Xây dựng ĐTTM cần đặt trong tổng thể của quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số

Đỗ Minh| 05/10/2021 08:55
Theo dõi ICTVietnam trên

"Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) chính là việc chuyển đổi số (CĐS) trong các đô thị, nhất thiết cần tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc và giải quyết các vấn đề chung của CĐS…"

Quan điểm trên được TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện Khoa học Công nghệ VINASA khẳng định tại Chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức CĐS tỉnh Thái Nguyên mới đây.

ĐTTM là một phương thức phát triển và vận hành đô thị

Trước khi nói đến các kinh nghiệm, giải pháp nhằm góp phần phát triển các ĐTTM tại địa phương này, TS. Nguyễn Nhật Quang đánh giá, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển các ĐTTM của Thái Nguyên thời gian qua đã rất nỗ lực, đầy quyết tâm.

Tỉnh xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên tập trung, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển và 03 đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ này gồm: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và Thị xã Phổ Yên. Kết quả chung ban đầu ở 03 đơn vị đã giúp các quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền địa phương phát huy được hiệu quả tích cực, tăng chất lượng các dịch vụ công, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)…

"Đặc biệt, thể hiện rõ mục tiêu cao đẹp hướng đến là phục vụ cộng đồng, xã hội, mọi người dân, doanh nghiệp, đảm bảo tất cả được thụ hưởng các giá trị cuộc sống văn minh, hiện đại", TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh.

Xây dựng ĐTTM cần đặt trong tổng thể của quá trình thực hiện nhiệm vụ CĐS - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Nhật Quang: Xây dựng ĐTTM cần có tầm nhìn rộng và phải thống nhất đồng bộ với các giải pháp số thông minh.

Triển khai ĐTTM, 03 đơn vị trên đã đạt được những kết quả như: TP. Thái Nguyên đã  xây dựng mô hình "Phòng họp không giấy", triển khai các nền tảng ĐTTM và dịch vụ phản ánh hiện trường…; TP. Sông Công áp dụng thành công các mô hình ứng dụng số (cung cấp các TTHC mức độ 3, 4, tiện ích số cập nhật tình hình giao thông trật tự, kinh tế …; Thị xã Phổ Yên triển khai hiệu quả các ứng dụng số trên các lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự, đô thị, y tế, chăm sóc sức khỏe trực tuyến, giáo dục, ứng dụng thương mại điện tử…

"Các kết quả này chính là cơ sở, tiền đề thực tế để giúp Thái Nguyên hướng đến xây dựng, phát triển, vận hành các ĐTTM ngày càng thực chất, bền vững", TS. Nguyễn  Nhật Quang đánh giá.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Nhật Quang, để Thái Nguyên bứt phá, phát triển hiệu quả hơn nữa đối với nhiệm vụ này, tỉnh cần tập trung đồng bộ các giải pháp: công trình, công nghệ, quản lý. Đặc biệt, các cấp lãnh đạo cần phát huy tinh thần học hỏi, mạnh dạn sáng tạo tìm ra cách làm riêng hiệu quả.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị nên TS. Nguyễn Nhật Quang cho rằng, việc phát triển ĐTTM hiệu quả, việc cần thiết là tỉnh phải xây dựng, hoàn chỉnh chi tiết bản quy hoạch ĐTTM tổng thể, trong đó, phải chỉ ra được các nội dung chính về các hạng mục về hạ tầng: kỹ thuật, kinh tế, xã hội và tất cả phải theo hướng thông minh, tiến bộ.

Nói về việc quy hoạch thông minh, dứt khoát phải được xây dựng trên cơ sở số liệu điều tra cơ bản thực tế của địa phương, bao gồm đo vẽ bản đồ và phải được thực trên bản đồ số, được định vị kết nối mạng (GPS). Cũng để tránh lãng phí nguồn lực và giảm chi phí, khi làm bản đồ quy hoạch cần thuê tư vấn có chuyên môn sâu và nghiệm thu chất lượng đảm bảo đáp ứng theo đúng các tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam TCVN 9001:2000.

Quy hoạch, đầu tư xây dựng thuộc về trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, do đó, các cấp lãnh đạo cần có tầm nhìn rộng và phải thống nhất đồng bộ với các giải pháp số thông minh.

"Nếu quy hoạch theo hướng thông minh, tiến bộ, điều này không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững nhiệm vụ trong tương lai cho tỉnh mà điều quan trọng là thể hiện được quyết tâm, ý chí, nguyện vọng chính trị của tỉnh. Đây sẽ là "kim chỉ nam" cho việc thực hiện xuyên suốt chủ trương triển khai xây dựng ĐTTM", TS. Nguyễn Nhật Quang nêu quan điểm.

ĐTTM luôn cần các công nghệ số dẫn dắt

Nhằm đưa ra các giải pháp mở, linh hoạt nhưng đảm bảo tính phổ quát, TS. Nguyễn  Nhật Quang còn cho rằng, phát triển ĐTTM cũng chính là một nhiệm vụ trong phát triển CĐS của các địa phương, do đó, địa phương nào khi đang thực hiện nhiệm vụ là đang có thêm các cơ hội, lợi thế để phát triển và muốn làm tốt điều này phải đặt trong tổng thể quá trình thực hiện nhiệm vụ CĐS của chính các địa phương.

Cụ thể, Thái Nguyên cần tích cực đầu tư, phát triển xây dựng các: Hạ tầng thông tin; kiến trúc chung hạ tầng thông tin áp dụng cho các đề án CNTT ở tất cả các cấp, ngành; dựng chiến lược dữ liệu, mô hình dữ liệu thống nhất, các quy chế, quy chuẩn liên quan…

Cùng với đó, sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống định danh và định vị; nền tảng dữ liệu, kiểm đếm và chuyển đổi các dữ liệu số hiện có vào nền tảng chung để nhanh chóng hình thành hạ tầng dữ liệu ban đầu.

Xây dựng ĐTTM cần đặt trong tổng thể của quá trình thực hiện nhiệm vụ CĐS - Ảnh 2.

Xây dựng ĐTTM không nên giới hạn trong không gian của một dự án đô thị.

Tỉnh nên thúc đẩy việc xây dựng, vận hành các nền tảng ứng dụng dùng chung; ưu tiên tích hợp các ứng dụng dịch vụ công; đảm bảo xây dựng phần mềm nền tảng công tác và hệ thống trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC); lựa chọn tích hợp các nền tảng ứng dụng DN và của các bộ, ngành, trung ương.

Trên quan điểm đánh giá về tầm quan trọng khi các ĐTTM đang tạo ra các giá trị, lợi ích sống thông minh (hạ tầng thông minh trong các ĐTTM), TS. Nguyễn Nhật Quang cho rằng, tỉnh, địa phương muốn làm tốt phải song hành với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, DN để họ hiểu rõ mục tiêu, lợi ích, từ đó họ mới tích cực tham gia, đồng hành thực hiện nhiệm vụ.

"Địa phương cần phát triển, xây dựng ĐTTM theo hướng mở, phù hợp với thực tế, thế mạnh của địa phương, không nên giới hạn trong không gian của một dự án đô thị", TS Nguyễn Nhật Quang lưu ý.

Khi nói về giải pháp tiết kiệm chi phí, nhân lực khi triển khai nhiệm vụ phát triển ĐTTM cho Thái Nguyên, TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh đến ưu điểm của giải pháp dùng chung, theo đó, tỉnh nên sử dụng các nền số tảng thông minh dùng chung.

Tuy nhiên, trong quá trình dùng chung cần đảm bảo nguyên tắc đơn vị, địa phương nào đủ điều kiện về hạ tầng thì nên thí điểm áp dụng, vì sẽ tăng hiệu quả mong muốn, đồng thời phải có báo cáo kết quả nghiệm thu trong thời gian thí điểm đó. 

"Khi có kết quả tốt sẽ nhân rộng các nền tảng số dùng chung, việc tiếp cận này vì giúp các địa giảm chi phí, nguồn lực", TS. Nguyễn Nhật  Quang lưu ý.

Đồng thời, trên quan điểm ĐTTM là nơi mọi người dân được đáp ứng các lợi ích, nhu cầu, giá trị thụ hưởng và cũng là nơi tập hợp đông dân cư, đa dạng về trình độ, nhận thức, văn hóa của mỗi người khác nhau…, TS. Nguyễn Nhật Quang chia sẻ: "Việc chuyển đổi để tạo ra văn hóa thông minh cũng rất quan trọng và công cụ quan trọng để tạo văn hóa thông minh cho mọi người thì không thể bỏ qua vai trò của các công nghệ số dẫn dắt và các ĐTTM của Thái Nguyên nên tận dụng tốt điều này"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ĐTTM cần đặt trong tổng thể của quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO