Quan hệ giữa toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và truyền thông

PGS. TS. Lê Thanh Bình, GVCC, Học viện Ngoại giao| 30/11/2021 18:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Hầu hết mọi lĩnh vực đều chịu tác động của toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), nhưng các lĩnh vực liên quan thông tin, kỹ thuật, văn hóa, tư tưởng, kết nối cộng đồng... như truyền thông đại chúng, truyền thông đối ngoại, ngoại giao văn hóa (NGVH) càng cần được lưu ý vì tính truyền phát nhanh, rộng rãi, tức thời đến mọi tầng lớp công chúng.

Quan hệ giữa toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và truyền thông - Ảnh 1.

Khái luận về Toàn cầu hóa và CMCN 4.0

Toàn cầu hóa và mối quan hệ với một số lĩnh vực trong đời sống 

“Toàn cầu hóa” là khái niệm trước hết dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới, tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các nước, khu vực, các tổ chức hay các cá nhân ở nhiều góc độ như kinh tế, văn hóa, môi trường,... trên quy mô toàn cầu. Khởi đầu người ta phát hiện thấy toàn cầu hóa xảy ra trong lĩnh vực kinh tế và trong phạm vi của lĩnh vực này, toàn cầu hóa gần như được dùng để chỉ các tác động của thương mại nói chung và “tự do thương mại” nói riêng. 

Về bản chất, toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hóa kinh tế chỉ là một khía cạnh được chú trọng đặc biệt bởi liên quan đến các hoạt kinh tế của các quốc gia trên toàn thế giới, với sự chuyển động kinh tế vĩ mô mang tầm vóc thế giới, không còn thuộc phạm trù của một quốc gia đơn lẻ. Trong nhiều lĩnh vực được tính vào danh sách toàn cầu hóa kinh tế có thể kể đến: sản xuất, dịch vụ, hàng hóa, tài chính, lao động, thể chế lao động, vốn đầu tư, công nghệ, và thông tin truyền thông (ví dụ kinh tế truyền thông)… 

Với góc độ kinh tế, người ta quan sát thấy các dòng chảy tư bản ở quy mô toàn cầu đã kéo theo các dòng chảy thương mại, khoa học - công nghệ, truyền thông, văn hóa (kể cả sự giao lưu ý tưởng, lối sống, văn hóa ứng xử…), năng lượng, di cư, nhân lực lao động v.v.. Ngoài cách hiểu về toàn cầu hóa về tổng thể toàn cầu, toàn cầu hóa về kinh tế, sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia bắt đầu nói đến toàn cầu hóa về các lĩnh vực khác hoặc quan hệ gắn kết của toàn cầu hóa với các lĩnh vực đa dạng một cách khoa học và cụ thể hay tiếp cận theo cách hiểu: quá trình toàn cầu hóa không chỉ dừng ở toàn cầu hóa về kinh tế mà lan tỏa, khuếch tán, mở rộng, thẩm thấu vào các mặt khác của đời sống như văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục, môi trường, pháp luật, dịch vụ, thiết chế quan hệ quốc tế, quản lý tổ chức. Vì thế sau này đã xuất hiện thuật ngữ toàn cầu hóa về văn hóa (trước hết là văn hóa đại chúng), toàn cầu hóa về truyền thông và các ngành khác; giới chuyên môn còn đi sâu vào quan hệ toàn cầu hóa với các phân ngành: truyền thông toàn cầu, truyền thông đối ngoại, NGVH; toàn cầu hóa với ngôn ngữ; toàn cầu hóa với quan hệ quốc tế, với dịch chuyển lao động v.v.. 

Dĩ nhiên, toàn cầu hóa đem lại cơ hội và cả thách thức cho nhiều nước và do xuất phát điểm về phát triển khác biệt, tiềm lực các mặt không giống nhau, nên các quốc gia sẽ không bình đẳng về vị thế khi tham gia vào toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là tất yếu, nhưng các nước phát triển sẽ chiếm nhiều lợi thế hơn các nước mới phát triển, nước chưa hoàn thành công nghiệp hóa, hoặc nước nghèo. Vì thế các nước bị thua thiệt, điều kiện kém hơn các nước phát triển phải nhận thức sâu sắc vấn đề, có đường lối, chiến lược đúng, phù hợp với thời đại, bối cảnh trong ngoài nước, đáp ứng đòi hỏi của quá trình toàn cầu hóa, phát huy lợi thế so sánh của mình, sử dụng tốt các công cụ, đem “sức mạnh mềm” như truyền thông đối ngoại, NGVH, để vừa giữ vững chủ quyền, hội nhập vững vàng, từng bước vươn lên, trở thành quốc gia cường thịnh, kinh tế - văn hóa phát triển hài hòa, có chỗ đứng xứng đáng trong đội ngũ các nước thành công khi cùng đua tranh trong toàn cầu hóa.

Hệ quả của toàn cầu hóa mang lại là có thể rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nhiều quốc gia, nếu những quốc gia mới phát triển biết tận dụng các thành quả về kinh tế, khoa học công nghệ, phương thức quản lý, đầu tư, phát huy động lực văn hóa và các “sức mạnh mềm, cứng” khác. Toàn cầu hóa tạo thêm điều kiện để nhiều nước thụ hưởng các giá trị phổ quát và đa dạng của nhân loại, đồng thời có thêm cơ hội cho những quốc gia ở thứ hạng chưa cao, tranh thủ tìm cách hội nhập đúng đắn, phát huy nội lực, xây dựng thương hiệu cho mình, khẳng định những giá trị độc đáo, mang đặc thù của dân tộc mình. Đó là một quá trình phấn đấu, đua tranh, thương lượng, hợp tác, đấu tranh, dung hòa... rất phức tạp của mọi quốc gia tham dự quá trình toàn cầu hóa hiện nay và sắp tới, chứ không phải cứ tự nhiên được hưởng lợi. Nếu để cho lực lượng phản tiến bộ “cầm chịch”, chi phối được nhiều khâu trong toàn cầu hóa thì một số nước yếu kém dễ đi vào con đường lệ thuộc văn hóa, “hòa tan”, chạy theo nước khác, sùng ngoại vô căn cứ, trong khi văn hóa bản địa dần mất đi bản sắc đặc trưng, không giữ được mục tiêu hội nhập phát triển theo hướng: Liên lập nhưng độc lập, giữ vững “quốc hồn, quốc túy”, giá trị văn hóa tinh túy của quốc gia, dân tộc. (Xem thêm: http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/ document_library/get_file?uuid=0e0c949f-aaa2-4441- 89c7-fba64591bb46&groupId=13025).

CMCN 4.0: khái quát, cơ hội, thuận lợi và hạn chế, thách thức 

Khái quát, cơ hội, thuận lợi 

Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã phát biểu ý kiến trong 1 bài báo (in trong tờ báo  Foreign Affairs 12/12/ năm 2015) về CMCN 4.0 như sau: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”. 

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới và nhiều giới chức đã đặt ra vấn đề này với dự báo sẽ diễn ra theo các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, lao động kỹ thuật, trí thức tầm trung trở xuống trong một số ngành (kể cả những ngành như báo chí truyền thông, ví dụ không chuyển đổi kịp về tác nghiệp, không tổ chức được hiệu quả kinh tế truyền thông) v.v.. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ và có thể giai đoạn này sẽ tới chậm hơn.

Quan hệ giữa toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và truyền thông - Ảnh 2.

Với sự chuyển động của cuộc CMCN 4.0, trong khoảng 15-20 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi, tiến bộ để thích nghi.

Với sự chuyển động của cuộc CMCN 4.0 (trong bài nhiều khi sử dụng cụm từ viết tắt là công nghiệp 4.0), trong khoảng 15-20 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi cùng nhiều ngành nghề, cấu trúc xã hội sẽ phải chuyển đổi, tiến bộ để thích nghi. Những ngành tận dụng được lợi thế khoa học công nghệ, liên quan đáng kể với toàn cầu hóa và công nghiệp 4.0 như truyền thông, truyền thông đối ngoại, NGVH, hợp tác về sản xuất - dịch vụ đa ngành - đa quốc gia... lại càng phải có sự chuẩn bị tốt để chuyển đổi kịp thời, thông suốt.

Nếu cộng đồng quốc tế không có những giải pháp tương thích với tình hình thì sau mấy chục năm nữa, lúc đó những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ CMCN 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống và hệ lụy tiếp theo có thể là những bất ổn về chính trị, văn hóa - xã hội, quan hệ quốc tế... Thách thức đặt ra là khi có chính phủ những nước không nhận thức đầy đủ và thiếu chuẩn bị sẵng sàng cho làn sóng công nghiệp 4.0, thì nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình toàn cầu hóa là hoàn toàn có thể. Mặt khác, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet, các phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội... cũng dễ đặt con người vào nhiều nguy hiểm, với các tình huống tiêu cực liên quan đến tài chính, sức khỏe, thói quen sinh hoạt, ứng xử với xung quanh. Thông tin cá nhân nếu không có biện pháp chắc chắn bảo vệ an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, đó là chưa kể ở góc độ quy mô lớn, nguy cơ chiến tranh thông tin, chiến tranh truyền thông vẫn có thể xảy ra do các thế lực hắc ám có những mưu đồ đen tối (Xem thêm: https://www.i-scoop.eu/industry-4-0/). 

Tóm lại, cùng với quá trình toàn cầu hóa, CMCN 4.0 mang đến nhiều cơ hội, thuận lợi và cũng không ít thách thức, hạn chế đối với nhân loại.

CMCN 4.0 có 4 đặc trưng lớn: Một là, dựa trên nền tảng của sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật sẽ thúc đẩy sự phát triển của máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. Hai là, sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất sản phẩm một cách hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ - công nghệ này đã cho phép con người có thể in ra sản phẩm mới bằng những phương pháp phi truyền thống, bỏ qua các khâu trung gian và giảm chi phí sản xuất nhiều nhất có thể. Ba là, công nghệ nano và vật liệu mới tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. Bốn là, trí tuệ nhân tạo (AI) và điều khiển học. Sự ra đời của “cobots”, tức robot hợp tác có khả năng di chuyển và tương tác, sẽ giúp các công việc kỹ năng thấp đạt năng suất nhảy vọt. Tuy nhiên, những người bị ảnh hưởng nặng nhất có thể là lực lượng lao động có kỹ năng trung bình do sự phát triển của siêu tự động hóa và siêu kết nối, cộng với AI sẽ tác động đáng kể đến đối tượng này. cho phép con người kiểm soát từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian, tương tác nhanh hơn và chính xác hơn. (Xem thêm: Trần Thị Thanh Bình, Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng Sản điện tử 30/4/2020).

CMCN 4.0: các thách thức, hạn chế 

- Với ba cuộc cách mạng trước đó nhân loại từng trải qua, có những thay đổi rất to lớn, sâu sắc về mặt xã hội đã diễn ra. Theo đó, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã diễn ra một cách ngoạn mục, tuy nhiên con người có thể sẽ không lường trước được các vấn đề văn hóa, xã hội, truyền thông và những tác động đến văn hóa - xã hội, môi trường sống như thế nào trong tương lai sắp tới, do sự biến đổi phức tạp, đa tầng, mau lẹ của cả quá trình toàn cầu hóa và cách mạng 4.0 mang đến.

- An ninh mạng và quyền riêng tư là mối quan tâm chính trong nhiều năm tới. Khi mà mọi dữ liệu đều được số hóa và chuyển vào máy tính, các thiết bị IoT (viết tắt của Internet of Things, tức là Internet vạn vật - một hệ thống các thiết bị tính toán, máy móc cơ khí và kỹ thuật số hoặc con người có liên quan với nhau và khả năng truyền dữ liệu  qua mạng mà không yêu cầu sự tương tác giữa con người với máy tính) ở vào tình trạng dễ bị đe dọa và đôi khi những mối đe dọa này có thể là gây ra thảm họa khi bị đánh cắp những dữ liệu bảo mật quan trọng mang vị trí chiến lược từ quy mô của các tổ chức, công ty đến quy mô của quốc gia. 

- Kỹ năng và giáo dục của người lao động làm việc trong các quy trình dựa trên công nghiệp 4.0 cần phải được cải thiện linh hoạt, tương thích với sự phát triển xã hội. Dưới sự thay đổi vượt trội của khoa học công nghệ, con người lao động cũng phải thay đổi liên tục và cập nhật mọi mặt về tư duy, kỹ năng, phương thức làm việc... để có thể bắt kịp, hòa nhập vào thời đại. 

- Máy móc tự có những hạn chế nhất định. Quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ, máy móc có thể khiến các tổ chức công/tư, các doanh nghiệp sa vào những thiệt hại nghiêm trọng,  hơn nữa các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng về tài chính bởi vì các chi phí chuyển dịch, thay đổi máy móc sẽ là rất nhiều và tốn kém. Mặt khác việc sử dụng sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ hiệu quả cho phát triển của tổ chức (công tư, doanh nghiệp, hội đoàn phi chính phủ...); phát huy vai trò truyền thông là cầu nối với xã hội và cộng đồng công chúng trong, ngoài quốc gia cũng là vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới. 

Như vậy, công nghiệp 4.0 cho phép chuỗi giá trị thông minh và tích hợp kỹ thuật số cung cấp các khả năng gần như vô hạn. Các giải pháp công nghiệp 4.0 giúp cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động, năng suất, chất lượng sản phẩm, quản lý hàng tồn kho, sử dụng tài sản, thời gian tiếp thị, truyền thông quảng bá thương hiệu... nhanh chóng, sâu rộng, an toàn; nơi làm việc thân thiện với môi trường, bảo vệ sự bền vững môi trường. Xương sống phát triển xã hội là kinh tế sẽ thay đổi nhiều, nhưng sẽ kéo theo các mặt khác như: quản trị xã hội, văn hóa, chính trị, quan hệ các quốc gia, truyền thông đối ngoại, NGVH, quản trị toàn cầu, công nghiệp văn hóa (Điện ảnh, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Quảng cáo, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa...) v.v..

Những vấn đề cần chú ý của truyền thông đại chúng, truyền thông đối ngoại và ngoại giao văn hóa thời đại toàn cầu hóa, CMCN 4.0 

Quá trình toàn cầu hóa (nhất là toàn cầu hóa về kinh tế, về văn hóa), CMCN 4.0 đã làm thay đổi hình thức, nội dung, cách thức, vai trò của TTĐC, TTĐN, NGVH và ngược lại chính các lĩnh vực này góp phần như là tác nhân quan trọng, là động lực thúc đẩy quá trình Toàn cầu hóa và CMCN 4.0. Chẳng hạn, toàn cầu hóa về kinh tế, về văn hóa khi mạnh mẽ hơn và có sự dung hòa với CMCN 4.0 sẽ tạo thêm những sắc thái mới, tính chất mới, có tính tương tác, điều hòa, có tác dụng như định hướng, điều chỉnh... đối với các phân nhánh, phân ngành, phân mảng của toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0. Dù sao cần nhấn mạnh một định đề có tính thực tiễn là: Muốn cải tạo thế giới, trước hết con người phải tự cải tạo bản thân để thích nghi với thế giới.

Nhờ tác động của toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa thông tin sẽ ngày càng rõ nét và tác động trở lại tích cực. Người ta nhận thấy quá trình truyền thông ở khắp mọi quốc gia (kể cả TTĐN và truyền thông qua hoạt động NGVH) trên thế giới được diễn ra nhanh chóng, phong phú, dễ dàng, đa chiều, đa cấp, đa tầng, liên tục tới các lớp công chúng toàn cầu. Không chỉ có truyền thông quốc gia, truyền thông công/tư, truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm, mà truyền thông của các tổ chức truyền thông đa quốc gia hoạt động nhộn nhịp, tùy theo chức năng, mục tiêu, sự hiện đại của phương tiện truyền thông mà mình có đã tham gia vào hệ sinh thái truyền thông ngày càng mang màu sắc, dấu ấn của toàn cầu hóa và công nghiệp 4.0. 

Với việc tăng sức mạnh phần cứng và giảm chi phí, sự hội tụ của kết nối IoT, dữ liệu lớn (Big data) mà nó tạo ra, và khả năng làm cho nó có ý nghĩa thông qua AI đã đến thời điểm sẵn sàng cho việc hiện thực hóa các ý tưởng mà trước đây chỉ có trong khoa học viễn tưởng góp phần tham gia vào CMCN 4.0. IoT là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói đơn giản là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó. 

Dữ liệu lớn là những nguồn thông tin có đặc điểm chung khối lượng lớn, tốc độ nhanh và dữ liệu định dạng dưới nhiều hình thức khác nhau, do đó muốn khai thác được đòi hỏi phải có hình thức xử lý mới để đưa ra quyết định, khám phá và tối ưu hóa quy trình.

AI là một lĩnh vực nghiên cứu với mục đích tạo ra những chương trình và máy móc có những khả năng của con người. Những khả năng quan trọng của con người mà lĩnh vực AI rất quan tâm đó là: (a) khả năng học, (b) khả năng biểu diễn tri thức và suy diễn, (c) khả năng nghe - nhìn, (d) khả năng sử dụng ngôn ngữ, và (e) khả năng thể hiện cử chỉ. Theo wikipedia.org, AI là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.

Dữ liệu lớn được hình thành chủ yếu từ 6 nguồn: (1) Dữ liệu hành chính (phát sinh từ chương trình của một tổ chức, có thể là chính phủ hay phi chính phủ). Ví dụ, hồ sơ y tế điện tử ở bệnh viện, hồ sơ bảo hiểm, hồ sơ ngân hàng...; (2) Dữ liệu từ hoạt động thương mại (phát sinh từ các giao dịch giữa hai thực thể), ví dụ, các giao dịch thẻ tín dụng, giao dịch trên mạng, bao gồm cả các giao dịch từ các thiết bị di động; (3) Dữ liệu từ các thiết bị cảm biến như thiết bị chụp hình ảnh vệ tinh, cảm biến đường, cảm biến khí hậu; (4) Dữ liệu từ các thiết bị theo dõi, ví dụ theo dõi dữ liệu từ điện thoại di động, GPS; (5) Dữ liệu từ các hành vi, ví dụ như tìm kiếm trực tuyến (tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ hay thông tin khác), đọc các trang mạng trực tuyến...; (6) Dữ liệu từ các thông tin về ý kiến, quan điểm của các cá nhân, tổ chức, trên các phương tiện thông tin xã hội.

Phương pháp khai thác và quản lý dữ liệu lớn hiện nay được thiết kế phù hợp dựa theo các nguồn hình thành dữ liệu lớn. Đa dạng: đối với dữ liệu truyền thống chúng ta hay nói đến dữ liệu có cấu trúc, thì ngày nay hơn 80% dữ liệu được sinh ra là phi cấu trúc (tài liệu, blog, hình ảnh, video, bài hát, dữ liệu từ thiết bị cảm biến vật lý, thiết bị chăm sóc sức khỏe…). Dữ liệu lớn cho phép liên kết và phân tích nhiều dạng dữ liệu khác nhau. Ví dụ, với các bình luận của một nhóm người dùng nào đó trên Facebook với thông tin video được chia sẻ từ Youtube và Twitter. Dữ liệu lớn khác với dữ liệu truyền thống ở 4 điểm cơ bản: Dữ liệu đa dạng hơn; lưu trữ dữ liệu lớn hơn; truy vấn dữ liệu nhanh hơn; độ chính xác cao hơn. 

AI đã và đang dần được sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới, từ các cơ quan báo chí lớn của Mỹ, Anh, Canada, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho đến các quốc gia đang phát triển như Brazil, Argentina, Việt Nam... AI đã và đang được ứng dụng đa dạng trong tác nghiệp báo chí, từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, cho đến việc tự động viết tin, bài. Xin được tóm tắt bức tranh về ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động báo chí truyền thông như sau:

Báo chí robot: Để chỉ loại hình báo chí truyền thông sản xuất tin tức, bài vở từ dữ liệu đầu tiên phục vụ mục đích đưa tin thể thao, tài chính để hỗ trợ phóng viên thoát khỏi những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, giảm chi phí và tăng hiệu quả nhờ tạo điều kiện phóng viên tập trung những việc đòi hỏi phân tích, tư duy chuyên môn hơn. Hãng AP có sáng kiến dùng phần mềm Wordsmith để biến các con số, dữ liệu về tài chính thành bài viết đúng kiểu báo chí, còn tờ Washington Post thì sử dụng công nghệ tự phát triển Heliograt đưa tin về hoạt động tranh cử và tin thể thao sinh động. 

Quan hệ giữa toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và truyền thông - Ảnh 3.

Tổ chức quy trình: Các đơn vị báo chí thời công nghiệp 4.0 đã cải tiến việc theo dõi tin nóng, tập hợp, xử lý, tổ chức thông tin thông qua sử dụng tag, link, quản lý comment, tự động tạo các bản ghi giọng nói. Chính tờ New York Times dùng công cụ Perspective API do Jigsaw (thuộc Alphabet) phát triển nền tảng để quản lý comment công chúng thuận tiện. Hãng Reuters dùng nền tảng chuyên dụng của mình là Reuters Connect để nhà báo có thể xem hiển thị mọi nội dung đa dạng của chính Hãng này, tính cả nội dung từ các đối tác liên kết trên toàn thế giới theo thời gian thực. 

Theo dõi tin trên mạng xã hội: Nhờ các nền tảng công nghệ mới, người ta có thể phân tích các dữ liệu theo thời gian thực, xác định chính xác các nhân vật có ảnh hưởng lớn và có nhiều tương tác với độc giả. Ví dụ, Hãng AP đã dùng Newswip theo dõi các xu hướng trên mạng xã hội và tăng các tương tác. 

Tương tác với độc giả: Nhờ ứng dụng của Chatbot của Quat Bot người dùng có thể gõ câu hỏi về các sự kiện thời sự, nhân vật, địa điểm và ứng dụng đó sẽ lựa chọn câu trả lời phù hợp nhất với người hỏi. BBC thì dùng bot để đưa tin về trưng cầu dân ý của EU, còn tờ Guardian thường dùng bot cho Facebook Messenger.

Tự động kiểm chứng thông tin (fact-check): Các nhà báo có thể dùng ứng dụng này để mau chóng kiểm chứng các tuyên bố hoặc khiếu nại công khai. Ví dụ, Full Fact UK và đối tác đã và đang phát triển trên máy kiểm chứng thông tin tự động biết xác định những khiếu nại đã được kiểm chứng; hoặc có thể phát hiện và kiểm chứng thêm những khiếu nại mới xuất hiện, sử dụng quá trình ngôn ngữ tự nhiên và các dữ liệu khác đã được sắp xếp theo cấu trúc nhất định. 

Phân tích cơ sở dữ liệu quy mô lớn: Có thể dùng phần mềm quét các dữ liệu và tìm kiếm các mẫu giống nhau hoặc phát hiện được những thay đổi bất thường. Ví dụ, Reuters dùng hệ thống Lynx Insight có năng lực xử lý những bộ dữ liệu khổng lồ và cung cấp cho các nhà báo các kết quả cùng các thông tin về bối cảnh kèm theo. 

Nhận biết hình ảnh: Nền tảng công nghệ mới có thể nhận biết được các khuôn mặt nhân vật, đồ vật, địa điểm và cả xúc cảm của nhân vật trong hình ảnh. Chẳng hạn tờ New York Times dùng Rekognition API của Amazon để nhận dạng các nghị sĩ Quốc hội trong các bức ảnh. Còn công nghệ nhận dạng hình ảnh Vision API của Google cho phép mọi người dùng miễn phí. 

Sản xuất video: Robot có thể tự động viết nội dung tin, bài dựa vào lượng tin bài đa dạng, khổng lồ các tin bài có sẵn và sản xuất được các video ngắn kèm lời bình. Các hãng như USA Today, Bloomberg, NBC hay sử dụng phần mềm Wibbitz để soạn tin bài. Tại Đại học Stanford, người ta mới nghiên cứu được công cụ biên tập video tự động. (Xem thêm: https://dhtn.ttxvn.org.vn/tintuc/ung-dung-tritue-nhan-tao-trong-bao-chi-cho-doi-hay-hanh-dong-6572).

Điểm đáng lưu ý trong toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0 liên quan đến truyền thông, truyền thông đối ngoại bởi do số hóa, Internet, sự phát triển khoa học viễn thông, khoa học công nghệ in ấn, phát thanh truyền hình, truyền thông đa phương tiện; phương thức quản trị, điều hành truyền thông hiện đại; kinh tế truyền thông, bảo hộ bản quyền... đều tiến bộ vượt bậc, tác động đến chủ thể, nội dung hình thức thông điệp, kênh truyền phát và công chúng. Kết quả là có nhiều công đoạn, sản phẩm mang tính quy chuẩn toàn cầu nên các hoạt động truyền thông nói chung và truyền thông đối ngoại có điều kiện nhiều hơn để phát huy vai trò của mình, trước hết là trong truyền phát thông tin, giao lưu văn hóa, ủng hộ các trào lưu tiến bộ, thúc đẩy sự đoàn kết, chia sẻ hợp tác, kinh nghiệm (kể cả kinh nghiệm chuẩn bị tốt cho toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0) để các nước cùng phát triển. Mặt khác, đến lượt mình, với đặc thù có thể tạo thành công luận, cầu nối với công chúng (trong, ngoài nước), có thể dự báo, phản biện... nên truyền thông, truyền thông đối ngoại có thể góp phần đấu tranh với các biểu hiện cường quyền, lấn lướt của các thế lực sai trái có âm mưu vì quyền lợi riêng của họ, vi phạm công pháp và quyền lợi cộng đồng quốc tế.

Liên quan đến hoạt động ngoại giao, năm 2019 học giả Ihan Manor từ University of Oxford đưa ra quan điểm rằng những khái niệm trước đây như “ngoại giao số” (digital diplomacy), “ngoại giao không gian mạng” (cyber-diplomacy), “ngoại giao Twitter” (Twiplomacy)… hoặc còn mơ hồ, hoặc chỉ tập trung vào một nền tảng, một công cụ triển khai chính sách cụ thể, chưa phản ánh đầy đủ sự giao thoa, tương tác giữa công nghệ số và ngoại giao trong thời đại toàn cầu hóa và Công nghiệp 4.0. Cuốn sách này còn đưa ra lập luận rằng người ta không thể hiểu được ảnh hưởng của công nghệ kỹ thuật số đối với nền ngoại giao công chúng mà không mô tả đặc điểm của xã hội kỹ thuật số trước tiên. Điều này là do các nhà ngoại giao đang sống trong xã hội đó và bộ ngoại giao (nơi tiến hành TTĐN, NGCC, NGVH, ngoại giao kỹ thuật số...) cũng là một tổ chức của xã hội (Xem thêm: Ilan Manor (2019), The Digitalization of Public Diplomacy, Palgrave Macmillan, tr. 5-9). 

Rồi tiếp theo, Manor giới thiệu khái niệm mới mang tên “số hóa ngoại giao” (digitalization of diplomacy) với ba đặc điểm chính. Thứ nhất, số hóa trong ngoại giao là một quá trình, không phải một trạng thái tĩnh. Thứ hai, công nghệ số không chỉ mang lại những công cụ mới, mà còn thúc đẩy những chuẩn mực hành vi mới trong công tác đối ngoại. Thứ ba, công nghệ số có tác động tới nhiều khía cạnh của ngoại giao, bao gồm đối tượng tiếp nhận (audience), thể chế (institution), chủ thể triển khai (practitioner) và hình thức triển khai (practice). Đây phải chăng còn là những thay đổi mới có thể sẽ phổ biến trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại sử dụng truyền thông đối ngoại, NGVH với nhiều áp dụng khoa học - công nghệ khi quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0 ở mức độ mới trong những năm tới (Xem thêm: Vũ Lê Thái Hoàng, Nguyễn Đức Huy, Ngoại giao số: Lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với VN, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số tháng 6/2020).

Quan hệ giữa toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và truyền thông - Ảnh 4.

(Hình minh họa)

Về văn hóa, nếu tận dụng được những điểm tốt của quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0 thì mỗi quốc gia, khu vực sẽ có thêm thuận lợi để phát triển văn hóa và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhờ đó, các dân tộc có thể tăng cường sự tiếp xúc, hiểu biết lẫn nhau hơn, trao đổi kinh nghiệm sáng tạo, hấp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú nền văn hóa mỗi dân tộc. Tuy vậy phải cảnh giác với mặt trái của toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0 là đối với những nước nghèo, hệ thống quản lý kém, sức đề kháng văn hóa yếu, dễ bị biến thành thị trường tiêu thụ của rác thải sản phẩm văn hóa độc hại, bản sắc văn hóa bị bào mòn, lai tạp, quan niệm giá trị văn hóa lệch chuẩn...

Đối với NGVH trong quan hệ quốc tế là một loại ngoại giao hướng tới công chúng quốc tế và cũng là thứ “quyền lực mềm” bao gồm cả các “trao đổi ý tưởng, thông tin, nghệ thuật và các khía cạnh khác của văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc các nước nhằm bồi dưỡng sự hiểu biết lẫn nhau.”(1). Mục đích của NGVH là để người dân của các quốc gia nước ngoài có tương tác với nước chủ thể mở mang sự hiểu biết về đất nước, con người, văn hóa, thể chế... của những nước tham gia quan hệ với nhau, từ đó thân thiện, tin tưởng nhau, thông qua con đường văn hóa, NGVH có thể hỗ trợ rộng rãi cho các mục tiêu kinh tế và chính trị, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển. Bản chất NGVH là có thể bày tỏ tâm hồn của một dân tộc theo những cách thức, thủ pháp được chọn lọc, và NGVH cũng có thể tạo ra ảnh hưởng đối với quốc gia tương tác ở những mức độ khác nhau. Mặc dù có lúc NGVH chưa được nhìn nhận đúng tầm, nhưng ngày nay nhiều nước coi NGVH có thể và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia cũng như giải quyết một số vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề mới nảy sinh thời toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0.

Trong thời đại toàn cầu hóa và công nghiệp 4.0 với sự nổi trội của xu hướng “đối thoại thay cho đối đầu”, NGVH được xem là một trong 3 trụ cột chính của hoạt động ngoại giao, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế và NGVH ngày càng ý thức việc sử dụng các phương tiện TTĐN hiện đại, phù hợp để phục vụ cho hoạt động của mình. 

NGVH đã trở thành một thành tố quan trọng của cả nền ngoại giao mỗi nước. Phục vụ mục tiêu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại hiệu quả, nhiều quốc gia đã triển khai hoạt động đối ngoại, ngoại giao không chỉ là quan hệ giữa nhà nước - nhà nước, mà còn là các quan hệ giữa địa phương, doanh nghiệp, người dân các quốc gia; không chỉ chú trọng chính trị, gây ảnh hưởng, góp phần giữ gìn an ninh mà chú trọng cả mục tiêu kinh tế, giao lưu văn hóa, công tác kiều dân và hợp tác cùng phát triển các lĩnh vực quan trọng có nhiều thành tựu mới như: khoa học kỹ thuật, truyền thông đại chúng, kinh tế truyền thông, công nghiệp văn hóa, phát triển bền vững... 

Tính hiện đại của ngoại giao của các nước phát triển thường được thể hiện ở cả phương thức triển khai, đội ngũ nhân lực, tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng đạt tầm khu vực và vươn tầm quốc tế, giúp thúc đẩy hiệu quả lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời có khả năng thích ứng linh hoạt với chuyển biến của tình hình và các yếu tố mới như ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại giao số, ngoại giao trực tuyến, ngoại giao thượng đỉnh… Trong bối cảnh của kỷ nguyên số, nhiều quốc gia tham gia hội nhập quốc tế rất sâu rộng, ngành ngoại giao của họ tích cực cập nhật, thích ứng nhanh với xu thế của ngoại giao thế giới theo hướng “ngoại giao thời đại 4.0”, “ngoại giao số”, “ngoại giao công nghệ”, “ngoại giao của thời kỳ toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0” v.v.. Theo đó, để phù hợp tình hình, đông đảo các nước tham gia toàn cầu hóa đều có ý thức đổi mới toàn diện cả về nội dung, phương thức triển khai, tổ chức bộ máy, nguồn lực và nhất là đội ngũ cán bộ làm ngoại giao nói chung và cán bộ tác nghiệp ngoại giao trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... cụ thể nói riêng.

Kết luận

Toàn cầu hóa và CMCN 4.0 là một quá trình đã và đang xảy ra. Mọi quốc gia, kể cả Việt Nam cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quá trình này để có thể chủ động, có chiến lược phù hợp, bắt kịp với khu vực và thế giới. Hầu hết mọi lĩnh vực đều chịu tác động của toàn cầu hóa và công nghiệp 4.0, nhưng các lĩnh vực liên quan thông tin, kỹ thuật, văn hóa, tư tưởng, kết nối cộng đồng... như truyền thông đại chúng, truyền thông đối ngoại, NGVH càng cần được lưu ý vì tính truyền phát nhanh, rộng rãi, tức thời đến mọi tầng lớp công chúng. 

Trước hết, các nhà quản lý, các cơ quan báo chí truyền thông, các nhà báo, phóng viên, nhà truyền thông, nhà giáo dục đào tạo truyền thông, các nhà văn hóa; chuyên gia học thuật về văn hóa, về truyền thông đối ngoại; các nhà phân phối sản phẩm truyền thông - văn hóa, các nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp văn hóa... đều phải nỗ lực học hỏi, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm cần thiết để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, phục vụ xã hội, công chúng tốt hơn. 

Còn công chúng cũng không nên thụ động, do công nghệ cho phép tương tác giữa nhà truyền thông báo chí với công chúng thuận lợi, phổ biến hơn, các phương tiện truyền thông mới được tích hợp nhiều ứng dụng nền tảng số hóa, mạng xã hội và các ứng dụng khác được công chúng thường xuyên tiếp xúc nên họ cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, có các ứng xử đúng đắn với cộng đồng mạng. Họ phải biết lựa chọn tin phù hợp, biết phân biệt tin giả; nắm vững quy định pháp luật, đạo đức công dân và thông lệ quốc tế, biết bảo vệ an toàn thông tin cho bản thân... để tránh những sai phạm đáng tiếc, tránh bị biến thành nơi nhận rác thông tin và rác thải văn hóa của kẻ xấu hoặc vô ý làm hại cộng đồng, vi phạm quyền lợi quốc gia..../.

Tài liệu tham khảo:

1. Cultural Diplomacy, Political Influence, and Integrated Strategy,” in Strategic Influence: Public Diplomacy, Counterpropaganda, and Political Warfare, ed. Michael J. Waller (Washington, DC: Institute of World Politics Press, 2009), p.74.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11/tháng 11/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ giữa toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO