạt được những thành tựu nêu trên, vẫn tồn tại một số thách thức, lo ngại trong quá trình mở dữ liệu công khai, miễn phí cho công chúng. Trên thế giới, đã có nhiều ví dụ, trường hợp thành công với sáng kiến dữ liệu mở; tuy nhiên, trong quá trình triển khai các sáng kiến, 03 nhóm thách thức phổ biến có thể nhận thấy bao gồm: (1) Nhóm thách thức liên quan đến yếu tố con người; (2) Nhóm thách thức liên quan đến dữ liệu; và (3) Nhóm thách thức về cơ sở hạ tầng.

Nhóm thách thức thứ nhất liên quan đến yếu tố con người. Theo đó, từ phía chính phủ, các chính sách, quy định pháp luật, quy tắc do chính phủ tạo ra chưa thúc đẩy việc mở dữ liệu. Nhiều chính phủ, thậm chí, còn gặp khó khăn trong việc quản trị dữ liệu. Trong khi đó, từ phía người sử dụng, các thách thức ảnh hưởng đến hiệu quả của những sáng kiến dữ liệu mở là mức độ nhận thức, hiểu biết về dữ liệu mở của người dân còn thấp, nhiều người chưa tin hoặc không có nhu cầu, mong muốn sử dụng dữ liệu mở, nhiều đối tượng người sử dụng chưa biết khai thác hiệu quả dữ liệu mở. Những thách thức từ cả phía chính phủ và người sử dụng dẫn đến tình trạng cung không tương xứng với cầu, các tệp dữ liệu mở đôi khi không phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.

Nhóm thách thức thứ hai liên quan trực tiếp đến những lo ngại về tiêu chuẩn dữ liệu, quyền riêng tư, an toàn dữ liệu, chất lượng dữ liệu, khả năng tiếp cận và nguồn cung dữ liệu. Việc dữ liệu mở được công khai một cách miễn phí, rộng rãi, có thể tự do sử dụng và tái sử dụng có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư và thông tin cá nhân của chủ thể dữ liệu nếu dữ liệu đó không được xử lý chính xác, đầy đủ và an toàn. 

Điển hình như trường hợp tại Brazil, năm 2004, Văn phòng Tổng kiểm soát Brazil (CGU) đã tạo ra Cổng thông tin minh bạch, một công cụ nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch tài khóa của Chính phủ Liên bang Brazil thông qua dữ liệu ngân sách của chính phủ mở; tuy nhiên, Cổng thông tin này đã vướng phải khoảng 100 vụ kiện về vấn đề quyền riêng tư của những công chức được cung cấp thông tin trên cổng thông tin. Một số trong số những thông tin nhạy cảm của họ bị tiết lộ là địa chỉ, điều này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn có nguy cơ đe dọa đến an toàn của họ.

Về các thách thức liên quan đến cơ sở hạ tầng: Đây là những thách thức đến từ mức độ sẵn sàng, tương thích của sở hạ tầng để lưu trữ, vận hành cơ sở dữ liệu phục vụ việc mở dữ liệu. Hiển nhiên là để có thể triển khai những sáng kiến về dữ liệu mở - những tài nguyên vốn tồn tại trên không gian mạng, thì cần phải có những yêu cầu tối thiểu về chi phí, hệ thống công nghệ thông tin, tỷ lệ kết nối internet, trình độ kỹ thuật số. Mặc dù năng lực kỹ thuật thấp có thể không trực tiếp dẫn đến sự thất bại của một sáng kiến về dữ liệu mở, nhưng nó thực sự có ảnh hưởng đến tiềm năng của dự án, khiến chúng trở nên kém tác động và ít hiệu quả hơn. 

Ví dụ, ở Tanzania, tỷ lệ người kết nối Internet năm 2014 chỉ là 4.9% và phần lớn người dân không biết đến dữ liệu mở khiến dự án về giáo dục mở như Shule tại Tanzania chỉ có khoảng 1500 lượt truy cập mỗi tháng kể từ trang web hoạt động vào năm 2013.

Giải pháp thúc đẩy dữ liệu mở từ kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới

Thứ nhất, chính phủ cần tạo các chính sách về dữ liệu mở một cách rõ ràng có thể đo lường được và thúc đẩy sự phát triển của dữ liệu mở. Theo đó, cần có sự phối hợp giữa các bên (đặc biệt là giữa chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự) để các chính sách đưa ra đáp ứng tốt hơn quan hệ cung và cầu về dữ liệu mở. Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo chính sách, chính phủ cần thu hút người dân xác định và giám sát các thước đo hiệu quả của các sáng kiến dữ liệu mở để nâng cao tính hợp pháp và hiệu quả của các sáng kiến này.

Thứ hai, cần xác định và quản lý rủi ro liên quan đến việc công bố và sử dụng dữ liệu mở, đặc biệt là liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Ví dụ như trường hợp của Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã thành lập Bộ phận An ninh mạng chuyên dụng để giải quyết các thách thức về bảo mật dữ liệu khi thu thập và công bố dữ liệu mở. Tại Singapore, quốc gia này cũng chủ động thực hiện các bước ẩn danh dữ liệu để bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Những ví dụ này là một lời nhắc nhở quan trọng về những xung đột tồn tại giữa tính mở, tự do và vấn đề bảo mật, quyền riêng tư, và sự cần thiết của việc hoạch định chính sách thận trọng để đạt được sự cân bằng.

Thứ ba, cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để mở dữ liệu, nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức và người dân để sử dụng có hiệu quả dữ liệu mở. Một số hoạt động nên được triển khai để thực hiện được giải pháp này là xây dựng các khoá tập huấn, đào tạo về tiềm năng, lợi ích và cách khai thác dữ liệu mở; tăng cường trao đổi qua các mạng lưới cố vấn, chuyên gia về dữ liệu mở; quảng bá, tổ chức các cuộc thi về giải pháp công nghệ xây dựng trên dữ liệu mở;…

Dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Liên minh dữ liệu mở Châu Á (AODP) và Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng phối hợp tổ chức Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á 2021 (Asia Open Data Partnership Summit 2021) vào ngày 16/11/2021. Đây là sự kiện thường niên do AODP và các đối tác tổ chức kể từ 2015. Tổng cộng đã có 22 tổ chức của khu vực tham gia.


Hội nghị năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam đứng ra chủ trì tổ chức. Với định hướng khai thác giá trị dữ liệu mở phục vụ cho phát triển kinh tế số, Hội nghị AODP 2021 có chủ đề "Data Exchange & Industrial Collaboration", với thông điệp tăng cường hợp tác công tư và thương mại hóa thành công dữ liệu mở.


Ngoài ra, hội nghị còn tập trung thảo luận về dữ liệu mở trong 02 lĩnh vực là giáo dục và y tế. Dữ liệu mở là nền tảng cho nhiều công nghệ phát triển trong kỷ nguyên số, phù hợp với định hướng, chính sách phát triển trong thời gian tới của Việt Nam.


Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để các DN Việt Nam và quốc tế cùng kết nối, mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh. Bạn đọc quan tâm có thể đăng ký tham dự tại: https://www.aodpsummit2021.com.vn/vi



Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển dữ liệu mở, nguồn tài nguyên cho quá trình đổi mới và sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO