TP. HCM cập nhật công nghệ ứng dụng phòng chống dịch bệnh

Gia Bách| 16/07/2021 07:25
Theo dõi ICTVietnam trên

TP. HCM tiếp tục cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 bằng cách liên tục sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam nói chúng, và TP.HCM nói riêng, chúng ta đang chứng kiến việc các đơn vị có liên quan ngày càng sử dụng nhiều những ứng dụng khoa học - công nghệ, thiết bị và giải pháp công nghệ, nhắm tối ưu hoá các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Tại TP.HCM, khoa học - công nghệ đang ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh. 

Thời gian gần đây, tại TP.HCM, không chỉ là các ứng dụng mới, công nghệ mới, dịch vụ mới, mà các ứng dụng công nghệ cũ, vốn phục vụ cho các công việc không liên quan đến phòng chống dịch bệnh, song cũng đã huy được hiệu quả trong hoạt động này do đã được tận dụng, cập nhật và bổ sung thêm các chức năng cần thiết. Ngoài ra quyết tâm, ý chí của các cơ quan chức năng Thành phố trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch bệnh cũng đã giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM ngày càng có hiệu quả hơn.

Từ ứng ứng dụng di động cũ 

Trong vài ngày qua, ứng dụng di động có tên Help 114 đã nổi lên như một giải pháp khả dụng, giúp TP.HCM phòng chống đại dịch. Ứng dụng Help 114 được công bố vào tháng 2/2021, đây là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Định vị và Live Stream phục vụ chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP.HCM". 

Ứng dụng này được triển khai nhằm nâng cao năng lực chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hiệu quả hơn cho người dân TP.HCM khi người dân có thể sử dụng để truyền vị trí, video, hình ảnh, chat... về đám cháy, hoặc sự cố cho 114. Điều đó giúp 114 nhìn thấy và nắm bắt tình hình ngay lập tức và chính xác để điều động lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phù hợp đến hiện trường một cách nhanh chóng. 

TP.HCM cập nhật công nghệ trong phòng chống dịch bệnh - Ảnh 1.

Giao diện của ứng dụng di động Help 114.

Tuy là ứng dụng chuyện phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn nhưng Help 114 lại đang phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM. Bằng cách tận dụng các tính năng và khả năng hiện có của ứng dụng di động này, người dân Thành phố có thể nhắn tin kèm hình ảnh, phản ánh về các hiện tượng tụ tập đông người, bán hàng rong... vi phạm chỉ thị 16 trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội. 

Các tin nhắn như vậy đã được người dân Thành phố gửi qua ứng dụng Help 114 tới Trung tâm chỉ huy của Phòng PC07, và từ đây các phản ánh của người dân sẽ được chuyển đến công an các phường để xử lý theo chức năng nhiệm vụ. 

Từ một ứng dụng di động đã được triển khai từ trước, phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, giờ đây Help 114 lại trở thành một kênh hữu hiệu để người dân Thành phố có thể cùng các cơ quan, đoàn thể, ban ngành phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao hơn. Điều đó cho thấy, không chỉ là các ứng dụng chuyên biệt hay mới được xây dựng chuyên cho công tác phòng chống dịch bệnh, mà ngay cả các ứng dụng đã được triển khai từ lâu, cho các mục đích khác vẫn có thể tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh và phát huy được hiệu quả. 

Đến việc "chuyển hoá" một ứng dụng

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 vừa qua, một trong những khó khăn của hầu hết các cư dân là việc mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó là việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn do nhiều địa điểm, đường phố bị phong toả, cách ly...

Không chỉ là tận dụng những tính năng có sẵn của các ứng dụng di động cũ, vốn được phát triển không cho mục đích phòng chống dịch bệnh như với Help 114 để hỗ trợ công tác đẩy lùi Covid-19. Quận Đoàn Quận 1 đã phối hợp cùng UBND Quận thực hiện sáng kiến "chuyển hoá" một trong những giải pháp thành phố thông minh của Quận là Gobus để phục vụ cộng đồng dân cư trên địa bàn quận trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. 

TP.HCM cập nhật công nghệ ứng dụng phòng chống dịch bệnh - Ảnh 2.

Sau khi được cập nhật, Gobus có thể cung cấp cho người dùng thông tin về các địa điểm bán hàng thiết yếu trên địa bàn quận 1.

Gobus vốn là ứng dụng thông tin giao thông công cộng do công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT phát triển, đơn vị vận hành là Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TP. HCM (thuộc sở Giao thông Vận tải TP.HCM). Gobus được triển khai từ giữa năm 2020 với mục đích cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng trên thiết bị di động. Ứng dụng này hỗ trợ cho cả hệ điều hành Android, và iOS cho người dân tại TP.HCM.

Sau khi Gobus được "chuyển hoá", sử dụng ứng dụng này, người dân có thể biết được các địa điểm bán hàng thiết yếu, bao gồm các thông tin chính như địa chỉ cửa hàng, thông tin danh mục các sản phẩm đang bán, và trang web chính thức của những nơi bán hàng... gần nơi họ đang sinh sống. Giúp cho việc mua sắm của người dân trên địa bàn Quận 1 trở thuận tiện và đơn giản hơn. 

Ngoài ra, Gobus sau khi được chuyển đổi cũng đã có thể cung cấp cho nhân dân bản đồ dịch tễ tại địa bàn Quận 1, bao gồm những địa điểm bị phong toả, các khách sạn được dùng cho việc cách ly v.v... để người dân theo dõi, hỗ trợ các chỉ dẫn đường để tránh các khu vực bị phong toả, cách ly.  

Và chuyển công việc thủ công sang thực hiện bằng công nghệ

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đến nay, việc trả kết quả xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại TP.HCM đều được thực hiện theo hình thức truyền thống, thủ công là gửi giấy kết quả xét nghiệm đến tay người dân. Hình thức này bộc lộ nhiều nhược điểm, đặc biệt khi đại dịch bùng phát mạnh như hiện nay, bao gồm: tốn kém kinh phí, mất thời gian, xử lý chậm, không an toàn và tiêu tốn nguồn lực...

TP.HCM cập nhật công nghệ ứng dụng phòng chống dịch bệnh - Ảnh 3.

Ngành Y tế TP.HCM đang triển khai thí điểm tra kết quả xét nghiệm qua hệ thống Khai báo Y tế Điện tử.

Để khắc phục những nhược điểm của việc trả kết quả xét nghiệm bằng giấy như đã nói ở trên, vào thời điểm đầu tháng 7/2021 vừa qua, Sở Y tế TP. HCM đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC), các bệnh viện, Trung tâm y tế TP. Thủ Đức, và trung tâm y tế các quận huyện... về việc triển khai thí điểm trả kết quả xét nghiệm Covid-19 qua hệ thống Khai báo Y tế Điện tử của Thành phố. 

Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người có nhu cầu xét nghiệm để di chuyển ra khỏi thành phố. Bằng việc trả kết quả xét nghiệm qua hệ thống Khai báo Y tế Điện tử, giúp giảm thời gian chờ đợi nhận kết quả của người dân, đồng thời giúp cho việc điều tra, truy vết các ca có liên quan dễ dàng và nhanh chóng hơn.  

Theo Sở Y tế TP. HCM, sau khi thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR, nhân viên y tế sẽ nhập kết quả xét nghiệm của người dân trên phần mềm khai báo y tế tại địa chỉ https://kbyt.khambenh.gov.vn và in mã QR kết quả xét nghiệm cho người dân.

Trong đại dịch Covid-19, TP.HCM càng ngày càng có nhiều sáng kiến trong việc sử dụng công nghệ vào phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Không chỉ là các ứng dụng công nghệ mới, mà TP.HCM đang tuỳ biến, cập nhật, chuyển đổi... nhiều ứng dụng khoa học công nghệ mang lại các tính năng và giải pháp trợ giúp cho cả các cơ quan y tế và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM cập nhật công nghệ ứng dụng phòng chống dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO