7 khuyến nghị để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Tâm An| 27/03/2022 07:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng đầu trong khu vực ASEAN. Trong bối cảnh công nghệ mới ngày càng phát triển, chuyển đổi số (CĐS) được coi là động lực cho nền kinh tế phục hồi và bứt phá sau đại dịch.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% - 7,0%. Triển vọng phục hồi này được thúc đẩy bởi tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao và CĐS mạnh mẽ toàn diện trên mọi lĩnh vực.

CĐS - động lực cho nền kinh tế phục hồi và bứt phá

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã cho thấy CĐS là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam.

Nhấn mạnh quan điểm người dân là trung tâm của CĐS, Chương trình xác định rõ, những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên CĐS trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.

Theo ADB, mặc dù việc thiếu những định nghĩa tiêu chuẩn đã khiến việc đánh giá các thành phần và khía cạnh của nền kinh tế số của Việt Nam gặp nhiều thách thức, tương tự như hầu hết các nền kinh tế khác đang phát triển ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa, Việt Nam đã và đang đạt được những bước tiến lớn trong 5 năm qua.

Từ thành tựu CĐS…

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google, Temasek và Bain & Company (2020) với định nghĩa hẹp về nền kinh tế số bao gồm lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), các lĩnh vực sản xuất ICT, các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ nền tảng số, giá trị nền kinh tế số của Việt Nam ước tính đạt 21 tỷ USD, tương đương 6,1% GDP của Việt Nam vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 29% trong giai đoạn 2016 - 2021, nhanh nhất trong khu vực ASEAN.

Việt Nam cũng được xếp hạng cao trong cả 4 chỉ số xếp hạng CĐS phổ biến nhất toàn cầu.

Đáng chú ý, theo Chỉ số trí tuệ kỹ thuật số (Digital Intelligence Index) của trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) (2020), Việt Nam thuộc nhóm "bứt phá" cùng với Thái Lan, Indonesia và Campuchia nhờ sự phát triển nhanh chóng các công nghệ số và tận dụng lợi thế để đi tắt đón đầu trong CĐS.

Chỉ số sẵn sàng kỹ thuật số toàn cầu của Cisco (Cisco Global Digital Readiness Index) đã xếp Việt Nam vào giai đoạn "tăng tốc" (giai đoạn giữa của mức độ sẵn sàng kỹ thuật số), cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội để bắt kịp với các quốc gia hàng đầu về mức độ sẵn sàng số hóa.

Với chỉ số kết nối toàn cầu (Global Connectivity Index), Việt Nam nằm trong nhóm "tiếp nhận", xếp thứ 55/79 quốc gia trên toàn cầu và thứ 5 trong khu vực ASEAN sau Singapore (2), Malaysia (34), Thái Lan (46), Campuchia (54); cao hơn Indonesia (58) và Philippines (59).

Theo Chỉ số chấp nhận kỹ thuật số (Digital Adoption Index) và khung CHIP của Ngân hàng Thế giới (kết nối, nắm bắt, đổi mới sáng tạo và an ninh mạng - Connect, Harness, Innovate, and Protect), Việt Nam được xếp hạng cùng nhóm với Thái Lan, Indonesia với kết quả tích cực trong một số lĩnh vực như kết nối Internet, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số mới.

Nhờ sự hoàn thiện về pháp lý, môi trường kinh doanh, từng bước hiện đại hóa hạ tầng số và nâng cao trình độ lao động số, vị trí của Việt Nam trong bản đồ CĐS của thế giới có sự bứt phá qua từng năm.

Cụ thể, Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CĐS. Một số chính sách và quy định đã đưa ra lộ trình và mục tiêu phát triển nền kinh tế số cùng với các mục tiêu kinh tế - xã hội khác. Các chính sách này nhằm khuyến khích các công ty khởi nghiệp, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực mới nổi, đo lường phạm vi và các thành phần của nền kinh tế số, đồng thời có những chính sách bảo vệ nhiều hơn cho người tiêu dùng trực tuyến.

Về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã xây dựng hiệu quả và dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng số hiện đại. Đặc biệt, Chính phủ điện tử đã được đẩy mạnh nhanh chóng, giảm số lượng lớn các thủ tục hành chính và tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến lên gấp 10 lần từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021.

Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có kết nối Internet tương đối tốt. So với các nền kinh tế ASEAN khác, Việt Nam đang dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ 5G. Đồng thời, cũng là một trong những nước có giá cước Internet rẻ nhất thế giới, có số lượng người dùng Internet lớn thứ ba, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động cao thứ hai và tốc độ kết nối di động trung bình nhanh thứ hai trong khu vực ASEAN.

Theo một nghiên cứu của Hootsuite và We Are Social (2021), tỷ lệ thâm nhập Internet, mạng xã hội và kết nối di động của Việt Nam lần lượt là 70,3%, 73,7% và 160,0%, cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Chính phủ cũng đã những có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa và DN khởi nghiệp bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thực hiện các sáng kiến khu vực, quốc gia và địa phương… nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong nước và với các quốc gia trên thế giới.

Trong khi đó, kỹ năng và trình độ của lực lượng lao động cũng được nâng cao. Theo WB, Chỉ số Vốn con người (HCI) của Việt Nam năm 2020 nằm trong nhóm phát triển cao, xếp thứ 48/157 quốc gia và thứ hai trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của cả nước tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020.

Chuyển đổi số – động lực cho nền kinh tế phục hồi và bứt phá - Ảnh 1.

Theo WB, Chỉ số Vốn con người (HCI) của Việt Nam năm 2020 nằm trong nhóm phát triển cao. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Với hơn 50.000 DN CNTT, 955.000 nhân viên CNTT và 80.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT mỗi năm, Việt Nam ngày càng đạt được sức hút trong đầu tư công nghệ và khởi nghiệp, đưa đất nước từ điểm đến là gia công phần mềm CNTT sang quốc gia có thể sản xuất trong nước các sản phẩm công nghệ theo sáng kiến "Make in Viet Nam".

… đến động lực bứt phá cho nền kinh tế số

Các thành tựu của quá trình số hóa có thể được nhìn thấy trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, từ các lĩnh vực hàng đầu như ICT, thương mại điện tử (TMĐT) và fintech cho đến các lĩnh vực công nghệ mới nổi như y tế và giáo dục.

Chủ trương "Make in VietNam" là nền tảng quan trọng tạo giá trị đột biến cho toàn ngành ICT. Theo đó, ICT là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 26,1% trong giai đoạn 2016 - 2021.

Sáng kiến "Make in Viet Nam" được kỳ vọng là động lực cho nghiên cứu, phát triển và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.

Trong khi đó, phát triển TMĐT cũng đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực ASEAN. Theo Google & Temasek, quy mô thị trường TMĐT ước tính đạt 13 tỷ USD, tương đương 3,4% GDP vào năm 2021, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 37,5%.

Trong số các nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập mua sắm trực tuyến cao nhất với 70,8% trong quý 3/2021. Việt Nam có 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến chỉ trong 2 năm 2020 - 2021 và 99% trong số những người tiêu dùng mới cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến sau đại dịch.

Việt Nam cũng có tới 60% DN đã phát triển các nền tảng kinh doanh trực tuyến với khách hàng và DN kinh doanh trực tuyến trong nước và quốc tế.

Chuyển đổi số – động lực cho nền kinh tế phục hồi và bứt phá - Ảnh 2.

TMĐT Việt Nam có mức tăng trưởng cao trong khu vực ASEAN. (Ảnh: nld.com.vn)

Theo WB, tỷ lệ các DN sử dụng nền tảng số, trang web TMĐT, mạng xã hội trực tuyến và các ứng dụng chuyên biệt dành cho thiết bị di động tại Việt Nam tăng mạnh từ 48% vào tháng 6/2020 lên 73% vào tháng 1/2021 và số lượng công ty đầu tư vào các giải pháp số tăng hơn 4 lần từ 5% lên 21% trong cùng kỳ.

Đối với lĩnh vực fintech, số lượng startup fintech ở Việt Nam cũng đã tăng gấp 4 lần từ 39 DN vào năm 2015 lên 154 DN vào năm 2020, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán, cho vay ngang hàng, blockchain, điểm bán hàng và quản lý tài sản.

Quy mô thị trường fintech của Việt Nam ước tính đạt 8 tỷ USD vào năm 2020, gấp đôi so với năm 2017. Trong khi đó, các tổ chức tài chính cũng đã đẩy mạnh nỗ lực số hóa bằng cách hợp tác với các công ty fintech để hiện đại hóa hoạt động kinh doanh, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và đóng góp vào các mục tiêu hòa nhập tài chính của Việt Nam.

7 khuyến nghị của ADB

Để đạt được các mục tiêu trong Chiến lược CĐS quốc gia và thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế số ASEAN khác, trong một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng ADB với tựa đề "Đông Nam Á: Trỗi dậy từ đại dịch" (Southeast Asia: Rising from the Pandemic), các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cho nền kinh tế số bao gồm cơ chế sandbox cho fintech, cho vay P2P và các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới.

Thứ hai, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các hoạt động đổi mới, bao gồm việc mở rộng vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia trong việc hỗ trợ ĐMST, hệ sinh thái khởi nghiệp và nền kinh tế số; Cung cấp thêm thông tin cho các công ty khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ và quỹ đầu tư mạo hiểm; và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các startup vào chuỗi cung ứng.

Thứ ba, nâng cấp cơ sở hạ tầng số. Mục tiêu này có thể đạt được bằng cách cải thiện chất lượng và tốc độ kết nối Internet, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa; mở rộng mạng di động 5G; và tạo ra một nền tảng dữ liệu có thể được chia sẻ giữa các bên liên quan và các DN.

Thứ tư, Việt Nam cần tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa cho giáo dục và đào tạo (kỹ thuật và dạy nghề, đào tạo CNTT tại chỗ, các khóa đào tạo tiếng Anh và kỹ năng mềm) và mở rộng đội ngũ nhân tài bằng cách cung cấp các chương trình học bổng CNTT và thu hút các nhân tài công nghệ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tích cực tham gia vào các sáng kiến và hợp tác quốc tế cũng như khu vực để xây dựng một lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao.

Thứ năm, thúc đẩy quyền riêng tư dữ liệu và an toàn thông tin mạng. Theo đó, Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần sớm được ban hành. Đồng thời, Chính phủ nên xem xét việc thiết lập một tiêu chuẩn an toàn, an ninh mạng và thị trường bảo hiểm không gian mạng cho cả khu vực công và tư nhân. 

Cùng với đó, Việt Nam cũng nên hợp tác với các quốc gia ASEAN để xây dựng một khuôn khổ quản lý dữ liệu nhằm cải thiện khả năng bảo vệ quyền riêng tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu số xuyên biên giới và bản địa hóa dữ liệu.

Thứ sáu, thúc đẩy tài chính số. Theo ADB, Việt Nam cần xem xét thúc đẩy một môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho chuyển đổi tài chính số, xây dựng chiến lược giáo dục tài chính toàn diện và sâu rộng cho đến năm 2030, cung cấp giáo dục về kiến thức và kỹ năng tài chính số cho các cá nhân và DN; Đồng thời thúc đẩy thanh toán số và cải thiện vấn đề bao trùm tài chính, đặc biệt là đối với những người không có khả năng tiếp cận được hoặc hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Cuối cùng, thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư trong CĐS. Để thực hiện CĐS quy mô lớn thành công và bền vững đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các tổ chức công - tư, không chỉ về đầu tư tài chính mà còn hợp tác để ứng dụng các công nghệ và dịch vụ mới. Sự hợp tác này sẽ yêu cầu một số quy định để xác định các lĩnh vực trách nhiệm của Nhà nước và của các tổ chức tư nhân. Do đó, một khuôn khổ pháp lý thuận lợi về quan hệ đối tác công - tư và lộ trình rõ ràng để thực hiện chiến lược CĐS quốc gia sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng./.

Bài liên quan
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
7 khuyến nghị để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO