Tiếp tục chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 những tháng cuối năm

Trần Đình Hoạch| 04/11/2021 08:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị các phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19.

Để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai năm 2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có Văn bản số 76/TWPCTT ngày 30/6/2021 gửi các tỉnh, thành phố thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến về Công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và Văn bản số 60/TWPCTT ngày 11/5/2021 đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tiếp tục chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phát hành "Sổ tay hướng dẫn phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19" và tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc đến cấp xã để hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 với trên 1.200 điểm cầu.

Ngoài ra, Văn phòng cũng phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông như: video ngắn, infographic hướng dẫn về kỹ năng chuẩn bị ứng phó, kỹ năng khi phải sơ tán dân để tăng cường phổ biến tại các địa phương, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, góp phần củng cố "thành trì" phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, chống chịu những trận thiên tai lớn chưa đáp ứng yêu cầu; một số chính quyền cấp cơ sở, người dân còn chủ quan trong công tác phòng ngừa, thiếu kỹ năng ứng phó...

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở có lúc chưa kịp thời, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp. Một số địa phương ven biển mỗi khi có bão vẫn còn để người dân ở lại trên, tàu, thuyền, lồng bè gây nguy cơ mất an toàn và khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Nhiều người dân còn thiếu kỹ năng ứng phó một số loại hình thời tiết, thiên tai...

Trong khi nhiều địa phương đã xây dựng kịch bản, kế hoạch, dành nguồn lực để khắc phục những hạn chế, tồn tại thì dịch COVID-19 xuất hiện đã tạo ra thách thức chưa từng có trong lịch sử. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến việc tập huấn, diễn tập các tình huống, kiểm tra công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai bị gián đoạn hoặc chưa được triển khai...

Dự báo, từ nay đến cuối năm 2021, trên Biển Đông còn xuất hiện 3-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài bão, từ tháng 11/2021 đến nửa đầu tháng 12/2021, khu vực miền Trung sẽ xuất hiện nhiều trận mưa lớn trên diện rộng, kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở mức cao... Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống thiên tai như làm thế nào để bảo đảm được giãn cách, không tụ tập đông người khi xảy ra các tình huống thiên tai; làm thế nào để vừa sơ tán nhanh, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh và thực hiện thông điệp "5K". Đặc biệt, giải pháp để thực hiện giãn cách xã hội tại các cơ sở sơ tán hay sơ tán dân tại chỗ theo hình thức "xen kẹt" nhưng vẫn an toàn cho người dân trong thiên tai và phòng chống dịch.

Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết thêm, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương hoàn thành phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch; tổ chức thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có tình huống thiên tai lớn xảy ra.

Các địa phương cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra; trong đó, phương châm thực hiện là "4 tại chỗ" cộng "5K" cộng vắc - xin.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch theo hướng sơ tán dân tại chỗ, sơ tán dân theo hình thức "xen kẹt", hạn chế sơ tán tập trung. Trường hợp phải sơ tán dân tập trung thì công trình phục vụ sơ tán dân phải bảo đảm đủ khả năng chống chịu với thiên tai, đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch COVID-19, thuận tiện cho việc chăm sóc các đối tượng yếu thế và công tác tiếp tế.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xét nghiệm nhanh cho người dân trước khi triển khai phương án sơ tán tập trung. Việc thực hiện kế hoạch sơ tán dân cần phải triển khai trước khi thiên tai ập đến; các địa phương cần tăng cường xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng để có thể tránh trú bão như một số nơi đã thực hiện rất hiệu quả.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn về công tác sơ tán dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, khu vực cách ly phòng, chống dịch COVID-19... Lưu ý các địa phương phải xác định rõ loại hình thiên tai thường xuyên hoặc có khả năng xảy ra trên địa bàn, nguy cơ xâm nhập, lây nhiễm virus SARS-CoV-2 để xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ". Các địa phương tiếp tục xác định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và phòng, chống dịch COVID-19 luôn là nòng cốt, tuyến đầu, cần được tập huấn thuần thục kỹ năng xử lý các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần ưu tiên tiêm phòng COVID-19 cho lực lượng phòng, chống thiên tai, trang bị kiến thức về phòng chống dịch, bảo hộ y tế hoặc được xét nghiệm nhanh trước khi triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 những tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO