Tương lai của nền kinh tế số
Từ năm 2019, Chính phủ đã chọn ngày 16/6 hàng năm là Ngày không tiền mặt nhằm khuyến khích việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà phương thức thanh toán này lại được xác định là tương lai của nền kinh tế số, quốc gia số. Bởi những lợi ích mà nó mang lại không chỉ đối với Nhà nước mà còn với chính mỗi người tiêu dùng.
Với người tiêu dùng, việc sử dụng TTKDTM giúp mỗi cá nhân bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, tiền mặt tiềm ẩn nhiều vi khuẩn có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho người.
Khi dịch Covid-19 diễn ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo tiền giấy có thể là vật dụng trung gian truyền nhiễm virus corona. Bởi vậy, việc sử dụng các phương thức TTKDTM mà phổ biến là thanh toán điện tử sẽ mang đến lợi ích lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng.
Hiện nay, để sử dụng thanh toán điện tử, người dùng có thể lựa chọn thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử… Đặc biệt, ví điện tử với tính năng thanh toán không tiếp xúc mang đến ưu điểm vượt trội khi hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người với người. Trong số đó phải kể đến ví điện tử VNPT Pay của Tập đoàn VNPT được áp dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc (Contactless payment) như QR Code, NFC, Sonic.
Không chỉ giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm virus mà những công nghệ này còn nâng cao việc bảo mật thông tin, tăng cường sự an toàn cho người dùng.
TTKDTM đem lại nhiều tiện ích khi mua sắm. Cụ thể, khi sử dụng thanh toán điện tử, người dùng còn có thể dễ dàng kiểm soát chi tiêu, không sợ việc bị trả thiếu tiền hay thậm chí quên không lấy tiền thừa khi mua hàng. Đồng thời, khách hàng sẽ chỉ phải trả đúng số tiền trong hóa đơn mà không xảy ra tình trạng làm tròn lên khi thanh toán. Ngoài ra, nhằm khuyến khích người dân sử dụng thanh toán điện tử, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thường đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Với Nhà nước, một lợi ích dễ nhận thấy của việc TTKDTM đó là sẽ giảm được chi phí quản lý, in ấn, kiểm đếm, bảo quản và vận chuyển tiền mặt. Đơn cử, để sản xuất 1 tờ tiền mệnh giá 500 đồng sẽ phải mất 1.500đ tiền in ấn (số liệu năm 2013), gấp 3 lần giá trị của tờ tiền. Như vậy, nếu các phương thức TTKDTM được sự dụng rộng rãi trong nhân dân thì số tiền mà ngân sách Nhà nước tiết kiệm được là rất lớn.
Sản phẩm thanh toán điện tử đầy đủ, tiện lợi
VNPT Pay là sản phẩm thanh toán điện tử của Tập đoàn VNPT. Dịch vụ VNPT Pay được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán vào ngày 06/7/2017, cho phép khách hàng khi sử dụng dịch vụ VNPT Pay có thể thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến, đồng thời các tổ chức, DN có kết nối với hệ thống VNPT Pay có thể thực hiện các giao dịch thương mại đầy đủ và thanh toán một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi.
Hiện VNPT Pay đã trở thành một hệ sinh thái thanh toán số qua ví điện tử, thẻ nội địa, thẻ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh toán tiện lợi, an toàn và nhanh chóng cho hầu hết các nhu cầu hàng ngày như nạp thẻ cào, thanh toán cước di động, truyền hình, Internet; điện, nước, mua vé xem phim, vé máy bay, bảo hiểm, đóng học phí… Đặc biệt, VNPT Pay có tính năng thanh toán tự động các hóa đơn, đảm bảo cho các thanh toán định kỳ luôn đúng hạn.
Cho tới thời điểm này, đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán VNPT Pay, dòng tiền giao dịch của trong năm 2019 cao gấp 60 lần so với năm trước đó… Với khoảng 40 triệu khách hàng đang sử dụng các dịch vụ của VNPT, ví điện tử VNPT Pay được đông đảo người dùng VinaPhone tin tưởng chọn lựa.
Không chỉ là chiếc ví "thần thánh" có thể giao dịch gần như tất cả các dịch vụ có chấp nhận thanh toán điện tử như cước di động, nạp thẻ cào điện thoại truyền hình, Internet; điện, nước; mua vé xem phim, vé máy bay, bảo hiểm…, VNPT Pay còn mang đến cho người dùng đầy ắp các chương trình khuyến mãi của VNPT cũng như của các đối tác liên kết với VNPT trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, làm đẹp, sức khỏe, ẩm thực…
Mới đây, VNPT Pay đã trở thành 1 trong 4 đơn vị trung gian thanh toán được lựa chọn cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) tại địa chỉ dichvucong.gov.vn. VNPT Pay được áp dụng triển khai thanh toán dịch vụ công (DVC) mức độ 4 trên Cổng DVCQG, đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính phủ điện tử, trong đó ưu tiên đặc biệt cho mảng thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, người dân có thể thanh toán phí, lệ phí của các dịch vụ công trực tuyến (như tiền điện, lệ phí nộp hồ sơ,…) bằng ví điện tử VNPT Pay và cổng thanh toán (thẻ, tài khoản ngân hàng nội địa, thẻ quốc tế của tất cả các ngân hàng).
Song song với đó, VNPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với 53 UBND tỉnh, thành phố; triển khai các giải pháp Chính quyền điện tử cho 61/63 tỉnh thành phố. Cụ thể, VNPT Pay sẽ được tích hợp trong hệ thống thanh toán điện tử của các cơ sở giáo dục, y tế, hành chính công của các tỉnh, thành phố. Theo Lãnh đạo Tập đoàn VNPT, sự phát triển của thanh toán điện tử sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế số và Chính phủ điện tử. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện của các cơ quan quản lý nhà nước, mà nó còn đòi hỏi nỗ lực của các DN liên quan để đưa Việt Nam tiến mạnh vào kỷ nguyên số.
Có thể nói, sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt giúp các giao dịch minh bạch hơn, góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Hiện giờ Cổng DVCQG đã có hơn 500 DVC được số hóa trên hệ thống này. Người dân có thể thực hiện các DVC tại bất kì đâu và thanh toán phí/lệ phí/đóng thuế bằng hình thức thanh toán điện tử. Điều này vừa tiết kiệm thời gian cho người dân, vừa đảm bảo sự minh bạch, tránh hiện tượng nhiêu khê. Với việc được liên kết với hơn 30 ngân hàng trong cả nước, ví điện tử VNPT Pay được đánh giá là một trong những loại hình thanh toán tối ưu trên Cổng DVCQG.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Đây được xem là dịch vụ sẽ cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đến 100% thuê bao di động của Việt Nam. Trước đó, trong kịch bản thúc đẩy kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số kiện nghị trong đó có việc cho thí điểm Mobile Money.
Ở thời điểm này, VNPT đã chuẩn bị sẵn sàng đề án để trình cơ quan quản lý khi Thủ tướng cho phép thí điểm dịch vụ Mobile Money. Bên cạnh đó, VNPT cũng đã chuẩn bị các phương án kỹ thuật để có thể cung cấp dịch vụ này đến khách hàng sớm nhất. Có thể nói, khi dịch vụ thanh toán Mobile Money hay còn gọi là tiền di động được chính thức triển khai, phương thức TTKDTM chắc chắn sẽ được phổ biến rộng khắp tới người dân. Và khi đó, tương lai về một nền kinh tế số, quốc gia số sẽ không còn xa.