Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến du lịch thông minh

Trường Thanh| 25/06/2020 16:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 đã tác động thay đổi hành vi tiêu dùng của du khách. Theo đó, du lịch thành phố hướng đến du lịch thông minh.

Trước đó, từ năm 2017, một thống kê của Economy Planet cho thấy 67% du khách thế giới đang chọn hình thức solo traveler - du lịch độc hành, tức là không cần thông qua đơn vị lữ hành mà thông qua những ứng dụng công nghệ để tự lên kế hoạch du lịch tới điểm đến yêu thích. Đây là xu hướng tất yếu, vì vậy, các doanh nghiệp (DN) lữ hành nói riêng và DN du lịch nói chung cần nắm bắt và xác định đây là cơ hội.

Du lịch thông minh không thể thiếu sự gắn kết giữa các DN khởi nghiệp và các đơn vị cơ sở lưu trú đang có hình thức kinh doanh truyền thống. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, với vai trò cơ quan quản lý, đã và đang kết nối các đơn vị này để ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh, hình thành một cơ sở dữ liệu dùng chung.

TP Hồ Chí Minh hướng đến du lịch thông minh - Ảnh 1.

Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã đặt hàng một đơn vị startup triển khai số hóa thực tế ảo 3D những điểm đến nổi tiếng của Thành phố sau đó tích hợp trên website của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: HT

Trong bối cảnh hậu Covid-19, Chính phủ, các địa phương và bản thân các đơn vị lữ hành, du lịch xác định ngành du lịch tập trung vào du lịch nội địa với rất nhiều chương trình kích cầu ưu đãi. Tuy nhiên, song song đó là chuẩn bị sẵn sàng đón du khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

Tại Hội thảo Du lịch thông minh được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, các startup đã chia sẻ một số ứng dụng công nghệ vào quảng bá thương hiệu và giá trị điểm đến. Đáng chú ý là ứng dụng thực tế ảo AR để chuyển hình ảnh các điểm đến lên không gian mạng, cho phép khách hàng trải nghiệm và có nhiều lựa chọn trước khi quyết định điểm đến.

Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện Sở đã đặt hàng một đơn vị startup triển khai số hóa thực tế ảo 3D những điểm đến nổi tiếng của Thành phố sau đó tích hợp trên website của Sở Du lịch và số hóa Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tích hợp thành bảo tàng tương tác thông minh. Trong khi đó, Sông Hàn Incubator đã chuyển hình ảnh của bảo tàng Chăm lên dữ liệu thực tế ảo cho phép khách hàng trên toàn thế giới có thể trải nghiệm qua thiết bị thông minh như điện thoại di động để cảm nhận trước khi lựa chọn điểm đến cho mình.

Trong năm 2019, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng mã vạch - QR code với hệ thống 25 bảo tàng và nhận được sự đánh giá rất tốt từ du khách qua trải nghiệm tương tác. Đây là bước đầu của du lịch thông minh. Trong dự án chung về Đô thị thông minh của TP. Hồ Chí Minh đã công bố năm 2017 thì Sở Du lịch đã hoàn thành dự thảo đề án du lịch thông minh. Trong đó có 6 nhóm giải pháp giải quyết các vấn đề về quản lý nhà nước về du lịch thông minh, các sản phẩm - dịch vụ thông minh và các DN kinh doanh theo mô hình thông minh.

Trong giai đoạn đầu, Sở Du lịch xác định xây dựng cơ sở dữ liệu chung. Kết nối được cơ sở dữ liệu từ nhiều đơn vị kinh doanh trong hệ sinh thái của ngành du lịch để vừa có tính dự báo về hành vi của du khách, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự gắn kết quản lý nhà nước về du lịch với các DN. Tiến tới, hình thành trung tâm điều hành du lịch thông minh, có kết nối với trung tâm điều hành đô thị thông minh hiện nay của Thành phố.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đã hình thành từ năm 2016 và phát triển mạnh mẽ trong 3 năm gần đây. Trong đó, lĩnh vực du lịch đã xuất hiện nhiều startup thông qua các cuộc thi khởi nghiệp du lịch quốc gia như Liberzy, Vufood, Triphunter, Bedlinker… Tuy nhiên, trong bối cảnh chung ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các startup du lịch cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến du lịch thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO