Phòng chống dịch không khoảng cách - Những cuộc họp online từ văn phòng Thủ tướng

Xuân Tuấn| 23/12/2021 07:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng cả công cụ trực tuyến và trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xuống tận cơ sở nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, chấn chỉnh khâu thực hiện, thúc đẩy chuyển biến tình hình.

Tinh thần "chống dịch như chống giặc" không chỉ là yêu cầu, quyết tâm, mà thật sự là cuộc chiến không tiếng súng, một mặt trận toàn diện, một hệ thống liên hoàn đòi hỏi sức mạnh tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành. Mệnh lệnh đó như một hồi trống thôi thúc chính quyền các cấp sát sao và quyết liệt, khắc phục tình trạng quan liêu, bàng quan trước những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cuộc sống.

Thủ tướng làm việc cả trực tiếp và trực tuyến

Trong thời gian vừa qua, liên tục các cuộc làm việc trực tiếp và trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - kiểm tra bất ngờ đến tận cơ sở, "truy bài" lãnh đạo địa phương đã lộ ra các điểm yếu, sự lúng túng, chưa nắm sát tình hình của cấp dưới, nhưng điều quan trọng là chấn chỉnh kịp thời và tạo ra sự chuyển biến của cả bộ máy thực thi.

Phòng chống dịch không khoảng cách - Những cuộc họp online từ văn phòng Thủ tướng - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống COVID-19. Ảnh: Nhật Bắc.

Sau khi đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại các xã, phường, thị trấn ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thiết lập trung tâm chỉ huy, kiểm tra trực tuyến về công tác phòng chống dịch ngay tại phòng làm việc của Thủ tướng.  

Chiều tối ngày 2/9, từ phòng làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thông qua hệ thống trực tuyến với toàn bộ 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là hệ thống họp trực tuyến đầu tiên phục vụ Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo, điều hành trực tiếp xuống các "pháo đài", giúp công tác phòng, chống dịch COVID-19 được nhanh chóng, kịp thời đến các vùng dịch có diễn biến phức tạp và nguy cơ lây nhiễm cao. 

Ngay sau khi hoàn thiện, chiều tối cùng ngày, Thủ tướng đã đột xuất kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 qua hệ thống trực tuyến vừa được thiết lập tại 5 xã, phường, thị trấn thuộc TP.Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang. Đây là một số trong những xã, phường có diễn biến phức tạp về COVID-19.

Thủ tướng đã đặt câu hỏi với lãnh đạo các xã, phường, thị trấn này về nội dung cơ bản trong các Công điện 1099 ngày 22/8, Công điện 1102 ngày 23/8 của Thủ tướng Chính phủ; công tác triển khai thực tế các Công điện này trên địa bàn; những nhiệm vụ các xã, phường, thị trấn phải thực hiện. Kết quả kiểm tra cho thấy các xã, phường đã làm được một số việc cơ bản. Tuy nhiên, một số nơi chưa nắm chắc quan điểm chỉ đạo và cách làm, cho nên quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tổ chức thực hiện còn những hạn chế, bất cập và có địa bàn hiệu quả chống dịch chưa cao.

Ngay lập tức, Thủ tướng chỉ đạo các xã phường, thị trân phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa một số nhiệm vụ chủ yếu như: Thực hiện thật nghiêm ngặt các quy định giãn cách, cách ly, ai ở đâu thì ở đấy; bảo đảm an sinh xã hội, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn thiếu mặc; bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, cụ thể là khi người dân có nhu cầu, "người dân gọi thì phải đáp ứng ngay"; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân tại địa bàn phường, xã, thị trấn.

Đồng thời, phải tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân phòng chống dịch để "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm". Người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. "Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân. Người dân là chủ thể thì phải tích cực cùng hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả"…

Thủ tướng cũng yêu cầu những nơi chưa kiện toàn thì phải kiện toàn ngay ban chỉ đạo, sở chỉ huy phòng chống dịch, ban hành quy chế làm việc của ban chỉ đạo và sở chỉ huy. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về công tác và hiệu quả phòng chống dịch, thường xuyên báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề phát sinh để kịp thời tháo gỡ và thực hiện có hiệu quả các công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Từ phòng làm việc, Thủ tướng có thể sẽ kiểm tra đột xuất hay thường xuyên các xã, phường, thị trấn bất cứ lúc nào, đồng thời có điều kiện lắng nghe trực tiếp kiến nghị, đề xuất từ cơ sở gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Qua kiểm tra, đại diện xã, phường, thị trấn đều cam kết sẽ nỗ lực cao hơn nữa, chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, bất cập theo chỉ đạo của Thủ tướng, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.

Tiếp đến, vào chiều ngày 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương trong cả nước. Cuộc họp được truyền trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước để xem xét tình hình, đánh giá những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt và triển khai các giải pháp trọng tâm giúp phòng chống dịch hiệu quả hơn thời gian tới.

Tại cuộc họp, Thủ tướng tiếp tục đặt câu hỏi kiểm tra lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong các vùng đỏ, vùng vàng về nội dung cơ bản trong các Công điện 1099 và Công điện 1102 của Thủ tướng Chính phủ; công tác triển khai thực tế các Công điện này trên địa bàn; những nhiệm vụ các xã, phường, thị trấn phải thực hiện… Mọi câu hỏi đều rất rõ ràng, cụ thể và chi tiết.

Thủ tướng cũng đã trực tiếp chỉ đạo, nhắc nhở, hướng dẫn nhiều điểm cần lưu ý với các địa phương, như "xét nghiệm phải thần tốc, đi nhanh hơn sự lây nhiễm của virus thì mới thắng được, còn đuổi theo sau thì rất khó chặn đứng dịch". Thủ tướng cũng đặt câu hỏi và đề nghị các địa phương xem xét, cân đối khả năng để hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên… sẵn sàng chi viện nếu Hà Nội cần khi xét nghiệm thần tốc diện rộng.

Để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái "bình thường mới" trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo thống nhất "chống dịch như chống giặc"; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, nhân dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân…

“Từ phòng làm việc, Thủ tướng có thể sẽ kiểm tra đột xuất hay thường xuyên các xã, phường, thị trấn bất cứ lúc nào, đồng thời có điều kiện lắng nghe trực tiếp kiến nghị, đề xuất từ cơ sở gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Tiếp theo đó, ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, kết nối với 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn, nơi dịch bệnh phức tạp với nhiều "vùng xanh rờn" chuyển "đỏ quạch". 

Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh và một số phường tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang) về công tác phòng chống dịch. Thủ tướng bày tỏ chưa hài lòng vì trong quá trình thực hiện, một số lãnh đạo địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể; nhận thức chưa đầy đủ …; đây là nguyên nhân khiến giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu.

Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải nắm rất chắc các số liệu để lãnh đạo, chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác nữa".  

Phòng chống dịch không khoảng cách - Những cuộc họp online từ văn phòng Thủ tướng - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến với 2 tỉnh Kiên và An Giang. Ảnh: Nhật Bắc.

Ngay sau đó, khoảng 23 giờ ngày 14/9 là "cuộc gọi lúc nửa đêm" của Thủ tướng đốc thúc lãnh đạo tỉnh An Giang. Thủ tướng đã gọi điện thoại kiểm tra ông Phan Văn Tường (Bí thư, chủ tịch UBND thị trấn Long Bình) và ông Lê Thanh Phương (Phó chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang). Trong điện thoại, Thủ tướng hỏi: "Một huyện đỏ quạch như thế này mà không triển khai trạm y tế lưu động là sao? Cái này phổ biến bao nhiêu ngày rồi?". Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất sát thực tế với 3 nội dung: phải xét nghiệm 2 ngày/lần, thành lập trạm y tế lưu động và phải tổ chức giãn dân... Thủ tướng cũng đã điện thoại cho chủ tịch tỉnh và yêu cầu tỉnh phải tập trung lực lượng cho An Phú.  

Tối cùng ngày, Thủ tướng cùng 4 Bộ trưởng tiếp tục trao đổi trực tuyến với lãnh đạo 6 phường xã đang có diễn biến dịch phức tạp để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại những địa bàn này, gồm: Phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá; Xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang; Xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang; Phường An Hòa, thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp và thị trấn Long Bình, huyện An Phú của tỉnh An Giang.

Sau buổi họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong sáng 15/9 phải có công điện gửi tất cả các tỉnh thành đang thực hiện chỉ thị 16 về việc thực hiện giãn cách phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và phải đạt được mục tiêu.

Trước đó, ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố. Ngày 31/8, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã kiểm tra đột xuất, làm việc trực tiếp và trực tuyến với lãnh đạo TP. Hà Nội, kết nối trực tuyến tới 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng cùng 10 tỉnh, Thành phố phía Bắc chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch COVID-19.

Có thể thấy, những ngày vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đi thực tế, có những cuộc kiểm tra đột xuất một số địa phương và qua hệ thống trực tuyến tới các xã, phường, thị trấn ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Long An, Tiền Giang, An Giang… về công tác phòng chống dịch. Việc Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo trực tuyến đến tận cấp xã, phường được nhận định mang đến nét mới trong chỉ đạo và thực thi chống dịch, làm "phẳng hóa" công tác chống dịch, thông tin giữa Trung ương và địa phương được kịp thời, thông suốt.

Qua các cuộc họp cũng như các chuyến thị sát của Thủ tướng đã cho thấy sự quyết liệt, sát sao, kịp thời trong chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh của người đứng đầu Chính phủ. Từ đó, thôi thúc chính quyền cơ sở phải quyết liệt hơn, bám sát thực tế hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh. "Chống dịch như chống giặc", giờ đây đã trở thành mệnh lệnh thôi thúc các cấp, các ngành và địa phương cùng nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Một phong cách làm việc mới, chỉ huy sâu sát, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả

Qua các cuộc họp cũng như các chuyến thị sát của Thủ tướng đã cho thấy sự quyết liệt, sát sao, kịp thời trong chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh của người đứng đầu Chính phủ. Từ đó, thôi thúc chính quyền cơ sở phải quyết liệt hơn, bám sát thực tế hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh. "Chống dịch như chống giặc", giờ đây đã trở thành mệnh lệnh thôi thúc các cấp, các ngành và địa phương cùng nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, cả nước có khoảng 10.000  đơn vị cấp xã, hơn 700 đơn vị cấp huyện, vì vậy yêu cầu chỉ đạo sát sao phải thuộc về người đứng đầu theo từng cấp. Sự lúng túng, chệch choạc của địa phương trước thực tiễn chống dịch chưa có tiền lệ cần chấn chỉnh, nhưng hiệu quả trong thực thi phải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ. Hơn thế nữa, mỗi cơ quan, đơn vị, cấp quản lý cần rà soát tổng thể, quy trách nhiệm rõ ràng từ người đứng đầu đến cán bộ phụ trách. 

Muốn vậy, người điều hành phải thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế, chỉ đạo kịp thời, tổ chức lực lượng hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao và ứng dụng tốt công nghệ. Để hỗ trợ đắc lực cho việc điều hành của chính quyền các cấp, "trợ lý" tốt nhất đó chính là công nghệ, phải tích hợp và chuẩn hóa dữ liệu, hoàn thiện bản đồ dịch tễ, kết nối liên thông...

Thông điệp từ việc Thủ tướng "online" không phải chỉ là việc người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo trực tuyến, trực tiếp xuống tận cơ sở mà chính là tạo ra một phong cách làm việc mới, chỉ huy sâu sát, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cần được truyền tải đến cả hệ thống, bộ máy thực thi trong phòng chống dịch cũng như những đòi hỏi của thức tế cuộc sống.

Phòng chống dịch không khoảng cách - Những cuộc họp online từ văn phòng Thủ tướng - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên định mục tiêu “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Ảnh: Nhật Bắc.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng phòng chỉ huy điều hành để Thủ tướng có thể chỉ đạo trực tiếp lãnh đạo các xã, phường, thị trấn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đây là nhiệm vụ đột xuất được Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT làm ngay. Trong 11.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu trước mắt tập trung vào hơn 2.500 xã, phường tại các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Điều này thể hiện tinh thần sát sao, quyết liệt, kịp thời, đồng thời thể hiện phong cách làm việc mới trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch của người đứng đầu Chính phủ.

Theo Bộ TT&TT, các số liệu thời gian thực của những nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID quốc gia được đưa về phòng điều hành chỉ huy này. Dựa trên các số liệu thời gian thực, Thủ tướng sẽ đưa ra các quyết định phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; quan trọng hơn, sau mùa dịch, hệ thống còn được sử dụng để điều hành kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ kết nối hệ thống trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ Trung ương tới từng cơ sở được Bộ TT&TT chỉ đạo 2 tập đoàn VNPT, Viettel gấp rút triển khai. Tính đến ngày 31/8, trung tâm chỉ huy, điều hành trực tuyến về công tác phòng chống dịch từ phòng làm việc của Thủ tướng đã kết nối tới 2.594 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn thuộc 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết: Điểm đặc biệt nhất của việc thiết lập hệ thống trực tuyến là sự kết nối từ phòng làm việc của Thủ tướng tới cấp xã, phường, thị trấn. Điều đặc biệt trong chỉ đạo chống dịch của Thủ tướng là việc ứng dụng công nghệ và hạ tầng viễn thông cho một chỉ đạo ít thấy: từ Trung ương xuống thẳng cấp xã, phường, thị trấn. Nghĩa là, công nghệ đã được dùng để tạo một phương pháp làm việc đột phá. Việc Thủ tướng trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình và chỉ đạo chống dịch trực tuyến từ Trung ương đến địa phương mang lại một nét mới trong chỉ đạo và thực thi chống dịch, ít nhất đã làm "phẳng hoá" công tác chống dịch. Thông tin được truyền đạt trong toàn hệ thống có tính chất thông suốt, rõ ràng và kịp thời hơn.

Hơn thế nữa, hệ thống họp trực tuyến xuyên suốt phẳng hóa cũng cho phép cấp cơ sở trình bày, đề xuất những sáng kiến từ thực tiễn một cách tốt hơn. "Trong thực tế cuộc sống việc giao tiếp, trao đổi thông tin đã được phẳng hóa và có tốc độ nhanh, kịp thời thông qua các nền tảng mạng xã hội, nền tảng tin nhắn rộng rãi... Vì thế, việc ứng dụng công nghệ để hình thành một hệ thống chỉ đạo xuyên suốt cho thấy bước điều chỉnh tư duy quan trọng", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Nhiệm vụ kết nối hệ thống trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ Trung ương tới từng cơ sở được Bộ TT&TT chỉ đạo 2 tập đoàn VNPT, Viettel gấp rút triển khai. Tính đến ngày 31/8, trung tâm chỉ huy, điều hành trực tuyến về công tác phòng chống dịch từ phòng làm việc của Thủ tướng đã kết nối tới 2.594 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn thuộc 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Kiên định mục tiêu "bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân"

Bước vào đợt dịch thứ tư này, biến thể Delta đã làm dịch bùng phát mạnh với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với các biến chủng khác trước đó, có khả năng làm tăng mức độ nặng của người bệnh và nguy cơ tử vong cao. Biến thể Delta xuất hiện làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kiên định mục tiêu "đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết" dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng, chống dịch đã có những quyết định chuyển hướng kịp thời để ứng phó với dịch COVID-19. Phương châm phòng, chống dịch chuyển từ "zero COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19," vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với công tác chống dịch, việc thực hiện chiến lược vắc-xin kịp thời, hiệu quả là một trong những quyết định quan trọng để chuẩn bị nền tảng cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vắc-xin phòng COVID-19 được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đại dịch.

“Thông điệp từ việc Thủ tướng “online” không phải chỉ là việc người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo trực tuyến, trực tiếp xuống tận cơ sở mà chính là tạo ra một phong cách làm việc mới, chỉ huy sâu sát, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cần được truyền tải đến cả hệ thống, bộ máy thực thi trong phòng chống dịch cũng như những đòi hỏi của thức tế cuộc sống”.

Người đứng đầu Chính phủ liên tục nhắc lại thông điệp "tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả", đồng thời yêu cầu quán triệt 6 nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Như vậy, có thể thấy với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Đảng, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Và những phẩm chất ấy sẽ càng củng cố quyết tâm của chúng ta chiến đấu chiến thắng đại dịch.

(Bài viết đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống dịch không khoảng cách - Những cuộc họp online từ văn phòng Thủ tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO