Tăng cường kiểm tra hoạt động của DN bưu chính trong năm 2023

Hoàng Linh| 15/12/2022 17:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng đề nghị lĩnh vực bưu chính lấy chủ đề hoạt động của lĩnh vực là năm dữ liệu bưu chính, tăng cường kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp (DN) bưu chính, đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực.

Ngày 15/12, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước về bưu chính tại địa phương, để cùng nhìn nhận lại, đánh giá và chia sẻ những kết quả đạt được của lĩnh vực bưu chính trong năm vừa qua.

Tăng cường kiểm tra hoạt động của DN bưu chính trong năm 2023 - Ảnh 1.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến

Những kết quả tích cực

Theo Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT, triển khai Quyết định số 1034/QĐ-BTTT ngày 21/7/2021 về phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, tổng số tài khoản hoạt động trên 2 sàn TMĐT (voso.vn, postmart.vn) năm 2021 là 1.037.671, năm 2022 là 7.825.050, tăng 7,5 lần. Tổng số giao dịch lên sàn TMĐT năm 2021 là 74.665, năm 2022 là 1.361.339, tăng 18 lần. Tổng số sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT năm 2021 là 4.243, năm 2022 là 8.209, tăng 1,9 lần. Tổng giá trị giao dịch trên sàn TMĐT là 330.722 tỷ đồng (tăng 1,6 lần, ước tính 207.483 tỷ so với lũy kế năm 2021 (123.239 tỷ đồng).

Về triển khai nội dung giao DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) đảm nhận một số công việc theo Quyết định số 468/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã có 07/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án sau khi có văn bản số 1786 của Bộ TT&TT gồm các tỉnh: Quảng Nam, Hà Giang, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Yên Bái, Hậu Giang và Hà Nam; 40 tỉnh, TP triển khai việc bố trí nhân viên bưu điện thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thay cho cán bộ, công chức tại Bộ phận một cửa (BPMC); bố trí trụ sở của bộ phận một cửa tại bưu điện và đầu tư các trang thiết bị cho BPMC; luân chuyển hồ sơ, kết quả giữa BPMC các cấp.

Về tình hình cấp giấy phép bưu chính (GPBC), từ 01/01 - 08/12/2022, Bộ TT&TT cấp mới GPBC/xác nhận thông báo (XNTB) cho 96 DN bưu chính; rà soát DN bưu chính tạm ngừng/ngừng/nộp lại GPBC/XNTB là 70 DN; lũy kế có 754 DN bưu chính (chưa tính Sở TT&TT cấp trong năm 2022).

Trong thời gian tới, Vụ Bưu chính cho biết sẽ rà soát tình trạng hoạt động của các DN bưu chính xem còn hoạt động hay không; đôn đốc, nhắc nhở các DN bưu chính thực hiện các quy định của pháp luật về bưu chính và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.

Vụ Bưu chính cũng tăng cường tương tác với các DN bưu chính được cấp GPBC/XNTB (thông qua nhóm Zalo) để trao đổi thông tin và đôn đốc báo cáo thống kê định kỳ đúng hạn, đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN bưu chính; xây dựng cơ sở dữ liệu DN bưu chính và ứng dụng công nghệ số trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của DN sau cấp phép; tăng số cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN bưu chính; xử phạt nghiêm (tước quyền, thu hồi giấy phép) các DN cố tình vi phạm hoặc tái phạm theo quy định; xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành với Bộ Công an, Bộ Công Thương (quản lý thị trường), Bộ Giao thông Vận tải để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, xử lý các DN vận chuyển hàng lậu, hàng cấm…

Triển khai mô hình mới để mang lại sự hài lòng cho người dân

Cũng tại Hội nghị, nhiều Sở TT&TT đã trao đổi về việc triển khai thực hiện quyết định số 1034/QĐ-BTTT, quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại địa phương và các vướng mắc, đề xuất.

Thông tin về kinh nghiệm triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg của tỉnh Đồng Tháp, bà Nguyễn Lâm Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp cho biết tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là triển khai các mô hình mới, cách làm hay nhằm mang lại sự hài lòng cao nhất đối với người dân, DN.

Trong quá trình triển khai, theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp, tỉnh nhận được sự đồng hành và hỗ trợ có hiệu quả từ hệ thống bưu chính. Để phục vụ người dân, DN tốt hơn thì bên cạnh sự quan tâm của Chính quyền, cần phải có sự cần hỗ trợ và bổ sung các nguồn lực cần thiết từ bên ngoài.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp cho biết: "chúng ta đang chuyển từ nền hành chính còn mang nặng tính quản lý sang nền hành chính phục vụ xem người dân, tổ chức là khách hàng. Do đó, nếu kết nối với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam- là một DN có bề dày truyền thống thì sẽ tạo được sự cộng hưởng để mang đến thành công chung theo đúng xu hướng cải cách của một nền hành chính phục vụ".

Triển khai Quyết định số 468, tỉnh Đồng Tháp đã đạt tỷ lệ TTHC đã triển khai có phát sinh hồ sơ tiếp nhận/trả kết quả giải quyết qua dịch vụ BCCI tăng từ 2,93% (năm 2018)lên khoảng hơn 22% (năm 2022).Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 so với tổng số hồ sơ tiếp nhận tăng từ 0,2% (năm 2018) tăng lên 26% (năm 2022).

"Thực hiện Đề án đã mang lại nhiều tiện ích cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC và được người dân, DN, cơ quan nhà nước đồng tình ủng hộ. Hầu hết bộ phận một cửa đều có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn so với trước khi Chuyển từ thí điểm sang chính thức", Phó Giám đốc Nguyễn Lâm Thanh Thủy nhấn mạnh.

Từ kết quả đạt được, bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy cho biết tỉnh Đồng Tháp đã quyết định chính thức chuyển giao cho Bưu điện tỉnh, đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh từ ngày 20/10/2022.

Phát triển bưu chính trở thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu

Ngày 30/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 654/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thông tin về Quyết định này, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết phát triển bưu chính Việt Nam có 6 quan điểm: Phát triển bưu chính trở thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia; bảo đảm gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu; bảo đảm người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ bưu chính phổ cập có chất lượng, giá cước hợp lý; phát triển toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện đại; ở rộng hệ sinh thái, mở rộng không gian hoạt động mới; DN bưu chính chuyển phát TMĐT, giao hàng chặng cuối, ứng dụng công nghệ số; hoàn thiện hệ thống pháp luật, minh bạch chính sách, đơn giản hóa TTHC.

5 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực của lĩnh vực là: Nghiên cứu xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi; kịch bản ứng phó, giải quyết sự cố của các DN Bưu chính; phát triển sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; hệ thống thông tin dữ liệu của cộng đồng bưu chính; diễn đàn hợp tác, phát triển bưu chính.

Lĩnh vực bưu chính lấy trọng tâm dữ liệu để hành động trong năm 2023

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh với quyết tâm và định hướng chỉ đạo rất sát sao, táo bạo, toàn ngành vẫn đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ, duy trì tốc độ phát triển chung của toàn ngành bưu chính.

Tăng cường kiểm tra hoạt động của DN bưu chính trong năm 2023 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: lĩnh vực Bưu chính lấy 2023 là năm dữ liệu trong lĩnh vực bưu chính

Thứ trưởng đề nghị trong năm 2023, lĩnh vực Bưu chính tập trung các nhóm nội dung lớn. Đầu tiên là về triển khai quyết định số 468/QĐ-TTg, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Việc triển khai quyết định là để phục vụ cho người dân làm, tiếp cận và xử lý các TTHC công dễ dàng hơn".

Năm 2023, Thứ trưởng đề nghị Cục CĐS Quốc gia tham gia vào việc triển khai quyết định này để nắm được và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân, DN.

Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở TT&TT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố để triển khai nội dung này, xây dựng đề án hoặc kế hoạch triển khai trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành để triển khai. "Việc triển khai Quyết định này phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, vai trò của các Sở TT&TT trong việc căn cứ vào đề án quốc gia để ban hành kế hoạch hành động cụ thể của từng địa phương rất là quan trọng. Các địa phương khi triển khai vướng ở đâu thì hỏi Bộ để cùng trao đổi, tháo gỡ".

Về công tác cấp phép DN bưu chính, Thứ trưởng đề nghị các Sở TT&TT trong năm 2023 cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho DN tại địa phương trong việc thực hiện nhượng quyền thương mại vì có rất nhiều rủi ro khi năm 2022, công ty Best có 209 DN tham gia nhượng quyền thương mại nhưng đến nay có 194 DN tức là 2/3 số DN nhận quyền thương mại đã dừng hoạt động.

Theo đó, các Sở TT&TT quan tâm hơn đến lĩnh vực bưu chính, bố trí nhân sự, hỗ trợ, đảm nhận công tác cấp GPBC/XNTB, và đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vì đây là hai thành phố có số DN xin cấp GPBC rất lớn. Đồng thời, tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra vì các Sở TT&TT là cánh tay nối dài của Bộ TT&TT tại địa phương. "Đề nghị các Sở TT&TT tăng cường công tác thanh, kiểm tra tình hình hoạt động của các DN bưu chính và kịp thời thông tin về kết quả về cho Vụ Bưu chính, cũng như Thanh tra Bộ TT&TT", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về phát triển nền tảng TMĐT, kinh tế số nông nghiệp nông thôn, Thứ trưởng đề nghị Vụ Bưu chính hướng dẫn các DN lồng ghép phát triển các dịch vụ nền tảng TMĐT, phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Trong khi đó, các DN bưu chính chủ lực thì hoàn thiện tính năng kỹ thuật, mô hình kinh doanh cho sàn TMĐT theo góp ý tại Hội nghị. Tuy nhiên, để sàn TMĐT có đông người, giao dịch nhiều cần có nhiều yếu tố nên rất cần sự thống nhất, trao đổi với nhau về tầm nhìn rồi mới hành động.

Về định hướng phát triển Bưu chính năm 2023 và đến năm 2025, Thứ trưởng cho biết năm 2023, Bộ TT&TT lấy chủ đề là năm dữ liệu nên lĩnh vực Bưu chính cũng thống năm 2023 là năm dữ liệu trong lĩnh vực bưu chính.

Thứ trưởng đề nghị Vụ Bưu chính chủ động triển khai Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 và các DN bưu chính chủ lực cần bố trí về con người, tài chính để thực hiện nhiệm vụ được giao và các Sở TT&TT đồng hành cùng Bộ trong việc nghiên cứu, thực thi chính sách tại địa phương để đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm tra hoạt động của DN bưu chính trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO